Nhạc sĩ viết gì trong hồi ký?

Thứ Bảy, 05/08/2017, 08:05
Thế kỷ XXI là thế kỷ của văn học tự sự. Những người bình thường nhất cũng được khuyến khích ghi chép lại cuộc đời mình, huống hồ là những người nổi tiếng. Thế nhưng, hồi ký chưa bao giờ là một thể loại đơn giản. Dám thổ lộ để người khác viết lại, đã khó. Mà dám cầm bút để viết ra những câu chuyện của đời mình, còn khó hơn. Lần lượt nhiều nhạc sĩ Việt Nam ra mắt hồi ký, mà giá trị thẩm mỹ thực sự dành cho công chúng vẫn là một ẩn số!


Khác với những diễn viên như Kim Cương, Lê Vân, Thương Tín, Ái Vân phải nhờ người chấp bút, các nhạc sĩ đều rất tự tin vào khả năng ngôn ngữ của mình, nên họ khá ung dung khi tự viết hồi ký. Sau khi về nước để sống những ngày cuối đời, nhạc sĩ Phạm Duy ra mắt hai cuốn hồi ký là “Nhớ” và “Vang vọng một thời”. Vì công chúng hâm mộ những ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy, nên hồi ký của ông cũng đắt như tôm tươi.

Trong hồi ký, nhạc sĩ Phạm Duy tiết lộ giai đoạn chập chững sáng tác ca khúc đầu tiên: “Tôi bắt đầu đi vào âm nhạc vào năm 1942, với bài thơ “Cô hái mơ” của Nguyễn Bính do tôi phổ thành ca khúc. Cũng cần kể thêm một số bài thơ khác của Huy Cận, Xuân Diệu… mà tôi phổ dở dang và bài “Con đường vui” mà tôi cùng Lê Vy (một thanh niên rất giỏi nhạc ở Hưng Yên) soạn ra trước và sau đó. Bài “Cô hái mơ” là một trong những bài ca cải cách sơ khởi của nền tân nhạc Việt Nam.

Trong những năm 1943-1945, tôi có may mắn là ca sĩ đầu tiên đi khắp mọi nơi ở trong nước để biểu dương một loại nhạc mới mẻ và rất hấp dẫn so với những loại nhạc cổ đang đi vào quên lãng. Bài “Cô hái mơ” được phổ biến trong dịp này…”. Tuy nhiên, đánh giá tổng thể những gì phơi bày trên trang giấy thì hồi ký Phạm Duy vẫn quá nhạt nhòa so với sự nghiệp âm nhạc của người đã viết ra nhiều ca khúc bất hủ như “Nghìn trùng xa cách”, “Thuyền viễn xứ”, “Ngày xưa Hoàng Thị”…

Nhạc sĩ Quốc Bảo giao lưu với độc giả trong lễ ra mắt hồi ký của mình.

Nhạc sĩ Trần Tiến cũng có một cuốn hồi ký lấy tên là “Ngẫu hứng”. Có duyên kể chuyện, nhạc sĩ Trần Tiến viết những đoản văn ngắn tương đối thú vị, nhưng vì “ngẫu hứng” mà cuốn sách dàn trải và không phác thảo đầy đủ diện mạo của tác giả “Ngẫu hứng sông Hồng”, “Ngẫu hứng phố”, “Ngẫu hứng lý qua cầu”…

Một giai đoạn quan trọng nhất của Trần Tiến là thời đổi mới với những ca khúc như “Sói con hoang vu” hoặc “Trần trụi 87” thì lại không được đề cập. Có một sự e dè khôn khéo, hay một sự ái ngại thường tình nào chăng? Nếu đã đắn đo trước sự thật, thì hồi ký ít nhiều bị hao hụt về tầm vóc! Những đoạn văn mà nhạc sĩ Trần Tiến tỏ ra tâm đắc khi phóng bút trong hồi ký “Ngẫu hứng” thường có màu sắc khá uỷ mị.

Ví dụ, mấy dòng tỉ tê về thân phận: “Tôi như đứa trẻ một hôm lạc vào rừng. Khu rừng bí ẩn của âm nhạc làm nó say mê quên mất đường về. Ở đó nó được nghe tiếng suối reo, tiếng cỏ cây trò chuyện. Đôi khi giật mình nghe tiếng sói hú, hay tưởng như có cây chổi của mụ phù thuỷ gớm ghiếc vụt qua. Đôi khi sung sướng tìm ra toà lâu đài làm bằng bánh kem và được ăn thoả thích. Nhưng đứa trẻ đâu có ý muốn làm hoàng tử trị vì vương quốc xa lạ kia. Rồi một hôm đứa trẻ thấy mỏi gối, chồn chân, giật mình soi gương lòng suối, thấy tóc mình đã bạc phơ. Người ta gọi nó là Nhạc Sĩ, còn nó thì ôm mặt khóc nhớ mẹ cha, nhớ quê nhà mờ sương, nơi nó đã lỡ bước xa rời”.

Nhạc sĩ Vũ Thành An vốn được yêu mến với những ca khúc không tên mà ông đặt là “Bài không tên số 1”, “Bài không tên số 2” cho đến “Bài không tên cuối cùng”. Vì vậy, hồi ký của nhạc sĩ Vũ Thành An cũng đặt là “Chuyện tình không tên”, được thể hiện với hình thức những lá thư tình. Ví dụ, lá thư tình thứ năm, ông viết: “… Anh biết em từ khi em thường giúp anh thu âm các chương trình phát thanh, trong đó có chương trình Nhạc chủ đề. Khởi đầu anh rất quý trọng em như một đồng nghiệp giỏi giang, sau đó từ từ thân hơn, trở thành bạn bè. Chúng ta đã có những buổi hẹn để chuyện trò. Mỗi lần gặp anh là em khóc như mưa… Anh có cảm tưởng như anh là người duy nhất được biết những điều thầm kín đó của em. Chính vì vậy anh đã viết trong "Bài không tên số bốn": Khóc cho vơi đi những nhục hình, nói cho quên đi những tội tình, đời con gái cũng cần dĩ vãng, người em tôi chỉ còn tương lai”.

