Như là nỗi nhớ thì thầm

Chủ Nhật, 11/12/2016, 08:02
Hồng Vinh đặt tên cho tập thơ thứ sáu của mình là Lãng quên thì thầm. Tên tập thơ gợi những tò mò bởi cái thì thầm “bí ẩn” đứng đằng sau sự lãng quên. 


Cuộc đời là thế này chăng, đôi lúc người ta phải biết quên đi những điều không nên nhớ để tiếp tục sống một cách đừng chán nản. Và, ở một phần khác thì quên lãng cũng chưa phải là xóa hết mà nó ẩn khuất trong cõi lòng đâu đó thôi để rồi gặp dịp lại rung lên thì thầm. Tôi men theo tác phẩm của Hồng Vinh để lý giải điều băn khoăn này và cuối cùng gặp được rất nhiều nỗi nhớ, đúng ra là những “lát” kỷ niệm của anh trong nồng nàn, chân thật tình yêu cuộc sống, tình yêu con người.

Từ trước đến nay, cái tình vẫn là sự nổi trội, đáng yêu hơn cả trong thơ Hồng Vinh. Tôi đồ rằng anh làm thơ cũng bởi một chữ ấy thôi, chữ Tình. Tuy nhiên chữ Tình này theo tôi cảm nhận không chỉ mỗi một tình yêu riêng tư mà nó rộng lớn hơn với tình yêu đất nước, gia đình, bè bạn, đồng chí…

Một con người sống tình cảm có trước có sau, chu đáo ân cần với không ít người, cái hay cái dở hầu như đều bộc lộ sự chân thành. Thơ là người, nên cũng vậy, chân chất nhưng đầy đặn tình cảm. Đáng quý ở cái Tâm của người làm thơ. Tài trời cho bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu còn cái Tâm thì nó là một phần thành quả của sự tu dưỡng đấy. Chả vậy mà cụ Nguyễn Du đã đúc kết rằng: Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài…

Vâng, tôi sẽ nói về cái tình trong thơ Hồng Vinh ở tập Lãng quên thì thầm này. Trước hết là tình yêu cuộc sống được bắt đầu bằng tình yêu đất nước, quê hương. Đấy là tình yêu lớn không thuộc riêng ai cả nhưng với Hồng Vinh nó được thể hiện bằng cách của anh. Trong đêm pháo hoa mừng đất nước, trái tim người làm thơ ngân rung lên bản tình ca rộng mở hòa cùng sông nước, cỏ cây:

Hoa pháo bừng nở đất trời
Lung linh mắt huyền xao động
Hồng Hà phù sa lặng trôi
Con chữ dâng dâng như sóng

Bãi bờ màu xanh lan tỏa
Tứ thơ ào ạt ùa về
Trái tim rộn ràng nhịp lá
Rung rinh nốt nhạc Tình ca.

(Tình ca)

Tôi thấy câu thơ Trái tim rộn ràng nhịp lá có sự gợi cảm lớn, đẹp và ngân… Nó tựa như một nốt nhạc cao, một điểm sáng của bài thơ.

Cuộc sống đi vào thơ anh với các đường nét rất cụ thể cùng bao thương mến, trân trọng dành cho những con người làm ra nó:

Luận án “Người nông dân ngoại thành thời hội nhập”
Em viết trang cuối cùng khi gà gáy canh năm
Những đoàn xe chở rau vào thành phố ì ầm
Thêm một ngày tin yêu xao động.

(Triền cúc ven sông)

Lên Cốc Lếu, Lào Cai tận mắt thấy sự đổi thay của một vùng cao: Sắn khoai phủ xanh đồi trống / Lúa vàng leo ruộng bậc thang / Nhà văn hóa khuya điện sáng / Lời ca nối kết tâm hồn Hồng Vinh cứ bâng khuâng mãi:

Tạm xa ngọn nguồn dòng sông
Về xuôi theo ngàn con sóng
Còn mãi một mùa hạ trắng
Theo ta đi suốt dặm trường…

(Bâng khuâng Cốc Lếu)

Tình yêu đất nước nói bao nhiêu cũng không đủ, nhất là khi đứng chân trên mảnh đất biên cương trập trùng hay biển đảo bao la của Tổ quốc. Tình yêu thiêng liêng ấy đã cho anh những câu thơ cảm động về Trường Sa:

Anh đã gọi Biển bao lần cả trong mơ và thực
Tháng Tư này anh đứng giữa Sơn Ca
Biển gọi tên anh trong từng con sóng
Thêm một lần, cát biển níu chân ta

(Biển gọi)

Đi đâu, ở đâu hình ảnh Tổ quốc cứ hiện lên trong tâm trí anh. Tổ quốc trải qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt; điều đó anh đã thể hiện trong bài thơ Từ nhật ký 12 ngày đêm năm ấy; Tổ quốc luôn khao khát hòa bình. Niềm khao khát của Tổ quốc cũng là niềm khao khát của anh, một nhà thơ Việt Nam. Bên mộ đại văn hào L.Tôn-xtôi anh đã bày tỏ điều đó:

Tôi qua cánh rừng Tu la
Nơi Tôn-xtôi an nghỉ
Dấu chân mùa hạ vội vàng đi
Lá thu xào xạc hiên nhà

Từng đàn bướm vàng bay lượn
Dưới bầu trời Nga xanh
Nhà văn thức dậy nhìn ra xa xăm
“Chiến tranh và hòa bình”

Đâu là con đường sống của nhân loại?
Câu hỏi
Câu trả lời
Sáng bừng trang sách!

