Nghệ thuật sinh thái: Không còn là dấu ấn mờ nhạt

Thứ Sáu, 04/10/2019, 08:25
So với văn học sinh thái, nghệ thuật sinh thái (eco-art) ở Việt Nam vẫn là hình thức khá mới mẻ. Nếu trước đây dấu ấn của nghệ thuật sinh thái còn mờ nhạt thì đến nay, hễ dự án nào ra mắt, nó đều để lại dư chấn mạnh mẽ, thôi thúc công chúng bắt tay hành động vì mẹ Trái Đất.

Trung tuần tháng 9, triển lãm "Loài Plastic" tại TP Hồ Chí Minh thu hút đông đảo các bạn trẻ bởi những tạo hình quái vật 3D độc đáo, sống động. Những con quái vật này được lắp ráp từ rác thải nhựa quen thuộc như muỗng, ống hút, nắp chai, ly nhựa, túi nilon, khăn ướt....Đây là các tác phẩm xuất sắc bước ra từ dự án cùng tên được khởi động từ tháng 7.

Không chỉ tham quan mô hình quái vật, người xem còn được tìm hiểu về đặc trưng của các "loài" rác thải nhựa từ hình ảnh đồ họa, tên gọi, xuất xứ, số năm phân hủy đến tốc độ sinh sôi và độ nguy hiểm của chúng. Tất cả được thể hiện sinh động như bản phân tích khoa học một cá thể sống. Chủ đích của dự án "Loài Plastic" nhằm đánh động một vấn đề nhức nhối: rác thải nhựa đang trở thành những con quái vật đáng sợ hủy diệt đời sống, hệ sinh thái của con người. Từ đó, ban tổ chức mong muốn mọi người trước khi sử dụng đồ nhựa, đặc biệt là nhựa dùng một lần, hãy cân nhắc kỹ càng. Đối tượng để dự án phi lợi nhuận này hướng đến là người trẻ.

Nhờ kết hợp hài hòa giữa hình thức online và offline cũng như giữa nghệ thuật và công nghệ, dự án cung cấp các kiến thức về nhựa, về môi trường rất dễ hiểu, tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ.

Mô hình quái vật trong triển lãm "Loài Plastic" thu hút đông đảo bạn trẻ tham quan.

Năm nay, dự án "Phố bên đồi" được khởi động bằng cuộc thi sáng tác "Vào miền nghệ thuật" tại dốc Nhà Làng, Đà Lạt. Cuộc thi dành cho các gương mặt đam mê nghệ thuật, thiết kế, kiến trúc và mong muốn chung tay cùng cộng đồng tạo nên những không gian sống thân thiện với môi trường.

Cụ thể, các thí sinh sẽ thực hiện bản vẽ, phối thiết kế... và phóng tác trên bối cảnh dốc Nhà Làng để biến con dốc ít người biết đến này trở nên cuốn hút, độc đáo nhờ nghệ thuật đương đại. Điều quan trọng, ngôn ngữ nghệ thuật đương đại của tác phẩm phải hài hòa với hệ sinh thái, giữ gìn cấu trúc bản địa và gắn bó với cộng đồng dân cư.

Theo ban tổ chức, người dự thi thậm chí không cần thiết kế cầu kỳ mà chỉ cần bố trí sáng tạo các mảng xanh, trồng thêm cây cối, hoa cỏ... thì cũng được coi là một tác phẩm nghệ thuật. Từ các tác phẩm này, người dân sẽ có thêm cảm hứng, ý thức giữ gìn không gian sống của chính mình. "Phố bên đồi" vốn được biết đến là dự án nghệ thuật cộng đồng đa hình thái đầu tiên tại Việt Nam.

Dự án ra đời năm 2016 do nghệ sĩ Nguyễn Trung Hiền và các bạn trẻ hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp sáng tạo thành lập. Mỗi năm, dự án có một chủ đề riêng biệt. Thông qua nghệ thuật đương đại, cộng đồng và du lịch, "Phố bên đồi" hướng đến nâng cao nhận thức về bảo tồn di sản, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Trước đó, hồi tháng 4, triển lãm sắp đặt "Rồng rắn lên" của nghệ sĩ đương đại Trần Nguyễn Ưu Đàm gây choáng ngợp cho công chúng thưởng lãm. Những con rắn nilon được thổi căng bằng hệ thống ống pô xe máy, bò ngoằn ngoèo trên sàn khiến người xem hãi hùng. Con voi nilon khổng lồ, những vật dụng hằng ngày bị nhồi nhét bởi rác thải, khí thải… ngả ngốn, ngột ngạt trong không gian chật hẹp. Ưu Đàm muốn đem đến ẩn dụ: vì mưu sinh, con người ngụp lặn trong những dòng khí thải do mình tạo ra mỗi ngày. "Chúng ta phải chống lại con mãng xà độc ác, bò ra từ những chiếc xe gắn máy. Nó siết lấy chúng ta, len trong hơi thở, tràn vào từng ô nhỏ trong phổi, dần giết chết ta. Nếu chúng ta không sớm hành động, nó sẽ ngày càng mạnh" - anh chia sẻ.

Ở lĩnh vực nhiếp ảnh, gây dấu ấn thời gian qua phải kể đến triển lãm "Hãy cứu biển" của nhiếp ảnh gia Lekima Hùng hồi tháng 6 tại Hà Nội. Đây là triển lãm ảnh đầu tiên về rác thải nhựa ở Việt Nam, đánh dấu bước khởi đầu của dự án "Save Our Seas" của chính Lekima Hùng. Triển lãm giới thiệu hơn 100 bức ảnh được chọn lọc từ 3.000 bức do anh ghi lại trong năm 2018 bằng hành trình 7.000km xuyên Việt.

