Một ngày bằng mấy trăm năm hỡi người!

Chủ Nhật, 01/12/2019, 08:44
Bài hát "Ca dao em và tôi" của An Thuyên sẽ sống lâu dài vì đã kiến tạo một mô hình nghệ thuật của thế giới "tiên". Mà "tiên" thì luôn sống mãi biểu tượng về một cuộc sống lý tưởng của con người không chỉ ở hôm nay mà đã có từ ngàn xưa, và sẽ còn là ngàn sau. Không chỉ của người bình dân, cả các bậc đế vương…

Đặc sắc của nhạc phẩm là khơi cái mạch huyền thoại từ quá khứ chảy về hiện tại. Đó là cái cầu âm thanh dân ca luyến láy bắc từ thế giới "tiên" về thế giới thực… Vì là "đẹp như tiên", "sướng như tiên"… nên nói đến "tiên" thì ai cũng thích, ít ra là tò mò. Hát bài này khó, vừa tình cảm da diết, vừa bảng lảng sương khói mơ hồ vừa mộc mạc, chân tình, thành thật; vừa là nỗi nhớ, giãi bày, vừa là khát khao trao gửi, vừa nôn nao quá vãng vừa háo hức thực tại…

Muốn về với "tiên" thì phải "ảo". Trong hầu đồng, không "ảo" thánh sẽ không "nhập" cho. Ngay mở đầu lời hát đã ảo: "Cắt nửa vầng trăng/ Cắt nửa vầng trăng tôi làm con đò nhỏ/ Chặt đôi câu thơ/ Bẻ đôi câu thơ tôi làm mái chèo lướt sóng /Đưa tôi về, đưa tôi về với người tôi yêu". Đã có người chê "cắt" với "chặt" hơi thô. Nhưng có vậy mới về với "tiên" được. Từ "chốn quê nghèo" bước sang cảnh "Bồng Lai" hẳn phải ngỡ ngàng nên chữ "ngỡ" là đắc địa: "Thuyền tình tôi cứ lênh đênh dòng trôi/ Và người con gái tôi yêu nơi làng quê/ Có ai ngờ chân lấm bùn mà tôi ngỡ gót chân tiên ư ừ …". Chữ "ngỡ" bắc cầu đưa "tôi" từ thế giới thực (lấm bùn) đến thế giới "tiên" (gót chân tiên).

Lão Tử - ông tổ của Đạo giáo - ảnh minh họa.

Bài hát được ưa thích vì đưa người nghe về vùng quê đầy ắp dân ca, đầy ắp "ân tình", nhất là có một người "tiên" tức người yêu. Thế thì còn hơn cả thế giới "tiên". Ca ngợi quê hương bằng cách sử dụng chất liệu huyền thoại, dân ca nên hình tượng lắng đọng, mộc mạc mà sâu sắc, nhất là sự da diết của lời hát cứ quấn lấy người nghe…: "Để cùng hát khúc dân ca quê mình/ Để tôi sống giữa bao nhiêu ân tình/ Bao ân tình mộc mạc làng quê/ Trưa nắng hè, gọi nhau râm ran chè xanh/ Cùng em khoác chiếc áo tơi ra đồng/ Dù trời đổ nắng chang chang vẫn quàng/ Để nghĩa tình đừng nhạt đừng phai/ Thương nhau rồi đừng cởi áo cho ai…"…

Hiểu theo lối "chiết tự" thì chữ "tiên" là sự ghép lại của chữ "nhân" nghĩa là người và chữ "sơn" nghĩa là núi. "Tiên" là người ở trong núi, tu trong núi "đắc đạo" mà thành tiên. Ta thấy các truyện nói về "tiên" luôn gắn liền với hình tượng núi, lạc vào núi là như vậy. Đi vào văn hoá Việt "tiên" trở thành hình tượng thẩm mỹ với ý nghĩa là một lực lượng siêu nhiên có bùa phép hay giúp người. Mỗi khi cô Tấm gặp khó khăn mà khóc thì có ngay một ông tiên hiện ra giúp…!

