Nghệ thuật đương đại: Liệu có mất dần tính chuyên nghiệp?
- Nghệ thuật đương đại đồng hành cùng nhà chống lũ
- Khai trương trung tâm nghệ thuật đương đại quy mô lớn tại Hà Nội
- Ra mắt sách “Nghệ thuật đương đại Việt Nam”
- Tôn vinh nghệ thuật đương đại Việt Nam với ‘AIA Vietnam Eye’
Hệ quả tất yếu, con người của dân tộc ấy dù đang thụ hưởng một đời sống vật chất cao, nhưng vẫn thiếu một trình độ văn hóa, một tầm văn hóa so với các dân tộc khác. Chính thế nên sự chuyên nghiệp phải là một yêu cầu bắt buộc đối với các hoạt động và sáng tạo văn học nghệ thuật.
Nhân loại từ xưa đến nay chưa bao giờ có một định nghĩa hoàn chỉnh, đầy đủ về chuyên nghiệp. Nhưng đều biết rằng nếu không chuyên nghiệp thì không bao giờ có tầm cao, có thành công.
Từ những năm cuối thập kỷ tám mươi, đầu chín mươi của thế kỷ XX, NSND, đạo diễn số một và bậc thầy của Sân khấu Việt Nam hiện đại Nguyễn Đình Nghi đã nhiều lần cảnh tỉnh ở diễn đàn này, hội thảo kia, rằng: Sân khấu Việt Nam đang bị mất dần tính chuyên nghiệp. Và, vào năm 1997, đạo diễn, NSƯT Vũ Xuân Hưng - Phó Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam luôn phàn nàn điện ảnh Việt Nam đang bị nghiệp dư hóa. Sau đó, anh đã viết một vệt bài về tính chuyên nghiệp trong điện ảnh gửi chúng tôi đăng trên báo Thể thao Văn hóa Hà Nội và Người Hà Nội.
Văn học nghệ thuật Việt Nam mấy chục năm nay lan tràn căn bệnh nghiệp dư hóa (thiếu chuyên nghiệp), và điểm dừng có lẽ không giới hạn, tới khi nào tự chúng ta thức tỉnh, tự chúng ta thấy xấu hổ vì những sản phẩm tinh thần đưa ra công chúng. Ngay hai từ xấu hổ cũng đang mai một, thưa thớt dần trong đời sống hôm nay; bởi mọi thứ đáng xấu hổ và cao hơn thế đã hiển nhiên trở thành những điều bình thường trong cuộc sống; khiến con người hôm nay vô cảm hơn, chai lì hơn, lạnh lùng hơn…
Văn học nghệ thuật liệu có mất dần tính chuyên nghiệp? |
Cũng bởi sự phân định rạch ròi giữa chuyên nghiệp, gần chuyên nghiệp hay nghiệp dư không có một lằn ranh nào, chuẩn mực nào cụ thể nhằm soi xét; nên có những sự nhập nhằng, biến hóa giữa cách đánh giá. Những năm gần đây là sự tung hô, thổi phồng quá mức giá trị các sáng tác mới, khiến cả người sáng tạo lẫn độc giả dễ lầm tưởng, ảo tưởng và dẫn đến những ngộ nhận trong sự sáng tạo cũng như thưởng thức những giá trị văn hóa.
Với hình thái tổ chức chính quyền của chúng ta từ sau năm 1954 đến nay, những tổ chức chuyên môn cao nhất về văn học nghệ thuật là các hội văn học nghệ thuật Trung ương. Hiện nay gồm các hội: Hội Nhà văn, Hội Nghệ sĩ Sân khấu, Hội Điện ảnh, Hội Nhạc sĩ, Hội Nhiếp ảnh, Hội Mỹ thuật, Hội Kiến trúc, Hội Văn nghệ dân gian, Hội Nghệ sĩ Múa. 9 hội nằm trong khối Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (gần đây thêm Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số). Như vậy, các hội Trung ương (được gắn tầm quốc gia với hai từ Việt Nam) chính là nơi tập trung cao nhất tính chuyên môn đặc thù, đặc trưng; cũng như là nơi cao nhất hội tụ được tinh hoa văn học nghệ thuật của mỗi ngành; cũng đồng thời là nơi mang tính chuyên nghiệp cao nhất.
