Một vài ý kiến trao đổi về hoàn cảnh ra đời bài thơ “Nguyên tiêu”

Thứ Sáu, 25/10/2019, 08:32
Gần đây, tình cờ tôi đọc trên Tạp chí Ngôn ngữ & Đời sống, số 1 (281) năm 2019 – Xuân Kỷ Hợi có bài viết “Bác Hồ đã viết bài thơ Nguyên tiêu như thế nào” của Tiến sĩ Đỗ Phương Lâm, hiện công tác tại Trường Đại học Hải Phòng.

Về bối cảnh ra đời bài thơ, tác giả Đỗ Phương Lâm cho biết:

“Đầu xuân năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Trung ương mở rộng, nhằm vạch ra phương hướng và nhiệm vụ cho một giai đoạn mới của Cách mạng Việt Nam, chuẩn bị cho Chiến dịch Biên giới 1950. Thời gian này, những cuộc họp “quân cơ quốc kế” thường được tổ chức ở những nơi kín đáo, nhằm đảm bảo bí mật. Sau một cuộc họp, từ “yên ba thâm xứ”, Bác cùng đoàn cán bộ đi thuyền trở ra chiến khu Việt Bắc. Lúc ấy đã nửa đêm, trăng rằm sáng vằng vặc trên sông, vào lúc thi hứng Bác đã ngâm bài thơ Nguyên tiêu.

Có lẽ Nguyên tiêu là bài thơ đạt kỉ lục về thời gian hoàn thành nguyên tác chữ Hán và bản dịch Nôm nhanh nhất: chỉ sau vài phút. Chính nhà thơ Xuân Thủy, người ngồi bên Bác ngay trên thuyền kể lại rằng, nhân trăng sáng cảnh đẹp, Bác đọc hai câu thơ:

“Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên/ Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên” (Đêm nay, đêm rằm tháng Giêng. Trăng đúng độ tròn, Sông xuân, nước xuân nối tiếp trời xuân).

Rồi thêm hai câu nữa thành bài thơ Nguyên tiêu. Các đồng chí cùng đi trầm trồ tán thưởng và đề nghị Bác cho dịch ra tiếng Việt. Bác bảo: “Có Xuân Thủy đây, Xuân Thủy dịch đi”. Sau một hồi suy nghĩ, Xuân Thủy đọc bản dịch: “Rằm xuân lồng lộng trăng soi/ Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân/ Giữa dòng bàn bạc việc quân/ Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”.

Bài viết “Bác Hồ đã viết bài thơ Nguyên tiêu như thế nào” của Tiến sĩ Đỗ Phương Lâm.

Bác khen: “Dịch lưu loát, giữ được chất thơ, nhưng dòng thứ hai có ba chữ xuân hòa với nhau mà bản dịch chỉ có hai chữ xuân, thế thì ý thì đủ mà chữ còn thiếu”. Như vậy đủ thấy Bác đã có dụng ý khi đặt ba chữ xuân trong câu thơ thứ hai”.

Tác giả Đỗ Phương Lâm còn cho biết thêm:

“Bác đã chơi chữ bằng cách lấy tên đồng chí Xuân Thủy làm trung tâm cho câu thơ. Chính các nhà nghiên cứu thuộc Trường Đại học Sư phạm Quảng Tây, Trung Quốc đã từng phát hiện ra điều này: “Hồ Chí Minh thật khéo léo lấy tên người bạn chiến đấu bên cạnh là Xuân Thủy để gợi hứng miêu tả cảnh vật” (Hồ Chí Minh xảo diện địa bả thân biên đích chiến hữu Xuân Thủy đích danh tự tức hứng dụng tiến miêu tả cảnh vật đích thi cú trung).

Đọc xong bài viết, tôi thấy có vài điều muốn trao đổi lại cùng Tiến sĩ Đỗ Phương Lâm.

Thứ nhất, về hoàn cảnh ra đời bài thơ, viết Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Trung ương mở rộng nhằm “vạch ra phương hướng và nhiệm vụ cho một giai đoạn mới của Cách mạng Việt Nam” thì khả dĩ có thể chấp nhận được. Còn “chuẩn bị cho Chiến dịch Biên giới 1950” thì e rằng đó là người thế hệ sau níu các sự kiện lịch sử theo suy nghĩ của mình. Vào thời điểm đó, không ai có thể tiên tri mà bàn tới việc “chuẩn bị cho Chiến dịch Biên giới 1950” cách xa hơn 2 năm sau với nhiều sự kiện, diễn biến không đoán biết được.

“Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử” cho thấy các sự kiện đầu năm 1948 cụ thể: Ngày 15 và 16/1/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng mở rộng. Ngày 18/1/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp Hội đồng Chính phủ xem xét tình hình thế giới. Như vậy, cũng khó để mà khẳng định chắc nịch hoàn cảnh ra đời bài thơ “Nguyên tiêu” ra đời sau khi Hồ Chủ tịch dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng mở rộng như Tiến sĩ Đỗ Phương Lâm đã viết.

Thứ hai, viết “Chính nhà thơ Xuân Thủy, người ngồi bên Bác ngay trên thuyền” có lẽ chưa chính xác. Tác giả Đỗ Phương Lâm lại viết rằng: Bác bảo: “Có Xuân Thủy đây, Xuân Thủy dịch đi”, không rõ tiến sĩ lấy tư liệu ở đâu? Còn tôi, căn cứ theo lời kể của ông Vũ Kỳ, thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã cho biết: “Hôm ấy, Bác ngồi ở đầu mảng, thư thái ngắm trăng, ngắm cảnh. Ánh trăng vàng sóng sánh dưới mặt sông. Bỗng nghe Bác ngâm: “Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên/ Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên/ Yên ba thâm xứ đàm quân sự/ Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”.

