Những cuốn sách nhà quê

Thứ Tư, 15/04/2015, 08:46
Một ngày, giữa miền quê nghèo mọc lên cái quán gỗ treo biển đề Nhà sách Đại Nghĩa. Kế dưới có hai câu thơ của Xuân Diệu: "Đây là quán tha hồ muôn khách đến/ Đây là bình thu hợp trí muôn phương". Gần hai mươi năm trước, từng có một nhà sách như thế ở thôn Đại Hào (Quảng Trị). Và đó cũng là nhà sách đầu tiên tôi biết đến. 

Nhà sách thực chất chỉ là cái quán gỗ đơn sơ nằm gần trường cấp hai. Mỗi ngày đi học, tranh thủ giờ ra chơi, tôi đều đến đây mượn sách. Chủ quán là dì dượng của tôi nên tôi được mượn sách miễn phí. Tha hồ đọc. Nhà dì dượng tôi nghèo và đông con. Một người bà con ở trong Sài Gòn thương hoàn cảnh của dì dượng nên gửi sách ra cho để mở quầy. Người tốt bụng ấy tên là Nghĩa, nhà sách nằm ở xã Triệu Đại nên ghép lại lấy tên nhà sách là Đại Nghĩa. Vô tình hay cố ý, đó lại là một cái tên hay. Cho người ta chữ nghĩa, giúp người ta làm giàu vốn hiểu biết, thực đấy là việc nghĩa lớn.

Quán nhỏ, sách lại ít. Chỉ chưa đến ba trăm cuốn. Thế nên sách được xếp đứng trên giá, phơi bìa ra ngoài. Người đến thuê sách phải đứng ở ngoài quầy, muốn thuê cuốn nào thì chỉ tay rồi chủ quán lấy cho. Bây giờ hồi tưởng, thấy cái kiểu mượn sách đó rất thành khẩn, giống người ta đến mua thuốc chữa bệnh. Bệnh đói chữ. Mỗi cuốn sách thuê với giá chỉ một hoặc hai trăm đồng, tùy theo sách… mỏng hay dày.

Các em nhỏ say mê đọc sách trong xe lưu động của thư viện tỉnh Yên Bái trong một phiên chợ đêm ở hội đền Đông Cuông.

Tôi thắc mắc sao không tăng giá lên thêm chút nữa. Dượng nói ai coi đồng tiền mình to thì đồng tiền quay lại đè chết mình. Giữa buổi cơ chế thị trường, bát nháo kiếm lợi, người sống với sách là luôn biết giữ mình. Đồng tiền không thể to bằng bát cơm. Nhưng dùng đồng tiền ấy thuê sách đọc, sau này có thể nở ra một bát cơm, và nhiều hơn thế.

Tôi đã đọc gần hết sách ở nhà sách Đại Nghĩa, chỉ chừa có mỗi truyện tranh là không thích đọc. Có nhiều buổi trưa, tôi ngồi đọc say mê và giữ quán giúp dì dượng. Thứ bảy, chủ nhật thì ngồi luôn ở đó, dì nấu cơm cho ăn. Tôi còn nhớ rõ một vài cuốn sách, khổ sách và màu sắc. Một loạt sách của Nhà xuất bản Kim Đồng khổ nhỏ vừa túi áo. Cuốn "Quê nội" của Võ Quảng có bìa màu hồng. Cuốn "Góc sân và khoảng trời" của Trần Đăng Khoa có bìa màu xanh…

Đọc hết sách ở nhà sách Đại Nghĩa, tôi mới biết đến một chỗ có thể mượn sách khác. Đó là nhà bác Hoàng Chẩm ở trong làng Phúc Lộc của tôi. Nhà bác lúc đó chỉ là mái tranh tạm bợ, dột nát. Tài sản quý nhất là cái sập gỗ. Bác ngăn cái sập làm hai, một nửa chứa lúa, một nửa chứa sách. Hôm tôi sang nhà nhờ bác làm cho cái kính vạn hoa, bác mở nắp sập lên. Trước mắt tôi là những cuốn sách còn mới được bọc giấy bóng cẩn thận, xếp ngay ngắn. Tôi như nhìn thấy một bức tranh "vẽ" bằng những gáy sách, sáng hẳn giữa không gian tối xám của ngôi nhà. Bác dặn dò rất kỹ, phải quý sách như bản thân.

