Một người thơ ấm nồng và lặng lẽ

Thứ Sáu, 04/09/2020, 11:47
Cũng từ những gì Nguyễn Quang Hưng viết ra, luôn cho thấy anh là người giàu nội lực, tinh nhạy với nhiều vấn đề của đời sống. Ngay tập thơ "Mùa biến động" (NXB Hội Nhà văn, ấn hành tháng 8/2020), được nhà thơ viết trong phần lớn những ngày cả nước phải gồng mình với dịch COVID -19 cũng đã thể hiện điều này.


Trong hình dung của tôi, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng bao giờ cũng mang gương mặt, dáng vẻ thật tận tụy và nồng ấm. Ở những cuộc gặp gỡ, chuyện trò, ngao du đây đó, anh giữ trong tay cuốn sổ nho nhỏ, lặng lẽ quan sát và ghi chép. Hầu hết tác phẩm báo chí, văn chương của anh đều được bắt đầu từ đó. 

Cũng từ những gì Nguyễn Quang Hưng viết ra, luôn cho thấy anh là người giàu nội lực, tinh nhạy với nhiều vấn đề của đời sống. Ngay tập thơ "Mùa biến động" (NXB Hội Nhà văn, ấn hành tháng 8/2020), được nhà thơ viết trong phần lớn những ngày cả nước phải gồng mình với dịch COVID -19 cũng đã thể hiện điều này.

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng.

Tập thơ dày dặn với 54 bài, chia thành sáu phần: "Những ngày F", "Giả tưởng nhiệt", "Xoay xoáy phố", "Chuỗi cộng hưởng chóng mặt", "Lên trước không trung", "Ánh nhìn nhận diện". Bất ngờ hơn, đây là "đứa con tinh thần" thứ 11 của anh sau các tác phẩm: "Vườn ánh sáng" (thơ, NXB Hội Nhà văn 2018), "Mùa Vu Lan" (thơ, NXB Hội Nhà văn, 2011), "Tiếng hạc trong trăng" (ký chân dung, NXB Thanh niên, 2011), "Lòng ta chùa chiền" (thơ, NXB Hội Nhà văn, 2013), "Chia ngũ cốc" (thơ, NXB Hội Nhà văn, 2015), "Nước non mặt biển" (trường ca, NXB Lao động, 2015), "Năm tháng mặt người" (tản văn, NXB Phụ nữ, 2016), "Cột mốc trong người" (thơ, NXB Quân đội nhân dân, 2017), "Nối những vệt không gian" (tản văn, NXB Văn học, 2019), "Gió ngũ sắc" (thơ, NXB Văn học, 2019).

Sinh năm 1980, tuổi đời còn khá trẻ, Nguyễn Quang Hưng đã đoạt được những giải thưởng văn chương đáng chú ý: Giải Nhì cuộc thi thơ Tạp chí Văn nghệ quân đội (2015 - 2016), giải khuyến khích Văn học nghệ thuật của Bộ Quốc phòng (2014 - 2019), giải Nhì cuộc thi "Thơ ca và nguồn cội" làng Chùa (2006 - 2007)… Từng ấy dữ liệu đủ toát lên phần nào sức đi, sức ngẫm và sức viết đáng trân trọng.

"Sao tôi không thấy núi/ Chỉ cây lớn lên che khuất núi rồi/ Mỗi cái cây tự thân như núi nhỏ/ Nuôi giấc mơ cổ thụ trong người", đó là những câu thơ ngay khi lật giở trang đầu tiên của "Mùa biến động", bạn đọc sẽ gặp. Cái "giấc mơ cổ thụ" ấy dường như đã hiện hữu trong Nguyễn Quang Hưng từ những năm tháng xa xăm nào đó và nó luôn được bộc lộ qua chân dung thường nhật và chân dung tác phẩm của anh. 

Trong "Mùa biến động", nhà thơ thể hiện lối quan sát tinh nhạy, đầy chất hình tượng từ hiện thực bộn bề, hoang mang của cuộc sống. Toàn xã hội phải giãn cách, cách ly, có nơi bị phong tỏa vì dịch bệnh… là một trong những trải nghiệm khó quên và nhiều ám ảnh. Bối cảnh ấy, liệu người ta còn nghĩ được gì và nói nổi điều gì có ý nghĩa, đủ sức lay động hoặc thay đổi được nhau? Bằng ngôn ngữ thơ ca, Nguyễn Quang Hưng nhiệt huyết giãi bày, bộc lộ lối ngẫm, lối đi rất riêng.

