Một người thơ sợ nhất chữ “nhạt”
- Nhớ nhà thơ Vũ Duy Thông: Một người anh hiền hậu, chí tình…
- Nhà thơ Lê Hồng Thiện: Thơ viết cho tuổi thơ
- Nhà thơ Vũ Hữu Định – Sống trọn đời người
Đó là hành trình ngay trên trang giấy trắng: “...Đêm ngồi lặng trước trang bản thảo/ Lòng ưu tư như đứng trước cuộc cờ” (Nhà thơ Văn Đắc đánh cờ).
Và cũng như nhiều người làm thơ tâm huyết, Đinh Ngọc Diệp sợ nhất trong thơ là sự NHẠT: “...Tôi kinh hãi tự nhận ra sự nhạt/ Trong từng ngữ ngôn âm sắc khỏa lấp mình... (Nhạt)
Bìa tập thơ của tác giả Đinh Ngọc Diệp. |
Đọc thơ Đinh Ngọc Diệp, tôi nhận ra sự suy tư, đào bới, tìm nhiều cách để thơ mình không rơi vào sự NHẠT: “...Thôi, ta tặng nhau... cơn bão/ Biển lặng se nhưng gió sắp điên cuồng! (Bão và thơ)
Gây “Bão” trong thơ chưa chắc đã làm thơ không nhạt! Nhưng, cơn “bão” suy tư, đào bới, trăn trở của người thơ Đinh Ngọc Diệp đã viết nên nhiều câu thơ mà tôi thích.
Vì yêu thơ nên nhiều năm nay tôi chăm chỉ đọc thơ trên báo, trên mạng xã hội, trong các tập thơ mà tôi mua, hay được tặng. Tôi thấy nhiều người làm thơ tâm huyết đang tìm mọi cách để đổi mới, làm mới thơ. Xưa nay ông cha ta coi thơ như “Ngôi đền thiêng”, nhưng nay nhiều người lại cho rằng thơ như “Một quảng trường”, ai cũng có thể đến, đi, múa hát, nhảy nhót, hò hét... Nhiều nhà thơ làm thơ như một sự bày đặt, sắp đặt ngôn từ chữ nghĩa...
Tôi đã bỏ thời gian nhiều năm để viết cuốn “Đổi mới, làm mới thơ” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2020). Tôi cho rằng mục đích cuối cùng của đổi mới, làm mới thơ là để có những bài thơ, những câu thơ, những tập thơ hay. Tất nhiên thơ hay theo quan điểm của mỗi người mỗi khác. Dẫu vậy vẫn có một điểm chung ấy là thơ mang đến những cảm xúc sâu đậm trong tâm hồn người đọc, như ai đó đã viết: Thơ là điệu tâm hồn đến với những tâm hồn đồng điệu, ấy là khi “Câu thơ nối được hồn ta, hồn người” (Lê Quốc Hán).
Đọc một số bài trong phụ lục cuốn “Thơ Đinh Ngọc Diệp Hành trình chọn”, tôi thấy đúng: “...Thơ anh có nhiều thi ảnh lạ và cấu tứ chặt, gây bất ngờ cho người đọc. Không rậm lời. Tình nén lạnh. Và cái nhìn cuộc sống nhọn và sắc...” (Nguyễn Trọng Tạo); “...Đọc thơ Đinh Ngọc Diệp, tôi cứ mung lung trong đầu những câu hỏi về nhân tình thế thái, anh viết về tình yêu cũng không có một mối tình nào đi qua thảm đỏ. Không viết cho mình mà anh viết cho làng, cho tỉnh, cho cả một thế hệ...” (Nhà báo Trần Đàm).
Tôi nhớ có lần đến nói chuyện với sinh viên khoa Văn (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), nhiều sinh viên hỏi tôi rằng: Theo nhà thơ, điển hình trong thơ là gì? Tôi trả lời rằng: Nếu như trong tiểu thuyết, truyện ngắn là các nhân vật/ điển hình như Chí Phèo, Thị Nở, thì điển hình trong thơ chính là tâm trạng, những tâm trạng điển hình! Nhà thơ khi nói lên tâm trạng của chính mình thì đó phải là những tâm trạng điển hình, chứ không phải là những tâm trạng vụn/ vụn vặt... Muốn vậy người làm thơ phải sống hết mình, yêu hết mình, gắn bó với quê hương xứ sở hết mình... Và tất nhiên phải có tài thơ để diễn tả hết mình!
