Nghiên cứu phải gắn liền với phát triển

Thứ Ba, 07/11/2017, 08:52
Hiếm có nhãn hiệu công nghiệp nào còn non trẻ mà lại trở nên phổ biến toàn cầu như Tesla Moto. Thành lập năm 2003, chỉ 14 năm sau, Tesla Moto đã khiến những nhà sản xuất trong ngành công nghiệp ôtô phải thán phục, và với người tiêu dùng, chiếc xe của Tesla đã trở thành mơ ước. 


Tất nhiên, sẽ có người cho rằng, sở dĩ Tesla Moto lừng danh thế là bởi nó lấy theo tên của nhà phát minh lẫy lừng Tesla. Điều đó đúng chỉ một phần nhỏ. Người ta biết đến Tesla Moto vì sự cấp tiến trong công nghệ của nó, và hơn nữa, vì Elon Musk, ông chủ trẻ tuổi của tập đoàn, một người không chỉ là một doanh nhân cực tài năng, mà còn là một nhà khoa học thực thụ.

Hôm nay, khi chúng ta nói với nhau bằng cả sự kinh ngạc lẫn lo ngại về trí tuệ nhân tạo (AI); khi chúng ta đón nhận thông tin mới nhất rằng Arab Saudi là quốc gia đầu tiên cấp quyền công dân cho một "nữ robot", thì Elon Musk đã nhắc tới AI từ rất lâu rồi. Ông nói về mối đe dọa của nó với xã hội loài người, bằng những đánh giá mang tính khoa học chứ không phải kiểu tuyên ngôn đao to búa lớn dựa trên vị thế của một người thuộc về công chúng. Và Elon Musk cũng chính là nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ, thế hệ sẽ là chủ nhân tương lai của thế giới, khi khơi gợi lại cảm hứng sáng tạo như Tesla, Edison đã từng…

Nói về sản phẩm sáng tạo của Elon Musk nói riêng và Tesla Moto nói chung, có lẽ chúng ta sẽ mất rất nhiều thời gian bởi số lượng sáng chế của họ rất nhiều. Nhưng chỉ cần nhắc tới hai điển hình, thứ nhất là ôtô tự hành chạy điện và thứ hai là hệ thống cung cấp điện tự túc cho hộ gia đình lẫn các xí nghiệp (Power Pack và Power Wall), chúng ta sẽ nhận thấy sức mạnh Elon Musk là gì?

Đó chính là sức mạnh của nghiên cứu, những nghiên cứu hợp thời đại và đón đầu tương lai. Hướng tới tương lai trên nền tảng thực tế của hiện tại chính là những hướng nghiên cứu, sáng chế thiết thực nhất. Và câu chuyện ví dụ về Tesla Moto cùng Elon Musk cho chúng ta nhận ra một điều: Vị trí hiện tại của sáng chế, nghiên cứu ở Việt Nam thật èo uột.

Elon Musk: Doanh nhân, nhà nghiên cứu và cũng là người truyền cảm hứng sáng tạo.

Chưa ai thống kê được ở Việt Nam hôm nay, mỗi năm có bao nhiêu công trình khoa học được ghi nhận, nhưng chúng ta có thể nhìn thấy số lượng công trình đi vào thực tế thực sự quá hiếm hoi. Vậy thì nhiệm vụ hàng ngày của lực lượng cán bộ, trí thức khoa học đang là gì? Họ đang làm gì mỗi ngày? Họ thực sự dành bao nhiêu thời gian trong qũy thời gian lao động của mình cho công tác nghiên cứu? Nếu có sự đầu tư thời gian và trí tuệ cho nghiên cứu thì họ đang nghiên cứu những gì, có phù hợp với đời sống hay không, có thiết thực với đời sống hay không, hoặc có khơi gợi được cảm hứng khoa học cho những người trẻ hay không?

Câu chuyện giáo sư Ngô Bảo Châu đoạt giải Fields năm nào đã dần đi vào... "thời xa vắng" chìm vào quên lãng. Thực tế, khi thông tin ông đoạt giải cao quý được đưa ra, không ít người đã vô cùng ngưỡng mộ ông, ngưỡng mộ con đường nghiên cứu khoa học của ông. Ngô Bảo Châu đã tạo nên cảm hứng cho giới trẻ, nhưng trong những người được truyền cảm hứng đó, có bao nhiêu người bây giờ dám dấn thân vào khoa học?

