Nhà văn và nhân vật lịch sử

Thứ Sáu, 08/05/2020, 07:52
Mối quan hệ giữa nhà văn và nhân vật lịch sử là một liên kết rất quan trọng, bởi từ thái độ, quan điểm của nhà văn, nhân vật lịch sử sẽ có những phiên bản rất khác nhau từ cảm quan riêng của người viết.


Tào Tháo và Lưu Bị là hai nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc nhưng danh tiếng ấy không hẳn từ chính lịch sử mang lại. Người có công lớn làm cho Tào Tháo và Lưu Bị cùng nhiều nhân vật thời Tam Quốc bất tử là La Quán Trung, một tiểu thuyết gia.

Nếu không có La Quán Trung với "Tam quốc diễn nghĩa", tôi tin rằng các nhân vật lịch sử kể trên khó được phổ biến rộng rãi và trở thành huyền thoại như vậy. Nhưng chính La Quán Trung với thái độ yêu ghét của mình đã làm ít nhiều thiên lệch các nhân vật cụ thể. Người ta có thể thấy rõ La Quán Trung yêu thích Lưu Bị và không thiện cảm với Tào Tháo. Lưu Bị được dựng lên một cách đẹp đẽ trong khi Tào Tháo không hẳn xấu xa như vậy. Tình cảm của nhà văn đã chi phối đến nhân vật và điều đó tiếp tục tác động đến công chúng.

Puskin với cuốn tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng nhất của mình, "Con gái viên đại úy" cũng có tình cảm tương tự. Puskin viết về một cuộc khởi nghĩa của nông dân mà khi ấy Sa hoàng Nga coi họ là đám phản loạn và đàn áp đẫm máu. Puskin là một quý tộc Nga, quý tộc thì phải thề trung thành tuyệt đối với hoàng đế, nghĩa là phải đứng về phía triều đình phong kiến nhưng Puskin vẫn khéo léo bày tỏ thái độ của mình. Ông giữ thái độ trung lập khi viết, thậm chí độc giả nhận thấy sự cảm tình của ông với vị thủ lĩnh quân khởi nghĩa.

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh và nhà thơ Puskin.

Ông miêu tả nhân vật Putgasốp có những nét rất hào sảng và thậm chí cả một bầu không khí phấn chấn khi nông dân được quân khởi nghĩa giải phóng. Puskin cũng dự đoán những chương đoạn đó có thể bị kiểm duyệt nên ông đã để ngỏ khả năng bị cắt bỏ bản thảo. Thái độ của Puskin là không hẳn đồng ý với chính sách của Sa hoàng và kín đáo ủng hộ những người nông dân phản kháng.

Nguyễn Xuân Khánh cũng có cái nhìn khác biệt về nhân vật Hồ Quý Ly. Trong chính sử Hồ Quý Ly bị coi là nhân vật phản trung, thoán nghịch nhưng dưới con mắt của Nguyễn Xuân Khánh trong cuốn tiểu thuyết cùng tên, nhân vật họ Hồ lại có một diện mạo khác.

Trong một bầu khí quyển khi nhà Trần đã rệu rã, yếu hèn, Hồ Quý Ly nổi lên như một nhân vật tất yếu để thay thế. Nguyễn Xuân Khánh ủng hộ những cải cách của cha con Hồ Quý Ly, chỉ tiếc rằng thời thế và cơ hội lịch sử chưa chín muồi.

Qua cái nhìn của nhà văn, một nhân vật "phản nghịch" của lịch sử đã được chiêu tuyết và có những đánh giá công bằng, đặc biệt cuốn sách đề cao vai trò của người trí thức. Nguyễn Xuân Khánh, ở một điểm nào đó, cũng gần như  "đồng bệnh" với Hồ Quý Ly ở những trăn trở của với cuộc sống đương thời.

Còn Nguyễn Huy Thiệp thì nhìn cả Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh khá "trần tục". Nhà văn hầu như không ca ngợi mà miêu tả những nhân vật này như những người bình thường, chủ trương của ông là kéo nhân vật lịch sử lại gần với đời sống giống thật, nghĩa là đủ cả ái ố hỉ nộ, những tính xấu, tính tốt, những bản năng và cảm xúc rất con người.

Cái nhìn của Nguyễn Huy Thiệp táo bạo nên ở hồi đầu xuất hiện, ông đã bị phản ứng quyết liệt. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, đó chỉ là  thái độ, quan điểm và tình cảm của một người, và chúng ta cũng không cần lo lắng quá. Nếu Nguyễn Huy Thiệp nhìn Nguyễn Huệ có phần hơi "suồng sã" thì có người khác nhìn người anh hùng áo vải thiêng liêng và ngưỡng vọng. Điều đó làm nên sự khác biệt giữa văn học với lịch sử và khiến nhân vật thêm hấp dẫn.

Tôi cũng nhìn Trần Khánh Dư với quan điểm riêng của mình trong "Sương mù tháng Giêng". Trần Khánh Dư trong lịch sử có cả công và tội, xấu và tốt. Cả hai lượng xấu tốt này khá cân bằng trong con mắt các sử gia phong kiến.

Tôi nhìn Trần Khánh Dư với mặt tốt nhiều hơn, không phải tôi không thấy tính xấu của ông nhưng không chủ trương khai thác điểm ấy vì có những góc tối lịch sử không chỉ mình Trần Khánh Dư phải gánh chịu, ví dụ hôn nhân cận huyết, phóng khoáng ái tình là điều khá phổ biến trong thời Trần. Trần Khánh Dư chỉ là một khuông trong cả dàn bè ấy thôi, tôi muốn nhìn ông như một dũng tướng si tình và có những quan điểm mới về danh lợi, danh phận.

