Đọc "Quách Liêu - tác phẩm chọn lọc", NXB Hội Nhà văn, 2018

Những trang văn giản dị, hóm hỉnh

Thứ Hai, 09/04/2018, 08:36
Nhà văn Quách Liêu chọn cách viết ngắn gọn, giản dị, nhưng ấm áp tình người, để dẫn tải nội dung cho từng trang viết. Không chỉ riêng mảng truyện ngắn, mà phần kịch, thơ, chuyện vui của ông đều thống nhất phong cách này, tạo ra một bút pháp của Quách Liêu...


Viết cho thiếu nhi đã khó, nhưng chọn đề tài viết cho thiếu nhi miền núi lại càng khó hơn. Vậy mà, nhà văn Quách Liêu như đã trọn đời cầm bút dành cho công việc này. Nhân 75 tuổi đời, mùa xuân này, nhà văn Quách Liêu đã cho ra mắt bạn đọc tập “Quách Liêu, tác phẩm chọn lọc” với 672 trang in khổ 15x23cm, NXB Hội Nhà văn ấn hành. Cầm tập sách trên tay, tôi rất cảm kích một đời cầm bút chuyên cần và có phần lặng lẽ của ông.

Tập sách gồm ba phần. Phần một: Tác phẩm viết cho thiếu nhi (có 2 truyện dài, 35 truyện ngắn, 25 truyện vui, 9 bài thơ, 14 kịch bản). Phần hai: Tác phẩm viết cho người lớn (có 6 truyện ngắn, 9 bài thơ, 6 kịch bản, 3 chân dung nhà văn, 1 tiểu luận, 4 chuyện vui làng văn nghệ). Phần ba: Tác phẩm và dư luận, gồm 19 bài. Phần một, những tác phẩm viết cho thiếu nhi chiếm hai phần ba số trang của tập sách. Người đọc cũng dễ nhận thấy, đây là phần tâm huyết và thành công của nhà văn.

Truyện dài “Chú bé thổi kèn” viết về số phận chú bé người Mông, có tên A Lử, cha mẹ bị thực dân Pháp giết hại. A Lử sớm nhận thức, biết theo du kích của bản làng đi diệt kẻ thù. Với lòng căm thù giặc sâu sắc, với mưu trí, dũng cảm, A Lử cùng du kích, đã phá tan đồn giặc, giải phóng cho quê hương làng bản. Qua truyện  “Chú bé thổi kèn”, tác giả phản ánh được phong trào cách mạng của đồng bào Mông. Cũng qua đó, đã miêu tả được nét đẹp độc đáo về văn hóa của dân tộc.                  

Với 35 truyện ngắn, mỗi truyện như một lát cắt về đời sống sinh hoạt của các em thiếu nhi miền núi. Truyện “Cây Nọi ước” viết về cậu bé người Thái, có tên là Nọi. Nọi tám tuổi, nghịch ngợm và chăm làm. Sau giờ học trên lớp, Nọi về nhà chăn trâu và kiếm củi giúp bố mẹ. Việc lên rừng kiếm củi vô vàn khó khăn. Lá gianh, lá lau cứa má nó vệt dài, ứa máu. “Nó đau đến nỗi không dám cười hết cỡ, chỉ cười chụm môi vì sợ cười to căng má, vết xước lại há ra”.

Đọc đoạn văn trên, ngỡ ứa nước mắt, vì thương các em bé miền núi nghịch  ngợm và lam làm. Năm mới, Nọi chỉ ước không phải kiếm củi, vì lá gianh cào má đau lắm. Thầy giáo đã phối hợp cùng cán bộ lâm nghiệp về trường dạy các em trồng cây điền thanh. Mùa thu hoạch, lá cây làm phân xanh, thân cây phơi khô làm củi, thật tiện. Đã vậy, thêm góp phần không phá rừng.

Có một truyện ngắn “Hái lá cầu may”, truyện chỉ chưa đầy ba trang sách mà  ám ảnh người đọc. Câu chuyện rất đơn giản, chỉ là việc em bé đi hái lá cầu may sau phút giao thừa, theo lời chị dâu dặn. Thay về việc hái cành lộc nhỏ, em gái đã chọn hẳn một cành to, rồi cố xoắn cành để bẻ, cho đến cây bị tướp hết vỏ. Câu chuyện không chỉ dừng ở đấy.

