Nhỏ hay to?

Thứ Hai, 20/06/2016, 08:00
Từ khi lên làm người đứng đầu chính phủ, không ít lần Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chấn chỉnh các thủ tục hành chính rườm rà, nạn "bôi trơn", lợi ích nhóm, lãng phí công trong đấu thầu, đầu tư, mua sắm, tiêu dùng từ tiền thuế của dân quá kém hiệu quả. Thậm chí vào những thứ phô trương, hình thức không cần thiết...


Tôi nhớ trong cuộc làm việc với Tài chính và Kế hoạch đầu tư ông kêu lên "Quá nhiều hoa".Cứ xem tivi hằng ngày ta thấy các nước giàu có như Nhật, Mỹ, Đức…trong các buổi tiếp trọng khách hay các hội nghị lớn, trên bàn các đại biểu chỉ có chai nước khoáng. Ở ta thì chao ơi là hoa. Các ngành, các cấp, hội họp, nhận huân huy chương, khánh thành cầu cống, nhà cửa, sơ kết, tổng kết …đều bội thực hoa.

Một chuyện khác là khi lãnh đạo cao cấp bộ ngành được thăng chức từ dưới lên, hay thuyên chuyển từ nơi khác, cơ quan khác về, thường việc đầu tiên là ông xem xét cấp dưới lo chuyện bố trí phòng, các trang thiết bị để làm việc ra sao? Nhiều ông không bao giờ ở phòng của ông tiền nhiệm. Nếu ông đồng ý thì cũng phải lăn sơn lại màu khác - có ý như muốn "tẩy rửa" những "dớp" xấu, những rủi ro của ông cũ cho yên tâm. 

Rồi đến chiến dịch mua sắm từ ôtô đến các công cụ, đồ dùng mới cho đồng bộ; thay đổi hướng ngồi làm việc theo tham mưu cấp dưới đã đi nghe thầy tướng số phán để "phát tài, phát lộc". Rồi các bộ, ngành bạn, vụ, ban, phòng, đoàn thể cơ quan đến tặng hoa chúc mừng. Và thường là ông không sử dụng lái xe của "ông tiền nhiệm" mà mang theo lái xe của ông từ địa phương theo. 

Thế là cấp dưới phải lo cho cùng lúc có khi mấy lái xe và gia đình họ được nhập khẩu Hà Nội, lo sắp xếp công ăn việc làm, trường học cho vợ con họ để họ yên tâm công tác. Thật là bao nhiêu thứ nhiêu khê, rắc rối mà cấp dưới không thể từ chối? 

Chuyện thứ ba là sự lãng phí, cầu kỳ trong việc sắm bàn ghế. Các hội trường, phòng họp, ghế bàn làm việc của thủ trưởng từ cấp huyện trở lên cầu kỳ, trạm trổ rồng phượng, chân quỳ chân gấp bóng lộn đủ màu bằng gỗ quý. Có bộ giá đến hàng trăm triệu. Đua nhau thể hiện để không thua kém người khác. 

Xem trên tivi thấy khi Thủ tướng Nhật Bản ra mắt nội các trước bàn dân thiên hạ, các thành viên chỉ ngồi trên chiếc ghế như ghế học sinh ở ta và chẳng có hoa hoét gì hết. Thế mới biết, họ càng giàu càng tiết kiệm và không phô trương hình thức. Lại còn cái thứ sĩ diện hão. Cố tạo cho mình một vẻ sang trọng, khác người mà ví dụ gần nhất là ông Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang. Cấp thì chưa to lắm nhưng dùng xe tư, trị giá nhiều tỷ đồng rồi gắn biển xanh cho oai. 

Không biết các ông cán bộ kiểu ấy có nghĩ rằng làm như vậy cũng chẳng nâng tầm nhân cách hay năng lực công tác của mình lên được mà có khi ngược lại. Tài năng cá nhân là cái thực có của bản thân họ chứ không phải là cái mẽ bên ngoài…

Thử tính nhẩm xem 64 tỉnh thành và mấy chục bộ, ban ngành có bao nhiêu ông đầu ngành, đầu tỉnh, huyện; bao nhiêu buổi làm việc, bao nhiêu cuộc đón tiếp, sơ kết, tổng kết, nhận huân huy chương, bao nhiêu hội trường phòng họp, các dịp hiếu hỷ, thăng chức, mừng nhà mới, sinh con, sinh nhật, thượng thọ, tăng lương, ngày lễ tết…rất, rất nhiều dịp, cơ hội để người ta bày hoa, tặng hoa kèm "nhiều thứ đằng sau hoa" lãng phí khác không biết bao nhiêu mà kể mỗi năm? Tiêu phí tiền thuế của dân phải tính đến con số cỡ nhiều tỷ đồng? 

Tiền ấy mà dành cho giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo thì dân đựợc nhờ biết bao? Tôi rất tâm đắc ý kiến của Thủ tướng - dù ông mới chạm nhẹ vào vấn đề lãng phí như một sự cảnh báo. Trong thời buổi dân chủ được mở rộng, trong thế giới ngày nay, tiếng nói của dân ngày càng được tôn trọng, lắng nghe, chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật. 

Việc gì sai thì cần phải sửa ngay, không vì sĩ diện hay những thứ đã quen theo lệ của những người đi trước. Cái gì dở, không thiết thực thì kiên quyết bỏ. Làm được điều đó chỉ có lợi cho chính phủ, nhà nước và càng được dân tin yêu, ủng hộ. Mong ông và kíp chính phủ mới được dân kỳ vọng làm cụ thể, quyết liệt để dần dẹp những thứ phù phiếm vô lý này. Phải coi lãng phí của công là tội ác với dân. 

Tôi cũng mong vấn đề này ngày càng được dư luận mạnh mẽ lên tiếng phê phán để làm trong sạch các cơ quan công quyền, các cá nhân lạm dụng tài sản công. Phải tạo thành một phong trào, sao cho chúng ta có một nền hành chính trong sạch, minh bạch, văn minh, xứng đáng với một chính quyền "của dân, do dân và Vì dân" - những gì có lợi cho dân thì cố gắng làm cho bằng được…

Đinh Đức Cần
.
.