Ngày xuân lạm bàn về ngữ nghĩa

Thứ Sáu, 25/03/2016, 08:00
Công việc này thuộc chức năng, nghiệp nghề của các nhà ngôn ngữ học. “Ngoại đạo” như kẻ viết bài này dám xía vô, thật là vô lối! Song, bởi sự giấu dốt, để bấy lâu nay cứ băn khoăn, day dứt về cái sự hiểu biết cố hữu của mình về ngữ nghĩa của một vài cụm từ mang ý nghĩa phân định thời gian, mà mỗi khi tiếp cận với thông tin đại chúng (báo nói, báo viết, báo hình) không phải một vài lần, mà là hàng chục, nhiều chục lần, người ta nói và viết khác với nhận thức của mình. 


Mỗi lần như thế, định bụng sẽ tham khảo mấy vị am hiểu việc này để giải tỏa nỗi lòng. Trông trước, ngó sau chẳng gặp ông bà ngôn ngữ nào mà toàn “tay ngang” như mình. Hỏi ra thì được trả lời thẳng tưng: “Đa số người ta nói thế, viết thế thì đúng thế, cần chi phải mày mò cho mất công, tốn sức”.

Những điều băn khoăn thì hơi bị nhiều. Chỉ xin nêu 2 cụm từ dưới đây:

1. Mốc thời gian sáu tháng đầu năm

Hẳn nhiên là nói tới thời điểm từ tháng 1 tới tháng 6 của năm: “Sơ kết tình hình an ninh, trật tự 6 tháng đầu năm”; “Tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm”… Nói về sự kiện của một lĩnh vực nào đó diễn ra từ tháng 7 tới tháng 12, cố nhiên nó nằm vào mốc thời gian 6 tháng cuối năm. Vậy mà, gần đây theo cách nói và cách viết của không ít tác giả lại nới rộng biên độ thời gian, không còn là 6 tháng đầu năm mà là bảy, tám, chín, thậm chí tới 10 tháng đầu năm (!?)

Tỷ như: Báo Tuổi trẻ số ra ngày 2-10-2014: “Giá cao su lao dốc chỉ trong 9 tháng đầu năm…”; Báo Thanh niên số ra ngày thứ ba (30-9-2014), bài về sản xuất bia ở Việt Nam, bình quân mỗi tỉnh có hơn 6 nhà máy bia. “Gần 2,3 tỷ lít bia được sản xuất trong 9 tháng đầu năm”; VTV1 (Đài Truyền hình Việt Nam) buổi 19h ngày 9-11-2015 đưa tin về xuất khẩu thủy sản qua 9 tháng đầu năm.

Cũng tại VTV1 buổi 19h ngày 11-11-2015 đưa tin về hàng lậu, hàng giả “10 tháng đầu năm nay”; Báo Tiền phong số ra ngày 10-12-2015, tại trang 3 có bài viết về TP Hồ Chí Minh: “Tham nhũng trốn ở đâu mà không thấy” có chú thích ảnh “Phó chánh Thanh tra TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ngọc Nga: “9 tháng đầu năm, TP Hồ Chí Minh không phát hiện tham nhũng”.

Theo sự tỉ mẩn ghi lại của tác giả bài viết này mà kể ra thì còn nhiều lắm. Xin mạn phép trích dẫn thêm trên truyền hình Thông tấn xã Việt Nam (buổi 14h ngày 1-10-2015): “Ngộ độc 9 tháng đầu năm”. Sao không nói là “Ngộ độc thực phẩm 9 tháng qua”; Thời điểm này, trên VTV1 còn “phong phú” hơn – lúc 23h ngày 29/9: “Tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm”; lúc 23h ngày 5-10: “Tín dụng tăng 9 tháng đầu năm 2015”; lúc 7h ngày 12-10-2015: “Xuất khẩu điều 9 tháng đầu năm”. Sao không nói: “Xuất khẩu điều 9 tháng qua hoặc 9 tháng năm 2015”.

2. Mốc thời gian mang tính ước lệ: Thập kỷ  - Thập niên

Cặp từ thập kỷ, thời gian gần đây được sử dụng rất phổ biến trên phương tiện truyền thông đại chúng.

Truyền hình Việt Nam (VTV1) buổi 14h ngày 23-3-2014 nói về vai trò của cựu Thủ tướng Singapore (Xanh-Ga-Po) Lý Quang Diệu, có câu: “Ông Lý Quang Diệu đưa Singapore chỉ sau 3 THẬP KỶ…”. Theo sự hiểu biết của tác giả bài viết này thì đây là cặp từ Hán - Việt, chỉ khoảng thời gian 10 năm. Sao lại không nói là 30 năm hoặc 3 thập niên?

Cũng tương tự như vậy, Báo Tiền phong, số ra ngày thứ Tư (14-1-2015, trang 19) nói về dân số Trung Quốc có đoạn: “Trung Quốc chưa kịp giàu thì đã già. Chính sách một con kéo dài hơn 3 THẬP KỶ đã và đang gây ra khủng hoảng dân số”; Báo Lao Động, số ra ngày 26-2-2016 (trang 1) mục Sự kiện – Bình luận với tiêu đề “Một quyết định để hồi sinh thành phố” nói về thông điệp của tân Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải về sự phát triển bền vững của Thủ đô…

Nếu thông điệp này là triết lý hành động trong nhiệm kỳ của ông Bí thư Thành ủy - một người có tiếng là kỹ trị - thì Hà Nội, thành phố ngổn ngang sau hai THẬP KỶ phát triển nóng, có lẽ đang đứng trước những cơ hội “hồi sinh”; Đài Tiếng nói Việt Nam lúc 23h ngày 22-2-2016, chương trình Bài hát nhiều người yêu thích, giới thiệu 4 ca khúc, trong đó có “Tình em” của nhạc sĩ Hoàng Việt. Người dẫn chương trình nói rằng “Bài hát ra đời từ THẬP KỶ 50 của thế kỷ XX…”.

Sao không nói Thập niên 50?; Đài VTV, lúc 22h30 ngày 1-3-2016, chương trình Không gian  Văn hóa - Nghệ thuật, giới thiệu NSND Tự Long, trong đó có câu: “Anh đã có mặt trên sân khấu chèo hàng THẬP KỶ qua”. Sao không nói là hàng chục năm qua? Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam, lúc 14h ngày 3-3-2016 nói về “Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về biện pháp trừng phạt Triều Tiên mạnh nhất sau hơn 2 thập kỷ qua”. Sao không nói là sau hơn 20 năm qua hoặc sau hơn 2 thập niên qua?...

Ngày xuân, xin được bộc bạch đôi điều cùng bạn đọc những băn khoăn, phập phù về ngữ nghĩa nêu trên. Nếu đúng theo nhận thức của tác giả bài viết này thì có thể gọi là góp phần nhỏ vào sự thống nhất ngôn ngữ tiếng ta chuẩn mực hơn. 

Khổng Minh Dụ
.
.