Tuy nhiên, thử điểm qua một số ngành.
Thứ nhất, Văn học. Văn chương là sự sáng tạo tự thân đòi hỏi người viết muốn thành công, ngoài nhiều yếu tố khác, người viết phải tự đưa mình vào quỹ đạo của sự chuyên nghiệp. Với mô hình hoạt động của nước ta, các tổ chức hỗ trợ cho sự chuyên nghiệp của mỗi nhà văn phải là những nơi có sự chuyên nghiệp cao, nhằm mục đích cuối cùng là uy tín.
Xét trên một số bình diện đều thấy những vấn đề làm giảm uy tín văn chương của một tổ chức văn chương cao nhất. Trong số hàng nghìn hội viên Hội Nhà văn hiện nay, liệu có bao nhiêu người xứng đáng là những nhà văn có tính chuyên nghiệp; còn bao nhiêu hội viên chỉ là những người viết không có tài, nhờ nhiều lý do khác nhau trong các đợt xét kết nạp hội viên mà trở thành những người “có tính chuyên nghiệp cao”.
Trong các giải thưởng hàng năm về văn học, liệu những tác phẩm được trao giải có phải là những tác phẩm xuất sắc, có tầm văn chương! Nơi uy tín nhất đảm bảo cho sự ra đời của một tác phẩm văn chương, đó là Nhà Xuất bản Hội Nhà văn thì chính lại là nơi từng có thời kỳ cấp giấy phép tràn lan cho những đầu sách kém chất lượng văn chương, thậm chí không xứng đáng gọi là văn chương… Thế nên, một sự đánh đồng, thật giả lẫn lộn đã nhiều năm tồn tại ở lĩnh vực văn học.
Sân khấu thì ngay từ những năm cuối của thập kỷ tám mươi thế kỷ trước, sự thiếu chuyên nghiệp đã bộc lộ. Đó là làm sân khấu để chiều khách trong sự manh nha, khởi đầu của kinh tế thị trường. Một đạo diễn sân khấu nổi tiếng đã từng tuyên bố: “Chỉ cần nhìn số rác cắn chắt hạt hướng dương sau mỗi đêm diễn là thấy sự thành công hay thất bại của một vở diễn…”.
Đạo diễn thì chạy “sô ” dựng vở. Có đạo diễn trong một khoảng thời gian rất ngắn dựng vài chục vở cho vài chục đoàn; đặc biệt vào những kỳ hội diễn sân khấu. Tác giả kịch bản cũng viết thật nhanh rồi chạy đôn đáo bằng nhiều cách “ấn” cho được kịch bản vào dàn dựng. Diễn viên thì diễn hời hợt, diễn cho xong vai để lo kiếm sống bằng nghề khác…
Có lẽ sự thiếu chuyên nghiệp rõ nhất ở lĩnh vực điện ảnh. Điện ảnh của những năm tám mươi thế kỷ trước với dòng phim “Mì ăn liền” thống lĩnh màn ảnh. Bước vào thập kỷ chín mươi cho đến nay là sự khủng hoảng triền miên tới độ gần như không còn khái niệm về một nền điện ảnh Việt Nam.
Nhà biên kịch Đoàn Tuấn, Phó Tổng biên tập tạp chí Thế giới Điện ảnh trong bài viết “Sự khủng hoảng trong Điện ảnh Việt Nam” trên số tháng 6-2018 đã nêu hai vấn đề chính: Khủng hoảng về kịch bản và khủng hoảng về diễn viên. Anh nêu rõ: “Vấn đề kịch bản phim truyện điện ảnh. Hiện nay các nhà làm phim đổ xô làm những phim giải trí, thuần túy là những câu chuyện ngôn tình. Trong các phim này có chút Mỹ pha chút Đài Loan, pha chút Hàn Quốc…
Nhiều nơi làm phim TV nhiều tập, nhưng tất cả đều giống nhau ở điểm không chuyên nghiệp. Nghĩa là câu chuyện lê thê, cách kể dài dòng, đối thoại hời hợt… Các đạo diễn tìm cách kéo dài câu chuyện để nhà sản xuất phải chi thêm kinh phí. Các nhà sản xuất lại không có nghề làm phim… Vì vậy phim Việt Nam bao năm qua vẫn giậm chân tại chỗ… Phim Việt Nam mang dự thi ở nước ngoài đều bị bật ra, không ai xét vào khung giải. Bởi các phim giải trí của ta nội dung đều nhẹ hều, không quan tâm đến số phận và văn hóa con người Việt Nam…”.
