Nhà văn Trần Văn Tuấn: Không viết vì sự ám ảnh

Thứ Ba, 13/05/2008, 14:00
 Nhà văn Trần Văn Tuấn sinh năm 1949, quê gốc ở huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Năm 1970 anh nhập ngũ, lên đường vào Nam chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ. Sau ngày thống nhất, anh "đầu quân" về báo "Sài Gòn giải phóng" và lập thân bằng nghề báo, nghề văn cho đến nay. Hiện anh đang giữ chức trách Phó tổng biên tập.

Bạn bè và đồng nghiệp của Trần Văn Tuấn thường ngạc nhiên không hiểu giữa bề bộn công việc làm báo như vậy, anh kiếm đâu ra thời gian và sự tĩnh tâm để cho ra đời tới vài chục cuốn tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn, để đến năm 2005 anh giành Giải A - Giải thưởng Tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam cho cuốn "Rừng thiêng nước trong".

Đã có khá nhiều cuốn tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh và người lính. Nhưng hầu như chưa có cuốn nào viết về đơn vị hậu cần ngay tại địa bàn chiến sự ác liệt như vùng Sài Gòn - Thủ Dầu Một.

Lại viết vào thời điểm sau đợt tấn công vào Sài Gòn lần thứ 2 mùa hè năm 1968, khi quân tướng rút hết lên vùng giáp ranh Campuchia, còn những ngưới lính hậu cần thì ở lại, tiếp tục vận chuyển thương binh, "ém" lương thực, vũ khí, thuốc men, giữ liên lạc với các đầu mối cơ sở để có thể tiếp tục mở những trận đánh mới vào mùa khô tới.

Đang giữa mùa mưa tầm tã. Phi pháo, thiết xa, bộ binh, thám báo Mỹ và ngụy phản kích quyết liệt. Hố bom, hố đạn cũ mới võng vãnh nước và máu người. Còn gạo, còn muối, còn bông băng thuốc men đấy nhưng "không được tơ hào" vì là của dự phòng chiến lược. Phải ăn rau rừng thay cơm, phải bắt chuột bắt chồn trong rừng mà cải thiện bữa ăn. Phải tìm lá lẩu mà băng dịt vết thương. Loa địch ra rả chiêu hồi và chỉ cần băng qua vài trăm mét rừng, ra đến con lộ tráng nhựa là về đến thị xã, về đến Sài Gòn... Trên cái nền đó không còn phân biệt đâu là lính hậu cần đâu là lính chiến đấu.

Và "Rừng thiêng nước trong" cho chúng ta gặp những kiểu khu xử, những tính cách rất lạ trong những mẫu người hoàn toàn gần gụi, bình thường: Hai Bé, Hai Lu, Sáu Đặng, Tư Túi, Năm Hường, Ngân…

- Thưa nhà văn, xin được hỏi: giữa ngổn ngang bề bộn những vấn đề đau đầu, nhức óc của đời sống thị trường hôm nay, làm cách nào mà anh tìm gặp lại được những Hai Bé, Hai Lu, Sáu Đặng, Tư Túi? 

+ Tình cờ như thế này: Năm 2003 tôi trong diện được đi học một lớp quân sự - quốc phòng 45 ngày tại Trường Quân sự Quân khu 7. Ngoài những giờ lên lớp, cũng qua đủ lăn lê bò toài, gác xách, dù trước đây mình đã là lính. Vui  nhất đến lớp học được gặp rất nhiều anh em cựu chiến binh.

Thế là những lúc trà dư tửu hậu, xổ ra mọi chuyện tiếu lâm lính, nhắc lại mọi kỷ niệm vui buồn, sung sướng, cơ cực thời chiến tranh. Tại lớp này tôi gặp lại một đồng chí xưa cũng ở Đoàn Hậu cần 80 với tôi.

Tuy trước kia không quen biết nhau, nhưng kỷ niệm về những ngày tháng gian nan thì vẫn là tài sản chung. Cùng nhau nhắc tới người còn, người mất. Cùng nhau tự hào và cũng ngậm ngùi hỏi nhau sao ngày xưa con người ta sống trong sáng, cao thượng, không vụ lợi đến vậy? Thế là sau đợt tập huấn những năm tháng ở Đoàn Hậu cần 80 miền Đông bỗng thôi thúc tôi ngồi vào bàn...

- Nghĩa là cuộc chiến tranh hơn 30 năm trước vẫn thường trực ám ảnh anh?

+ Thú thực tôi không thích những người viết dùng hai chữ ám ảnh ấy. Lớp lính chúng tôi vào tới chiến trường khi đã "phi Mỹ hóa" và sống trải chiến tranh có 5 năm.

Nhưng một ngày chiến tranh - gọi như nhà văn Kiecghis Chinhgit Aitmatov - dài như một thế kỷ. Không có thử thách nào cao hơn khi phải chọn lựa giữa sự sống và cái chết. Cũng không môi trường đào luyện nhân cách, phẩm giá, cung cách ứng xử nghiêm khắc, ngặt nghèo và đầy hiệu quả như cuộc sống nơi hòn tên mũi đạn.

Bởi vậy, có thể nói những người lính đã hoàn thiện mình, đã định hình về mọi phương diện khi từ chiến tranh bước ra. Tôi không viết "Rừng thiêng nước trong" vì bị ám ảnh. Tôi viết vì sự thôi thúc muốn giãi bày, muốn gửi gắm những gì đã trải nghiệm. Đã xúc cảm và suy nghĩ.

