Những ước mơ cổ tích

Thứ Bảy, 05/01/2019, 08:29
Người châu Âu xứ lạnh gọi truyện cổ tích là "những truyện kể bên bếp lửa" vì có sự liên tưởng gần gũi giữa nội dung được kể và "bếp lửa" có nhiều nét chung. Cả hai đều mang đến sự ấm áp, xua đuổi mọi buốt giá, đem đến những gì hy vọng, tin tưởng.


Người Việt ta gọi truyện cổ tích là những câu chuyện bà kể lúc đêm khuya, vì đối tượng tiếp nhận thường là trẻ thơ. Giữa bà và cháu vừa gần gũi, thân tình vừa đủ một khoảng cách thẩm mỹ để cháu đón nhận hình tượng một cách trọn vẹn. Bà đã có tuổi, đủ trải nghiệm để cháu tin và giọng của bà mới hợp với nội dung, cái giọng vừa ấm áp vừa như có gì xa vắng từ ngày xưa vọng về…

Truyện cổ tích không chỉ mãi mãi hấp dẫn thế giới trẻ thơ mà còn làm say mê bao người đủ mọi lứa tuổi khác nhau. Thế nên dù làm bất cứ việc gì, ngành nghề nào, không ai là không nhớ một vài câu chuyện, một vài nhân vật, một vài chi tiết  không chỉ nước mình mà còn là những truyện đặc sắc trên thế giới. Vì con người ta đều có nhu cầu được sống ở một thế giới khác tốt đẹp và hạnh phúc hơn, sang trọng và mới mẻ hơn, công bằng và vương giả hơn. Cổ tích sẽ giúp bạn điều ấy.

Hình minh hoạ truyện cổ tích Tấm Cám.

Sống giữa thế giới hiện thực ngổn ngang, phải đối mặt với bao lo toan bề bộn, con người ta luôn có nhu cầu tin vào những điều gì đó kỳ lạ, huyền ảo, thậm chí phi lý để cân bằng trạng thái. Cổ tích sẽ giúp họ. Ai cũng đều có khát vọng, có ước mơ được thay đổi để cuộc đời tốt đẹp hơn. Cổ tích sẽ giúp họ ươm những mầm hy vọng. Ai cũng có trí tưởng tượng, liên tưởng. Cổ tích sẽ kích thích và khơi mở những thế giới mới mà con người khó tưởng tượng ra…

Cổ tích đã đi trước trí tuệ nhân loại hàng ngàn năm, thậm chí còn xác lập những mục tiêu để con người hiện đại vươn tới... Ngày nay, người ta sung sướng và tự hào được đi máy bay, nhưng hàng ngàn năm trước trong cổ tích đã có con chim sắt biết bay, tấm thảm, cái chổi bay… đưa con người đi nhanh hơn bây giờ.

Ngày nay người ta tham quan đáy đại dương bằng tàu ngầm, tàu lặn nhưng trong cổ tích thì con người chỉ cần rẽ nước để đi xuống thuỷ cung. Truyện cổ tích có một đặc điểm là "phi không gian", "phi thời gian", nghĩa là con người không chịu chi phối bởi vật cản nào. Một cái nháy mắt là đã có thể sống ở một thế giới khác.

Thế nên cô Tấm hay chàng Thạch Sanh có thể sống ở cõi dương, đi về cõi âm và làm khách dưới cung vua Thuỷ Tề… Con người lại có thể sống một cuộc sống thực trong giấc mơ của mình. Có chàng học trò nhà nghèo mơ lấy được công chúa, từ đó cứ ba ngày chàng mơ một lần để sống cuộc đời phò mã ăn ngon mặc đẹp trong cảnh nhung lụa cung đình lên xe xuống ngựa. Tỉnh dậy là chàng trở về với cuộc sống trần thế. Chẳng cần ăn mà chàng vẫn khoẻ mạnh, hồng hào… Liệu cách mạng 4.0 rồi 5, 6.0… có tạo ra được những cuộc sống đẹp và thi vị như thế!

Cổ tích quả là một thế giới kỳ diệu…!!!
Nguyễn Thanh Tú
.
.