Những đôi mắt trong quán phở

Thứ Ba, 21/04/2015, 08:27
Sài Gòn, tiệm phở, buổi sáng. Thực khách không quá vắng, cũng chẳng quá đông, nói chung là vừa đủ cho một sự an lặng vừa đủ. Lớp kính dày ngăn cách đường phố buổi sớm với không gian bên trong cũng vừa đủ để nhìn thấy hai thế giới: một của sự yên tĩnh, thư thả và một của những náo nhiệt, vội vã đầu ngày.

Đập vào mắt tôi là hai cha con ở phía bàn đối diện. Người cha, độ ngoài năm mươi; còn cậu con trai, chắc đang ở vào tuổi 14, 15 chi đó. Cậu bé vội vàng, gần như cúi mặt vào tô phở mà ăn. Nó gắp liên tay, ăn mạnh mẽ đúng như một cậu trai đang ở tuổi lớn. Người cha ngồi nhìn con mình ăn, còn ông thì chẳng ăn gì. Thoáng nhìn qua, nhiều người hẳn nghĩ "cha nhìn con ăn, có lẽ cha cũng thấy no lòng".

Thằng bé vẫn cắm cúi ăn, nhưng dường như đó không phải là sự cắm cúi, vồ vập của một đứa trẻ với một bữa ăn ngon miệng với nó, hoặc đúng là món mà nó ưa thích. Hình như nó vội vì một lẽ khác. Bây giờ là 7h15 sáng. Chắc nó vội vì sắp tới giờ vào trường. Còn người cha, vẫn chăm chú nhìn con mình ăn, nhưng chắc là không phải ông nhìn nó với sự mãn nguyện, bởi đôi mắt ông còn vội vàng hơn nó. Rồi ông liên tục rút điện thoại ra ngó giờ, ba hay bốn lần chi đó. Đôi mắt ông dần lộ rõ vẻ sốt ruột. Bây giờ là 7h15. Chắc ông đang tính toán con đường từ tiệm phở tới trường, rồi từ trường tới sở làm. Cũng như con mình, ông sợ muộn giờ làm việc chăng?

Tất cả chỉ là những phán đoán, từ những hành động, từ hai đôi mắt. Nhưng rồi phán đoán ấy dường như có cơ sở hơn khi cuộc thoại bắt đầu. Tôi không muốn làm người nghe trộm, nhưng những âm thanh từ tiếng rít lên đúng nghĩa của người cha làm tôi giật mình, dù đó chỉ là những tiếng rít rất khẽ. Tôi thấy hai hàm răng ông ấy nghiến lại. Tôi biết ông ấy đang bực bội. "Bình thường mẹ có cho đi ăn như thế này không? Ăn nhanh nhanh lên", giọng người cha sít lại và dù rất khẽ nó cũng vẫn đủ để vài thực khách phải quay lại nhìn.

Đứa bé cấm cẳn trả lời điều gì đó. Và hai cha con bắt đầu nói nhỏ lại, khi họ biết những gì mình nói có thể làm ảnh hưởng đến xung quanh. Âm thanh không còn nữa, chỉ còn lại hành động và hai đôi mắt như lúc ban đầu, nhưng cũng đủ để tôi không cần phải đoán già đoán non, mà thay vào đó là tôi biết chắc, đó đang là một trong vô số những đoạn hội thoại bình thường của cha con họ. Một tỏ ra áp đặt, uy thế và một luôn đáp lại bằng sự nhấm nhẳng, khó chịu.

Đó là loại hội thoại của những người không tìm được đồng cảm chung.

Có người sẽ nói tôi hồ đồ bởi đã là cha con, mối quan hệ máu mủ, mối quan hệ thấm vào từng tế bào, thấm vào huyết quản, thấm vào từng đoạn gene thì tại sao lại không có được đồng cảm chung? Nhưng tôi không hồ đồ. Đồng cảm chung là thứ cảm thức không phải được quyết định bằng từng mẩu gene, bằng nhóm máu hay bằng từng tế bào tương đồng. Nó là sự thấu hiểu, sự lắng nghe, sự cởi mở và cả sự chấp nhận những khác biệt thực sự. Giữa cha và con, ở xã hội đậm những “khung hình” của cái án Nho giáo đã kết lên cả ngàn năm như xã hội Việt mình, mối đồng cảm ấy rất khó kiếm.

Xã hội phương Tây không phải cái gì cũng hay hơn xã hội chúng ta nhưng phải thừa nhận một điểm, ở xã hội ấy, mối quan hệ cha-con, hay mẹ-con, luôn được xây dựng từ cơ sở một con người trân trọng một con người, và từ đó, họ đối thoại với nhau theo chiều hướng của các cuộc tâm sự chứ không phải là sự áp đặt của một vượt trên đối với một luôn bị mặc định ở tư thế, vị trí thấp kém hơn.

Thay vì "Mày không được làm cái này. Mày phải làm cái kia" của chúng ta, cha mẹ ở xã hội phương Tây thường đặt những câu hỏi "Tại sao con lại không thử thế này nhỉ?" hoặc là những câu gợi mở "Nào, hãy cho bố/mẹ biết xem chàng trai của chúng ta đang có chuyện gì vậy?".

Chúng ta không phải đang sống ở một nền văn hóa thấp kém hơn mà thực tế chúng ta đang sống ở một môi trường văn hóa cần sự thay đổi để hướng về giá trị tương lai, tức là thế hệ con, em mình. Chúng cần được nói ra những tâm sự của chúng, với sự tin tưởng tuyệt đối thay vì chúng cứ giấu kín vì sợ rằng nói ra điều gì đó sẽ bị trách mắng. Và chúng không muốn bị đặt vào một mối quan hệ mà mỗi đối thoại dần dần biến thành những phản ứng của thế hệ, một cách vô thức, đối với các giá trị áp đặt của thế hệ đi trước chỉ vì cái "lễ": đó là thế hệ sinh ra mình, mình phải chịu ơn và phục tùng thế hệ ấy.

Nên nhớ, con cái chúng ta không chọn được sinh ra hay không mà chúng được sinh ra bởi chính chúng ta đã lựa chọn việc ấy.

Ngày nay, chúng ta nói với nhau rất nhiều về một cuộc xây dựng một xã hội văn minh, mà ở đó, nền tảng đến từ chấp nhận khác biệt, đến từ văn hóa tranh luận, văn hóa của sự cởi mở đối với các ý kiến khác biệt. Đơn giản, chúng ta thấy sự phản kháng lại lẫn nhau quá nhiều và chúng ta thèm được sống trong một môi trường tranh luận cởi mở hơn thế.

Nhưng xã hội thì luôn vậy. Xã hội được xây dựng từ từng tế bào gia đình. Nếu chúng ta không nói chuyện với con cái mình bằng sự đồng cảm, chúng ta sẽ tạo ra một thế hệ tương lai y chang như mình, với sự luẩn quẩn kiểu con gà-quả trứng.

Sài gòn, Tháng Tư 2015 

PV
.
.