Khi biến động của đời sống ngoài kia như "Một tiếng gõ ung dung chờ đột nhập" thì người thơ nhận ra mình đã ở vị trí chông chênh, bất trắc nhưng đôi cánh tưởng tượng vẫn mặc nhiên cất cao hình dung: "Từ trên những triền dốc mới này/ Khi trước mặt đã hun hút/ Anh có bay lên được không!" (Tự vấn trong cuộc đua với kẻ giấu mặt). 

Nhiều người nhận ra chính bản thân, những người chung quanh mình khi đọc thơ Nguyễn Quang Hưng viết trong mùa giãn cách. Đó có thể là những bi kịch quen thuộc, trùng lặp khi con người không chịu "đi vắng" khỏi cuộc vui: "Bi kịch đến khi tôi không chịu im lặng/ Tôi đòi được đến và ca hát/ Tôi có dám ngồi yên một chỗ/ Đến khi ai cũng tin tôi đã đi vắng lâu rồi?" (Nói chuyện với mình mùa biến động), hay lúc nằm bất động trong héo khô hun hút: "Tôi tưởng tượng người mùa cách ly/ Nằm thở u buồn nghe bốn phía/ Thân mình dán xuống hình giấy khô/ Trên vải giường hút sâu thăm thẳm", "Và tôi lặng đứng nghe tin mới/ Bốn chung quanh người đang vượt lên/ Bao người chưa bệnh sao vẫn thấy/ Quý hơn cuộc đời yêu quý này!" (Nghe một người vừa khỏi). 

Lắm khi, đến con phố vắng bất thường cũng lóe lên thi ảnh thật mơ hồ, ma mị: "Tôi lơ mơ về muộn phố không người/ Sau gáy gió một luồng hơi cảnh giác/ Hình như tôi đang đi trên thân mình/ Vừa chuyển động một con rồng ngủ lạnh" (Tôi thấy một con rồng ngủ lạnh). 

Có những hình ảnh quen thuộc đến mức bình thường, nhưng khi được thấu cảm tất sẽ khiến ai kia "ồ" một tiếng trước tầng nghĩa triết lý: "Cộng một ngày tắc đường thôi/ Hình như tổng thời gian của chúng ta/ Đã bằng mấy đời người…". (Trên đường tắc đường). 

Giản dị hơn, nhẹ nhõm hơn là điểm xuyết ý nghĩ dị biệt, bay bổng: "Nhìn mỗi đám mây tôi vươn dần cổ/ Người dài mãi lên hóa một cầu vồng" (Mỗi đám mây tôi thấy một người). Muôn mặt đời sống bị xô lệch, méo mó, âu lo qua thơ Nguyễn Quang Hưng đau đáu niềm đồng cảm, thấu hiểu từ tận sâu bản ngã: "Những mặt khuất sau khẩu trang ngày thường/ Mặt che kín trên đường xa lạ/ Nhưng tôi biết những giọt mồ hôi/ Những trán đỏ bừng mệt như ngã gục" (Mặt người sau khẩu trang). 

Và rồi, sau cùng, dãi dầu cho hết hành trình bức bối ấy, ta gặp lại niềm lắng sâu đang ngấm ngược vào lòng chầm chậm, mênh mang. Ấy chính là cảm xúc người thơ dành để "nghĩ thêm về lý do mưa đến" sau chuỗi ngày kiệt khô, khan đặc vì nắng.


Bìa tập thơ "Mùa biến động".

Mỗi tác phẩm là một nhịp bước, một đổi khác của Nguyễn Quang Hưng nhưng sợi dây xâu chuỗi chính là niềm hoài cổ, chờ mong, day dứt và ráo riết khám phá chiều sâu trong bản thể con người, đời sống. 

Ngay ở "Mùa biến động", người đọc đã phải sững sỡ, ngỡ ngàng trước vẻ đẹp như phủ màn sương kỷ niệm của phố Hàng Mành - nơi gia đình anh gắn bó: "Thưa thưa một hai xưởng nhỏ/ Mùi cao su người thợ cắt dép/ Rêu rêu mùi thốc nhờn ống thoát nước/ Bám vào tóc tôi khi nào", "Vài ghế nhựa gom mặt hè hắt sáng/ Ánh mắt lẳng lặng từng mùa đông lá rơi", "Những người già đêm nghĩ mình nhỏ lại/ Tiếng cười đâu đó chạy chơi/ Những tất niên thắp hương đứng im". 

