Mỹ thuật trẻ: Cần sự bứt phá mới

Thứ Sáu, 26/04/2019, 08:01
Tác phẩm điêu khắc xuất hiện ngày càng nhiều trong lĩnh vực xây dựng nhà cửa, trang trí không gian nội thất. Người chơi nghệ thuật cũng đang từng bước tiếp cận các tác phẩm điêu khắc, tìm đến yếu tố mỹ thuật như đặt tượng, treo tranh tường, thay vì mua đồ phong thủy...


Nhìn lại đời sống mỹ thuật của những người trẻ thời gian qua, không thấy kỳ cuộc nổi trội, mà nghiêng lệch về những trình diễn mang tính cá nhân. Thậm chí, một số nhà phê bình mỹ thuật cho rằng, mỹ thuật trẻ thiếu vắng những gương mặt nổi bật, tác phẩm nổi bật, hoặc giải thưởng nổi bật. Vì thế, để "định hình, định danh" trong đời sống mỹ thuật đương đại, các họa sĩ trẻ cũng phải có những nỗ lực riêng vượt trội để tên tuổi mình sáng bật lên trên nền tổng thể đang có những dấu hiệu nhạt nhòa.

Lối đi ngay dưới chân mình

Lớp trẻ của mỹ thuật Việt có nhiều cái tên được nhắc nhớ. Riêng thế hệ 8X thôi cũng có thể kể đến những Thái Nhật Minh (điêu khắc), Nguyễn Huy An (nghệ thuật trình diễn và hội họa), Bàng Nhất Linh (nghệ thuật sắp đặt), Lê Hoàng Bích Phượng (hội hoạ), Hà Mạnh Thắng (hội họa), Nguyễn Phương Linh (nghệ thuật trình diễn), Phạm Huy Thông (hội họa và nghệ thuật trình diễn), Vũ Đức Toàn (nghệ thuật trình diễn), Vũ Đức Trung (hội họa).

Trong số này, Hà Mạnh Thắng là một trong những tên tuổi nổi bật của nghệ thuật đương đại Việt Nam. Một vài bức tranh của anh đang được trưng bày ở bảo tàng Nghệ thuật Singapore. Anh có mặt trong rất nhiều triển lãm quan trọng đại diện cho nghệ thuật Việt Nam.

Còn Nguyễn Phương Linh được coi là một trong những nghệ sĩ trẻ Việt Nam triển vọng nhất, có biên độ ảnh hưởng rất tích cực trong giới mỹ thuật trẻ. Chị đã trưng bày tác phẩm tại rất nhiều nơi với các triển lãm cá nhân gần đây nhất tại phòng tranh di động ở Thái Lan, Nhà Sàn Studio tại Việt Nam và Bảo tàng Nghệ thuật Á Châu Fukuoka tại Nhật Bản. Phương Linh cũng tham gia nhiều chương trình lưu trú nghệ thuật quốc tế với các tổ chức như là Seoul Art Space tại Hàn Quốc, Kaman Art Foundation tại Rajasthan, Ấn Độ và The Luggage Store tại San Francisco, California, Mỹ…

Triển lãm “Dế mèn phiêu lưu ký” của họa sĩ Tạ Huy Long khiến nhiều người thích thú.


Những cá tính hội họa trẻ được sống, làm việc trong điều kiện đất nước hội nhập, với nhiều thuận lợi để tiếp cận các trào lưu, xu hướng mỹ thuật mới, đồng thời cũng dễ giao lưu, giới thiệu tác phẩm mới. Tuy nhiên, nhưng chính những thuận lợi ấy cũng ẩn chứa nhiều thách thức mà nếu người làm nghệ thuật thiếu vắng bản lĩnh, không có định hướng đúng sẽ khiến tâm lý hoang mang xuất hiện.