Không để sách ở giữa nhà. Không vẽ bậy vào sách. Không cuốn gập bìa sách. Không được gấp chéo trang để làm dấu mà phải lấy một cái que chân hương kẹp vào (lúc đó các nhà in sách chưa làm cái thẻ bookmark đánh dấu sách như bây giờ).

Tôi rủ thêm Nhã, một người bạn cùng trang lứa ở gần nhà, đến bác Chẩm mượn sách. Mỗi lần bác cho hai đứa mượn bốn cuốn đem về. Đọc xong trả lại rồi bác mới cho mượn tiếp. Chúng tôi chia ra mỗi đứa hai cuốn chạy ù về nhà đọc. Đọc xong thì đổi cho nhau. Nhã đọc sách nhanh. Tôi chưa đọc xong một cuốn thì nó đã cầm hai cuốn sách đến đòi đổi.

Nhã thường chê tôi đọc chậm và bày cho tôi cách đọc lướt. Đoạn nào sách không có chi tiết hay thì bỏ qua. Đoạn nào tả lá tả hoa không cần đọc. Nhưng tôi không thể đọc cách đó được. Tôi đọc cẩn thận từng câu chữ, say đắm theo từng đoạn văn tả cảnh bướm bay. Đâu ngờ đọc sách cũng là tính cách, và nó định hình cho chúng tôi nghề nghiệp trong tương lai. Bây giờ Nhã là kỹ sư, nhanh nhạy và nắm bắt tốt. Tôi thì theo nghề chữ nghĩa, chậm rãi nhẩn nha, lắm khi đăm chiêu với những thứ không đâu.

Có lần tôi và Nhã tới nhà bác Chẩm mượn sách nhưng bác đã đi làm đồng. Chờ lâu không thấy bác về, cả hai đứa đều nóng lòng và thèm đọc. Chúng tôi liền nghĩ ra cách mượn trộm. Mượn như trộm. Nhã đứng ngoài đường canh chừng. Tôi ở trong nhà lật mở nắp sập và chọn vài cuốn sách ưng ý. Thống nhất trước với nhau là nếu thấy bác về, Nhã phải ra hiệu ngay để tôi trốn.

Lần đó lấy được sách trót lọt. Nhưng đã mượn trộm thì không dám trả trực tiếp. Mượn trộm cũng phải trả trộm. May mắn đó là lần duy nhất chúng tôi mượn và trả sách không xin phép. Một lần đủ để áy náy cho đến giờ, nhưng cũng có kỷ niệm để mỗi lần gặp nhau nhắc lại, tự cười mà rằng, trộm sách không có tội, mượn trộm sách cũng không có tội.

Nhã có một người cậu ruột đi tu ở trong Sài Gòn. Một buổi sáng, Nhã hí hửng gọi tôi đến nhà để khoe thùng sách do người cậu gửi ra tặng. Tôi có chút đố kỵ: giá mình có một người cậu như thế. Một chút thèm thuồng: giá mình được một thùng sách chừng đó. Trẻ con ở cái làng quê nghèo này so đo hơn thua nhau ở mấy viên bi, mấy chạc dây địu, sách truyện là thứ xa xỉ. Đến như sách giáo khoa còn phải mượn của nhau về học, nói chi sách tham khảo.

Trẻ em ở quê vẫn tranh thủ vừa chăn trâu vừa đọc sách.