Anh gọi đó là "mảnh phố". Những mảnh sáng ấy cứ nhói lên như nắng khiến ngay cả khi viết về nỗi buồn, về sự mất mát cũng lóng lánh hào quang. Như thể từng mặt người thân năm nào xa khuất mãi còn nguyên đấy, như chưa từng có thời khắc họ dời đi. 

Nhiều lần, trong cả văn và thơ Nguyễn Quang Hưng, hình ảnh người cha trở đi trở lại: "Đêm cuối những ngày cuối ngột ngạt/ Con tìm bố nghe buồn tàn thu/ Khẽ chạm cơn hôn mê cựa mình/ Bố nhớ ai cùng sương gió?" (Đêm ấy tàn thu). Người cha, người nhắc nhớ con cháu về lẽ sống: "Hát như nốt nhạc phải vang lên!/ Như kim phải thêu!/ Như người phải sống bằng thương mến!". 

Tình cảm hiếu thuận còn thể hiện qua những câu thơ anh viết cho bố vợ: "Con bắt đầu thấy bố sẽ già như bố con/ Con bắt đầu không ưa thời gian gặm nhấm", "Có thể chăng đau khổ ngọt ngào/ Của lẽ sống gia đình máu thịt/ Của phút sống phải nghĩ điều mới lạ/ Bằng yêu thương trên bút khô gầy?". Nguyễn Quang Hưng luôn đau đáu, vẹn toàn và nặng lòng thương mến. Lẽ sống ấy đẹp đẽ như nốt nhạc, như đường chỉ thêu nhóng nhánh xa xăm. 

Thơ anh, Hà Nội bao giờ cũng đầy ám gợi với phố Hàng Gai: "Những chuyện những nhà quê xa tụ đến/ Đan bện dây nối lớp lớp người", "Cửa gỗ tối thoảng mùi hương/ Nay đã động run run mùi khói", "Những trầm sâu câu nói làm chỗ dựa/ Phố xá bay lên còn níu giữ cho người" (Như phố Hàng Gai). Chỉ người thuộc về phố như là định mệnh, người yêu phố như lần lẫn trong nhau mới vỡ ra một nhẽ: "Ngay cả quay lại cũng phải biết nhận đường/ Tôi đi theo hàng cây những tiếng chuông còn mọc" (Bát phố). 

Nhịp điệu thơ Nguyễn Quang Hưng rất đặc biệt. Đó là nhịp tim. Là nhịp bước. Là muôn nhịp thong dong: "Những ô cửa tháp Rùa những mắt/ Luôn nhìn tôi khiến tôi ngoái nhìn hồ/ Bao lớp người xa lòng còn ngoái lại?" (Bách bộ hồ).

Nếu để chọn ra chân dung gần nhất với Nguyễn Quang Hưng, theo ý nghĩ chủ quan của mình, tôi sẽ rút ra những câu thơ của chính anh khi kể "Chuyện sông", khi "Vắng mặt phố": "Ta tự làm người đi gom nhặt chuyện/ Kể trên dòng sông mây trắng không trung", Tôi không sợ chim thần không về nữa/ Chỉ lo lòng mình đã thiếu một khu vườn".

Khép lại "Mùa biến động" là cảm hứng vạm vỡ với "Những cửa sông mọc lên khúc hát/ Vạn bước đi mở biển đến chân trời" (Trong đất Thủy Nguyên), khi "Mỗi người chúng ta một lần làm sứ giả/ Ngày ngày nói tiếng biển Đông" (Những kẻ nuốt đất). 

Điều thú vị luôn thấy ở tác phẩm của Nguyễn Quang Hưng chính là quan điểm, xúc cảm nhân văn, bền bỉ xuyên suốt, ngay cả khi anh tiếp cận mảng đề tài gai góc, nhiều người đang nói đến bằng ngôn ngữ thời sự nóng hổi. Cách anh mềm hóa, thi vị hóa từng chi tiết, câu chuyện tạo ra hình dung, thơ anh, lửa đang hòa vào nước. Nỗi mát lành đang quyện vào ấm áp, niềm mãnh liệt đang chở theo dịu lắng, ngọt mềm. 

Nguyễn Quang Hưng là thế. Ta luôn gặp ở anh thái độ sống và viết khiêm nhường mà cháy bỏng, chắt chiu mà gần gụi, cứ thế thâm trầm chu du trong sâu đậm tháng năm.

Lữ Mai
.
.