Do vậy, việc những họa sĩ trẻ lựa chọn cho mình một lối đi riêng, và từ đó có sự bứt phá, là hết sức cần thiết. Nghệ sĩ điêu khắc trẻ Thái Nhật Minh cho rằng, việc sau khi ra trường các nghệ sĩ trẻ không chọn một cơ quan hay công ty nào cố định mà các nghệ sĩ thường làm việc tự do. Điều đó theo anh có nhiều thuận lợi hơn là khó khăn. Làm việc tự do giúp nghệ sĩ chủ động về cách nhìn, về tư tưởng, nghệ sĩ sáng tạo cần có cái nhìn độc lập chứ không phải theo định hướng nên là tự do là tuyệt vời nhất. Làm việc tự do có thể có khó khăn chút về kinh tế, như thu nhập không đều nhưng đã dấn thân thì phải trả giá, đó là điều đương nhiên".

Những tín hiệu vui

Vậy đời sống mỹ thuật trẻ thời gian vừa rồi có gì nổi bật? Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, hình ảnh cá nhân của các họa sĩ trẻ chưa có sự bật nổi rõ ràng. Nhưng đáng kể đến đó là cuộc triển lãm "Tranh lụa và điêu khắc nhỏ" do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch) phối hợp với Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA) tổ chức.

Triển lãm giới thiệu 203 tác phẩm tranh lụa và điêu khắc kích thước nhỏ của 45 họa sĩ, nghệ sĩ tiêu biểu trong cả nước, thuộc thế hệ sinh từ năm 1970 trở về sau. Hầu hết các tác phẩm được sáng tác trong những năm gần đây, thể hiện sự phong phú về ý tưởng, đề tài và phong cách, sự đa dạng về khuynh hướng sáng tác cũng như những chuyển biến sâu sắc trong tư duy nghệ thuật của các nghệ sĩ thời kỳ mới. Triển lãm được giám tuyển bởi 2 nghệ sĩ Vũ Đình Tuấn cho mảng tranh lụa và Khổng Đỗ Tuyền cho mảng điêu khắc.

"Thông qua triển lãm này có thể nhận thấy bước chuyển thế hệ. Tuy nhiên, cần thêm thời gian thì mới có thể nó có trở thành một khuynh hướng sáng tác hay không. Nhưng rõ ràng, xem những tác phẩm của lớp họa sĩ trẻ ở triển lãm này, thấy lóe lên tín hiệu vui, cho thấy sự tích cực chuyển hướng của các họa sĩ trẻ" - họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhận xét.

Còn họa sĩ Vũ Đình Tuấn cho rằng, 110 tác phẩm tranh lụa của 24 tác giả trưng bày tại triển lãm cho thấy nỗ lực tìm tòi, sáng tạo của một thế hệ họa sĩ. Các tác phẩm có sự kết hợp hài hòa giữa những vấn đề riêng tư của cá nhân và câu chuyện thời đại. Điều này chứng tỏ, họ là những nhân tố quan trọng trong việc truyền cảm hứng sáng tạo và khát vọng đổi mới đến các thế hệ nghệ sĩ tạo hình đương thời.

Ở khía cạnh điêu khắc, họa sĩ Khổng Đỗ Tuyền nhận xét, mỹ thuật Việt có những thành tựu nhất định ở điêu khắc lớn, như công viên, quảng trường, rạp hát... hoặc các công trình tượng đài. Tuy nhiên, những tác phẩm điêu khắc nhỏ được giới thiệu trong năm qua cho thấy đề tài này đang được nhiều nhà điêu khắc - đặc biệt là những nhà điêu khắc trẻ - chú ý.

Điều này cho thấy có sự dịch chuyển thú vị, khi các nhà điêu khắc hướng cái nhìn nghệ sĩ của mình vào đời sống, để những tác phẩm điêu khắc song hành cùng các không gian như văn phòng, trung tâm giao dịch, thậm chí khuôn viên nhà ở.

Trở lại với "trường hợp" của Thái Nhật Minh, qua những triển lãm "Chinh phu - Chinh phụ", "Những con chim", "Mùa sinh sản", "Những hạt mầm" mà anh trưng ra trước công chúng trong thời gian qua cho thấy sức sáng tạo và nhiều ý tưởng mới lạ cùng sự lao động nghiêm túc. "Đối với tôi, điêu khắc là thứ ngôn ngữ tốt nhất, mà tôi có thể dùng để chuyển tải cảm xúc và ý tưởng của mình với thế giới xung quanh.