Dân tộc tôi mấy ngàn năm chống giặc
Yêu sự bình yên như yêu nhịp đập trái tim mình
Ngắm trời xanh, hoa nở, lắng tiếng chim
Đón bè bạn trong vòng tay ấm áp.

Ánh thu vàng rực cánh rừng
Tôi nghiêng mình trước cuộc đời bất tử
Văng vẳng bên tai tiếng thì thầm:
Hãy giữ hòa bình bằng mọi giá
Hãy giữ hòa bình bằng mọi giá!

(Thăm mộ L.Tôn-xtôi)

Như một lẽ tự nhiên, với Hồng Vinh, tình yêu đất nước gắn liền với tình yêu con người. Tình cảm trong sáng, công bằng, không phân biệt đẳng cấp, không vụ lợi. Anh làm thơ tặng nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi ông đã rời vị trí này (Anh mãi là Tư Sang) và cũng làm thơ tặng những người bình thường khác như cô gái trồng rừng, cô giáo cắm bản… với thái độ yêu mến trân trọng:

Áo em xanh trong vạt keo xanh
Khi gió lạnh, lúc trời hè đổ nóng
Thông và keo cứ loang dần đồi trống
Xanh mát tâm hồn, đất nước thêm xanh.

(Xanh)

Bìa cuốn “Lãng quên thì thầm” của nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh.

Theo tôi phần thơ tình yêu trong tập Lãng quên thì thầm của Hồng Vinh có những bài và câu khá. Những cung bậc yêu luyến láy trong thơ anh gieo vào người đọc những bâng lâng xao xuyến nhẹ nhàng. Đó là sự châng lâng hẫng hụt khi xa vắng người thương:

Mới vắng em một ngày
Biển cạn vơi một nửa
Chiều cũng không còn nữa
Dấu chân ngọc ngà ơi!

(Vắng em một ngày)

Ôi chao, tình yêu mới lớn lao làm sao. Xin ai đừng bắt bẻ nhé cái sự nói quá đi như thế vì trong khi yêu ai chẳng choáng ngợp trước cái thăm thẳm của cách xa, cái trống trải hoang vu… khi chỉ có mình anh/ Cô đơn ùa vây bủa…

Có kỷ niệm đi theo anh trọn đời; tình yêu mang những ân nghĩa vững bền không gì có thể lay chuyển, đổi thay được. Cảm xúc đẹp đã cho tác giả những thi ảnh lung linh trong thơ:

Hàng cây trồng bén rễ mùa xuân
Đám cưới hai ta một chiều se lạnh
Mùa nối mùa, lúc sóng cồn, biển lặng
Con suối yêu thương lấp lánh mãi trăng rằm

(Thu phân)

Người là hoa của đất, có một thành ngữ như thế. Em mới là bông hoa đẹp nhất của anh. Thơ dâng tặng tình yêu mang hương sắc riêng:

Ngàn vạn loài hoa
Dệt muôn sắc màu trái đất
Có một bông hoa anh yêu nhất
Em
Lặng thầm hương tỏa tháng năm!

(Hoa)

Bài thơ Trăng sớm chỉ bốn câu nhưng đã mở ra một không gian đẹp. Có lẽ đây là bài thơ viết về tình yêu hay nhất trong tập này:

Hừng đông dần lan tỏa
Em khuất bóng nơi nào
Trăng chỉ còn một nửa
Nửa, cũng mất cả sao?

Da diết, hoang mang cứ trộn lẫn vào nhau để lại những khoảng lặng thực ảo đằng sau không nhiều con chữ.

Tình yêu như thế cho nên cái sự mong ngóng của nửa này và cũng là của nửa kia cứ trở đi trở lại nhiều lần trong thơ Hồng Vinh cũng là điều dễ lý giải:

Em vừa là “đom đóm”
Vừa là “con sóng xanh”
Biển quê chiều tắt nắng
Còn mình em ngóng anh

(Ngóng)

Lại có những khúc điệu trầm hẳn mang mang nỗi buồn:

Nghe “Câu hỏi trước dòng sông”
Mà sao tê buốt cõi lòng em ơi
Mây bay tan tác trên trời
Hỏi sông, sông chẳng một lời sẻ chia!

(Hỏi sông)

Trong tập này Hồng Vinh có đưa vào một số bài thơ có tính chất thời sự, thế sự như Cháy; Thế giới năm 2016, đôi điều suy ngẫm; Nghĩ từ biển… nhưng theo tôi là chưa đủ độ chín, chất thông tấn lấn át chất thi ca, cách diễn đạt còn đơn giản. Nó cần có sự đầu tư sâu hơn, kỹ hơn về hình ảnh, ngôn từ. Có lẽ, tạng Hồng Vinh hợp với thơ tình, thơ ngắn. Tuy nhiên, công việc làm thơ bao giờ cũng khó và để có bài thơ, câu thơ chiếm được tình yêu của bạn đọc cũng không dễ dàng chút nào.

Chỉ là đôi điều cảm nhận như thế về tập thơ mới Lãng quên thì thầm của Hồng Vinh. Tự những bài thơ sẽ nói lên cái được, cái chưa được của người viết. Hy vọng, anh sẽ chín hơn trên con đường sáng tác thơ của mình từ những băn khoăn đầy trách nhiệm của người cầm bút: Cây đời xanh sao trang viết chưa xanh?

Mùa đông năm 2016

Nguyễn Hữu Quý
.
.