Những tấm biển chết người

Thứ Sáu, 11/11/2016, 13:09
Vụ cháy quán karaoke khiến 13 người tử vong đã một lần nữa gióng lên tiếng chuông cảnh báo về công tác phòng cháy chữa cháy. Dường như trong dòng chảy xã hội mà tai nạn giao thông thảm khốc diễn ra quá thường xuyên; thực phẩm bẩn đe dọa mỗi ngày…, chúng ta vô tình quên mất mỗi năm thiệt hại do cháy nổ là như thế nào. Nhưng chỉ cần thống kê lại con số thôi, có thể chúng ta sẽ giật mình vì thương vong, mất mát do cháy nổ chắc không hề kém cạnh so với những tai nạn khác.


Nói về cháy nổ, chúng ta bàn quá nhiều đến các phương pháp phòng chống cháy, từ chuyện trang bị bình cứu hoả theo đúng luật định cho tới các phương pháp chống hỏa hoạn hoặc cứu nạn khi gặp sự cố hoả hoạn.

Song, chúng ta đã vô tình quên mất rằng, để phòng cháy, chúng ta không chỉ cầu viện vào ý thức phòng hộ của mỗi người hay những tuyên truyền, kiểm tra rà soát của các lực lượng chức năng mà phải cầu viện từ ý thức của những ngành nghề khác mà một trong những ngành nghề quan trọng nhất chính là văn hoá, thông tin, thương mại bởi nó gắn liền mật thiết tới các tấm biển quảng cáo, những tấm biển vô tình trở thành những thứ có thể giết người.

Nếu chúng ta đi dọc một con phố sầm uất và kiểm đếm xem có bao nhiêu tấm biển quảng cáo ngoài trời đang trở thành thứ bít chặt đường thoát hiểm, bít chặt ngõ thông thoáng của các toà nhà, chúng ta có thể nhận ra con số các điểm có nguy cơ cháy nổ cao sẽ không hề nhỏ chút nào. Quảng cáo là vũ khí chiến lược trong sản xuất kinh doanh nhưng quảng cáo vô tội vạ cũng đang là vũ khí tối thượng của “bà hỏa” mà minh chứng rõ rệt nhất là tấm biển quảng cáo đã gây ra kết cục bi thảm của vụ cháy quán karaoke trên đường Trần Thái Tông – Hà Nội.

Phải thừa nhận, trong kinh doanh, mặt tiền còn quý hơn vàng và tất cả các mặt thoáng của mặt tiền đều có thể quy ra giá trị. Song, sử dụng mặt tiền thế nào dường như đang bị bỏ ngỏ thực sự và câu hỏi được đặt ra ở đây là cơ quan có thẩm quyền cấp phép quảng cáo đã và đang quan tâm tới phòng chống cháy nổ ở mức độ ra sao?

Hãy thử tưởng tượng đến nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra đối với một trung tâm ngoại ngữ đóng giữa đô thị, với toàn bộ mặt tiền của tòa nhà được bịt kín bởi những tấm biển đèn trải rộng, trên đó rực rỡ màu sắc của logo thương hiệu trung tâm cùng những dịch vụ tiện ích mà trung tâm ấy mang lại, bạn có dám gửi con mình tới đó học hay không?

Hãy thử tưởng tượng bạn đang làm việc trong một toà nhà mà mặt tiền của nó bị bịt kín bởi biển quảng cáo, bạn có còn an tâm nữa hay không? Dường như chúng ta đang vô tình quên đi hiểm họa đe doạ đến mạng sống mình một cách vô cùng thản nhiên chỉ bởi vì nó chưa diễn ra, và cũng chỉ bởi vì ngày thường ta có quá nhiều điều phải quan tâm nên ta coi nó là vụn vặt.

Quy hoạch quảng cáo đô thị vì thế là một công tác vô cùng quan trọng, góp phần hữu ích cho nhiệm vụ phòng chống cháy nổ. Đã đến lúc không thể phó mặc việc phòng chống cháy nổ cho cơ quan chữa cháy được nữa. Đơn giản, bản thân những người cảnh sát Phòng cháy chữa cháy không bao giờ muốn mình phải làm cái việc lao vào lửa để cứu người cả. Họ muốn làm những việc để đám cháy không xảy ra chứ không phải chỉ có mỗi một nhiệm vụ xử lý những đám cháy, nhiệm vụ mà có thể chính tính mạng của họ cũng bị đe doạ nghiêm trọng. 

Văn Đoàn
.
.