Hình tượng - Chất liệu - Không gian… cùng những ký ức chợt đến, chợt đi luôn hấp dẫn tôi vào một cuộc phiêu lưu kiếm tìm các khả năng biểu đạt - Họa sĩ Thái Nhật Minh nói - Trong quá trình làm việc tôi thường chú trọng đến ý chính và sự cô đọng của hình khối, nên các chi tiết thứ yếu thường được lược bỏ. Cảm xúc luôn được đề cao và tôi muốn tinh thần được toát ra từ bên trong mỗi tác phẩm...".

Tác phẩm “Đêm” - điêu khắc Sợi của Nguyễn Duy Mạnh.

Tác phẩm điêu khắc xuất hiện ngày càng nhiều trong lĩnh vực xây dựng nhà cửa, trang trí không gian nội thất. Người chơi nghệ thuật cũng đang từng bước tiếp cận các tác phẩm điêu khắc, tìm đến yếu tố mỹ thuật như đặt tượng, treo tranh tường, thay vì mua đồ phong thủy. "Nhà của người Việt hiện nay ngoài bày tranh còn có không gian cho điêu khắc. Điêu khắc salon, điêu khắc trong nhà thâm nhập vào không gian sống, không gian nội thất. Người chơi dễ sáng tạo, đầu tư hay kết hợp hơn so với điêu khắc không gian công cộng" - Thái Nhật Minh cho hay.

Còn theo nhà điêu khắc Khổng Đỗ Tuyền, "các tác phẩm điêu khắc hiện không quá phụ thuộc vào hình tượng con người mà đơn thuần là hình khối, là không gian và trên hết là sự ngẫu hứng của cảm xúc. Nó thể hiện sự "dịch chuyển" trong tư duy nghệ thuật của nghệ sĩ trước những gì họ đang sống và trải nghiệm".

Lý giải cho sự chuyển dịch này, một số nhà điêu khắc trẻ cho rằng, khi thực hiện tác phẩm điêu khắc nhỏ dễ thể hiện hơn do ít phải đầu tư tài chính, nhân công và thời gian. Chính điều này khiến các họa sĩ có thể sáng tạo thêm những tác phẩm điêu khắc mới.

Họa sĩ Đỗ Phấn nhìn nhận, mỹ thuật trẻ thời gian gần đây hay cũng có mà dở cũng nhiều. "Cái hay là ở chỗ đã có nhiều sân chơi mỹ thuật được mở ra ở những doanh nghiệp lớn, sàn đấu giá nghiêm túc. Nhưng cũng đồng thời có cái dở kèm theo là khả năng kiểm soát những tác phẩm mang bày hoặc đấu giá chưa được chuẩn mực.

Điều khiến tôi suy nghĩ nhất là phong trào sưu tập tranh của các họa sĩ thời mỹ thuật Đông Dương đã đẩy giá tác phẩm của họ lên một tầm mức chưa từng thấy. Nhiều bức tranh của họa sĩ Việt Nam đã có mức giá như các bậc thầy châu Âu. Thậm chí vài bức còn cao giá hơn cả những thiên tài hội họa. Câu hỏi đặt ra ở đây là: Thẩm mỹ của người Việt có thực sự cao đến thế không?" - Họa sĩ Đỗ Phấn nêu quan điểm.

Theo họa sĩ Đỗ Phấn, hiện đã có một lớp công chúng mỹ thuật mới trong tầm 40 tuổi. "Điều này giống với hơn nửa thế kỷ trước những ông Bổng "nháy", ông Tô Ninh, ông Việt Chiến, ông Bá Đạm… cũng ở tầm tuổi ấy. Tất nhiên các sưu tập gia bây giờ nhiều tiền thật sự chứ không phải ở hoàn cảnh các ông thủa trước. Thế nhưng cũng tất nhiên độ tinh nhạy sắc bén trong nghề cũng còn lâu mới sánh được với các ông" - họa sĩ Đỗ Phấn nhận xét.

Hà Anh
.
.