Ngày xuân nói chuyện "Chín bỏ làm mười"

Thứ Sáu, 25/01/2019, 19:18
Xuân đã về. Hương xuân dâng tràn. Dường như mọi phiền muộn tan biến. Dường như mọi khúc mắc dịu vơi. Chỉ còn ta với nụ cười. Chỉ còn ta với tình đời, với tình người chan chứa. Ở đó ta thấy có lòng vị tha, có sự sẻ chia và mối tương giao.


Tôi còn nhớ thuở tôi lên chín lên mười, một chiều cuối năm tôi được theo mẹ về quê. Nhà bác dâu tôi ngày ấy vắng vẻ lắm, bác trai công tác trên Hà Nội và ở luôn trên đó dăm bảy tháng mới về thăm bác dâu tôi. Thành thử nhà bác dâu chỉ có bác và người con trai bằng tuổi tôi.

Tối hai tám Tết, tôi và anh họ ngồi trong ổ rơm cùng với rổ khoai lang mới luộc, hai anh em tôi đợi bác dâu bắc bếp nấu nồi bánh chưng ở ngoài ngõ. Bác dâu tôi bảo: “Đêm nay hai đứa trông nồi bánh chưng cho u nhé”. Anh họ tôi lựa những củ khoai to nhất để riêng ra một góc, rồi mới ăn. Anh ăn chậm, ăn kiểu như vừa ăn vừa nhẩm tính bao lâu nữa mới tới nửa đêm để được ra ngoài sân trông nồi bánh chưng.

Sốt ruột với cung cách ăn của anh họ, cộng với cơn thèm ăn chưa dứt nên đợi lúc người anh họ chạy ra sân giúp bác dâu tôi khuân củi, tôi thò tay “ăn trộm” một củ trong số khoai anh cất để dành. Người anh họ xong việc thì quay vào, nhanh chóng phát hiện ra một củ khoai không cánh mà bay. Anh hỏi tôi thì tôi lắc đầu. Hỏi nữa thì tôi cáu quát lại.

Bực vì mất khoai, lại cộng thêm bị tôi “bắt nạt”, người anh họ kêu toáng lên đòi tôi phải trả lại. Bác dâu tôi bước vào và hiểu ra câu chuyện, bác dâu tôi nói với anh họ tôi: “Để u đền củ khác là đủ mười củ”. Anh họ tôi nghe thế thì thôi không cự nự với tôi nữa.

Mâm quả trầu cau là thủ tục không thể thiếu trong lễ cưới của người Việt.

Đêm ấy tôi ân hận lắm, nhất là khi anh họ tôi lấy củ khoai được bác dâu tôi “đền”, vì đó là củ khoai to nhất. Anh bẻ làm đôi, chia cho tôi nửa củ. Tôi ngồi lại bên bác dâu sát bên anh họ, lí nhí nói câu xin lỗi và hỏi thật thà: “Sao bác chỉ đền cho anh ấy một củ khoai thôi?”. Thì ra anh họ tôi cất đi đúng mười củ khoai, tính là đợi đêm sẽ đem ra ăn chung. Anh không khó khăn gì khi quay vào nhà và cẩn thận đếm lại thấy chỉ còn có chín củ.

Bác dâu cười vui, bác xoa đầu tôi rồi kể: Ngày xưa, lâu lắm rồi có hai nhà hàng xóm cạnh nhau. Một sáng nọ, người đàn bà bên kia bờ  rào, sau hồi lục xục bên chuồng gà nhà mình thì đỏ mặt nói giận dữ: “Rõ ràng hôm qua có chín quả trứng, sáng nay phải là mười quả chứ sao lại vẫn còn có chín quả?”. Giọng nói đanh chua và cặp mắt cứ hướng sang nhà bên mà réo rắt, chừng như bà ta tỏ ý nghi ngờ hàng xóm ăn trộm trứng gà nhà mình. Bà hàng xóm nghe vậy biết nhà bên đang cạnh khóe nên nín thinh.