Về sau, đồng chí Xuân Thủy được phép dịch bài thơ này ra tiếng Việt.

“Rằm xuân lồng lộng trăng soi/ Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân/ Giữa dòng bàn bạc việc quân/ Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”. (Vũ Châu Quán – Nguyễn Huy Quát: Thơ ca chiến khu của Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Như vậy, chỉ hai chữ “về sau” đã cho ta biết không có chuyện nhà thơ Xuân Thủy ngồi ngay bên cạnh Bác để dịch bài thơ này. Tôi đã tìm đọc hồi ký của nhà thơ Xuân Thủy thì cũng không thấy có đoạn nào ông nhắc đến hoàn cảnh dịch bài thơ Nguyên tiêu.

Dù bản dịch của Xuân Thủy được đánh giá là “tài hoa, trôi chảy, dễ làm cho nhiều người thuộc”, “cứ nghĩ như một bài nguyên tác” qua đánh giá của Vũ Châu Quán - Nguyễn Huy Quát, nhưng bản thân người dịch lại muốn tìm những cách dịch khác nhau cho bài thơ này. Trong “Tuyển tập Xuân Thủy” (Nhà xuất bản Văn học), do Hoàng Phong và Nguyễn Trọng Uyên sưu tầm, biên soạn, có thêm 2 bản dịch khác của nhà thơ Xuân Thủy như sau:

Bản dịch thư nhất: “Rằm xuân vằng vặc trăng soi/ Xuân sông, xuân nước, xuân trời đẹp thay/ Việc quân bàn giữa sương dầy/ Khuya về bát ngát thuyền đầy ánh trăng”.

Bản dịch thứ hai: “Rằm tháng giêng trăng tròn vành vạnh/ Liền sông xuân, nước xuân, trời xuân/ Nơi khói sóng luận bàn quân sự/ Khuya, thuyền về ăm ắp trăng ngân”.

Qua lời kể của ông Vũ Kỳ với hai tác giả Vũ Châu Quán – Nguyễn Huy Quát (Hà Nội, tháng 3/1988) cũng cho ta biết hoàn cảnh ra đời bài thơ “Nguyên tiêu” vào đầu năm 1948, sau chiến thắng Việt Bắc thu đông 1947, cuộc kháng chiến chuyển sang giai đoạn mới. Mùa thi đua luyện quân lập công bắt đầu. “Một hôm, Bác trên đường đi dự Hội nghị Trung ương. Họp xong, trời đã khuya, Bác trở về nơi nghỉ bằng một chiếc mảng dưới đêm trăng sương trắng, giữa trời xuân mênh mông”.

Bằng những tư liệu nêu trên cho thấy, Tiến sĩ Đỗ Phương Lâm khi viết “Có lẽ Nguyên tiêu là bài thơ đạt kỉ lục về thời gian hoàn thành nguyên tác chữ Hán và bản dịch Nôm nhanh nhất: chỉ sau vài phút” cùng với các nội dung liên quan đến nhà thơ Xuân Thủy trong hoàn cảnh ra đời bài thơ Nguyên tiêu là thiếu chính xác, nếu không muốn nói là… võ đoán. Tác giả còn viết rất cụ thể: “Chính nhà thơ Xuân Thủy, người ngồi bên Bác ngay trên thuyền kể lại rằng”. Mong rằng, qua bài trao đổi này, Tiến sĩ Đỗ Phương Lâm sẽ cho bạn đọc được biết nhà thơ Xuân Thủy kể lại ở tư liệu nào?

Trả lời hai ông Vũ Châu Quán – Nguyễn Huy Quát (Hà Nội, tháng 3/1988), Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc này là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, một học trò gần gũi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khuyến cáo “đừng nên vẽ rắn thêm chân” khi nghiên cứu thơ văn Hồ Chí Minh. Theo đồng chí Phạm Văn Đồng, “Sự thực là sự thực, chính vì thế mà nó thơ! Bác rất ghét bày trò. Người không thích kiểu uống rượu rung đùi, bình thơ. Thơ chúc Tết, Bác nghĩ lâu ngày lắm, vì thế nó còn có tính chiến lược. Văn có tầm cao là loại văn diễn tả cái gì lớn nhất trong tư tưởng cũng như trong tâm hồn con người. Đấy mới là văn chương. Nếu trong con người anh không có cái gì, thì anh cũng chẳng nói lên được điều gì. Văn viết theo kiểu làm văn màu mè, thì chỉ là loại văn sớm chiều mà thôi!” (Vũ Châu Quán – Nguyễn Huy Quát, sđd).

Chúng tôi không dám khẳng định những ý kiến của mình là chắc chắn, song thấy có đôi điều trong bài viết “Bác Hồ đã viết bài thơ Nguyên tiêu như thế nào” của Tiến sĩ Đỗ Phương Lâm chưa thật chính xác. Vì thế chúng tôi mạo muội có vài điều góp ý. Chúng tôi mong nhận được ý kiến phản hồi của tiến sĩ để làm cho rõ hơn những tư liệu tác giả dùng để nghiên cứu cho hoàn cảnh ra đời bài thơ Nguyên tiêu như đã viết.

Kiều Mai Sơn
.
.