Những nhà hát tối đèn

Thứ Năm, 21/07/2016, 08:30
Một thành phố như Hà Nội, hay TP Hồ Chí Minh, có bao nhiêu nhà hát? Câu hỏi đường đột này có thể khiến chúng ta bối rối, và mất kha khá thời gian để thống kê. Nhưng nếu chúng ta làm một cách cực kỳ thủ công để thống kê là đi dò tìm từng nhà hát một, có lẽ chúng ta sẽ nhận ra một điểm chung rằng: Có quá nhiều nhà hát không sáng đèn thường xuyên.


Một ví dụ khá điển hình là nhà hát Hoà Bình, một nhà hát có sức chứa lớn nhất của TP Hồ Chí Minh. Hòa Bình thuộc diện "đắt" khách, nên hay nhận được những yêu cầu thuê địa điểm để tổ chức các concert, show…

Nhưng điều đó cũng không khiến Hoà Bình sáng đèn hàng đêm được. Cái thời Hoà Bình có riêng diễn viên của mình đã xa rồi, hơn 20 năm trước. Từ Hoà Bình, đã nhiều nghệ sỹ thành danh, nổi tiếng và giàu có. Còn Hòa Bình vẫn thế. Giờ nó chỉ là cái địa điểm không hơn không kém. Và Ban Giám đốc của Hòa Bình, trong nỗ lực bảo dưỡng, đại tu định kỳ, đã phải cho thuê làm rạp chiếu phim buổi chiều và cả những buổi tối không có ai thuê để làm show hay concert. Nói chung, Hoà Bình là nhà hát tối đèn.

Nhà hát trung tâm TP Hồ Chí Minh cũng không hơn. Công năng của Nhà hát TP Hồ Chí Minh, do người Pháp xây là để phục vụ diễn kịch, thính phòng… Nhưng khi sửa sang lại, cái hố nhạc, điểm nhấn của nhà hát cũng đã bị lấp lại. Người ta lấp hố nhạc vì không còn những vở diễn, show diễn mà dàn nhạc sẽ ngồi dưới hố nhạc nữa. Bởi thế họ nghĩ không cần thiết dù cái hố nhạc ấy được thiết kế có ý đồ, nhất là trong cộng hưởng âm thanh.

Những nhà hát tối đèn rải khắp các địa phương cả nước nói lên câu chuyện gì?

Chúng ta đừng trách nghệ sỹ, đừng trách những nhà quản lý vội mà hãy nhìn vào chính chúng ta để thấu hiểu. Lỗi tại chúng ta, công chúng Việt Nam, một công chúng không có thói quen thưởng thức.

Có nhiều người cố công dựng các chương trình thật hay với mục đích kéo khán giả tới sân khấu nhưng cuối cùng, nỗ lực của họ chỉ vô ích. Diễn 1 đêm: đông khách. Diễn 2 đêm: Vẫn đông khách. Diễn 3 đêm: khách còn đông. Sang đêm thứ tư, khách đã không còn tha thiết nữa.

Ở nước ngoài, một vở diễn dựng công phu, một chương trình hoà nhạc chất lượng có tuổi thọ rất lâu. Có những vở, những chương trình cả chục năm vẫn còn sáng đèn. Cơ bản, người nước ngoài có thói quen thưởng thức. Họ tới với nhà hát để thưởng thức. Một vở diễn, chương trình họ có thể xem đi xem lại nhiều lần mà không hết niềm thích thú. Còn ở Việt Nam thì sao? Khán giả chỉ xem 1 lần, cho biết. Biết rồi, không bao giờ xem lại lần thứ hai.

Sân khấu đã bị giết bởi thói quen ấy của công chúng chứ không phải bởi gameshow trên truyền hình. Và sự chết của sân khấu lại tốc độ hơn nữa, khi khán giả Việt không mặn mà. Họ không sẵn sàng bỏ thời gian vào nhà hát nhiều khi chỉ vì tiếc một đêm đi nhậu…

Văn Đoàn
.
.