Những giá trị chân thực

Thứ Năm, 19/05/2016, 08:37
Có hai câu chuyện gần đây, nghe thì không liên quan đến nhau mấy, nhưng hóa ra lại có một điểm rất chung và khiến chúng ta sẽ còn phải trăn trở nhiều khi nghĩ về cái điểm rất chung ấy.

Câu chuyện thứ nhất là "cơn sốt" Trọng Nhân, chú bé đánh trống tài hoa đã đăng quang trong cuộc thi "Tìm kiếm tài năng Việt 2016". Trọng Nhân chững chạc, chơi máu lửa, sinh động và luôn làm bùng nổ khán phòng mỗi khi em xuất hiện cùng bộ trống, với những bản nhạc mà ngay cả những tay trống lớn tuổi hơn cũng không dễ gì thể hiện được. Em đăng quang xứng đáng, vì em chinh phục được khán giả, được ban giám khảo và ngay cả những người làm nghề chuyên nghiệp.

Nhưng nếu chúng ta nhìn lại quãng đường 2 năm rồi của Trọng Nhân, chúng ta sẽ nhận ra rằng em đã từng xuất hiện ở một cuộc thi tương tự trước đó, hồi 2014, cuộc thi "Tài năng nhí" cũng do một kênh truyền hình tổ chức. Và việc em đã xuất hiện ở một cuộc thi, rồi tái xuất ở một cuộc thi khác, là điều bình thường, chẳng ai có quyền phê phán cả. Nó thể hiện đúng tiến trình phát triển tài năng. Sau một thời gian, Nhân giỏi hơn, Nhân thi một cuộc thi khó hơn, quy mô hơn, và chiến thắng. Đó cũng là bài học về nỗ lực cho rất nhiều người lớn đang còn bi quan và yếm thế trong xã hội, đang còn ôm mối tự ti vô hình về chính mình.

Song, cái đáng nói là sự tái xuất của Nhân, cùng với rất nhiều sự tái xuất tương tự như thế, mà điển hình là Đức Phúc The Voice, người từng thất bại ở cuộc thi Vietnam Idol trước đây, cho thấy sự thừa mứa quá mức các cuộc thi kiếm tìm tài năng sân khấu na ná nhau trên truyền hình. Sơ sơ kể ra mỗi năm cũng phải có gần chục cuộc thi kiểu ấy được tổ chức, với số tiền bản quyền trả cho nước ngoài không nhỏ. Và vì nhiều cuộc thi quá, mà tài năng thì không dư dả gì, nên đâm ra mới có cái cảnh "tài năng không tự nhiên sinh ra, không tự nhiên mất đi, mà chỉ chuyển từ cuộc thi này sang cuộc thi khác".

Cũng cùng lúc Trọng Nhân đăng quang, ở Hà Nội, người ta tổ chức lễ hội hoa tử đằng (hoa Fuji) của Nhật Bản. Thế là sự háo hức đã khiến nhiều người đổ xô tới lễ hội đó, để rồi thứ họ nhận được là nỗi bực tức và thất vọng ê chề vì đơn giản, hoa tử đằng ở lễ hội ấy toàn là hoa giả, hoa giấy, hoa lụa, hoa nhựa cả.

Hoa tử đằng phải chăm rất công phu mới có thể trổ bông. Nghe nói, muốn cây ra hoa, phải chăm tới cả chục năm. Ở Tàu, người ta coi hoa tử đằng là biểu trưng cho tình bạn trân qúy. Ở châu Âu, tử đằng là sự bày tỏ lòng ngưỡng mộ tới người được nhận hoa ấy. Còn riêng ở Nhật, tử đằng chính là biểu tượng của tình yêu vĩnh cửu, gắn bó, hôn nhân đầu bạc răng long. Tất cả những thông điệp đẹp đẽ của loài hoa ấy, sang đến xứ mình, sau một lễ hội, hoá thành đồ giả hết. Phải chăng, ban tổ chức muốn hàm ý rằng ở xứ mình, tình bạn trân qúy, lòng ngưỡng vọng, tình yêu chung thủy đều chỉ là thứ đồ giả hết mà thôi? 

Văn Đoàn
.
.