Nhìn nhận và xử lý công sản như một giá trị văn hóa nhân văn

Thứ Hai, 17/04/2017, 08:04
Sự bất cập, mơ hồ trong nhận thức về giá trị công sản và những sơ hở trong quản lý công sản đã dẫn đến tình trạng các công ty, các nhóm lợi ích ngang nhiên chiếm đoạt công sản trên toàn thế giới. Các công ty và các nhóm lợi ích không chỉ chiếm đoạt hạ tầng, luật lệ, thị trường chứng khoán, các phương tiện truyền thông  theo nhiều cách, mà còn chiếm đoạt tâm trí xã hội với tư cách một tài sản công bằng quảng cáo tiếp thị vô hạn độ, gây ra nhiều vấn nạn xã hội, nhân văn.

Thực trạng thoán đoạt tài sản công trên thế giới

Theo định nghĩa của Peter Barnes, đồng sáng lập Công ty điện thoại đường dài Working Asets, công sản là những tạo phẩm của thiên nhiên và xã hội (gồm ba nhánh: Thiên nhiên, Cộng đồng và Văn hóa) mà chúng ta cùng thừa kế, hoặc cùng tạo dựng và có bổn phận giữ gìn cho con cháu.

Trong cuốn “Chủ nghĩa tư bản 3.0” (NXB Trẻ, 2007), Peter Barnes cho rằng “Toàn cầu hóa chung quy chỉ là để làm tăng lãi trên vốn bằng cách tạo điều kiện cho chủ vốn tìm được những chỗ có chi phí thấp nhất trên trái đất”. Ông lên án quá trình toàn cầu hóa vì đã tạo cơ hội cho các công ty ở các nước phát triển bành trướng khắp thế giới để thoán đoạt công sản của các dân tộc khác: Khai thác, chiếm hữu và phung phá tài nguyên, môi trường, làm lệch lạc các chuẩn mực xã hội và làm biến dạng lai tạp về văn hóa, mang lại nghèo đói, ô nhiễm, bệnh tật, bất công và tuyệt vọng, làm cho một số người đổi đời, trở nên giàu có một cách dễ dàng và nhanh chóng, một số người khác lâm vào cảnh khốn cùng, đa số người dân không có khả năng đáp ứng các nhu cầu tối thiểu, phổ quát của nhân loại, còn một bộ phận lại có hàng núi tiền để chi tiêu cho những “ngụy nhu cầu”, là những nhu cầu được đặt thương hiệu. Đó là một thực trạng suy đồi, phản nhân văn.

Trong khi đó, cũng theo Peter Banes, bản thân người Mỹ, dù sống trong xã hội rất phát triển, cũng không thấy hạnh phúc vì chênh lệch giàu nghèo vẫn luôn bám theo họ trong từng bước phát triển và tăng trưởng.

Nhà máy thép Vạn Lợi nghìn tỷ ở Vũng Áng Hà Tĩnh bị bỏ hoang phế nhiều năm nay.

Có nhiều nguyên nhân nghèo đói, nhưng những cái chúng ta gọi là tư sản phần lớn được lấy từ công sản, hoặc được đồng tạo ra từ công sản. Tuy nhiên, những việc rút từ công sản này không như nhau. Nói trắng ra, người giàu cứ giàu vì (thông qua các công ty) họ lấy được phần lớn nhất từ công sản; người nghèo cứ nghèo vì họ lấy được rất ít.

Mặt khác, chủ nghĩa tư bản thặng dư tạo thêm sự lo lắng vì tấm lưới bảo hiểm đã trở nên mong manh, công ăn việc làm bị tuột khỏi tầm tay vì đồng vốn đang trôi theo thác lũ toàn cầu hoá, lùng sục khắp thế giới để tìm lao động rẻ. Bên cạnh đó, cuộc sống trong xã hội phát triển đã làm cuộc sống hối hả, tạo thêm nhiều stress. Môi trường tinh thần với tư cách một công sản luôn luôn bị xâm nhập vô giới hạn vì quảng cáo.

Và thực trạng quản lý công sản ở nước ta hiện nay

Ở Việt Nam, quá trình đổi mới và hội nhập đã đem lại nhiều thành tựu vượt bậc, song bên cạnh đó, không ít những hoạt động kinh tế, văn hoá, xã hội hủy hoại công sản của dân tộc (tàn phá tài nguyên, môi trường, làm rối loạn cộng đồng và làm suy thoái văn hóa truyền thống), nhiều nhóm lợi ích nhân danh quyền quản lý công sản để cướp đoạt đất đai, nhà cửa, ruộng vườn… của nhân dân, tạo ra những cảnh dân oan khiếu kiện, gây án mạng để giữ lấy đất đai hương hỏa của ông cha hay đất đai được quyền sử dụng hợp pháp.

Đây là một thực trạng hết sức phản nhân văn mà trong dư luận nhân dân, đó chỉ là những hành động cướp ngày của các nhóm lợi ích.

Mặt khác, không ít các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam phớt lờ những trách nhiệm pháp lý và tài chính với công sản đã cam kết, thậm chí còn lợi dụng những yếu kém và tư lợi của những người quản lý công sản để tạo ra những cam kết trong đó họ nghiễm nhiên chiếm dụng và xâm hại tài sản công.

