Những câu thơ quen và lạ
Trong bài viết này, tôi muốn đề cập đến những tập thơ của những người làm báo là chỗ cộng sự và cộng tác với tôi nhiều năm qua.
Trần Tuấn làm báo nhiều năm ở Đà Nẵng, từ Báo Công an Đà Nẵng, Trần Tuấn làm thơ rồi chuyển về làm phóng viên Báo Tiền phong, phụ trách Ban đại diện của Báo ở miền Trung. Tập thơ “ Ma thuật ngón” của Trần Tuấn được giải nhất giải thưởng thơ Bách Việt năm 2008. Tôi thích tập thơ này, trong bài “Đổi mới, làm mới thơ” tôi đã trích dẫn nhiều câu thơ hay trong “Ma thuật ngón”, và những câu thơ như: “Bên ngoài bóng tối/ Bàn tay nguyện cầu/ Kìa hòn sỏi nhỏ/ Đến rồi đi đâu”... (Sỏi) tôi gần như thuộc lòng cho đến bây giờ.
Mới đây Trần Tuấn gửi tặng tôi tập thơ “Chậm hơn sự dùng lại” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2017) và một cuốn ký sự. Tôi đọc và nhận thấy Trần Tuấn vẫn trung thành với phong cách của mình. Lạ, ngay tên tập thơ cũng đã thấy quen rồi, đó là điều tôi nhận thấy trong thơ Trần Tuấn:
...Số phận
Đãi người nước mắt
Cơn bão
Trái tim đau
Trên sông Yên
Ngồi câu bóng
Đợi
Tiếng huyên náo cuối cùng dắt nhân loại đi qua
(Yên)
Hay:
Nhà thơ bị con phù du đâm vô mắt...
Ôi con phù du lạc đường nhớ mẹ...
(Tưới vô mắt nhà thơ)
Trái đất bao người chèo lái
Thế kỷ trôi theo bóng thuyền...
(Ngó lên xã tắc hai hàng mù u)...
Những bài thơ, những câu thơ như thế đọc lên ta thấy lạ so với mặt bằng thơ hiện nay. Thực ra, thơ ca cũng như nghệ thuật theo tôi chính là sự lạ, nhưng, lạ mà quen, quen mà lạ, có thế mới tạo nên cảm xúc cho người đọc.
Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Ngọc Hạnh cũng là một người con của miền Trung, anh vừa gửi tặng tôi tập thơ “Phơi cơn mưa lên chiều” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2018). Tôi đọc và cảm thấy “Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh đằm thắm, sâu lắng, nặng lòng...” như lời nhận xét của nhà thơ Du Tử Lê.
Đêm tràn nước mắt
Giữa đời này đâu thực, đâu mơ
Con cứ mãi rơi như giọt lệ... (Chiều cuối năm viếng mộ con)
...Một chiếc lá vàng rơi rất thấp
Rơi theo chiều tôi đang rơi
(Thu rơi)
Lụy đò mà chẳng qua sông
Cứ rong ruổi bến, cứ trông ngóng chờ
(Lụy)...
Tôi thích những câu thơ như thế của nhà báo, nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, chân thật, đằm thắm, có sức gợi mở...
Sáu Nghệ (Phạm Duy Tương) là một nhà báo nhiều năm gắn bó với đồng bằng sông Cửu Long. Phạm Duy Tương vừa gửi tặng tôi tập thơ “Gió chuyển mùa” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2017) và tập truyện ngắn “Lặng lẽ bên tôi” (Nhà xuất bản Cần Thơ, 2017), tôi đọc và bắt gặp những câu thơ quen thuộc: Rừng U Minh
Khói lửa mù trời
Chim bay táo tác
Bao năm rợp mặt đất xanh mênh mông
phút chốc tan hoang
Cơn ác mộng...
(Nỗi đau mất còn).
Đọc thơ Sáu Nghệ (Phạm Duy Tương vốn người Hà Tĩnh) ta nhận thấy hơi thở nóng hổi của một nhà báo, thấy hiện lên những câu, những chữ, những hình ảnh, những cảm xúc, suy nghĩ của một nhà báo đang hàng ngày lăn lộn với cuộc sống thường nhật, luôn muốn dùng ngòi bút của mình để nói lên những sự thật, những bức bối thường ngày...
Dẫu vậy, tôi vẫn tìm thấy trong thơ Sáu Nghệ những câu thơ mà tôi thích:
Đêm trăng non
Bến sông u huyền
bỗng chạm mạn thuyền
Lục Bình nở hoa tím ngát
Tôi chưa kịp hát
Lục Bình đã trôi xuôi...
