Nhanh, chậm và hạnh phúc

Thứ Năm, 20/08/2015, 08:10
Đi ra nước ngoài, thỉnh thoảng ta gặp những biển báo thú vị hai bên đường, ví như: "Hãy nhường đường cho những ai đi quá tốc độ 80km/h vì họ đang vội đến… nghĩa địa!". Nhìn biển báo ta biết được đoạn đường này được giới hạn tốc độ là 80km/h, nếu chúng ta muốn nhanh hơn để được về nhà, nhanh đến quán bia, nhanh đến chỗ hẹn hò với người yêu hay đơn giản là nhanh hơn để thử cảm giác mạnh thì sẽ giật mình mà suy ngẫm.

Lời cảnh báo nguy cơ tai nạn dẫn đến chết người nếu bạn phóng xe nhanh được diễn tả rất hài hước và nhẹ nhàng, có ý tự ta thức tỉnh, tự ta ngộ giác chứ không phải bất kỳ một mệnh lệnh nào như ta vẫn thường thấy ở các biển báo khác ở những nơi khác. Đó cũng là một biểu hiện văn hóa của biển báo, văn hóa tham gia giao thông ở các nước bạn mà ta nên học tập.

Chậm, nhanh và dừng đều có cái tốt, nếu nó được đặt vào đúng hoàn cảnh, đặt vào đúng vị trí, nội dung từng công việc, từng vấn đề cụ thể, nhưng thường thì con người ta vẫn thích nhanh hơn là chậm, thậm chí ghét dừng, nhanh thăng quan tiến chức, nhanh được phân nhà, nhanh được đi xuất ngoại, nhanh được nổi tiếng… Tất cả những cái nhanh đó đều tốt cả nếu nó nhanh một cách hợp lý, đúng quy luật, quy trình. Nhưng thường thì con người ta không mấy được hạnh phúc trong cuộc sống cũng chỉ vì những ước muốn nhanh quá đó.

Khi bạn đang là nhân viên, bạn cảm thấy mình không hạnh phúc, bạn nghĩ rằng phải lên được trưởng phòng thì mới hạnh phúc, mới được mọi người vị nể, bố mẹ đẹp lòng, vợ mong con trông, thế là suốt ngày bạn cảm thấy ấm ức, thua thiệt và tất nhiên không hạnh phúc khi mãi là một anh nhân viên. Trong quá trình nhanh nhanh đi tìm hạnh phúc trong việc thăng quan tiến chức đó, bạn bỏ qua mất một điều cốt lõi, cơ bản nhất của một người làm quan chức cao vọng trọng đó là kiến thức và đạo đức. Nếu muốn được thăng quan tiến chức nhanh thì trong quá trình làm việc bạn phải chú tâm vào việc tích lũy dần dần kiến thức, học hỏi kiên trì từ sách vở, qua bạn bè đồng nghiệp không những kiến thức về chuyên môn bạn đang làm mà phải mở rộng ra học cả những kiến thức thường thức trong cuộc sống thì mới mong có một ngày nhanh thăng quan, tiến chức với đúng nghĩa của nó.

Người xưa nói "tu nhân, tích đức". Mặc dù chữ đức trong Phật giáo có vô lượng nghĩa nhưng đều được thiết lập trên nền tảng cơ bản là hoàn thiện nhân cách đạo đức nơi mỗi con người. Chỉ có đủ nhân cách và đạo đức thì mới mong được thăng quan tiến chức và mới nên làm quan. Nếu bạn biết được rằng với tài và đức của mình hiện tại thì mình chỉ nên làm nhân viên thôi, biết được như thế bạn sẽ hạnh phúc vì bạn tự biết mình. Biết mình và thắng mình là điều vĩ đại nhất rồi còn gì?! Cho nên, nếu ta không biết đủ và dừng lại thì sẽ chẳng bao giờ ta có được hạnh phúc thật trên đời.

Nguyễn Tam Hà
.
.