Nhìn từ các triển lãm và workshop quốc tế: Cần có thêm nhiều “bà đỡ”

Thứ Sáu, 30/03/2018, 08:29
Từ ngày 26 đến 31 tháng 3, tại Hà Nội sẽ diễn ra sự kiện mỹ thuật được chờ đợi  - đó là triển lãm và workshop quốc tế "Kết nối tháng Ba Hà Nội 2018" (Ha Noi March Connecting). Đây là lần thứ 3 hoạt động nghệ thuật ý nghĩa này được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của gần 100 họa sĩ đến từ 19 quốc gia.


Theo chia sẻ của Ban tổ chức, để có được hoạt động có tính kết nối đặc biệt này là nhờ sự đóng góp quan trọng của các nhà tài trợ. Điều này đã đem đến niềm hi vọng cho nhiều sinh viên trẻ, bởi lẽ nếu càng ngày càng có nhiều Mạnh Thường Quân quan tâm, đồng hành cùng các hoạt động nghệ thuật thì chắc hẳn đời sống nghệ thuật Việt sẽ có màu sắc tươi sáng hơn.

Hướng đến nghệ sĩ trẻ

Được tổ chức lần đầu năm 2016, "Ha Noi March Connecting" có 2 phần chính: 1 triển lãm nghệ thuật với những tác phẩm đã hoàn thiện do các họa sĩ trong nước và thế giới mang tới và 1 workshop trong đó các họa sĩ sáng tác trực tiếp trong không gian của trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp trước sự quan sát của sinh viên và công chúng.

Các tác phẩm được sáng tác trong workshop sau đó cũng được trưng bày trong một triển lãm khác tiếp nối triển lãm ban đầu. Theo ghi nhận từ 2 lần tổ chức trước đây, đối tượng hưởng lời nhiều nhất mà "Ha Noi March Connecting" hướng đến là sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp nói riêng và sinh viên các trường nghệ thuật ở Hà Nội nói chung.

Tại đây, sinh viên sẽ được thấy một cách trực tiếp công việc của các thầy cô, các nghệ sĩ, cách thức họ triển khai một tác phẩm ngay trong không gian mở. Ngoài việc giới thiệu tác phẩm của các giảng viên - sinh viên - họa sĩ, "Hanoi March Connecting" còn là hoạt động để người yêu nghệ thuật và giới chuyên môn có thể giao lưu, trao đổi trực tiếp nhằm hiểu thêm về tác phẩm cũng như chia sẻ về đời sống nghệ thuật của các nghệ sĩ trong nước cũng như quốc tế.

Các triển lãm và workshop quốc tế luôn thu hút sự quan tâm của đông đảo sinh viên trẻ.

Thay vì phải đi nhiều nơi mới được xem các tác phẩm nghệ thuật, khán giả chỉ cần đến một điểm đã có thể chiêm ngưỡng, thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật độc đáo đến từ nhiều nền văn hóa trên thế giới như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Trung Quốc, Malaysia, Italia, Brasil...

So với 2 lần tổ chức trước, "Ha Noi March Connecting 2018" có sự đột phá về quy mô và số lượng nghệ sĩ tham dự. Ban tổ chức còn hy vọng, sự kiện "Hanoi March Connecting 2018" sẽ trở thành 1 trong "10 sự kiện văn hóa tiêu biểu" của năm 2018.

Theo chia sẻ của họa sĩ Trịnh Tuân - Chủ tịch nhóm nghệ sĩ quốc tế Asia Art Link - đơn vị đóng vai trò quan trọng mấu chốt trong việc tổ chức các chuỗi sự kiện triển lãm và workshop quốc tế "Ha Noi March Connecting 2018": "Từ việc tìm được sự ủng hộ của những người xung quanh, đi tìm nhà tài trợ cho tới việc vận hành những hoạt động gối nhau trong sự kiện hay việc điều phối đội ngũ sinh viên tình nguyện, lo chỗ ăn chỗ ở chỗ sáng tác cho nghệ sĩ các nước bạn… mọi đầu việc đều mang lại những kinh nghiệm quý báu. Chúng tôi hi vọng, với sự đồng hành, chia sẻ của các nhà tài trợ những kỳ "Hanoi March Connecting" sau sẽ không chỉ tốt về chất, mạnh về lượng mà còn có thêm những bản sắc mới từ những trí tuệ trẻ...".