Ngày đi học đầu năm, em gái đi qua cái cây mà em đã bẻ lá cầu may đêm giao thừa, thấy cây héo lả, mấy em học lớp dưới ngồi khóc thút thít. Hỏi ra, các em khóc vì thương cây của nhóm em chăm nom. Cái cây bị bẻ cành lá cầu may dần héo chết, đã được trồng cây khác thay thế. Thấm thoát, năm mới lại đến. Em bé lại đi chơi giao thừa cùng bạn. Nhưng năm nay em bé không hái lá cầu may nữa.

Em hiểu, may mắn hay không là ở mình. Nhưng khi đến gần trường, em  thấy mấy em nhỏ ngồi co ro bên vệ cỏ. Hỏi ra, mới biết, các em ngồi canh cây, sợ có kẻ lại bẻ cây như tết trước. Khuyên các em về không được, cuối cùng, em phải thú nhận mình là kẻ đã bẻ cây lấy lá cầu may làm cây chết tết năm trước.

Rồi hứa, năm nay không làm thế nữa đâu. Câu chuyện đơn giản, đọc xong mà ngậm ngùi. Vậy là, chỉ vì lòng ham muốn cá nhân đã gây nỗi buồn cho người khác. Cuối cùng, khi tự biết nhận sai lầm, biết xin lỗi việc sai mình gây ra, thì tạo ra niềm vui cho mình và người khác.

Câu chuyện chỉ đơn giản vậy, nhưng có tính giáo dục nhẹ nhàng và thiết thực. Viết truyện cho các em thiếu nhi, có lẽ cái bí quyết thành công là ở chỗ này. Từ tình cảm chân tình, giản dị và ấm áp, lại lan tỏa tính  giáo dục và nâng cao nhận thức cho các em.

Nhà văn Quách Liêu chọn cách viết ngắn gọn, giản dị, nhưng ấm áp tình người, để dẫn tải nội dung cho từng trang viết. Không chỉ riêng mảng truyện ngắn, mà phần kịch, thơ, chuyện vui của ông đều thống nhất phong cách này, tạo ra một bút pháp của Quách Liêu. Cũng chính vì chọn lối đi riêng cho mình, chọn đề tài và mảnh đất sáng tác riêng, nên nhà văn Quách Liêu đã thu hoạch được thành quả đáng kể cho nghiệp viết của mình.

Việc chọn viết cho các em thiếu nhi miền núi, với Quách Liêu, như có sự sắp đặt của số phận. Vốn quê Vĩnh Phúc, lớn lên, từng theo gia đình ở nhiều nơi, khi Hải Phòng, Hà Nội. Rồi cũng nhiều hoài bão như bao lứa học sinh khác, ngay thời còn ngồi trên ghế nhà trường, Quách Liêu đã mơ mình là họa sỹ, nhạc sỹ.

Ấy nhưng tốt nghiệp Khoa Chủ nhiệm câu lạc bộ, Trường Lý luận và Nghiệp vụ Bộ Văn hóa, những cánh rừng Tây Bắc ngút ngàn hùng vĩ đã lôi cuốn, để chàng Quách Liêu trở thành một anh nhân viên của đội đèn chiếu. Ngày nay, nói tới đèn chiếu, nhiều người không rõ. Những năm sáu, bảy mươi của thế kỷ trước, khi công nghệ chiếu phim, truyền hình chưa phát triển rộng thì công nghệ đèn chiếu tuy thô sơ, đã góp phần cải thiện đời sống văn hóa cho bà con các dân tộc miền núi từng bước thoát khỏi cõi u mê, lạc hậu.

Ngoài ra, nó đã góp phần tích cực trong việc tuyên truyền, quảng bá các chủ trương, đường lối chính sách  của Đảng tới các bản làng cheo leo xa xôi. Những ngày tháng cùng anh em trong đơn vị gùi cỗ máy đèn chiếu đi lang bang khắp các nẻo đường núi rừng Tây Bắc, ngoài phận sự của anh nhân viên đèn chiếu thì vô tình, đó là những chuyến đi thực tế vô cùng thú vị cho một nhà văn Quách Liêu sau này.

Vì mê viết văn, năm 1978, Quách Liêu chuyển về Hội Văn nghệ Hoàng Liên Sơn (nay là hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái). Năm 1980, về Hà Nội làm phóng viên Ban Phát thanh và Truyền hình Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Từ đây, địa bàn hoạt động của Quách Liêu càng thêm được mở rộng. Tuy nhiên, mảnh đất rừng núi Tây Bắc vẫn gắn bó với ngòi bút Quách Liêu. Nghiệp viết lách càng thêm cơ hội để phát triển.