Mới nghe tới đó, tôi vội cắt ngang lời bác dâu: “Bà ấy không lấy mà bị đổ điêu, sao không mắng lại?”. Bác dâu lại xoa đầu tôi: “Chẳng lẽ người ta mới nói xa xôi mà mình lại động lòng. Động lòng đối đáp lại khác gì tự nhận chính mình đã lấy trứng”.

Trưa hôm đó, người hàng xóm bị nghi ngờ đã tranh thủ lúc nhà bên kia đi làm đồng đem đặt vào ổ trứng gà bên đó một quả trứng lấy từ chuồng gà nhà mình. Lúc nhà bên đi làm đồng về, bước lại chuồng gà và nhận thấy trong ổ có tròn chục quả trứng thì biết mình ban sáng đã lỡ lời, đã vội nghi oan cho hàng xóm nên bèn nói rất to, ý để hàng xóm nghe được “Thì ra hôm nay gà nhà mình đẻ muộn”. 

Tôi thắc mắc: “Cháu chẳng hiểu thế là sao cả? Bà bên nhà này có lấy trứng của bà nhà kia đâu mà lại đem trứng nhà mình đặt vào ổ nhà ấy?”. Bác dâu nói: “Hàng xóm ở với nhau, sơ sẩy có chuyện gì không hiểu nhau không khéo mất cả tình nghĩa láng giềng. Mình có thiệt chút ít nhưng tình cảm hai nhà không sứt mẻ mới quý. Ở đời thương quý nhau mới khó. Đã thương quý nhau rồi thì hề gì một chút thiệt hơn cháu ạ. Biết bỏ qua những chuyện vụn vặt hay chưa đúng mới là thân tình”.

Cách đây mấy năm, tôi được cô em họ “phân công” làm đại diện cho họ nhà trai lên Bắc Kạn để trao đổi với họ nhà gái chuẩn bị cho thằng cháu trai tôi cưới vợ. Bữa trao đổi ấy diễn ra thân ái và cầu thị. Nhìn chung cha mẹ họ hàng nào chẳng mong cho con cho cháu mình hôn nhân được thuận lợi và vui vẻ.

Trước lúc chào ra về, tôi được ông đại diện cho họ nhà gái kéo tay dặn kỹ: “Ông nhớ đấy nhé. Trong cơi trầu cho lễ ăn hỏi và lễ xin dâu bên nhà ta, nhớ chuẩn bị chín miếng trầu têm cánh phượng, chín chiếc phong bao hồng điều đựng chút tiền gọi là”. Tôi ậm ừ tỏ ra đã nghe nhưng thực tình bụng vẫn chưa hiểu sao lại như vậy. Rồi lễ ăn hỏi. Rồi lễ cưới cũng đến ngày như đã hẹn. Khi người nhà trai bưng cơi trầu lúc ăn hỏi, cũng như khi dẫn cưới tới trao cho nhà gái thì ông đại diện nhà gái thong thả mở nắp cơi trầu ra.

Ông với tay lấy trên chiếc đĩa đã để sẵn trên chiếc bàn cạnh đó một miếng trầu cũng têm cánh phượng, cùng một chiếc phong bao hồng điều. Ông bỏ những thứ đó vào cơi trầu bên cạnh chín miếng trầu và chín chiếc phong bao hồng điều mà bên nhà trai đã chuẩn bị trước. Rồi ông lại cẩn thận đậy nắp cơi trầu lại và nhắc mẹ cô dâu bưng cơi trầu lên đặt trên ban thờ kính cáo gia tiên. Chuyện rất nhỏ và diễn ra rất nhanh, có mấy ai trông thấy và biết được.

Bữa cơm rượu thân mật hai nhà được tiến hành sau đó. Nâng chén rượu tới trước mặt ông đại diện nhà gái, tôi nghiêng đầu hỏi đủ nghe: “Ông giải thích cho tôi biết điều ông đã làm có nghĩa là gì?”. Ông đại diện nhà gái bấy giờ mới cười sảng khoái.