Đọc hồi ký của nhạc sĩ Vũ Thành An, có thể thấm thía hơn những ca khúc của ông không? Câu trả lời là không! Bởi lẽ, những gì ông viết ra không tương xứng với chiều kích của bài hát trong trí tưởng tượng của công chúng! Những lá thư bắt đầu từ mệnh đề “Em yêu dấu” nghe có vẻ hơi sến súa. Điều này có thể giúp người yêu nhạc thấu hiểu được, vì sao những ca từ ấn tượng nhất trong ca khúc Vũ Thành An đều do Nguyễn Đình Toàn viết lời giúp.

Hồi ký của nhạc sĩ Vũ Thành An!

Điểm sáng đáng nhớ nhất trong hồi ký của nhạc sĩ Vũ Thành An là ông đã công khai vì sao “Bài không tên cuối cùng” có hai lời khác nhau. Mối tình của ông với tiểu thư khuê các lớn tuổi hơn đã làm trái tim ông tan nát, nhưng đã tạo chất xúc tác để ông viết “Bài không tên cuối cùng”.

Trong ca từ viết năm 1966, nhạc sĩ Vũ Thành An có chút cay đắng: “Này em hỡi, con đường đi em đó, con đường em theo đó, đúng hay sao em? Xa nhau rồi thiên đường thôi lỡ, cho thần tiên chắp cánh xót đau người tình si. Suốt con đường ai dìu lối, hãy yêu nhiều người em tôi. Xin gửi em một lời chào, một lời thương, một lời yêu lần cuối cùng…”.

Trong ca từ viết năm 1991, nhạc sĩ Vũ Thành An chuyển sang độ lượng: “Này em hỡi, con đường em đi đó, con đường em theo đó, đúng đấy em ơi. Nếu chúng mình có thành đôi lứa, chắc gì ta đã thoát ra đời khổ đau? Nếu không còn được gặp nữa, giữ cho trọn ân tình xưa. Xin gửi em lời nguyện cầu được bình yên, được bình yên về cuối đời…”.

Khác với những nhạc sĩ cao niên, nhạc sĩ Quốc Bảo vừa bước vào tuổi tri thiên mệnh cũng ra mắt cuốn hồi ký có tên gọi “50 - Hồi ký không định xuất bản”. Ơ hay, không định xuất bản thì in làm gì? Nhạc sĩ Quốc Bảo giải thích: “Tên sách không phải là chiêu để quảng cáo hay PR mà thực sự là vì tôi không định xuất bản.

Nguyên những cuốn sách từng xuất bản trước đây, tôi đã kể rất nhiều chi tiết về cuộc đời tôi, về hoàn cảnh xuất thân gia đình, về bước đường khởi nghiệp... Do đó, tôi nghĩ không còn điều gì để công bố. Nhưng mà bỗng nhiên, giống như tuổi già thường hay ngồi ngẫm ngợi lẩm cẩm, tôi lại nhớ ra những chi tiết riêng tư và tôi viết lại vào một cuốn sổ tay, thi thoảng có post một vài đoạn như thế lên trang Facebook. Các bạn vào đọc và thích, trong số đó có các bạn đề nghị tôi xuất bản một cuốn sách”.

Nhạc sĩ Quốc Bảo vốn quen thuộc với giới trẻ qua những ca khúc điệu đà như “Em về tinh khôi”, “Còn ta với nồng nàn”, “Tim anh trôi về em”, “Vừa biết dấu yêu”… Người làm sao, chiêm bao làm vậy. Trong cuốn hồi ký của nhạc sĩ Quốc Bảo cũng dành ra một chương “Học trò yêu” để viết về Mỹ Tâm, Ngô Thanh Vân và Nguyên Hà.

Trước đây, từng bị Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh cảnh cáo vì hành vi đạo ca khúc “Tuổi 16”, nhưng trong “50 - Hồi ký không định xuất bản” thì nhạc sĩ Quốc Bảo lại lên giọng bào chữa như thể người ta ép ông nhận lỗi chứ ông hoàn toàn vô can. Nỗi oan Thị Kính chăng, hay nỗi oan Thị Mầu? Điều ấy nhạc sĩ Quốc Bảo chưa trả lời đầy đủ trong những trang bộc bạch đời mình!

Trong tương lai, sẽ còn có nhiều hồi ký của nhạc sĩ được xuất bản. Thế nhưng, đáng tiếc thay, hai người có khả năng ngôn ngữ xuất sắc và cuộc đời nhiều góc khuất là nhạc sĩ Văn Cao và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lại không kịp viết hồi ký. Mâm cỗ hồi ký của các nhạc sĩ rất đa dạng, nhưng không dễ tìm món ngon. Khuyết điểm dễ nhận thấy của hồi ký các nhạc sĩ là ít chất tự sự. Điều này có lẽ cũng có thể thông cảm, vì âm nhạc vốn nhiều trầm bổng lắm du dương, chứ hiếm hoi những suy tưởng sâu xa! Có lẽ còn phải chờ đợi hơi lâu nữa, mới mong có được những hồi ký của nhạc sĩ có sức quyến rũ như một tác phẩm văn chương đích thực!

Văn Tân
.
.