Thực ra, ngay từ năm 1964, khi 21 tuổi, Quách Liêu đã có bài in trên các báo. Nhưng kể từ năm 1968, khi theo học khóa ba, Trường Bồi dưỡng những người viết văn trẻ Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, thì bao kiến thức viết văn mới thực vững vàng và mở rộng tầng cảm xúc sáng tạo cho Quách Liêu.

Là một người dè dặt và có phần quá cẩn trọng trong nghiệp viết, mãi năm 1991, truyện dài “Chú bé thổi kèn” của ông mới ra đời. Lập tức, cuốn truyện dài này được giải thưởng loại B (không có giải A) của Hội Nhà văn Việt Nam và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng. Năm 1995, tập truyện ngắn “Cây Nọi ước” xuất bản, được bạn đọc đánh giá cao.

Năm 1997, ông cho xuất bản tập truyện ngắn “Nữ thần”, lại được giải thưởng của Nhà xuất bản Kim Đồng. Truyện ngắn “Chị dâu tôi” và “Khi đàn chim trở về”, in năm 1998, 2005, được giải thưởng của Báo Thiếu niên Tiền phong.

Tất cả các tác phẩm trên, đều viết dành cho lứa tuổi thiếu nhi. Quách Liêu đã trở thành một nhà văn viết cho thiếu nhi có uy tín, nối tiếp cùng đội ngũ các nhà văn viết cho thiếu nhi đã có nhiều đóng góp, như Tô Hoài, Đoàn Giỏi, Phạm Hổ, Trần Hoài Dương, Định Hải, Phong Thu, Lê Phương Liên...

Trong một suy nghĩ về nghề, nhà văn Quách Liêu viết: “Thời thanh niên, lên làm việc trên Tây Bắc, cho tôi nhiều cảm hứng, viết được những trang khá thành công”. Rồi chính ông cũng thành thật giãi bày: “Rời núi về xuôi, tôi đi nhiều nơi, viết nhiều bài báo, nhưng văn thì không được như trước”.

Nghề viết, dễ chủ quan, ấy nhưng biết nhìn nhận, tự đánh giá mình như nhà văn Quách Liêu, thì người đọc lại yêu quý và tìm đọc những trang viết của ông. Trong tập “Quách Liêu, tác phẩm chọn lọc” này, ngoài mảng văn học viết cho thiếu nhi thì mảng kịch và chân dung nhà văn của ông, cũng gây được ấn tượng cho người đọc.

Nhà văn Nguyên Hồng từng được nhiều người viết, nhưng với bài “Nguyên Hồng- nhà văn mau nước mắt”, Quách Liêu đã khắc họa được chân dung nhà văn nổi tiếng này với những chi nét  đáng yêu riêng. “Có hôm giữa trưa hè, chúng tôi đi qua đình làng, nhìn vào, thấy ông bò toài trên tấm ni lông con con trải ở hiên, một tay phành phạch cái quạt, tay kia lăm lăm cây bút chữa bài”.

Đấy là cảnh nhỏ trong những ngày lớp bồi dưỡng viết văn ở làng sơ tán mà nhà văn Nguyên Hồng là một người phụ trách. Ai cũng biết nhà văn Nguyên Hồng luôn chăm sóc, dìu dắt các cây bút trẻ. Quách Liêu còn viết “Nhìn ông râu tóc lởm chởm, quần áo nâu nhầu nhĩ, ôm cái cặp căng phồng sờn trơ cả cốt, rảo bước trên hè phố, ngỡ là người cũ kỹ. Được gần ông, nghe ông nói, ngộ ra ông tươi mới lạ thường”. Với tấm lòng kính trọng các bậc nhà văn lớp trên, những trang viết chân dung các nhà văn của Quách Liêu gây ấn tượng cho người đọc.

Bảy mươi lăm tuổi đời, năm nhăm năm cầm bút, lại chuyên tâm vào thể loại văn học viết cho thiếu nhi miền núi, với thái độ lao động chuyên cần, với tấm lòng nhân hậu, nhà văn Quách Liêu đã có được những tác phẩm xứng đáng trong lòng bạn đọc. Văn phong giản dị, trong sáng và hóm hỉnh, những trang viết của nhà văn Quách Liêu toát lên vẻ đẹp hồn nhiên, mộc mạc của đời sống các em thiếu nhi miền núi rừng Tây Bắc.

Tháng 3-2018

Vũ Từ Trang
.
.