(Loài hoa nở từ mặt nước). Mùa thu ngã trước hiên nhà… (Đêm thu)
Ngoài đường bụi đã bay mờ gót chân...
Nhà thơ già đi và người trong mơ cũng thế
Bao cuộc rượu say cười dốc cạn đáy ly
Ngoảnh lại nhìn câu thơ nước chảy/ Chưa một lần dám trọn vẹn si mê
(Lẽ nào lỡ kiếp vì em).
Tôi vẫn nhớ những năm 70 cuối thế kỷ trước, tôi và Văn Công Toàn cùng là phóng viên thường trú Báo Tiền phong tại thành phố Hồ Chí Minh. Thường đêm, chúng tôi nấu cháo bo bo, cho ít hạt muối (thời đó rất khó khăn), vừa ăn vừa đọc thơ cho nhau nghe. Nhiều hôm còn có thêm Trần Mạnh Hảo, say sưa đọc thơ... Văn Công Toàn về sau chuyển sang làm Truyền hình, là Giám đốc Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế.
Văn Công Toàn vừa gửi cho tôi hai tập thơ “Dâng đời mây trắng” (Nhà xuất bản Văn học) và “Tình dâng” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn). Tôi đọc và thấy thơ Văn Công Toàn có nét quen thuộc của nhiều người làm thơ xứ ta. Những câu thơ như:
Nửa đêm tỉnh giấc chợt mơ
Trần gian gió bụi
phủ mờ cõi thiêng
Nhịp tri âm cũng lụy phiền
tình xưa, lối cũ còn nghiêng lối về...
(Nhịp tri âm)
Tuổi em mười sáu đã tròn
Tình ta sáu chục vẫn còn ngây thơ...
(Thơ hai câu).
Tôi thích những câu thơ giàu suy tư của Văn Công Toàn, những câu thơ có vẻ “lạ” trong cả tập thơ:
Đã có lúc
Con chim đậu trên cành cây không hót
Con cá dưới nước không bơi
Trên bầu trời đám mây không còn bay nữa...
(Đã có lúc)
... Hàng ngày
Tự soi mình vào gương vỡ
Để thấy cuộc đời còn tì vết... (Soi gương).
Quang Khải làm báo, viết và xuất bản khá nhiều sách, rồi làm biên tập ở Nhà xuất bản Lao động nhiều năm trước khi nghỉ hưu. Là người đắm đuối với văn chương, say thơ, xuất bản nhiều tập thơ, mới đây Quang Khải gửi tặng tôi tập thơ “Chiều” (Nhà xuất bản Văn học, 2017). Quang Khải quen biết tôi nhiều năm, sống hiền lành và thơ cũng vậy, những câu thơ quen thuộc, tên tập thơ cũng quen thuộc, nhưng đọc kỹ tôi thích những câu thơ đằm thắm, chân thành, nhiều câu gợi và có dư âm:
...Lối cũ không về
Đường xưa chẳng hẹn
Người xưa không đến
Chỉ còn gió thu
(Lối cũ)
Câu cuối của khổ thơ tôi rất thích, gợi, cảm và có dư âm.
Trong bài “Tự họa, cuối Tỵ” có bốn câu những cũng nhiều ưu tư:
Trà chát thành trà nguội
Người cũ thành người mới
Cây gậy im cạnh bàn
Ngồi lặng thành bóng tối.
Quang Khải chân thật trong thơ, trong đời, những nỗi buồn thấm thía:
Anh rể vừa ra đi
mồ xanh chưa kịp bén
anh cả lại nằm kề
Vành hoa rời ngọn nến
Cả nhà thành ngơ ngác
Chưa kịp thấu nỗi buồn
Nhìn nhau, người ở lại
Gương mặt đều hoàng hôn
(Gia cảnh 2015)
“Gương mặt đều hoàng hôn” - câu thơ xuất thần, đọng lại trong tôi nhiều cảm xúc. Quang Khải bắt đầu bằng cái thực, nhưng, những câu thơ cuối mới thực sự “Thăm thẳm bóng người” (tên một bài viết của nhà văn Đỗ Chu), mới thực sự thăng hoa...
Tôi không có điều kiện để viết riêng từng tập thơ của từng tác giả - những nhà thơ, nhà báo mà tôi quen biết nhiều năm qua. Tôi vốn yêu thơ nên đọc thơ, tôi tìm những câu thơ hay theo ý tôi, để trước hết cho riêng mình, sau để hầu bạn đọc, có gì không phải mong được lượng thứ...
Viết tại nhà vườn Sóc Sơn 6-2018