Theo đó, họa sĩ Trịnh Tuân cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của các nhà tài trợ như doanh nghiệp Đại Lải Flamingo, Dự án nghệ thuật "Art in the forest", thương hiệu bóng đèn Rạng Đông... Bởi vì, nếu không có sự đồng hành, chia sẻ, nâng đỡ ước mơ của những nhà tài trợ, rất khó khăn để những dự án có tính cộng đồng, hướng đến nghệ sĩ trẻ như "Hanoi March Connecting" có thể thực hiện được.

Đến nay, với sự nỗ lực của nhóm Asia Art Link và sự đồng hành của các nhà tài trợ, nhóm Asia Art Link đã trở thành một cộng đồng gồm nhiều nghệ sĩ đến từ nhiều nước ở Châu Á gồm có 12 nước Asean và Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Mông Cổ…

Ngoài ra Asia Art Link cũng có sự góp mặt của một số nghệ sĩ Châu Âu, Châu Mỹ La Tinh trong một số hoạt động. Nhiều năm qua, Asia Art Link đã tổ chức nhiều triển lãm, workshop quốc tế ở nhiều nước khác nhau, trong đó có 7 sự kiện ở Việt Nam, 1 triển lãm ở Philippines 2010, liên kết tổ chức 2 Festival ở Sasaran (Malaysia), 1 triển lãm ở Indonesia 12-2012, Đài Loan 2009 và nhiều hoạt động giao lưu nghệ sĩ, nghệ thuật khác…

Cần có thêm nhiều "bà đỡ nghệ thuật"

Trong những năm gần đây, những cụm từ "nhà tài trợ nghệ thuật", "Mạnh Thường Quân nghệ thuật" hay "bà đỡ nghệ thuật"... đang được giới làm nghệ thuật và cả công chúng "săn đón". Bởi lẽ ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế và sự lớn mạnh đáng nể của nhiều doanh nghiệp, thật vui mừng thấy một số cá nhân, tổ chức doanh nghiệp đã dành sự quan tâm đáng kể cho nghệ thuật, nhất là những dự án nghệ thuật có tính cộng đồng cao.

Một trong những dự án nghệ thuật bền bỉ có thể nhắc tới ở đây là chương trình "Hòa nhạc Toyota". Đã tròn 20 năm kể từ lần đầu tiên chương trình "Hòa nhạc Toyota" được tổ chức ở Việt Nam với sự tham gia của các đơn vị nghệ thuật hàng đầu Việt Nam như Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, các nghệ sĩ nổi tiếng trong nước và thế giới đã chứng tỏ đây là một chương trình hết sức nghiêm túc, có chất lượng nghệ thuật đặc sắc.

Một tác phẩm điêu khắc được trưng bày thuộc dự án "Art in the forest".

Lúc đầu, người ta còn e dè khi luôn thấy thương hiệu Toyota chềnh ềnh khắp nơi, nhưng lâu dần với sự đầu tư bài bản, công phu, chương trình đã có được chỗ đứng của mình và khán giả cũng bỏ đi định kiến để đón nhận nó.

Cũng tương tự, suốt 5 năm qua Ngân hàng SHB đã đồng hành cùng Nhà hát Tuổi trẻ thực hiện các dự án "Chắp cánh niềm tin" với mỗi năm 100 đêm diễn miễn phí cho khán giả khắp mọi miền Tổ quốc với kinh phí mỗi năm 3-4 tỉ đồng. Nhờ có nguồn kinh phí này, khán giả cả nước không chỉ được xem những chương trình ca múa nhạc tạp kỹ, các chùm hài kịch có sự tham gia của nhiều ngôi sao, mà còn được thưởng thức những vở kịch nổi tiếng có chất lượng nghệ thuật cao đến từ Nhà hát Tuổi trẻ như "Ai là thủ phạm", "Lời nói dối cuối cùng"...