Cũng có một thời người ta ầm ĩ lên với những truyện ngắn lịch sử của Trần Vũ. Trần Vũ chủ trương cái dâm và bạo lực, hầu như nhân vật lịch sử nào, nhà văn cũng tô đậm khía cạnh ấy. Nhưng tôi đã nói, đó chỉ là quan điểm của một người, có thể cả Nguyễn Huy Thiệp và Trần Vũ không muốn đi theo lối mòn, họ muốn làm khác, họ muốn "nổi loạn", đó là cách tiếp cận của họ. Khi thời gian đã lùi xa một quãng, ta thấy cả Nguyễn Huy Thiệp và Trần Vũ đều không có gì "nguy hiểm", thời gian sẽ sàng lọc những gì không phù hợp hoặc tâm lý tiếp nhận và thái độ của công chúng cũng cởi mở và thông thoáng hơn.

Tất nhiên, viết về những nhân vật chính diện hoặc có những mặt xấu, tốt thì dễ dàng hơn rất nhiều so với những nhân vật phản diện hoàn toàn. Hồ Quý Ly lạm quyền nhưng ông cũng có những cải cách và công lao nhất định, Trần Thủ Độ đoạt ngôi nhà Lý nhưng chính ông là "đạo diễn" quan trọng nhất cho vương triều Trần thời kì đầu tiên.

Viết về hai người này dù sao vẫn có đất diễn và được sự đồng thuận của độc giả. Còn những nhân vật phản diện hoàn toàn như Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống thì khó hơn nhiều. Viết về những nhân vật này rất dễ nhận phải những phản ứng tiêu cực của độc giả và dư luận, ở đây thái độ, quan điểm của người viết được "soi" rất kĩ, chỉ cần một chút lỏng tay hoặc không rõ ràng, tai nạn nghề nghiệp rất dễ xảy ra.

Nhưng đã qua giai đoạn trong văn học chỉ tồn tại người tốt toàn diện hoặc người xấu hoàn toàn. Bất cứ cá nhân nào cũng có những phức tạp và mâu thuẫn nhất định, nhất là với những nhân vật lịch sử ở những thời điểm phức tạp. Tôi ví dụ nhân vật vua Gia Long.

Theo nhìn nhận và quan sát của tôi, thái độ và tình cảm của công chúng cũng như dòng chính thống đối với ông thay đổi theo từng thời kì. Có một giai đoạn Gia Long được nhìn nhận một cách khá tích cực, có trường học mang tên ông ở miền Nam và Hà Nội từng có đường Gia Long. Sau đó tên tuổi Gia Long chủ yếu được nhìn theo hướng tiêu cực, nhưng gần đây lại có sự cởi mở hơn với cả vương triều Nguyễn và vua Gia Long.

Viết về nhân vật này dưới góc nhìn văn học vẫn là điều khó và thách thức, nhất là trong mối tương quan giữa Quang Trung và Gia Long. Gia Long xấu hay tốt, công hay tội, liều lượng thế nào là đủ, ở đây cái nhìn khách quan và khoa học của nhà văn là rất quan trọng, nếu không rất dễ rơi vào những sai lầm hoặc phiến diện một chiều.

Tôi biết một câu chuyện khá thú vị liên quan tới tình cảm của nhà văn với nhân vật lịch sử. Một cuốn tiểu thuyết lịch sử khá có tiếng gần đây được nhận giải thưởng danh giá bỗng bị một người phản đối quyết liệt.

Người phản đối ấy cũng là một nhà văn vì anh ta cho rằng, cuốn sách ấy đã có những chi tiết bôi nhọ ông tổ nhà anh ta. Tác giả thì giữ thái độ trung dung, không có mối quan hệ họ hàng nào nhưng người phản đối kia thì kiên quyết cho rằng tác giả đã có những thiên lệch, định kiến. Đúng là một tình huống lưỡng nan điển hình. Người viết không thể vì chiều người này, người kia mà viết theo ý họ.

Nhà văn viết theo cảm quan của riêng mình và nếu có thiên kiến thì anh ta phải tự chịu trách nhiệm với công luận và độc giả. Uốn cong ngòi bút hoặc thiên lệch nhân vật ở thời đại này là một việc rất khó tha thứ. Người viết cần có một thái độ khách quan và công bằng với lịch sử cũng như trách nhiệm với công chúng và nghề nghiệp. Viết về lịch sử tưởng rằng dễ dựng với câu chuyện, nhân vật sẵn có nhưng vô cùng thách thức với những ranh giới mong manh và trở ngại cố hữu.

Nếu nhà văn ngồi đàm đạo với nhân vật lịch sử thì sẽ có khối chuyện hay xảy ra. Tôi đang nghĩ đến điều đó khi một nhân vật lịch sử bỗng hỏi nhà văn rằng, ông đang viết về tôi đấy à, có thể ông sẽ biết mùi đao kiếm của tôi hoặc nhận "gạch đá" của công chúng. Ông hãy liệu mà viết!

Nhà văn sẽ vò đầu bứt tai nghĩ ngợi và trả lời. Tôi viết thế nào là quyền của tôi chứ, ông cứ việc ngự yên trong pho tàng thời đại của ông đi. Hậu thế có đủ khôn ngoan để nhìn nhận lịch sử theo cách của họ!

Uông Triều
.
.