Con đường nghiên cứu tất nhiên là con đường gian truân, nhưng để theo đuổi nó không chỉ có mỗi đam mê và cảm hứng. Cái mà người nghiên cứu khoa học cần nhất chính là tấm gương thành công của những người khác, để họ tin rằng việc mình làm là có mục đích thực sự, đến được với một thành tựu nhất định.

Trong một chia sẻ gần đây của một giảng viên Trường Đại học Khoa học xã hội nhân văn TP Hồ Chí Minh, anh tiết lộ rằng, thù lao giảng dạy của người có hàm giáo sư, tiến sỹ ở trường cũng chỉ được 45 ngàn đồng/tiết.

Câu chuyện đời sống lại được lặp lại ở đây, khi sẽ có nhiều người nhận định rằng, với đồng lương rẻ mạt như thế, nhà khoa học không có tâm trí nào để nghiên cứu. Nhưng chúng ta cũng nên tự hiểu rằng, ở nhiều quốc gia khác, không phải đa số công trình khoa học đều được tài trợ bởi Chính phủ. Vậy mà ở Việt Nam, ngân sách quốc gia tài trợ cho các công trình nghiên cứu mỗi năm vẫn có, nhưng đổi lại chúng ta có được những công trình gì? Gần như là số 0, nếu nói đến ứng dụng nó vào đời sống.

Thời đại của mạng xã hội cho phép nhiều người có quyền lên tiếng, bày tỏ quan điểm trên mỗi vấn đề và chúng ta có thể đọc được vô vàn ý kiến phản ánh, phê bình của giới trí thức đối với các ngành nghề khác nhau trong xã hội mỗi khi họ tham gia vào mạng xã hội. Những ý kiến ấy là đáng quý, nhưng không phải là rất qúy. Chúng ta có quyền đặt ra một câu hỏi cho họ, những trí thức, rằng "Tại sao thay vì việc mỗi chuyện bàn một chút, các vị không nghiêm túc chọn lấy một vấn đề phù hợp sở trường của mình, và đóng góp nó bằng một nghiên cứu để cải cách?".

Họ sẽ không trả lời. Nhưng chúng ta có thể áp đặt câu trả lời. Hời hợt và biếng lười đã khiến họ xa rời khoa học, dù vẫn mang danh nhà khoa học. Và các tập đoàn phát triển có muốn đầu tư tiền của để nghiên cứu các sáng chế mới, phát minh mới nhằm tung sản phẩm tân tiến ra thị trường cũng không dám đầu tư cho những người hời hợt, biếng lười. Cái họ cần là hiệu quả mà trí thức Việt Nam hiện nay hiếm khi mang lại.

Tesla nghiên cứu vì ông yêu nghiên cứu chứ không chỉ vì tiền. Và ông sẵn sàng bỏ cả tiền túi của mình ra để phục vụ một phát minh, sáng chế nào đó. Giá trị của nhà khoa học nằm ở chỗ đó, và khi phát huy được giá trị ấy, nó sẽ chính là cái "hữu xạ tự nhiên hương" để những nhà đầu tư tìm đến với nhà khoa học. Song, ở Việt Nam lúc này, có bao nhiêu nhà khoa học thực sự "hữu xạ tự nhiên hương"?

Hãy nhìn vào xung quanh mình, chúng ta sẽ dễ nhận ra. Mỗi năm đến hẹn lại lên, vào mùa thi là lại có ý kiến phản biện về sự bất cập của ngành giáo dục; cứ có sự việc trầm trọng nào xảy ra là lại có ý kiến phê phán ngành y tế… Nhiều ý kiến lắm, nhưng đóng góp có tính thiết thực thì không. Với cái vốn khoa học ít ỏi thế, bảo sao chúng ta khó khăn trong việc phát triển kinh tế và xã hội.

Nghiên cứu và phát triển (Research and Development) luôn đi đôi với nhau. Đã đến lúc các nhà khoa học, giới trí thức Việt cần nghiêm túc nghĩ lại về chính mình, nhiệm vụ của mình, việc mình đang làm, để trả lời xem thực tế mình có nghiên cứu được gì hay không và nghiên cứu ấy có gắn liền cùng phát triển hay không?

Hà Quang Minh
.
.