Một thoáng cà phê Hà Nội
- Gian nan bảo hộ thương hiệu cà phê Việt
- 20 sản phẩm cà phê đạt Cúp vàng vì sức khỏe cộng đồng
- Quảng bá văn hóa và thương hiệu cà phê qua lễ hội
Ở Huế chẳng hạn, đối diện với Trường Đại học Văn khoa trên đường Bến Nghé, có một quán cà phê bình dân với giá chỉ từ 1.500 - 3.000 đồng/ly. Mỗi lần vô Huế, tôi thường ngồi quán ấy, ngắm từng động tác cà phê của từng bác xích lô già, mồ hôi còn nhễ nhại trên gương mặt.
Rất nhiều bác xích lô ghé quán dăm mười phút, uống một ly thong thả, rồi lại tiếp tục những guồng chân mưu sinh. Hà Nội thì không có kiểu cà phê bình dân, cà phê cho người lao động nghèo như thế. Nghe đâu thuở xa xưa thì có, ở khu gần chợ Đồng Xuân thì phải. Nhưng tôi cam đoan bây giờ thì không.
Ở phố Hàng Cá (Hà Nội) có một quán cà phê chợ nổi tiếng, dành cho dân chợ. Cà phê được đong vào cốc vại - thứ cốc vốn chỉ dành để uống bia hơi. Và từng cốc một lại được đặt trên những cái ghế gỗ cũ kĩ - thứ ghế kiểu bao cấp điển hình. Nghĩa là về mặt hình thức mà suy xét, cái gì cũng toát lên vị bình dân. Nhưng cái giá 35.000 - 40.000 đồng/cốc thì rõ ràng những người lao động nghèo như một bác xe ôm hay một bác vá xe đạp đầu đường chẳng dám động vào.
Thêm nữa, mấy vị chủ quán, từ già đến trẻ đều rất mực “đanh đá”. Nhìn thấy mấy bác nghèo nghèo ấy vào quán mình, họ lườm nguýt rồi vênh vểnh cái mặt lên coi thường cũng nên. Dường như họ cố tình tạo ra sự “đanh đá” ấy để chứng tỏ đây đích thực là... cà phê chợ?
Có một dạo, tôi cũng hay ngồi quán này, để quan sát cái mùi chợ tứ phía, và những ngôn ngữ, những hành động với đầy những nét thú vị riêng của dân chợ, nhưng giờ thì kiêng sạch. Cái mùi chợ nếu đắm trong đó nhiều quá nó khiến cho ta nổi gai như quay đâu cũng dễ bị cứa vào các vết đao thương.
Khoảng hơn chục năm trước, Hà Nội có những phố cà phê nổi tiếng như Hàng Hành, Nguyễn Hữu Huân, Triệu Việt Vương, Tô Hiệu. Bây giờ thì chỉ còn lại duy nhất thương hiệu cà phê Nhân. Những phố cà phê còn lại thì vẫn được giữ, và mỗi quán trong mỗi phố đều cố tạo cho mình một phong cách riêng. Tuỳ theo tính cách và gu cà phê của mỗi người mà mỗi cái riêng ấy thú vị hay không thú vị.
Cá nhân tôi thì thích cái chất riêng của cà phê Lâm trên phố Nguyễn Hữu Huân. Dân cà phê Hà Nội không ai không biết đấy là cà phê của những bức tranh trầm mặc, hoà vào cái tông màu trầm nói chung của quán. Trầm từ cái mái ngói rêu phong, từ cái nền gạch đỏ, từ cái quạt trần xưa cũ.
Người ta bảo ngày xưa, mấy ông hoạ sĩ phong tình thường đến đây uống cà phê, nhưng không có tiền, nên cuối cùng trả tiền cà phê bằng những bức tranh. Thế là bây giờ, quán này trở thành... cà phê tranh. Ngồi giữa những bức tranh, trong cái thế giới trầm mặc phảng phất mùi cà phê nâu nóng mà cảm tưởng dòng người ngoài kia không thuộc về mình nữa.
Ở ngoài ấy cái gì cũng nhanh, cũng gấp, cũng ào ào bon chen. Còn ở trong này cái gì cũng chậm, cũng cô quạnh một nỗi niềm trắc ẩn. Tôi có thói quen chìm vào thế giới này cho đến trước khi xảy ra một sự cố. Đấy là hôm mà tôi vừa ngồi nhâm nhi cà phê vừa ngắm một bức tranh thiếu nữ - là thiếu nữ Hà thành xưa, thì chợt nghe oảng oảng từ cái bàn bên cạnh:
- Tổ sư cụ nhà nó! Còn 1 tỷ à! Cứ để đấy, chiều tao bảo bọn đàn em ném cứt vào cả nhà nó.
- Mà đúng 6h nhé. Nhà nó toàn ăn cơm lúc 6 giờ mày ạ.
Quay sang nhìn, hoá ra là hai gã bặm trợn, xăm trổ kín đặc 4 cánh tay...
Bây giờ thì mỗi lần hẹn bạn bè, tôi thường hẹn ra một quán bình dân ở phố Lê Đại Hành. Một phần vì phố ấy mang tên vị vua mà tôi rất kính mến, người đã đánh Tống, bình Chiêm, và cũng là người đầu tiên khoác áo xuống ruộng cày với nông dân, cắm ngọn cờ quan trọng trong lịch sử nền nông nghiệp cổ điển Việt Nam. Một phần vì ngồi ở đấy có thể nhìn sang những bức tường của chùa Vân Hồ, nơi vẽ những bánh xe Pháp luân với 8 cái nan hoa tượng trưng cho "bát chính đạo" trong giáo lý nhà Phật. Những buổi sáng ngồi cà phê ở cái chỗ rất hợp phong thuỷ ấy khiến cho đầu óc mình cũng sáng láng hơn thì phải.