"Bụt" gần gũi với "tiên", trong nhiều truyện cổ của ta thường đồng nhất Tiên/ Bụt (Một ông tiên hiện ra/ Bụt hiện lên…). Xét về nguồn gốc thì Bụt có nghĩa là Phật (người Việt phiên âm từ Buddha) quen thuộc trong văn học dân gian và trở thành biểu tượng cho người hiền lành (Hiền như bụt)…

Cõi "bụt" đồng nghĩa với cõi Phật, cõi "tiên" gắn liền với Đạo giáo. Các tôn giáo vào Việt Nam dung hoà nhau mà làm nên hiện tượng "tam giáo đồng nguyên" thành ra cõi "bụt" cõi "tiên" gần như được quan niệm là một.

Truyện "Từ Thức" kể mọi người rủ nhau trẩy hội ở huyện Tiên Du (du=chơi; tiên=tiên, nghĩa là đi chơi cõi tiên). Trong vườn chùa nọ có cả một hàng cây mẫu đơn hoa nở đẹp mê hồn. Hương thơm dìu dịu quyến rũ mời gọi bao trai thanh gái lịch vãn cảnh. Chẳng may một thiếu nữ làm gẫy một cành mẫu đơn quý bị nhà chùa bắt đền mà nàng chẳng có tiền. Tiếng khóc nức nở của nàng động lòng một chàng trẻ tuổi phong lưu mã thượng.

Biết chuyện chàng cởi ngay tấm áo lông cừu quý giá trắng như tuyết đưa cho nhà chùa…Chàng trai ấy tên Từ Thức đang làm tri huyện Tiên Du. Tính tình vốn phóng khoáng, quảng giao, chàng từ quan để nay đây mai đó thoả chí ngắm cảnh đẹp làm thơ. Một hôm say cảnh, chàng men theo núi mà đi, đi mãi rồi lạc vào động tiên. Chàng gặp lại người thiếu nữ làm gẫy cành mẫu đơn ngày nọ. Đó là con gái yêu của bà chúa động tiên có tên thật đẹp: Giáng Hương.

Tất nhiên họ cưới nhau. Một đám cưới lộng lẫy, xa xỉ và rất vui, "vui hơn hội" đến mức hôm nay các nghệ sỹ giàu có, các công tử VIP có mơ cũng chẳng được. Một năm sau, sống mãi trong cảnh tiên Từ Thức cũng buồn mà xin trở về. Vợ chồng khóc chia tay vĩnh biệt. Chàng Từ Thức trở về không gặp ai là người quen cũ. Một ngày cõi tiên bằng mấy trăm năm cõi trần. Chàng buồn ngao ngán rồi bỏ đi vào núi…

Thì ra cõi tiên tươi đẹp sung sướng lại sống cùng vợ tiên cũng không bằng cõi trần phàm tục quê mùa lam lũ. Thế nên sau này trong "Bích Câu kỳ ngộ" người ta mới khuyên, nhất là những ai đương độ tuổi trẻ như chàng Từ Thức: "Từ Lang (tức Từ Thức) chớ để lạc vào non tiên…". Triết lý dân gian khoẻ khoắn ưa cái thực tế phồn tạp hơn là cái đẹp hư ảo, không thật!

Động tiên trong truyện, nay là động Từ Thức ở Nga Sơn (Thanh Hoá), nếu đến đó, biết đâu sẽ có người trở thành "Từ Thức"!.

Truyện "Từ Thức" thuần Việt hơn là truyện "Thiên Thai" đậm màu sắc Đạo giáo. Truyện kể Lưu Thần, Nguyễn Triệu sống vào đời Hán quê tỉnh Triết Giang (Trung Quốc) mê mải đi hái thuốc ở núi Thiên Thai mà lạc vào động tiên rồi cưới hai cô tiên, dĩ nhiên là rất xinh. Cũng như Từ Thức cảnh tiên, người tiên, vợ tiên không làm hai chàng quên cõi trần. Họ trở về không gặp người nào quen vì "nửa năm tiên giới bằng bảy thế hệ trần gian". Hai chàng ngậm ngùi đành bỏ vào núi… "Truyện Kiều" có câu: "Sẵn tay mở khoá động đào/ Rẽ mây trông tỏ lối vào Thiên Thai". Thiên thai nghĩa là cảnh tiên.

