Những lai căng đáng ngại

Thứ Năm, 19/10/2017, 18:26
"Èm muồn thấy anh cười". Câu này có lẽ nhiều bạn đọc cho rằng người viết mắc lỗi đánh máy, nhưng kỳ thực, nó là phiên âm đúng theo những gì được hát từ ca khúc "Anh cứ đi đi", một trong những bản hit đình đám hai năm trở lại đây của nhạc nhẹ Việt Nam. Và cái lỗi "ép ca từ theo nhạc" dẫn tới "em muốn" trở thành "èm muồn" trong câu hát ấy là một lỗi sơ đẳng cần phải tránh trong kỹ thuật sáng tác ca khúc được gọi tên là "lỗi cưỡng âm".


Nếu nghe thật kỹ những ca khúc nhạc trẻ mấy năm gần đây, chúng ta sẽ nhận thấy rằng, không chỉ một mình "Anh cứ đi đi" mắc lỗi cưỡng âm đáng tiếc này mà nhiều ca khúc phạm vào lỗi sơ đẳng ấy. Thậm chí, trường hợp của "Anh cứ đi đi" là còn rất nhẹ, khi chỉ có 1 chỗ mắc lỗi cưỡng âm trong cả ca khúc, trong khi có nhiều ca khúc khác người nghe có thể nhặt ra tới chục lỗi tương tự.

Lý do nào khiến các tác giả khiến đứa con tinh thần của họ méo mó đến vậy? Thực tế, không nên nghĩ vội rằng vì họ thiếu năng lực ngôn ngữ đến mức không thể kiếm tìm từ thay thế đồng âm với cao độ note nhạc. Ngay cả một bậc thầy về ca từ như Trịnh Công Sơn cũng có lúc mắc lỗi cưỡng âm, như trường hợp câu "làm tưng nỗi ưu phiền" (lẽ ra là "làm từng nỗi ưu phiền") trong ca khúc "Lặng lẽ nơi này". 

Song, việc mắc lỗi cưỡng âm của vài nhạc sỹ đi trước là do họ quá tôn trọng/ trân trọng phần ca từ, đồng thời không muốn thỏa hiệp trong âm nhạc để phải "bẻ note chiều từ" khiến dòng giai điệu bị ảnh hưởng ít nhiều. Còn với các nhạc sỹ trẻ hiện nay, lỗi cưỡng âm họ mắc phải là do một chủ đích hồn nhiên theo trào lưu lai căng đáng lo ngại.

Trong một cuộc trò chuyện gần đây với chủ tịch một tập đoàn truyền thông lớn, tôi đã được nghe vị chủ tịch này chia sẻ rằng việc tạo bài hit cho một ca sỹ theo ông ta là không khó. Chỉ cần đặt hàng nhạc sỹ Hàn Quốc viết nhạc theo thời thượng và đặt người viết lời Việt là những bài ấy có khả năng thành hit và giúp một ca sỹ trẻ thành danh. Chia sẻ này không hẳn không có lý. Đơn giản, sự ảnh hưởng của nhạc nhẹ Hàn Quốc ở Việt Nam hôm nay đã trở nên lấn lướt và bản thân lớp sáng tác trẻ cũng chạy theo xu hướng giống Hàn Quốc hoặc thậm chí mượn beat nhạc Hàn Quốc để viết giai điệu dựa trên đó. Và nó chính là nguyên nhân tạo nên những cưỡng âm không đáng có.

Đơn giản, lối nói của người Việt, lối phát âm của người Việt không phù hợp với một vài dòng nhạc đặc thù, điển hình là R&B. Luyến láy của R&B khiến các âm có dấu cố định của người Việt sẽ bị bóp méo nếu không được đặt vào đúng hoàn cảnh âm sắc phù hợp. Thêm vào đó, trào lưu viết lời ca khúc theo kiểu sên sến thị thành nửa ngôn tình nửa trực diện đã khiến các nhạc sỹ trẻ chấp nhận bóp méo ngôn ngữ để giữ được cái ý phù hợp thị hiếu người nghe hiện thời. 

Chính vì thế, một nhạc sỹ nổi tiếng thế hệ trước đã phải thốt lên rằng "đừng làm thứ âm nhạc năm cha ba mẹ nữa các bạn trẻ ạ", trong khi một đồng nghiệp khác của anh thì lý giải "hoá ra bây giờ tôi mới hiểu tại sao bài hát tiếng Việt mà lại phải chạy phụ đề ở video clip".

Đặc thù văn hoá, âm nhạc, ngôn ngữ của người Việt thực tế vô cùng mạnh mẽ và riêng biệt. Gìn giữ đặc thù ấy không có nghĩa là đi theo con đường "dân ca" hay "dân ca đương đại" như cách nói bóng bẩy của nhiều người hơn chục năm qua. 

Gìn giữ đặc thù chỉ đơn giản là một ca khúc dù được viết bằng thể loại nào, Tây hay Á Đông đi nữa, trọn vẹn ngôn ngữ của nó phải thuần Việt, tự nhiên và không méo mó. Vậy mà khá lạ khi nhiều người vốn dĩ cho thấy họ đau đáu với âm nhạc Việt Nam lại chưa bao giờ lên tiếng về những lai căng đáng ngại như trên và chính việc "mặc kệ nó" đã khiến cái trào lưu kia càng trở nên mạnh mẽ, dần dần được coi là một tiêu chuẩn trong sáng tác của giới trẻ. 

Văn Đoàn
.
.