Những bí mật cuộc đời...

Thứ Sáu, 01/09/2017, 08:07
Đọc “Mưa trong nắng”, tiểu thuyết của Nguyễn Thị Ngọc Hà, Công an nhân dân, 2016.

Cuốn tiểu thuyết từng đoạt Giải C cuộc thi sáng tác tiểu thuyết truyện và ký về đề tài An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống giai đoạn 2012 - 2015 do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.

Nhân vật chính của tiểu thuyết là Hiếu, sỹ quan Cảnh sát khu vực (CSKV) một địa bàn mới chuyển từ làng lên phố. Có lẽ lâu rồi mới có một tác phẩm tiếp cận thành công trực tiếp hình ảnh người chiến sỹ CAND làm nhiệm vụ gần dân nhất, công việc “không tên” nhiều nhất, nếu có thành tích thì cũng không mấy khi nổi trội so với lực lượng Cảnh sát hình sự, chống tội phạm ma túy, đánh án kinh tế, bảo vệ an ninh quốc gia...

Thử hình dung về CSKV ở một xã vừa lên phường chẳng hạn. Cứ cho là trong địa bàn có mấy nghìn dân thì, với lực lượng có hạn định, một CSKV sẽ làm được gì nếu không dựa vào dân. Ai cũng biết, xông vào một đề tài như người ta nói có thể “trắng tay” và “thất bát” dẫu rất nhiều công sức đầu tư viết. Dễ bị công thức, thậm chí nhạt, nếu nhà văn không hướng ngòi bút của mình vào những số phận, cảnh ngộ, tâm trạng, tình huống điển hình của đời sống.

Sỹ quan CSKV Hiếu qua cách thể hiện của nhà văn có một số phận không bình thường. Bắt đầu sự hấp dẫn của câu chuyện từ đây. Lâu nay người ta cứ sợ bóng sợ gió khi nhà văn nào dám khoác cho nhân vật người CAND một xuất xứ không bình thường. 

Hiếu là con đẻ của ông Thuận, một người lính ra trận tuyến đánh Mỹ từ lúc tóc còn xanh. Mẹ anh, bà Nhã, là người yêu của ông Thuận ngày trước. Họ có Hiếu khi chưa có hôn thú. Vả lại chiến tranh ác liệt đã chia cắt họ. Thêm nữa, vào thời đó, nếu hai người mà chưa cưới hỏi thì Hiếu được sinh ra trên đời là bất hợp pháp. Và nhiều cái bất hợp lí khác nữa. Bà Nhã rơi vào thế “gà mắc tóc”, “tình ngay lý gian”.

Trong tình huống đó thì ông Lũy đứng ra nhận vai trò là bố đẻ của Hiếu. Có đám cưới, có giấy tờ hôn thú. Có trầu cau. Có sự chứng giám của quan viên hai họ. Họ buộc phải rời làng quê lên tận miền ngược để sinh sống, cũng là cách chạy trốn dư luận. Bí mật này càng được chôn sâu cất kỹ sau khi bà Nhã qua đời. Và cái bí mật cuộc đời ấy phải vài chục năm sau mới hé lộ.

Một tình huống đầy kịch tính, khi Hiếu bị bọn xấu tấn công và bị trọng thương. Anh cần tiếp máu. Lúc này chỉ có máu của ông Thuận mới phù hợp. Ông Lũy đã vén bức màn bí mật về mối quan hệ giữa ba người: Cha nuôi (ông Lũy) – Hiếu – cha đẻ (ông Thuận). Một cốt truyện như thế phải nói ngay là “bắt mắt”. Nhưng dĩ nhiên nhà văn không lạm dụng tuyến cốt truyện này. Nó được dùng làm “nền” cho câu chuyện Hiếu đã sống và làm việc trong vai trò một CSKV ở phường Ân Thịnh như thế nào. Anh đã xây dựng “trận tuyến lòng dân” bằng cách nào?

Dựa vào người tốt chiếm đa số thì đã đành. Một nhân vật khác rất đáng yêu, theo tôi, chính là ông Thuận. Sau chiến tranh trở về, bị thương nặng, mất khả năng làm đàn ông, bố mẹ đều đã mất, lại ôm ấp trọn vẹn mối tình đầu với bà Nhã nên ông Thuận sống độc thân.

Còn một “người điên” (nhân vật tiểu thuyết tiềm năng khác vừa “ảo” vừa “thực”) là “nỗi sợ truyền kiếp” của ông Vương (người đã bỏ rơi đồng đội trong chiến đấu vì ham sống, sợ chết). Trung tâm tiểu thuyết, dĩ nhiên là sỹ quan CSKV Hiếu. Anh như cục nam châm hút vào mình nhiều nhân vật khác. Đi cùng với anh qua nhiều biến cố là Chi, cô gái đẹp người tốt nết. Họ có một tình yêu trong veo lý tưởng dù sống giữa thời bão tố thị trường và thực dụng. Họ tận hiến nhưng chưa nhiều tận hưởng. Phần sau thuộc về tương lai, tùy thuộc vào sự đoán định của độc giả.

Về kỹ thuật tiểu thuyết, nổi lên hai vấn đề đáng quan tâm và bàn luận khi đọc “Mưa trong nắng”. Trước hết, đây là một cuốn sách dễ đọc vì nó… ngắn (chỉ có 213 trang). Viết ngắn nên phải cố gắng dùng “phép tỉnh lược” (rút gọn, kết cấu theo nguyên tắc tối đa hiệu quả). Có thể nhà văn đã xử lý cách viết theo hướng này, dù cho là có ý thức hay không có ý thức. Viết ngắn nên phải chú ý đến “nhịp điệu” của câu chuyện được kể (có 23 phần nhỏ, tôi gọi là “khúc” thì đúng hơn là “chương”). Nhịp điệu của câu chuyện được kể ở đây là “nhịp nước đại” (dồn dập sự kiện, thời gian tuyến tính liên tục thay đổi). Yếu tố thứ hai đáng bàn ở đây là nhân vật.

Có cảm giác tác giả “chia đều” sự quan tâm của mình cho các nhân vật, nên mỗi nhân vật đều “sa chân” vào những “bước hụt”. Có thể ý đồ của nhà văn là trình bày một toàn cảnh về cõi nhân sinh với những kiếp người không ai giống ai. Nhưng từ ý đồ đến hiệu quả nghệ thuật là một khoảng cách rất xa. Tiểu thuyết có một kết thúc “có hậu” - Hiếu được cứu sống nhờ có máu của ông Thuận cùng nhóm. Ngày từ bệnh viện trở về, cạnh anh là cha đẻ, cha nuôi và Chi, “Anh nắm bàn tay người con gái mình yêu mà thầm thì bên nàng: “Số phận đã mỉm cười với anh phải không em. Chi chỉ im lặng ngả đầu lên vai người cảnh sát khu vực của riêng mình”.

Ai đó nói quá đi, thời bây giờ không có gì là có hậu. Nhưng theo triết lý của đạo Phật thì vẫn có quy luật “ở hiền gặp lành”, “gieo nhân nào gặt quả ấy”.

Hà Nội, tháng 8-2017

Bùi Việt Thắng
.
.