Chuyện kể rằng ngày xửa ngày xưa có một đôi trai gái yêu nhau. Người con trai tuy là con nhà nghèo nhưng bù lại anh lại rất chăm chỉ làm ăn, tính tình hiền lành. Người con gái có nhan sắc nhất làng, cô có bản tính nhu mì và là con gái một gia đình khấm khá trong làng. Ngày qua tháng lại. Hoa đến thì hoa nở. Duyên đến thì duyên hẹn ngày gắn bó, nhưng hiềm nỗi dạo đó tục lệ cưới hỏi của làng lại khá chặt chẽ.

Bên nhà gái yêu cầu nhà trai phải có đủ mười quan tiền thì mới cho cưới. Chàng trai làm lụng mấy năm mà chỉ dành dụm được mỗi chín quan tiền. Thiếu một quan tiền nữa mới đủ mà thời hạn do nhà gái đưa ra sắp hết. Chàng trai bấn lên lo lắng. Chẳng lẽ không cưới được người con gái mình yêu thương. Cô gái cũng vậy.

Cô nước mắt vắn dài năn nỉ cha mẹ chiếu cố cho người mình đã nguyện trăm năm nhân ngãi. Nhưng cô không thuyết phục được cha mẹ bởi cha mẹ cô cũng có cái lý của mình, họ nói “Lệ làng đặt ra thế rồi. Làm trái lệ làng làng sẽ phạt”.

Phong tục cưới hỏi của người Việt đậm nét văn hóa dân tộc.

Rồi ngày cưới cũng đến. Lúc nhà trai cử người bê tráp xin dâu, trong đó khay đặt tiền dẫn cưới chỉ có chín quan tiền, vừa tới đầu ngõ nhà cô dâu thì bà mối kêu dừng lại, bà mối đặt vào khay đựng tiền dẫn cưới thêm một quan tiền. Chàng trai ngỡ ngàng chưa hiểu chuyện gì đã xảy ra nhưng bụng khấp khởi mừng vui. Tiền và đồ lễ dẫn cưới được đưa tới trước mặt quan viên họ nhà gái. Người chủ hôn trịnh trọng đón khay đựng tiền, ông cẩn thận đếm rồi giơ cao cho mọi người nhìn thấy, rồi ông nói to: “Tiền dẫn cưới đã đủ mười quan. Cho chú rể vào bái lễ”.

Sau này khi đã thành chồng vợ, người con trai mới thật lòng hỏi người con gái. Cô cho biết là cô thương yêu anh thật lòng và không muốn chỉ vì thiếu một quan tiền mà duyên hai người lỡ dở. Cô đã dành dụm được một quan tiền rồi nhờ bà mối bỏ giúp vào khay đặt tiền xin dâu. Chàng trai vô cùng xúc động, anh cảm ơn người vợ trẻ hiền thảo và biết cách ứng xử của mình. Họ thành một đôi ăn ở với nhau vẹn tròn đến đầu bạc răng long, con cháu đầy đàn.

Nghe chuyện xong tôi mới ớ ra và nghĩ về chuyện ứng xử của người xưa. Đúng là về nghĩa, về tình, đôi khi người ta phải biết bỏ qua những mặc cảm, bỏ qua những bất đồng, gạt đi những khó khăn. Và đôi khi để đạt được điều đó, người ta phải nghĩ ra những cách ứng xử thông minh, tinh tế và thấu tình đạt lý. Vậy nên mới có thơ rằng: “Vợ chồng thương nhau chín bỏ làm mười/ Chị em thương nhau sợi chỉ cắn đôi/ Tắt lửa tối đèn hàng xóm thương nhau bát cơm sẻ nửa”.

Nguyễn Trọng Văn - Xuân 2019
.
.