Mùa xuân trong thơ Đường

Thứ Bảy, 16/02/2019, 07:48
Ngày xuân mà đọc thơ Đường viết về mùa xuân thì thật lý thú! Có thể thấy ngay một nhận xét là, trong thơ Đường, mùa xuân xuất hiện thường xuyên hơn, nhiều hơn các mùa khác trong một năm ở Trung Quốc và các nước phương Đông.


Hẳn là thi nhân đời Đường đã thấy được rằng, mùa xuân tạo ra những thi liệu mang nhiều cung bậc, nhiều sắc thái của tình cảm con người, và do đó có thể làm cho thơ đẹp hơn, vui hơn hay buồn hơn... trong mỗi tình huống mà mình đề cập.

Cũng dễ nhận ra là thơ Đường về mùa xuân nói riêng (và thơ Đường nói chung) buồn nhiều hơn vui. Đây là một đặc điểm của văn chương thời trước, mà nhà nghiên cứu và phê bình Trần Thanh Mại (1908-1965) phát hiện đã từ lâu. Năm 1962, trong một bài nghiên cứu về Nguyễn Trãi, ông viết: "Đối với người xưa, thơ cũng như rượu. Vui cũng có uống, nhưng buồn uống nhiều hơn".

Hãy đọc "Xuân giang hoa nguyệt dạ" (Đêm hoa trăng trên sông xuân) của nhà thơ Trương Nhược Hư (660-720). Bài thơ dài 36 câu này tả cực hay sắc xuân trên sông ban đêm với đủ cả trời, trăng, mây, tuyết, sương và thủy triều và bãi cát... từ đó mà nghĩ về thân phận con người:

Nhân sinh đại đại vô cùng dĩ
Giang nguyệt niên niên vọng tương tư
(Người sinh trên đời không bao giờ hết
Chẳng biết trăng trên sông chiếu sáng những ai?)

Rồi:

Tạc dạ nhàn đàm mộng lạc hoa
Khả liên xuân bán bất hoàn gia
(Đêm qua thanh vắng, mơ thấy hoa rơi
Đáng thương cho những người đã nửa mùa xuân chưa được về nhà!)

Có nhà nghiên cứu cho rằng chỉ với một bài thơ "Xuân giang hoa nguyệt dạ", Trương Nhược Hư đã đáng được coi là một nhà thơ đặc sắc.

Thi Tiên Lý Bạch qua nét vẽ của một họa sỹ hậu sinh.

Lại như "Xuân hiểu" (Buổi sớm mùa xuân) của nhà thơ Mạnh Hạo Nhiên (689-740), chỉ có bốn câu mà trở thành kinh điển. Bài thơ có một sức hấp dẫn đặc biệt với hoa lá, chim chóc, gió mưa, mà ai dám bảo nó không nói gì đến tình cảm, đến thân phận con người:

Xuân miên bất giác hiểu
Xứ xứ văn đề điểu
Dạ lai phong vũ thanh
Hoa lạc tri đa thiểu

(Giấc ngủ đêm xuân, không biết trời đã sáng
Chỗ nào cũng nghe thấy tiếng chim kêu.
Đêm qua gió mưa ào ào,
Không biết bao nhiêu hoa đã rụng?)

Bản dịch thơ của Nguyễn Thế Nức:

Đêm xuân một giấc mơ màng,
Tỉnh ra chim đã kêu vang quanh nhà.
Gió mưa một trận đêm qua
Làm cho hoa rụng biết là dường bao?

Lại như bài "Sơn phòng xuân sự" (Cảnh xuân trong căn nhà trên núi) của nhà thơ Sầm Tham (715-770):

Lương viên nhật mộ loạn phi nha
Cực mục tiêu điều tam lưỡng gia
Đình thụ bất tri nhân khứ tận
Xuân lại hoàn phát cự thời hoa

(Vườn Lương chiều tà, quạ bay loạn xạ
Nhìn hết tầm mắt mà chỉ thấy xơ xác vài ba nếp nhà.
Cây trước sân đâu biết rằng người đã đi hết,
Mùa xuân về, vẫn nở những bông hoa ngày xưa).

