Nhạc cổ điển Việt Nam: Nỗ lực tiếp cận đông đảo công chúng

Thứ Sáu, 15/02/2019, 13:59
Được tôn vinh là tinh hoa của âm nhạc, là dòng nhạc bác học và là thước đo sự phát triển của một nền âm nhạc, nhưng ở Việt Nam lâu nay, nhạc giao hưởng vẫn có một chỗ đứng khá khiêm tốn. Trong quan niệm của không ít người Việt, đó vẫn là một loại hình nghệ thuật xa xỉ. 


Nhiều chương trình hòa nhạc lớn được tổ chức, không ít nghệ sĩ đạt được những thành tích đáng tự hào và lượng khán giả đến với dòng nhạc giao hưởng, thính phòng ngày một đông... là những tin vui của dòng nhạc này thời gian gần đây. Vượt qua những khó khăn của một dòng nhạc kén người nghe, nhạc giao hưởng Việt Nam đang dần khẳng định vị trí của mình trong đời sống âm nhạc.

Hình thành từ thập niên 30 của thế kỷ XVIII, nhạc giao hưởng là sự kết hợp đầy kỳ diệu của nhiều loại nhạc cụ lớn, nhỏ, có âm sắc khác nhau và thường được biểu diễn trong một phòng hòa nhạc lớn cùng không gian sang trọng.

Được tôn vinh là tinh hoa của âm nhạc, là dòng nhạc bác học và là thước đo sự phát triển của một nền âm nhạc, nhưng ở Việt Nam lâu nay, nhạc giao hưởng vẫn có một chỗ đứng khá khiêm tốn. Trong quan niệm của không ít người Việt, đó vẫn là một loại hình nghệ thuật xa xỉ.

Có rất ít chương trình biểu diễn giao hưởng được tổ chức, thường với giá vé khá cao nên không nhiều người dân có cơ hội tiếp cận với dòng nhạc giá trị này. Hoặc, một số chương trình có khán giả lại hầu hết là giới chuyên môn. Tuy nhiên, thời gian qua, tình hình đã có nhiều thay đổi. Nhạc giao hưởng Việt Nam đã có nhiều bước tiến mới trong việc chinh phục khán giả, khẳng định vị trí của mình trong đời sống âm nhạc Việt Nam.

Một buổi biểu diễn của Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam.

Một trong những sự kiện âm nhạc thường niên góp phần không nhỏ giữ gìn nét đẹp của nhạc cổ điển, mang dòng nhạc hàn lâm này đến gần với công chúng là chương trình Hòa nhạc Toyota (Toyota Concert). Ngoài cốt lõi là Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, chương trình có sự góp mặt của các nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới thường xuyên mang đến những tác phẩm kinh điển.

Năm 2018 vừa qua, chương trình được dẫn dắt bởi nhạc trưởng Nhật Bản tài ba Honna Tetsuji và có sự tham gia của nghệ sĩ cello người Mỹ gốc Đài Loan (Trung Quốc) Grece Ho và nghệ sĩ violin hàng đầu Việt Nam Bùi Công Duy. Bên cạnh Hòa nhạc Toyota, Hòa nhạc Hennessy cũng là sự kiện không thể không nhắc tới.

Khởi nguồn từ năm 1996 với sự trình diễn của nghệ sĩ Cello huyền thoại người Nga Mstislav Rostropovich, hơn 20 năm qua, mỗi năm Hennessy Concert đều mang đến Nhà hát Lớn Hà Nội những nghệ sĩ hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nhạc cổ điển, opera với nhạc mục xuất sắc qua những chương trình biểu diễn trực tiếp chỉ với một đêm duy nhất. Chương trình đã góp phần giúp khán giả Việt có điều kiện tiếp cận với những tiết mục nghệ thuật đẳng cấp quốc tế, thúc đẩy âm nhạc cổ điển phát triển trong đời sống.

Trong bối cảnh khí nhạc Việt chưa thật sự lan tỏa trong đời sống âm nhạc vì lâu nay vốn được mặc định là kén người nghe thì "Festival quốc tế Âm nhạc mới Á - Âu 2018" do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội và Ninh Bình thực sự là một điểm nhấn quý báu. Đây là lần thứ 3 sự kiện được tổ chức tại Việt Nam với thông lệ 2 năm/ lần.

Chương trình đã giới thiệu đến công chúng những tác phẩm mới đặc sắc của các nhạc sĩ sáng tác âm nhạc đương đại nhiều quốc gia Á - Âu. Có nhiều thể loại âm nhạc chuyên nghiệp, đủ các thể loại lớn nhỏ như giao hưởng, hợp xướng, thính phòng, hòa tấu, ca khúc nghệ thuật... Với sự tham gia của 200 nhạc sĩ, nghệ sĩ của 300 quốc gia trên thế giới như Anh, Ba Lan, Bỉ, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Trung Quốc... đây thực sự là bữa tiệc âm nhạc phong phú, đầy màu sắc.

Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam: "Festival lần này là diễn đàn để chúng ta tiếp tục khẳng định thành tựu của nền nhạc mới Việt Nam, giới thiệu tác phẩm mới của các nhạc sĩ Việt Nam với bạn bè quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực thính phòng, giao hưởng".

Đặc biệt, có những tác phẩm giao hưởng cho dàn nhạc phương Tây kết hợp với nhạc cụ dân tộc châu Á, hay những tác phẩm được dàn nhạc thính phòng quốc tế biểu diễn kết hợp với đàn bầu của Việt Nam đã là những tiết mục thật sự thú vị.