Từ góc độ quản lý và sử dụng công sản, có thể thấy một trong những căn nguyên chính gây ra các hành vi trên là hạn chế, lệch lạc trong nhận thức về công sản của toàn xã hội. Trong xã hội Việt Nam, công sản hầu như chỉ được nhìn như đất đai, tài nguyên, hạ tầng… mà không hoặc ít ý thức về giá trị công sản trong hệ sinh thái, các tài sản xã hội như internet, luật lệ, thị trường, chứng khoán, hệ thống truyền thông, các hoạt động văn hoá phi lợi nhuận v.v…

Điều đó dẫn đến hệ quả công sản bị các công ty nước ngoài chiếm dụng do không tính hết giá trị công sản vào phần vốn góp của phía Việt Nam hay vào chi phí thuê đất và các dịch vụ xã hội khác. Đây không chỉ là thiệt thòi về công sản, mà còn là kẽ hở để các nhóm lợi ích lách qua thương thuyết theo cách bán rẻ tài sản công để thu lợi cho lợi ích nhóm. Khủng hoảng môi trường Formosa là một ví dụ về sự bất cập trong nhận thức, quản lý và kiểm soát công sản trong hợp tác kinh doanh với công ty nước ngoài.

Bộ trưởng Nội vụ Mỹ Walter Hickel từng nói: “Nếu bạn ăn trộm 10 đô la từ ví của ai đó thì thế nào cũng xảy ra đánh nhau, nhưng nếu bạn ăn trộm hàng tỷ đô la từ công sản do người đó và con cháu của anh ta đồng sở hữu thì có lẽ anh ta thậm chí không để ý”. Câu nói đó cho thấy một thực tế là ngay cả người dân ở các nước phát triển cao như Mỹ cũng không có ý thức đầy đủ và đúng mức về quyền hạn của mình với công sản.

Người Mỹ còn như thế thì người dân ở các nước đang mới phát triển như Việt Nam sẽ còn tự đánh mất quyền sở hữu công sản của mình đến mức nào? Tình trạng lợi dụng dân trí thấp để lạm quyền, tham nhũng, chiếm đoạt công sản hay tài sản của dân theo nhiều cách hiện nay khá phổ biến ở nước ta. Sự chiếm đoạt công sản của các công ty trong nước và ngoài nước đã gây ra tình trạng chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng.

Kinh nghiệm duy trì và phân bổ tài sản công của Mỹ và Anh

Giả định rằng những tài sản công từ thiên nhiên, cộng đồng và văn hoá trị giá nhiều ngàn tỷ đô la bỗng nhiên biến mất, thì sẽ lấy gì thay thế các giá trị công sản nền tảng mà các công ty được hưởng lợi một cách nghiễm nhiên để trao truyền lại cho các thế hệ sau, các tổ chức ở Mỹ đã có những ý tưởng mới về việc bảo vệ quỹ công sản lần hồi đó trên cơ sở tập hợp những thể chế khác với các công ty, để tránh sự độc canh công sản.

Mỗi thể chế phù hợp với một loại tài sản và một bối cảnh cụ thể, nhưng luôn ưu tiên hàng đầu cho thế hệ tương lai. Theo quan điểm của Locke, tư hữu hoá một số phần của công sản cũng được, miễn là chừa hẳn lại “đủ và y nguyên” phần cho mọi người, như một hệ sinh thái được tư hữu hoá phải được tồn tại đầy đủ và khoẻ mạnh truyền lại cho đời sau.

Tuy nhiên, quyền công hữu phù hợp hơn với việc bảo tồn công sản vì quyền công hữu luôn muốn có thêm người đồng sở hữu, còn quyền tư hữu thì bản chất là loại bớt. Do đó, có thể xây dựng cơ chế dân chủ: Mỗi người dân có một cổ phần đóng góp vào công sản nên công sản sẽ được toàn dân quan tâm theo dõi, chăm sóc và bảo vệ.

Các chủ sở hữu tư nhân với công sản gần như được độc quyền ưu tiên hưởng thu nhập từ tài sản. Nhưng  các sở hữu chủ quyền công hữu vẫn có thể có thu nhập từ công sản như cách Quỹ vĩnh viễn Alasska ở Mỹ đã thực thi hiệu quả.

Trong lĩnh vực văn hoá, các Quỹ tín thác Trình diễn Âm nhạc (1948) và Quỹ bảo trợ nghệ thuật San Francisco (1960) đã tạo ra thể chế thu hồi và phân bổ công sản văn hoá bằng cách thu của Hội Nhạc sỹ và ngành sản xuất băng đĩa tiền tác quyền của các tác phẩm cổ điển để tài trợ cho các chương trình ca nhạc miễn phí trong công viên, trên đường phố.

Từ năm 1961 đến năm 2006,  Quỹ Bảo trợ nghệ thuật San Francisco đã phân chia 145 triệu đô la cho các tổ chức văn hoá phi lợi nhuận. Chỉ riêng năm 2014, Quỹ tín thác Trình diễn Âm nhạc đã tài trợ cho trên 11.000 buổi hoà nhạc miễn phí trên khắp nước Mỹ và Canada.

Ngoài ra, một thể chế khác đã được thực hiện có hiệu quả ở Anh là lập Quỹ tín thác, uỷ thác tài sản công cho một cá nhân hay tổ chức nắm giữ và quản lý theo các quy định của luật pháp như: Trung thành minh bạch với những người được thụ hưởng tài sản công, phải giữ gìn vốn gốc cho các thế hệ sau…

Những yêu cầu này khắt khe hơn nguyên tắc đạo đức của thị trường, trách nhiệm của người được uỷ thác là bắt buộc, cụ thể và nghiêm ngặt hơn trách vụ quản lý của các xã hội tài sản công hoàn toàn do bộ máy nhà nước quản lý, khai thác và kiểm soát. Các khoản tiền mà các công ty thuê công sản nộp vào Quỹ tín thác sẽ được quay vòng để trả cho những người có cổ phần sở hữu công sản. Thực tế cho thấy, khi việc bảo vệ môi trường công sản khỏi ô nhiễm, thì người thuê công sản nhiều hơn và thu nhập của các cổ đông cũng cao hơn.

Đỗ Minh Tuấn
.
.