Sự tham gia đồng hành của Ngân hàng SHB vào hoạt động nghệ thuật đã khiến các hoạt động nghệ thuật của Nhà hát Tuổi trẻ trở nên sôi động, đầy hào hứng trong suốt 5 năm qua và thực sự trở thành một "gói tài trợ" khiến mọi nhà hát, mọi đơn vị hoạt động nghệ thuật công lập hay tư nhân phải ao ước. Không có được "gói tài trợ" khủng như Nhà hát Tuổi trẻ, nhưng Nhà hát Kịch Việt Nam đã có lần nhận được số tiền không nhỏ từ nhãn hàng Dr.Thanh để đưa vở kịch "Hamlet" đi lưu diễn ở Singapore và đi biểu diễn ở một số địa phương. Song có vẻ như, đây vẫn chỉ là một "món đầu tư" mang tính "thời vụ", "ngẫu hứng" của ông chủ Dr.Thanh chứ chưa thể đạt được những thỏa thuận về sự đồng hành, chia sẻ hay đầu tư lâu dài.

Gần đây, dự án  nghệ thuật "Art in the forest" với "bà đỡ" là Tập đoàn Flamingo đã thu hút sự quan tâm của giới mỹ thuật. Dự kiến dự án này sẽ kéo dài tới 10 năm và hiện đã tổ chức được 3 trại sáng tác, với sự góp mặt của một số gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu của Việt Nam và thế giới. Năm nay là trại sáng tác mùa thu, kéo dài một tháng với sự tham gia của 7 nhà điêu khắc, 3 Việt Nam, 4 nước ngoài.

Với sự đầu tư khá công phu, bài bản, các họa sĩ được vẽ một mình trong xưởng riêng tại Đại Lải trong điều kiện tốt nhất, không ràng buộc về chủ đề, đề tài, chất liệu, kỷ luật sinh hoạt… cũng không có trao đổi học thuật, tọa đàm chuyên môn giao lưu nghệ sỹ như "thông lệ".

Theo chia sẻ của một số họa sĩ đã tham gia dự án, toàn bộ vật liệu, công nghệ, người trợ lý, công nhân thi công… đều được đáp ứng tối đa. Tác giả sẽ để lại một tác phẩm sau khi hoàn thành và nhận một khoản tiền tác quyền không nhỏ so với các trại sáng tác cùng loại trong khu vực. Vì thế, ước tính tiền chi cho mỗi tác giả rất lớn: lên đến hàng chục ngàn USD. Dự kiến, sắp tới những tác phẩm nghệ thuật đang được trưng bày ở Đại Lải Flamingo sẽ mở cửa thành "Museum in the Forest" - Bảo tàng trong rừng - để khán giả, khách du lịch có thể chiêm ngưỡng.

Quả thực, dự án  nghệ thuật "Art in the forest" đã vượt lên trên việc tô điểm một cảnh quan để kiến tạo một không gian thẩm mỹ. Và tham vọng của các nhà điều phối dự án là biến nơi đây thành một "Trung tâm nghệ thuật" là hoàn toàn có cơ sở.

Thực tế, mỗi năm các doanh nghiệp đã bỏ ra một số tiền không nhỏ để đồng hành cùng các chương trình nghệ thuật, nhưng lại chủ yếu tập trung vào các chương trình ca nhạc. Còn các bộ môn nghệ thuật hàn lâm như nhạc giao hưởng, múa ba-lê, kịch, mỹ thuật lại có rất ít Mạnh Thường Quân tham gia. Vì thế, những tín hiệu đáng mừng trên đây đã đem đến niềm hi vọng lớn lao cho các nghệ sĩ trẻ nói riêng và lĩnh vực mỹ thuật nói chung.

Nguyệt Hà
.
.