Ngoài những chương trình thường niên do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch kết hợp với các đơn vị xã hội hóa thì thời gian gần đây, xuất hiện ngày càng nhiều những chương trình hòa nhạc được tổ chức bởi những doanh nghiệp mà sự kiện Vietnam Airlines Classic -  Hanoi Concert là một ví dụ.

Năm 2017, hãng hàng không này đã kết hợp cùng UBND Thành phố Hà Nội để mời dàn nhạc giao hưởng nổi tiếng thế giới London Symphony Orchestra tới Việt Nam biểu diễn, gây ấn tượng tốt đẹp trong công chúng yêu nghệ thuật.

Năm 2018, Vietnam Airlines tiếp tục mang nhạc giao hưởng trở lại Việt Nam với 95 nhạc công tài năng quốc tế được dẫn dắt bởi nữ nhạc trưởng Elim Chan - một trong những nhạc trưởng xuất sắc nhất thế giới thuộc dàn nhạc giao hưởng London Symphony Orchestra. Đây thực sự là những nỗ lực tuyệt vời của đơn vị tổ chức để hướng khán giả đến với những giá trị nghệ thuật bền vững theo thời gian.

Không chỉ tổ chức những đêm nhạc thính phòng riêng với quy mô hoành tráng, dòng nhạc này đã có những hình thái phù biểu diễn phù hợp để có thể xuất hiện nhiều hơn trong đời sống âm nhạc Việt Nam. Năm 2018, chương trình hòa nhạc "Điều còn mãi" với tên gọi "Trên đôi cánh tình yêu" đã dành một thời lượng xứng đáng cho khí nhạc. Nhiều ca khúc sống mãi với thời gian cũng đã được phối theo phong cách thính phòng giao hưởng. Những người tổ chức chương trình  này còn ấp ủ mơ ước về một ngày không xa, hòa nhạc giao hưởng Việt Nam có thể sánh vai với khu vực và trên thế giới.

Trong liveshow của các nghệ sĩ như Đăng Dương, Lan Anh cũng đã có sự xuất hiện của nhạc giao hưởng, thính phòng. Không chỉ biểu diễn trong những không gian chuyên nghiệp như Nhà hát Lớn, Nhạc viện Quốc gia Việt Nam, hòa nhạc thính phòng đã được tổ chức ngoài trời như chương trình tại AEON Mall Long Biên đầu tháng 1 vừa qua là một ví dụ.

Buổi hòa nhạc có tên gọi "Hòa nhạc hạnh phúc" là dự án cộng đồng của Acecook Việt Nam phối hợp cùng Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam với sự chỉ huy của nhạc trưởng Honna Tetsuji đã giúp cho khán giả được thưởng thức nhạc giao hưởng trong không gian gần gũi.

Trước đó, năm 2016, đơn vị này cũng đã từng có buổi biểu diễn ngoài trời ở Nhà thờ Lớn Hà Nội. Năm 2017 là buổi biểu diễn ngoài trời lần thứ 2 diễn ra ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP Hồ Chí Minh. Ngoài việc mang giao hưởng thính phòng đến với những khán giả ít có cơ hội thưởng thức thì những buổi hòa nhạc này còn khiến cho sự tương tác giữa nghệ sĩ và khán giả cao hơn.

Sự phát triển của dòng nhạc giao hưởng thính phòng Việt Nam còn được đánh dấu bằng sự ra đời của dàn nhạc tư nhân. Vừa qua, dàn nhạc giao hưởng tư nhân Sài Gòn (Saigon Orchestra) đã chính thức công diễn tại Nhạc viện TP Hồ Chí Minh. Đây là sản phẩm có được từ sự đam mê của nghệ sĩ pianist Lê Nhật Quang và đạo diễn Lê Thanh Hải.

Trước đó, dự án dàn nhạc giao hưởng tư nhân Mặt trời (Sun Symphone Orchestra - SSO) cũng đã công bố ra mắt và ra thông báo tuyển quân. Ngoài ra, trước đó, đạo diễn Lê Thanh Hải cũng đã tự vận động thành lập một dàn nhạc giao hưởng có tên Saigon IDECAF, quy tụ các nghệ sĩ tên tuổi nước ngoài như nghệ sĩ Mỹ Mario Trane, Ronie Williams, Steve Desvaux...

Nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn cũng từng đứng ra triệu tập đồng nghiệp tạo nên dàn nhạc Big Band ở TP Hồ Chí Minh. Một nhóm nghệ sĩ 9X cũng đã tự thân quy tụ lại để thành lập dàn nhạc Mauis Philharmonic... Điều này cho thấy dòng nhạc giao hưởng thính phòng đã bắt đầu sôi động, đặc biệt ở phía Nam.

Sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội đã kéo theo sự phát triển tất yếu của lĩnh vực âm nhạc trong đó phải kể tới dòng nhạc giao hưởng thính phòng. Sự ra đời của dàn nhạc tư nhân là xu hướng tất yếu bởi các dàn nhạc này có không ít thuận lợi như ê kip gọn gàng, có thể biểu diễn ở nhiều không gian khác nhau.

Mặc dù thực tế, để các dàn nhạc giao hưởng tư nhân để có thể tồn tại được không phải là chuyện đơn giản. Hầu hết các nghệ sĩ lập ra với mục đích thỏa mãn đam mê hơn là việc tìm kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên, đây rõ ràng là những tín hiệu mừng để nhạc thính phòng sẽ không chỉ đóng khung trong Nhà hát Lớn và một số buổi hòa nhạc nữa mà tiếp cận gần hơn với đông đảo công chúng.

Khánh Thảo
.
.