Người ơi từ đâu theo gió bay đi

Thứ Bảy, 30/04/2016, 08:36
"Phan Hoàng đánh vật với thơ hệt như nông dân đánh vật với ruộng đồng, như ngư dân đánh vật với biển khơi vậy. Tập trường ca "Bước gió truyền kỳ" của anh đã chứng tỏ điều đó. Đây cũng là một bước đi mang đầy cảm xúc và sự sáng tạo của anh; được viết từ cảm hứng lịch sử và cảm hứng thời đại".


Nhà văn Văn Lê (tác giả "Mùa hè giá buốt", "Long Thành cầm giả ca") nhận xét như vậy về tập trường ca "Bước gió truyền kỳ" (Nhà xuất bản Hội Nhà văn); vừa được tổ chức ra mắt tại Trường Đại học Phú Yên.

"Sau 3 tập thơ ấn tượng, "Bước gió truyền kỳ" là trường ca tôi dốc tâm huyết nhiều năm. Một đoạn trong trường ca này đã đoạt giải thưởng thơ tạp chí Văn nghệ Quân đội 2003 - 2004. Có anh em định giúp làm buổi ra mắt tại Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh nhưng tôi thích làm ở quê nhà hơn. Sẵn dịp đông bạn bè về Phú Yên, nhà thơ Đinh Lăng (Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Phú Yên) có nhã ý tổ chức ra mắt trường ca này, thế là… tới luôn. Tôi cảm thấy rất ấm lòng vì tâm huyết của mình được nhiều người chia sẻ" - Phan Hoàng cho biết.

Nhà văn Văn Lê cảm khái: "Với ba chương trong tập sách, không tính phần mở đầu và kết luận, "Bước gió truyền kỳ" đã cuốn hút tôi từ đầu không chỉ bằng ngôn từ mà còn bằng sự suy tư của một công dân, một nghệ sĩ: Người mới con trai người vừa con gái/ ước mơ căng tràn ngực gió thanh xuân/ Người lên đầu non người xuôi cuối bể/ xác hóa mây bay hồn về đất mẹ/ Người từ ngàn năm người quên tên tuổi/ bỗng gió theo về bỗng gió bay đi…".

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đồng cảm: "Khi nào những ngọn gió còn thổi trên đất đai này thì những bài ca bi tráng về lịch sử của dân tộc còn vang mãi trong tâm hồn chúng ta. Và "Bước gió truyền kỳ" của thi sĩ Phan Hoàng đã dẫn tôi đi theo một con đường riêng của nó".

Nói như nhà thơ Triệu Từ Truyền, vùng Phú Yên là một địa điểm "bàn đạp" của công cuộc mở cõi về phương Nam của tổ tiên nước Việt. Đất đặc biệt, dễ sinh người đặc biệt. Mang tâm thức của vùng nắng gió Nam Trung bộ, Phan Hoàng xuôi về Nam để học hỏi và "múa đao" chữ nghĩa. "Độc đáo của Phan Hoàng trong "Bước gió truyền kỳ" là đã miệt mài lao động tâm thức, tìm được nhịp điệu riêng để nói về lịch sử dân tộc mình. Từ những hiện thực đau thương, hoành tráng đến những người vô danh trong lịch sử: "Người ơi từ đâu theo gió bay đi/  từ đâu hồn nhiên bay về cùng gió/ đêm đêm bỗng nghe bóng cây ngọn cỏ/ tiếng ai trong gió lạnh rơi thì thầm". 

Viết trường ca nhưng nội lực chữ Phan Hoàng vẫn ngập chìm chất non tơ, không có dấu vết "kể lể" phô diễn. Đáng nói, trực giác tâm linh của trường ca luôn mạnh mẽ: "Mỗi con đường kết tinh tình yêu hương linh/ có tiếng khóc giấu trong tóc thiếu nữ âm thầm nhớ quê/ có tiếng cười giằng xé thanh tân rưng rưng từng đêm xa xót/ có tiếng thở hấp hối đợi chờ bàn tay ấm áp con xa".

Còn nhà văn Trần Nhã Thụy thì nhận định: "Một nhà thơ mà không có giọng riêng, e rằng đã thất bại ngay từ khi "thử giọng". Với Phan Hoàng, tôi thấy anh có một giọng thơ hào sảng rất riêng, nó như được nuôi dưỡng hun đúc từ nắng gió sông Ba - Phú Yên quê anh; từ những trang sử Việt mà Phan Hoàng nhuần nhuyễn từ thời tuổi trẻ. Gió muôn đời là gió nhưng đã là gió thì phải mới; "bước gió" của Phan Hoàng rất mới. Xin chúc mừng thành công mới của con đường sáng tạo Phan Hoàng".

Hùng Phiên
.
.