Nhà văn và cá tính sáng tạo trong quan niệm của Hoài Thanh

Thứ Ba, 13/07/2010, 09:34

Vấn đề nhà văn trong văn học được Hoài Thanh đề cập đến khá sớm qua các bài phê bình, nghiên cứu của mình. Quan niệm của ông có nhiều điểm mới, khoa học so với những quan niệm trước và cùng thời.

Trong mối quan hệ văn học (nhà văn - tác phẩm - bạn đọc), nhà văn - với tư cách một chủ thể sáng tạo là yếu tố quan trọng hàng đầu. Trước nhà phê bình văn học Hoài Thanh, quan niệm về nhà văn rất mờ nhạt, thậm chí chưa được nhìn nhận  thật chính xác. Hơn thế, các nhà nghiên cứu xưa chưa thật đi sâu, phân tích một cách cụ thể quan niệm về cái tài, về cá tính sáng tạo của nhà văn như thế nào, phẩm chất văn chương nghệ thuật của họ ra sao. Khái niệm về nhà văn về cơ bản vẫn tập trung để chỉ những người "kiêm việc", tức là không có quan niệm về nghệ sĩ thuần túy. Vì thế, vô hình chung vai trò và phẩm chất của nhà văn đối với sự phát triển của văn học đích thực đã không được đánh giá thật  xác đáng.

Hoài Thanh - với một cái nhìn mang tư duy lý luận hiện đại đã mạnh dạn đề xuất một cách nhìn mới về nhà văn với những hệ thống quan điểm mới trên cơ sở tôn trọng tài năng nghệ thuật và cá tính sáng tạo. Ông lấy hiệu quả nghệ thuật trong tác phẩm là trung tâm điểm xuất phát trong quan niệm của mình. Đặc biệt, quan niệm về nhà văn của Hoài Thanh chính là sự mong muốn được giải thoát cho cái tôi cá nhân đã luôn bị quan niệm văn học cũ kìm hãm để tạo đà cho sức thể hiện mới của văn học nghệ thuật hiện đại.

Hoài Thanh trong "Văn chương và Hành động" quan niệm có hai loại nhà văn. Một loại là "nhà văn hoàn toàn"(chữ dùng của Hoài Thanh) - tức là những người bẩm sinh chỉ biết làm văn. Đó là những người mà "hơi gió thoảng, tiếng chim kêu, một người rách rưới lê gót dưới vệ đường, bao nhiêu người đời không để ý" thì lại để lại trong tâm trí họ "những tiếng vang không dứt, những vết thương không bao giờ lành (...) Tâm trí (…) luôn luôn đi về những chốn người đời không ngờ tới". Khái niệm "nhà văn hoàn toàn" của Hoài Thanh là một khái niệm độc đáo, mới mẻ, "thể hiện quan niệm rõ ràng về nhà văn như một "chủng người đặc biệt". Đó là con người mà tài năng văn học là "thiên tính" chứ không phải do giáo dục hay trải nghiệm mà thành.

Kiểu nhà văn thứ hai theo ông là kiểu nhà văn không chỉ biết làm văn mà còn có thể làm những việc khác nữa: "Chúng tôi vội nói rằng chúng tôi không phải là những "nhà văn hoàn toàn" nghĩa là những người bẩm sinh chỉ biết làm văn, không thể làm được việc gì khác". Ở đây, có lẽ Hoài Thanh muốn đề cập đến kiểu người làm nghệ thuật như ông - những người làm công tác phê bình văn học. Hoài Thanh vẫn quan niệm, phê bình cũng là một dạng sáng tác văn học. Phê bình và nghệ thuật là cùng một mục đích, một tính cách, tức là chúng chỉ khác nhau về hình thức, còn về bản chất thì thống nhất. Ông khẳng định: "Tìm cái đẹp trong tự nhiên là nghệ thuật. Tìm cái đẹp trong nghệt thuật là phê bình. Nói một cách khác, nghệ thuật là phê bình tự  nhiên mà phê bình là một lối nghệ thuật gián tiếp, một lối nghệ thuật lấy nghệ thuật làm tài liệu".

Đưa ra hai kiểu nhà văn, Hoài Thanh còn nhằm phân biệt giữa nhà văn và nhà báo. Ông cho rằng dù thế nào, dứt khoát nhà văn khác nhà báo: "Nhà báo chỉ mong thay đổi một thời, nhà văn có hy vọng ảnh hưởng đến lòng người mãi mãi; nhà văn muốn trao mĩ cảm cho người xem, nhà báo nếu cũng có ước muốn ấy sẽ trở thành nhố nhăng rồ dại". Đương nhiên Hoài Thanh không cho rằng nhà văn phải quay lưng lại với xã hội, với cuộc đời, để chỉ toàn nói những chuyện trong cõi mơ, cõi mộng. Ông chỉ chủ trương quan tâm đến những yếu tố có giá trị ảnh hưởng lâu dài của văn học.

Điều quan trọng trong quan niệm của Hoài Thanh về nhà văn là dù là loại nhà văn nào thì tố chất không thể thiếu là phải có cá tính sáng tạo. Ông nói khá nhiều về vấn đề này và coi đó là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của văn chương. Đây cũng là một trong những đóng góp quan trọng của Hoài Thanh. Với Hoài Thanh "trong văn chương cần phải theo bẩm tính của nhà văn". "Bẩm tính" ở đây được quan niệm chính là cái tài hay chính là khả năng sáng tạo mang đậm dấu ấn cá nhân của mỗi nhà văn.