Đấy là chưa nói đến một sự thật phi lý, mang tiếng một nền điện ảnh một quốc gia mà không có nổi phim của các hãng phim nhà nước tham dự, phải huy động phim của các hãng tư nhân. Mà hãng phim tư nhân của Việt Nam thì đương nhiên họ chỉ làm phim giải trí, không làm những phim có chiều sâu về dân tộc, về con người Việt Nam.
Nhiếp ảnh là ngành nghệ thuật có khả năng nhất tiếp cận và song hành cùng nhiếp ảnh thế giới. Tuy nhiên, hàng chục năm nay nghệ thuật nhiếp ảnh gần như chững lại, thiếu sự sáng tạo độc đáo mang bản sắc Việt Nam. Vì sao? Vì nhiếp ảnh đang thiếu những tố chất của chuyên nghiệp. Ngày nay ai cũng có thể có máy ảnh và ai cũng có thể chụp được những bức ảnh đảm bảo chất lượng kỹ thuật.
Thế nhưng những yếu tố nghệ thuật thì đang bị xem nhẹ, đang bị phân hóa và trở nên dễ dãi; do những người cầm máy ít chuyên nghiệp trở thành lực lượng chính quyết định trong nhiếp ảnh. Bên cạnh đó, những xu hướng sáng tác theo phong trào, theo bề nổi đã và đang làm chệch hướng của sáng tạo nhiếp ảnh….
Các ngành Âm nhạc, Mỹ thuật, Múa… đều đang hiện hữu sự thiếu chuyên nghiệp trong các hoạt động của mình.
Văn học nghệ thuật tự thân phải là những nơi tập trung cao nhất sự chuyên nghiệp, ngõ hầu sản sinh ra những sản phẩm tinh thần góp phần quan trọng hình thành nên, tạo nên tinh thần xã hội, văn hóa xã hội… Phải khẳng định ngay rằng, trong hoạt động văn học nghệ thuật, lúc nào và bao giờ cũng vẫn luôn luôn có những con người hay một nhóm người hoạt động với sự chuyên nghiệp cao, thậm chí rất cao.
Văn học nghệ thuật chúng ta đã bao giờ mang đậm dấu ấn của sự chuyên nghiệp chưa? Chúng ta đã từng có vài chục năm, cho đến thập kỷ tám mươi thế kỷ XX. Thời gian khoảng gần 20 năm tạm tính từ năm 1960, khi ấy sự đòi hỏi khắt khe về tài năng và tính chuyên nghiệp nổi bật ở những lĩnh vực văn học, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, múa, mỹ thuật. Bởi những con người tài danh của văn chương, mỹ thuật lớp trước và đội ngũ không nhỏ những nghệ sĩ được đi đào tạo từ nước ngoài về, ở các lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh, múa, sân khấu.
Khi xem xét đến sự chuyên nghiệp ở những lĩnh vực đòi hỏi bắt buộc phải có tính chuyên nghiệp như văn học nghệ thuật; chúng ta cần phải nghiêm khắc xét lại quan điểm, cách nhìn nhận vấn đề cụ thể. Trong hoạt động văn học nghệ thuật không thể và không bao giờ chấp nhận một cách nhìn, cách làm nghiệp dư mang tính quần chúng. Văn học nghệ thuật là sự tinh túy, là chuyên nghiệp ở mức độ cao; bởi thế nên không thể áp đặt những quan điểm, cách nhìn, cách làm, định hướng theo cung cách phong trào, bề nổi, lấy thành tích; đồng thời dung túng cho cung cách làm cẩu thả, chụp giật, ngụy biện… nếu muốn văn học nghệ thuật có những sản phẩm có giá trị.
3-9-2018