Tôi thích những câu thơ của Đinh Ngọc Diệp khi nhà thơ cảm nhận những điều tưởng như đã cũ mà không rơi vào lối cũ: “Em cơn mưa bóng bóng/ Vỡ bao nhiêu Mặt trời... (Thương cảm); “Con thuyền như sững lại/ Em yếm thắm say sưa...” (Mùa xuân xa)... “Anh với con đò đắp trăng nằm ngủ/ Tiễn mình tôi về bến cuối cùng..” (Lạch Bạng, đêm)... “Không ai nhớ đến chiếc khung/ Trừ khi bức chân dung quá đẹp/ Ôi! Chiếc khung/ Hay nét vẽ sau cùng!” (Nét vẽ sau cùng)... “Trốn tìm gió lọt khe mành/ Em đi cởi áo len thành khăn che...” (Xuân thì); “Người dưng ngại bóng thì thôi/ Người thương gặp biển... /Đỏ tươi lá trầu” (Trách); “Ôi sắc đẹp quá ngọt ngào/ Em là thi sỹ...” (Em)...“Anh mới biết thơ hay là có thật/ Vì thơ hay chỉ hay với một người...” (Gửi)... “Những cái hôn có khi thành mệt mỏi/ Ngại tìm nhau trong cõi vô cùng” (Em và biển)... “Mạt giá hoa tươi - hụt hẫng con đường/ Em quẳng vào tim anh/ Vết xước...” (Vết xước)... “Không đổ bóng, nước chẳng buồn gợn sóng/ Bến lao xao, tiếng dội xuống con thuyền...” (Bến cá chiều); “Trái đất vần xoay nỗi nhớ/ Mùa có bốn mùa, anh cằn cỗi một Mùa - Em!” (Thơ trong đêm lạnh)... “Bao nhiêu trăng khuyết/ Trên hồ gương đầy/ Bao nhiêu ao cạn/ Trăng tròn đầu cây...” (Đồng dao)...
Được biết, Đinh Ngọc Diệp vừa xuất bản tập thơ “Hành trình 6” ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn ngay trước thềm năm mới 2021. Trước đó, Đinh Ngọc Diệp đã xuất bản 5 tập thơ từ năm 2012 đến năm 2018, tất cả đều mang tên “Hành trình”. Và tập “Hành trình” mà tôi đang đọc là tập thơ “Hành trình chọn”. Thế mới biết nhà thơ trung thành với cuộc hành trình của mình, một cuộc hành trình đầy cực nhọc, nhiều suy tư, nhiều nỗ lực để tự làm mới mình, làm mới thơ.
Nhà văn Từ Nguyên Tĩnh trong bài “GỬI Đ.N.D” (phần Phụ lục tập thơ “Hành trình chọn”) viết rất hay về chân dung một người thơ đồng hương Xứ Thanh: “...Mặc cho người đời/ Cười khóc/ Chê khen/ Một mình lầm lũi/ Sầm Sơn/ Núi/ Một mình/ Một ngọn/ Thơ làm ra, đọc cho bạn chung vui...”.
Có lẽ cái đáng nói trong thơ Đinh Ngọc Diệp, ấy là sự thôi thúc người làm thơ tìm tòi cái mới, cái lạ, cái khác với dòng thơ thường ngày. Bởi Đinh Ngọc Diệp sợ nhất trong thơ là sự “nhạt”. Không bằng lòng với chính bản thân mình, để luôn tìm tòi và sáng tạo là cảm thức của người thơ Đinh Ngọc Diệp. Thành công đến đâu rồi thời gian và bạn đọc sẽ trả lời. Nhưng, với tôi đó là điều đáng nói. Dẫu vậy, tôi vẫn luôn tâm niệm với điều mà tiên sinh Trương Trào viết trong “U mộng ảnh” (Bản dịch của Nguyễn Hiến Lê): “Tuyệt tác văn chương từ cổ chí kim đều viết bằng huyết lệ...”.
Hà Nội - 2021