Bài này nếu chỉ dịch xuôi thì chưa thấy hết nghĩa. Cần biết thêm rằng, đời Lục Triều (222-589) con thứ ba của vua Lương Vũ Đế là Lương Hiếu Vương cho lập vườn Đông Uyển (người đời sau gọi là Lương Viên) ở trong thành. Nơi đây, bạn bè, khách khứa, danh nhân lúc nào cũng tụ tập đông vui, nhộn nhịp để câu cá, bắn chim, chơi bời, yến tiệc. Hơn một thế kỷ sau, trong một dịp qua đây lúc chiều tà, nhà thơ Sầm Tham buồn bã mà hoài cổ trước cảnh đìu hiu tưởng như vô tình của cửa nhà, chim chóc, cây cối. Bản dịch bài thơ này của Ngô Tất Tố:

Trời tối, vườn Lương qua dập dìu
Nhà xưa mấy nóc, cảnh đìu hiu.
Cây sân chẳng biết người đi hết.
Xuân tới, hoa xưa vẫn nở đều.

Tình bạn cũng hay được nói đến trong thơ Đường với những bài thơ cảm động, đặc biệt là những buổi chia ly, lại là chia ly trong ngày xuân. Hãy đọc một bài: bài "Hoài thượng biệt hữu nhân" (Trên Sông Hoài từ biệt bạn) của nhà thơ Trịnh Cốc thời Vãn Đường (835-907):

Dương Tử giang đầu dương liễu xuân
Dương hoa sầu sát độ giang nhân
Sổ thanh phong địch ly đình vãn
Quân hướng Tiêu Tương ngã hướng Tần.

(Đầu sông Dương Tử, dương liễu đượm màu xuân
Hoa dương liễu làm cho người qua sông buồn muốn chết.
Vài tiếng sáo vi vu ở đình ly biệt buổi chiều
Bác thì đi Tiêu Tương, tôi thì đi Tần!)

Bản dịch của Ngô Tất Tố:

Sông Dương dương liễu đua tươi
Hoa dương buồn chết dạ người sang sông
Đình hôm tiếng sáo não nùng
Anh đi bến Sở, tôi trông đường Tần.

Bản dịch hay, sáng tạo, nhưng ở câu đầu, bỏ mất từ "xuân" rất quan trọng; có lẽ phải dịch như sau mới đạt: Sông Dương dương liễu xuân tươi.

Lại nhớ thơ tình yêu đời Đường. Nhiều bài vô cùng hay với muôn hình vạn trạng. Ở đây, ta chỉ có điều kiện đọc ngẫu nhiên vài bài, như bài này của nhà thơ Lý Bạch (701-762):

Xuân tứ
Yên thảo như bích ti
Tần tang đê lục chi
Đương quân hoài quy nhật
Thị thiếp đoạn trường thì
Xuân phong bất tương thức
Hà sự nhập la vi

(Cỏ đất Yên vừa nhú mầm, còn như tơ biếc,
Dân đất Tần thì đã xòa canh xanh rồi.
Trong khi chàng nghĩ đến ngày trở về quê nhà
Thì chính là lúc thiếp đang buồn đứt ruột
Gió xuân chẳng quen biết ta
Sao lại lọt vào màn ta?)

Bài thơ này tạo ra những cách hiểu khác nhau. Theo cách hiểu của tôi, có thể diễn giải thế này: Khi ở đất Yên (ở miền bắc) vừa mới như mầm non, thì dâu đất Tần (ở miền trung) đã xanh lá. Cùng một lúc mà cỏ cây mỗi nơi mỗi khác. Nhưng tình thiếp với chàng thì không như vậy. Lúc mà chàng nhớ thiếp, mong đến ngày về quê, thì cũng chính là lúc thiếp đang đau xót mà nhớ đến chàng. Gió xuân chẳng quen biết gì thiếp, sao lại lọt vào màn thiếp?