Thông qua triển lãm, công chúng có cái nhìn bao quát về thực trạng rác thải nhựa đang báo động tại nước ta. Những bức ảnh ghi lại rác thải, bao nilon, chai nhựa ngập các bờ biển, sông nước… khiến ai cũng nhói buốt. Lekima Hùng tâm sự: "Tôi không muốn áp đặt mọi người phải làm cái này cái kia, nhưng hãy nhìn những điều đang bày ra trước mắt, thử một ngày không dùng đồ nhựa, sẽ cảm nhận được sự nhẹ nhõm của Trái Đất này như thế nào.

Với thông điệp "Chỉ có hành động mới mang lại sự thay đổi", thông qua các bức ảnh, tôi muốn kêu gọi sự chung tay hành động của cả cộng đồng, của các ban, ngành, tổ chức, doanh nghiệp để giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa".

Nghệ thuật sinh thái (eco-art) là thuật ngữ chỉ các loại hình nghệ thuật gắn liền với các hoạt động về sinh thái, nhấn mạnh các nguy cơ, kêu gọi và nâng cao nhận thức của cộng đồng về môi trường. Nghệ thuật sinh thái hướng đến cải thiện mối quan hệ giữa con người và tự nhiên. Loại hình nghệ thuật này thường gắn liền với các nghệ sĩ đương đại và chính các nghệ sĩ nhiều lúc cũng là nhà hoạt động môi trường. Do đó, rất nhiều tác phẩm nghệ thuật theo trường phái này là kết quả hợp tác của nhiều nghệ sĩ, nhà khoa học, các cộng đồng sinh hoạt và các nhà giáo dục.

Một tác phẩm làm từ bao nilon trong triển lãm sắp đặt "Rồng rắn lên" của nghệ sĩ Trần Nguyễn Ưu Đàm.

Eco-art xuất hiện từ thập niên 60 của thế kỷ trước và phát triển rất mạnh trên thế giới nhưng chỉ mới xuất hiện ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây. Có thể kể đến một số dự án như triển lãm sắp đặt "Những can thiệp nối dài" của Lê Phi Long năm 2017, "Cây ký ức - Cây hy vọng" của nghệ sĩ thị giác Ly Hoàng Ly năm 2018. Tuy nhiên, hai dự án này đều không để lại ấn tượng mạnh.

Theo phân tích của bà Lê Thanh Hải, Trưởng ban tổ chức cuộc thi ảnh "Di sản Việt Nam", cái khó của nghệ thuật sinh thái, nhất là ở mảng nhiếp ảnh, đó là dễ đụng chạm đến lợi ích của cá nhân, tổ chức hoặc địa phương nào đó khi nhiếp ảnh gia ghi lại cảnh quan bị tàn phá, ô nhiễm… Chưa kể, khi tác phẩm ra đời, việc xin cấp phép để được trưng bày, giới thiệu rộng rãi đến công chúng cũng vướng nhiều khó khăn.

Phải đến năm 2019, nghệ thuật sinh thái mới thực sự trỗi dậy và bùng nổ bằng hàng loạt dự án được đầu tư bài bản, quy mô. Lý giải về điều này, nhiều người cho rằng năm 2019 là năm nước ta đẩy mạnh các hoạt động về môi trường trên nhiều lĩnh vực. Việc giảm thiểu đồ nhựa dùng một lần, hạn chế bao nilon, sử dụng ống hút tre hoặc giấy thay cho ống hút nhựa… đã được nhiều nơi triển khai. Bởi rõ ràng, vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay không còn là chuyện xa xôi mà đến ngay cửa ngõ mỗi nhà. Tại triển lãm "Hãy cứu biển", ban tổ chức thông tin mỗi năm trên toàn cầu có tới 8-12 triệu tấn nhựa rò rỉ ra biển và phải mất 400-1.000 năm để chất thải nhựa phân hóa hoàn toàn trong môi trường, có 100.000 động vật biển bị chết vì nhựa. Riêng Việt Nam, hằng năm chúng ta thải ra đại dương khoảng 0,28 đến 0,73 triệu tấn rác thải nhựa. Trên đà tăng trưởng chóng mặt, ngoài vấn đề rác thải, nước ta còn phải đối mặt với các vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển kinh tế và sức khỏe con người.

Tất cả buộc giới nghệ sĩ phải lên tiếng và hành động. Không đóng khung trong những thủ pháp xưa cũ và cái đẹp ve vuốt, họ tìm tòi mọi ngóc ngách để cho ra đời tác phẩm sáng tạo, gần gũi, đánh động dư luận và có sức lan tỏa mạnh. Sử dụng tiếng nói của nghệ thuật đương đại kết hợp với đặc trưng cộng đồng bản địa, tác phẩm của nghệ thuật sinh thái luôn tăng cường sự tương tác giữa nghệ sĩ và công chúng, tạo sự đối thoại để đi tìm giải pháp.

Dù vậy, nói như nhiếp ảnh gia Lekima Hùng: "Nhận thức của người dân về môi trường hiện nay vẫn chưa cao. Đề tài sinh thái cũng mới được các nghệ sĩ của chúng ta chú ý trong vài năm trở lại đây. Tôi nghĩ, "cuộc chiến" này mới chỉ ở giai đoạn đầu. Hy vọng sẽ có thêm nhiều dự án nghệ thuật khác chú trọng vấn đề này".

Mai Nga
.
.