Trước mắt tôi, thùng sách là một tài sản lớn của Nhã. Và tôi mơ hồ nghĩ rằng Nhã sắp giống ông chủ nhà sách Đại Nghĩa, đứng một khoảng riêng, kẻ đọc sách chỉ được trỏ tay mướn. Hoặc Nhã sắp giống bác Chẩm, dặn dò kỹ lưỡng trước khi cho mượn sách. Tôi bắt đầu những ý nghĩ xấu về bạn thì Nhã cười. "Sách này là của hai đứa mình, đọc hết cậu tao lại gửi ra tiếp". Từ đó tôi thân thiết với Nhã hơn. Và có chút ngưỡng mộ bạn. Bạn của ta rộng rãi hơn ta. Những người có đọc sách rộng rãi hơn ta. Suy nghĩ ấy bám lấy tôi. Sau này cứ vào nhà nào có sách là tôi ngưỡng mộ. Gặp người nào có đọc sách là tôi… kính nể.

Từ khi Nhã có những thùng sách từ Sài Gòn chuyển về, tôi thường xuyên đến nhà Nhã hơn. Hai đứa cũng bỏ bớt những trò chơi trẻ con để dành thời gian đọc sách. Ngấu nghiến. Hào hứng. Nhập tâm. Có khi cả buổi hai đứa không nói chuyện với nhau một câu vì chú tâm vào đọc sách. Những khi trời nóng, hai đứa kẹp sách trèo lên cây trứng gà ngồi tựa cành mà đọc. Chốc lát vặt trái ăn sống. Hết mùa trái trứng gà thì leo qua cây ổi. Ổi hết quả lại leo qua cây khế. Hoa khế thi thoảng rụng lắt nhắt vào trang sách.

Về sau cậu của Nhã đi tu ở nước ngoài nên không còn gửi sách về nữa. Chúng tôi lớn lên biết tìm đến thư viện trường. Cái cách đọc sách cũng không còn dân dã như trước. Chỉ vài buổi trưa thấy tiếng chuông reo đầu ngõ. Chạy ra gặp một cô đạp xe đi bán sách dạo. Sách sắp vào một chiếc hòm gỗ nhỏ cột phía sau xe. Thường đấy là những cuốn sách bói toán, sách dạy phong thủy, sách xem ngày giờ tốt, sách văn sớ cúng…

Thỉnh thoảng cũng có được dăm cuốn truyện cổ tích cũ bán giá rẻ. Thay vì mua kẹo kéo, mua cà rem, tôi dùng tiền để mua được những cuốn sách cũ giá rẻ từ chiếc hòm của các cô bán sách dạo. Người mua sách như tôi buổi ấy không nhiều, và người bán sách dạo càng hiếm hơn.

*

Mồng một Tết Ất Mùi vừa rồi tôi đến nhà thăm bác Chẩm. Bác lấy ra hai cuốn sách tặng cho tôi. Một cuốn có in thơ bác. Một cuốn là di cảo thơ của giáo sư trường Nguyễn Hoàng. Bác nói bây giờ người biết đọc sách không nhiều, tìm được người để tặng sách khó hơn tìm người biết viết sách.

Còn người cậu ruột của Nhã, bây giờ đã thành một vị sư khả đạo. Sư trở về làng Phúc Lộc làm cho dân quê rất nhiều việc tốt. Sư cấp nước lọc tinh khiết cho cả vùng. Sư cho đấu nối điện đường toàn thôn, thắp sáng suốt đêm, làng mạc sáng hẳn. Và sư cũng không quên làm một thư viện sách cộng đồng, đặt tại thềm hiên nhà sư. Tủ sách không cần khóa. Cũng không cần người thủ thư giữ sách. Ai đến đây tự chọn sách, tự lấy về đọc rồi tự đem trả. Ý thức tự nguyện tự giác. Từ cái ý thức đối với sách đến ý thức đối với cộng đồng cũng gần thôi. Và người đọc sách chắc sẽ biết cách sống vì cộng đồng.

Hoàng Công Danh
.
.