Bản dịch bài thơ này của Hồng Diệu:

Cỏ Yên chồi đang biếc,
Dâu Tần lá bạt ngàn.
Lúc chàng mong trở lại
Thiếp đứt ruột héo gan.
Gió xuân không quen biết,
Cớ chi gió vào màn!

Còn một bài (Vô đề) không thấy có trong các tập Đường thi, được lưu truyền gắn với những giai thoại đời Đường:

Nhất ẩm xuân giao vạn lý tình
Đoạn trường phương thảo đoạn trường oanh
Nguyện tương song lệ đề vi vũ
Minh nhật lưu quân bất xuất thành

(Một chén rượu ngày xuân uống cùng nhau mang mối tình muôn dặm
Cỏ thơm đứt ruột, chim oanh đứt ruột
Xin đem hai hàng nước mắt làm cơn mưa nhỏ
Sớm mai giữ chàng, không cho ra khỏi thành).

Nhiều nhà nghiên cứu cho bài thơ này là của Trần Mỹ Dung, một nhà thơ nữ, và giải thích: Trần Mỹ Dung là một cô gái xinh đẹp. Một viên quan muốn chiếm đoạt, bị nàng cự tuyệt. Hắn lập mưu bắt cha nàng vào tù. Viên quan trẻ tên là Phan Trung biết chuyện, tìm cách cứu cha nàng, sau đó được ông gả con gái. Sắp đến ngày thành hôn, Phan Trung bỗng nhận được lệnh phải đi làm công vụ. Trước lúc xa nhau, Trần Mỹ Dung làm bài thơ này.

Sau đó, Phan Trung có công phát hiện nhiều vụ tham nhũng, bị bọn tham quan ô lại trả thù bằng cách vu cáo, phải vào tù, được một cô gái là Hồng Nương chăm sóc những lúc ốm đau, bệnh tật. Khi Phan Trung được tha, Hồng Nương lo lắng thuốc thang, nên lúc bình phục chàng đành phụ tình Trần Mỹ Dung cưới Hồng Nương.

Mười năm trôi qua mà không có tin tức gì về Phan Trung, gia đình Trần Mỹ Dung cậy người đi dò la tin tức mới biết chuyện. Trần Mỹ Dung tìm thăm Phan Trung và Hồng Nương. Lúc chia tay, Phan Trung tặng Trần Mỹ Dung một bài thơ, trong đó có hai câu nổi tiếng, được truyền tụng rất rộng xưa nay:

Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ
Vô duyên đối diện bất tương phùng
(Đã có duyên với nhau thì dù cách xa nghìn dặm cũng có thể gặp nhau
Không có duyên với nhau thì dù có ngồi trước mặt cũng như không gặp nhau vậy)

Lại có một giai thoại khác, kể rằng ở Kim Lăng có một kỹ nữ là Lê Cẩm Vân biết làm thơ, giỏi chơi đàn. Nàng phải lòng Phó Xuân. Khi Phó Xuân bị oan, phải giam trong ngục, nàng luôn luôn đến chăm sóc. Lúc Phó Xuân bị điều đi làm lính thú ở xa, Cẩm Vân vẫn đòi đi theo, nhưng chàng không thuận. Nàng ứng khẩu tặng Phó Xuân bài thơ "Nhất ẩm xuân giao..." nói trên. Sau đó, Cẩm Vân thương nhớ Phó Xuân đến buồn bã, ốm yếu, suốt ngày chỉ đọc kinh Phật, không lâu sau thì qua đời.

Bài "Nhất ẩm xuân giao..." này, ở Việt Nam ta có nhiều bản dịch thơ, bản sớm nhất cách đây đã gần một thế kỷ. Trong những bản ấy, theo tôi, bản do nhà thơ Nguyễn Bính dịch hay hơn cả:

Chén xuân chan chứa bao tình.
Cỏ thơm xơ xác, con oanh thẫn thờ.
Sớm mai chàng đã đi chưa,
Xin đem nước mắt làm mưa giữ chàng...

Hồng Diệu
.
.