Theo Hoài Thanh, thiên chức của nhà văn khi cầm bút là phải sáng tạo, sáng tạo ra một thế giới khác ngoài thế giới thực. Để làm được điều ấy thì nhà văn phải có tài. Không có tài, không có bản sắc riêng, nhà văn khó mà có thể tạo được dư ba trong lòng người đọc chứ chưa nói đến việc có thể làm "ảnh hưởng đến lòng người mãi mãi". Vì thế Hoài Thanh tỏ ý đặc biệt trân trọng cái tài, coi nó là "một nguồn sống" và mong muốn cho nó có "một địa vị danh dự". Khi đã công nhận cái tài của nhà văn là một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu, thì đi liền với nó tất yếu là sự thừa nhận, khẳng định vai trò cá nhân và cá tính sáng tạo của nhà văn trong việc tạo ra những tác phẩm văn học có giá trị.

Ở đây, Hoài Thanh đưa ra một so sánh khá thú vị: "Cây trên rừng muôn ngàn lá không có hai lá giống nhau. Trong rừng người cũng vậy, chưa từng thấy hai người hình dung giống hệt nhau. Hình dung còn thế huống nữa tinh thần". Theo Hoài Thanh, nếu mỗi nhà văn không có một bản sắc riêng, "một hình sắc riêng" thì thật khó mà có thể góp phần tạo ra được một nền văn chương phong phú, nhiều màu sắc đẹp được.

Tất nhiên, để có được cái hình sắc riêng, để có được một cá tính sáng tạo riêng, theo Hoài Thanh, nhà văn cần phải được "tự do", nhà văn hòa mình vào tập thể nhưng không được lẫn mình vào đó. Quan điểm của Hoài Thanh là đề cao vai trò của cá nhân trong xã hội, vai trò cá tính sáng tạo của nhà văn giữa làng văn. Sáng tạo trong nghệ thuật đã là điều không hề dễ, sáng tạo để người khác thấy hay và nể phục lại còn khó hơn: "Ta nên nhớ rằng, để cho nhà nghệ sĩ được tự ý giữ gìn phẩm cách và trách nhiệm riêng của mình, làm thế chẳng những là có ích cho nghệ thuật mà cũng là có ích cho quần chúng".

Có thể nói, quan niệm về nhà văn của Hoài Thanh mở ra một phạm vi hoạt động rộng hơn, tự do hơn cho các nhà văn. Sự rộng rãi này cũng được Hoài Thanh nhận thức rõ ràng. Đó không phải là một sự tự do vượt cách theo kiểu vô lối. Hoài Thanh nói: "Chúng tôi muốn dư luận hết sức rộng rãi với nhà văn. Rộng rãi không phải là hoan nghênh một cách vô luận, sách gì, những sách kiệt tác cũng như những sách viết không thành câu. Rộng rãi có nghĩa là không bắt buộc nhà văn phải bó mình trong một đạo đức hay một tôn giáo một đảng phái".

"Tự do", theo Hoài Thanh nhất thiết phải gắn với "thành thực". Bởi thiếu "thành thực", các nhà văn sẽ không thể "phô diễn tâm linh của mình" và sẽ "tự hãm mình trong vòng khách sáo". Hơn thế, "tự do" và "thành thực" trong văn chương đòi hỏi cần thiết ở nhà văn phải có một "cái tài": "Nghĩ thế nào, nói ra như vậy là thành thực. Nhưng thường thường nào ta có biết ta nghĩ thế nào. Phải là người có tài mới có thể đi vào chỗ cùng sâu trong cõi lòng, vạch những cái kín nhiệm uất ức rồi đưa phả vào những âm điệu hồn nhiên. Những âm điệu ấy đến tai người đời, người đời sẽ giật mình không ngờ người ta lại có thể thành thực đến thế".

Quan niệm của Hoài Thanh cho thấy, nếu anh không phải là một nhà văn có tài thì không thể đem được cái "thành thực" cùng sự "tự do" và cá tính sáng tạo vào văn chương. Mà đó lại là những điều cốt yếu để tạo ra sức sống cho văn chương nghệ thuật. Có thể nhận thấy rằng, qua quan niệm này, lần đầu tiên địa vị văn học của nhà văn được ý thức một cách sâu sắc và đề cao đến vậy.

Có thể nói, quan niệm của Hoài Thanh là sự mở đường cho một cách nhìn, cách  nghĩ, cách đánh giá mới về nhà văn trong văn học. Đây là một quan niệm có nhiều yếu tố mới, hiện đại. Những phẩm chất, vai trò, vị trí của nhà văn trong văn học được Hoài Thanh nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan và công bằng. Quan trọng hơn, theo chúng tôi, quan niệm về "cá tính sáng tạo" nhà văn của Hoài Thanh có nhiều nhân tố hợp lý, khoa học để trở thành cơ sở để xây dựng lý thuyết về phong cách sáng tác của nhà văn - một yếu tố quan trọng để phân biệt cũng như đánh giá những đóng góp của các nhà văn với văn học nước nhà

Trần Thị Ngọc Anh
.
.