Trao tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 8:

Nhân lên những niềm vui

Thứ Hai, 18/01/2016, 08:00
Sáng 10-1, Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 8 đã được tổ chức trang trọng tại Nhà hát Lớn Hà Nội khép lại một mùa phong tặng danh hiệu nhiều ồn ào và tranh luận. 


Đã có 479 nghệ sĩ được trao trong đó có 102 nghệ sĩ được trao tặng danh hiệu NSND, 377 nghệ sĩ được trao danh hiệu NSƯT đến từ 7 dân tộc anh em gồm Kinh, Thái, Ê Đê, Tày, Nùng, Khmer, Cơ tu.

Nghệ sĩ cao tuổi nhất thuộc lĩnh vực âm nhạc là NSƯT Nguyễn Văn Hanh năm nay 89 tuổi. Nghệ sĩ ít tuổi nhất là NSƯT Tạ Thùy Chi, Đặng Linh Nga thuộc lĩnh vực múa  và nghệ sĩ Đàm Hàn Giang (Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam) mới 30 tuổi.

Kể từ đợt phong tặng danh hiệu đầu tiên năm 1984 đến nay là hơn 30 năm đã qua 8 lần phong tặng. Từ những tiêu chuẩn "cứng", rõ ràng: "Trung thành với Tổ quốc, với Chủ nghĩa xã hội, Có tài năng xuất sắc, Có cống hiến nhiều cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam"... thì đến đợt thứ 8 này có khá nhiều tiêu chuẩn được gia giảm so với trước.

Việc truy tặng danh hiệu NSND cũng bắt đầu có từ đợt 6 sau khi có một số nghệ sĩ có những đóng góp cho nền nghệ thuật nước nhà nhưng đã qua đời. Năm nay, 2 nghệ sĩ được truy tặng danh hiệu NSND là nghệ sĩ La Thị Cẩm Vân (biên đạo múa Nhà hát kịch truyền thống Cung đình Huế) và nghệ sĩ Nguyễn Anh Dũng (Nhà hát Kịch Việt Nam). Tuy nhiên, không biết có nên buồn hay vui khi số lượng nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND đợt này lớn nhất từ trước đến nay (từ đợt 6 trở về trước đều chỉ dưới 40 NSND được phong tặng, đợt 7 là 74 người và đợt 8 đã lên tới 102 người).

Trước khi những danh hiệu đến tay các nghệ sĩ, có khá nhiều cuộc tranh luận ồn ào xung quanh vấn đề này tập trung vào việc ai xứng đáng/ không xứng đáng được nhận danh hiệu? Điển hình nhiều ý kiến cho rằng các trường hợp các NSƯT Chí Trung, Minh Hằng... không đủ điều kiện đề nghị danh hiệu NSND do thiếu huy chương, hoặc công thức quy đổi huy chương chưa thỏa đáng. Một số tiêu chí về đạo đức tạo ra sự không rõ ràng, gây tranh cãi như các trường hợp biên đạo múa Tuyết Minh, nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền...

Hay, nhiều người cho rằng càng ngày, việc phong tặng danh hiệu chỉ quan tâm  đến việc đếm huy chương vàng hay xét xem thời gian hoạt động nghệ thuật đủ hay chưa mà không quan tâm tới những yếu tố quan trọng khác...

Nhưng nếu nhìn theo hướng tích cực, danh sách các NSND, NSƯT đợt này có nhiều điều để mọi người hy vọng. Có lẽ đây là đợt phong tặng có nhiều NSND ở lứa tuổi 40 đang ở độ chín của nghề như nghệ sĩ Tự Long (Nhà hát Chèo Quân đội), Trung Hiếu (Nhà hát Kịch Hà Nội), Hoàng Quỳnh Mai (Nhà hát Cải lương Việt Nam), ca sĩ Đăng Dương (Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam).

Lực lượng Công an cũng đóng góp 2 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND là nghệ sĩ Trần Văn Lợi (Đoàn Ca múa nhạc Công an nhân dân) và nghệ sĩ Trần Văn Nhượng (Đoàn Kịch nói Công an nhân dân). Đặc biệt, đợt trao tặng danh hiệu lần này cũng tạo được nhiều chú ý khi lần đầu tiên một nghệ sĩ có thời gian hoạt động ở nước ngoài nhiều năm là nghệ sĩ Hoài Linh được phong tặng danh hiệu NSƯT. Đại diện Vụ Thi đua - khen thưởng (Bộ VH - TT & DL) cho biết: "Hoài Linh là trường hợp đặc biệt, là nghệ sĩ hải ngoại đầu tiên được phong tặng danh hiệu NSƯT.

Hoài Linh được xét NSƯT bởi anh là công dân Việt Nam, có nhiều cống hiến trong đời sống nghệ thuật nước nhà. Hoài Linh cũng là công dân Việt Nam ở nước ngoài, Nhà nước có những chính sách và hình thức khen thưởng để khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài có đủ tài năng, phẩm chất đạo đức, có lòng yêu nước về cống hiến cho nghệ thuật và xây dựng đất nước".

Với những nghệ sĩ thực sự tâm huyết với nghề thì danh hiệu không phải là tất cả. Nhiều nghệ sĩ chia sẻ rằng, với họ, quan trọng là sự ghi nhận và yêu mến của khán giả. Nhưng ở một góc độ nào đó, danh hiệu chính là sự ghi nhận những đóng góp, nỗ lực của họ trong nghệ thuật. Những danh hiệu được trao khách quan, công bằng chưa bao giờ có hiệu ứng ngược cả. Đó luôn luôn là niềm vui, niềm vinh dự của người được nhận và sự ngưỡng mộ, phấn đấu của những người chưa được nhận.

Vẫn biết, để có được một sự công bằng tuyệt đối trong lĩnh vực văn học nghệ thuật chưa bao giờ là điều dễ dàng, nhưng nếu những người cầm cân nảy mực làm việc một cách công tâm thì chắc chắn ngoài mang đến niềm vui, nếu có thiếu sót cũng dễ được cảm thông. 

Khánh Thảo
.
.