- Nghe nói, anh viết "Rừng thiêng nước trong" chỉ trong 3 tháng?

+ Vâng! Và theo kiểu của riêng tôi. Vẫn vừa đảm đương công việc của tòa soạn, vừa tranh thủ từng giờ được rảnh rang để viết. Sự nhanh có thể còn vì tôi ít phải vận dụng đến những gì người ta thường gọi là tưởng tượng hay hư cấu. Bối cảnh, khung cảnh hiển hiện trong trí nhớ. Sự việc thì ngồn ngộn đấy. Ngay cả những mẫu người như Hai Bé, Hai Lu, Sáu Đặng, Tư Túi… cũng như tự đến với tôi, trò chuyện, tâm tình ngay khi tôi ngồi vào bàn.--PageBreak--

- Và tất cả những nhân vật ấy đều mang chất "tưng tửng" rất Nam Bộ, kiểu như các nhân vật trong "Người mẹ cầm súng" của cố nhà văn Nguyễn Thi, trong các truyện ngắn, truyện vừa của các nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo…

+ Điều này nếu bạn đọc cảm nhận ra thì tôi rất mừng. Quả là tôi không hề cố tình. Chất Nam Bộ là điều có thật và rất riêng ở những đồng chí, đồng đội Nam Bộ trong Đoàn 80 của tôi. Theo ý riêng tôi, cái chất Nam Bộ ấy đã trở thành một trong những nguyên nhân để Nam Bộ trở thành "Thành đồng của Tổ quốc".

- Trước tiểu thuyết "Rừng thiêng nước trong", cách nay gần chục năm anh cũng đã cho ra mắt bạn đọc một cuốn tiểu thuyết khác về chiến tranh khá gây ấn tượng. Tôi muốn nói tới "16 độ nóng lạnh". Tôi còn nhớ, nhân vật trong "16 độ nóng lạnh" là những người lính trẻ từ hậu phương vào tới chiến trường miền Đông đã được "thử lửa" như thế nào, để tự phân hóa, tự sàng lọc và tự làm quen với trận mạc. Giữa 2 cuốn tiểu thuyết này có điểm gì chung anh mong chuyển tới bạn đọc?

+ Tôi không giấu anh, kể cả từ cuốn tiểu thuyết đầu tiên tôi viết về người lính - cuốn "Từ một chuyến tàu" tôi đã muốn nói về những kỹ năng sống mà cuộc sống trận mạc đã rèn đúc cho thế hệ chúng tôi. Ví như phải nấu bếp sao cho không có khói, phải chọn thứ rau dại gì trong rừng để cải thiện bữa ăn, mắc võng trong rừng ra sao, tìm vị trí trú quân như thế nào để vẫn gần nguồn nước uống mà không bị máy bay địch phát hiện... v.v và v.v.

Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến chiến thắng, kỹ năng sống cũng là một nguyên nhân đáng kể đấy. Rồi chiến tranh còn dạy chúng tôi cách ứng xử với nhau, cách cảm cách nghĩ, cách nhận định và bình giá và cả triết lý sống nữa. Nói như bây giờ, tức tôi muốn nhìn chiến tranh và người lính dưới góc độ văn hóa. Điều này quan trọng lắm anh ạ! 

Ví như, nó tạo nên cho những người lính chúng tôi còn sống sót sau chiến tranh bình tĩnh ứng xử với mọi chuyện hàng ngày. Anh đã từng lạc rừng mười ngày mà không bị chết đói, không bị thú dữ ăn thịt. Anh đã nằm dưới hỏa lực của những trận pháo bày, hoặc bom B52 rải thảm mà không chết - thử hỏi anh còn sợ cái gì nữa? Liệu những điều như vậy có lợi lộc gì cho bạn đọc trẻ hôm nay không đây?

- Nghĩa là anh rất tin vào phẩm chất tự chủ, tự tin, tự biết thoát ra khỏi hoàn cảnh của những người lính - tức những phẩm chất tuyệt vời góp phần làm nên chiến thắng của "Anh bộ đội Cụ Hồ"?

+ Hoàn toàn tin! Trong một số tác phẩm văn học nghệ thuật xuất hiện thời gian gần đây, người ta vô tình hay cố ý dựng nên hình ảnh người lính như bị thụ động lôi kéo vào guồng máy chiến tranh. Họ mụ mị, sụt sùi thương mình, thương người. Ra khỏi chiến tranh họ bơ vơ, yếm thế, lạc lõng giữa cuộc đời bon chen. Tôi không ưa cách phản ánh cuộc chiến đấu vừa qua và về người chiến sĩ như vậy.

Hàng vạn người chiến sĩ còn sống chẳng đang là những nhà doanh nghiệp thành đạt, những nhà khoa học có tài, những bác thợ nhiều năng động, sáng tạo, những bác nông dân đang làm giàu ruộng đồng đó sao? Cứ hỏi chuyện họ đi, những người thành đạt đó sẽ trả lời ngay rằng họ đã phát hiện ra sức mạnh, nghị lực và tài năng của mình chính nhờ những năm tháng sống ở  chiến trường…

- Nghĩa là sau "Rừng thiêng nước trong" anh sẽ còn tiếp tục viết về cuộc chiến tranh vừa qua, về người lính?

+ Tôi mong và tin sẽ có thêm những cuốn sách như thế!

- Xin cảm ơn nhà văn!

Tô Hoàng
.
.