Vẻ đẹp động Từ Thức.

Người xưa đã giáo huấn một cách nhân văn, thực tế mà sâu sắc: được sống ở đời này là may mắn, hãy sống và yêu hết mình sẽ gặt hái hạnh phúc, đừng mơ tưởng cõi tiên, mà gặp tiên chắc gì đã sung sướng!

Tại sao "một ngày" cõi tiên bằng "mấy trăm năm" cõi trần? Nhìn từ logic tâm lý thì: "Ngày vui ngắn chẳng tày gang". Mà chốn tiên thì "quá vui" nên cảm nhận thời gian của con người càng ngắn lại.

Từ góc nhìn văn hoá học thì vấn đề phức tạp hơn.

Hai phương tiện đo thời gian của nhà Phật là kiếp (thước đo cực đại) và sét-na (thước đo cực tiểu). Một sát-na bằng 0,01333 giây. Có tiểu kiếp, trung kiếp, đại kiếp. Mỗi tiểu kiếp dài 16.800.000 năm. Mỗi trung kiếp bằng 20 tiểu kiếp, dài 336.000.000 năm. Một đại kiếp bằng 4 trung kiếp, bằng 1.344.000.000 năm. Thời gian kiên nhẫn và miên viễn được hình tượng hoá: giống như một cái bể lớn cao rộng 40 dặm đựng đầy hạt cải, cứ 100 năm lấy ra một hạt, chừng nào hết thì trọn một kiếp!

Phật giáo xem thời gian trong vô cực chẳng qua chỉ là sự tiếp nối của nhân quả. Đó là dòng vận hành liên tục của đời sống, vạn vật biến đổi triền miên: "Không một khoảnh khắc nào, một mảy may nào của thời gian mà dòng sông lại không ngừng trôi chảy" (Kinh Tăng chi IV). Khép kín trong vòng luân hồi nên thời gian không khởi đầu không kết thúc (vô thuỷ vô chung). Quá khứ nơi này trở thành tương lai nơi khác. Cái chết cũng như hạt giống rơi xuống đất lại mọc lên thành cái cây, như mặt trời lặn ở phương Tây lại mọc lên ở phương Đông.

Cuộc sống mong manh và vô thường nên con người cần trân trọng từng sát-na để sống theo chính pháp mà chế ngự nỗi lo về cái chết, không chạy theo những ảo ảnh phù du hay mơ tưởng xa xôi hão huyền. Hãy là chính mình kiến tạo Phật tính trong tâm để thành Phật… Quan niệm này cho thấy Phật giáo là một triết học hơn là một tôn giáo.

Soi vào hai câu chuyện trên ta thấy màu sắc Phật giáo rất rõ.

Hạt nhân trung tâm của Đạo giáo là khái niệm Đạo. Đạo là gì? Là sự "sinh sinh hóa hóa, không thời nào không sinh, không thời nào không hóa. Do đó có âm dương, bốn mùa. Cái không được sinh ra có thể là duy nhất, vô thủy vô chung; cái không biến hóa thì qua lại không cùng". Dù siêu hình nhưng có thể hiểu quan niệm này: cuộc sống biến hoá vô cùng, bất tận, con người phải cố mà sống lâu.

Cõi "tiên" là một thế giới vươn tới của Đạo giáo!

Vì thế Đạo giáo dù chia làm hai nhánh nhưng vẫn chung mục đích kéo dài sự sống. Đạo giáo phù thuỷ tìm hiểu pháp thuật trừ tà để trị bệnh. Đạo giáo thần tiên "luyện đan" tìm thuốc trường sinh. Truyện "Thiên Thai" trên là một minh hoạ (nhân vật đi hái thuốc). Các phép khí công dưỡng sinh ngày nay phát triển có gốc gác từ đạo này.

Huyền thoại kể Lão Tử, ông tổ của Đạo giáo khi sinh ra tóc bạc trắng vì đã nằm trong bụng mẹ tám mươi năm. Cũng là sự minh hoạ cho lý tưởng và khát vọng sống lâu của con người!

Nguyễn Thanh Tú
.
.