Một lối đi của hoa hồng

Thứ Tư, 17/10/2018, 08:05
Tôi luôn luôn nghĩ, thể thơ lục bát là thể thơ khó nhất đối với các nhà thơ viết tiếng Việt và đề tài khó nhất trong thơ ca là đề tài về tình yêu. Cái “đầm lầy” mà không ít các nhà thơ ở Việt Nam viết thơ tình thường bị sa vào đó là thiếu sự suy tưởng về tình yêu mà thừa cảm xúc thông thường. Chính vì lẽ đó mà khi lướt qua tập bản thảo “Sải cánh giữa chiêm bao” của tác giả Nguyễn Thị Hạnh Loan, tôi thực sự lo lắng.

Với một tập thơ khá dày mà hầu hết là thơ tình thì quả là một thách thức với nhà thơ. Nếu lại nước mắt tràn trề, lại trái tim tan vỡ, lại bờ môi rách nát, lại thề nguyền sống chết vì tình yêu...thì quả là một nguy cơ dẫn đến sự thất bại.

Và thật may mắn, trong tập thơ “Sải cánh giữa chiêm bao”, tác giả đã không sa vào cái “đầm lầy” ấy và vì thế tôi cũng không bị sa vào nó. Chị viết về tình yêu với nhiều cung bậc của cảm xúc, nhiều suy nghĩ về hạnh phúc lứa đôi, nhưng điều quan trọng nhất là mỗi bài thơ của chị đã gọi ra một điều gì đó của tình yêu bằng chính hình ảnh, hình tượng mà ngôn ngữ thi ca mang lại. 

Trước hết, “Sải cánh giữa chiêm bao” là một giấc mơ về tình yêu, trong sự tự do, phóng khoáng của ngôn từ và tiềm thức. Một lối đi, một cách bay, một cách tiếp cận riêng mà tác giả đã chọn để thâm nhập vào thế giới tình yêu, một đề tài muôn thuở nhưng được các nhà thơ luôn để mắt tới.

Và các nhà thơ luôn có tham vọng diễn đạt mới về những cảm xúc cũ nhưng như tôi nói ở trên, điều này thật không dễ dàng. Nhưng có lẽ vì chọn “sải cánh giữa chiêm bao”, bằng trái tim nồng nàn nữ tính, sự tinh tế của tâm hồn, sự bay bổng tuyệt vời của một giấc mơ, dù cho có thể đó là sự đổ vỡ, mất mát và tận cùng cái chết… nên Nguyễn Thị Hạnh Loan đã gọi tên được bằng thơ những triết luận tình yêu sau những cảm xúc yêu đương muôn thuở và quen thuộc của con người.

"Sải cánh giữa chiêm bao" của tác giả Nguyễn Thị Hạnh Loan.

Đọc xong bản thảo tập thơ này, trong tôi bỗng hiện lên một lối đi mà tôi gọi đó là “MỘT LỐI ĐI CỦA HOA HỒNG”. Bởi mỗi bài thơ trong suốt tập thơ là mỗi khóm hoa hồng vừa rực rỡ màu sắc, vừa nồng nàn hương thơm vừa nhiều gai sắc. Và tôi đã đi dọc lối đi ấy trong sự hiện diện của những câu thơ.

Trên vầng trán em thanh tân
Vòng kim cô ái tình lấp lánh
Những vết thương ứa nhựa kết thành bao viên ngọc
Xin trốn vào tim anh một góc lâu đài...

Con người luôn chống lại sự nô lệ và vươn tới tự do. Nhưng trong tình yêu, sự nô lệ lại trở thành khát vọng của trái tim, lại trở thành sự tự nguyện đầy hạnh phúc và kiêu hãnh của người đàn ông và người đàn bà. Tình yêu là thứ cũ nhất trong vũ trụ này, nhưng kỳ lạ thay lúc nào nó cũng luôn chứa đựng muôn vàn bất ngờ và sự quyến rũ không cưỡng nổi. Biết là yêu sẽ có ngày phải ly biệt, phải đau đớn, vậy mà con người lúc nào cũng dấn thân vào. Và thơ ca cũng vậy.

“Trên vầng trán em thanh tân” là một câu thơ tôi đọc nhiều lần. Từng từ không có gì mới, nhưng khi những từ tưởng như sáo mòn ấy được gắn kết trong một trật tự mới thì mọi điều liên quan đến nó đều trở lên mới mẻ. Tình yêu là thế và thơ ca cũng như vậy, không có gì khác biệt.

Một ngày kia thế giới
Nói về loài cây xanh
Hạ sinh từ duyên kiếp
Cơn mưa vàng tình anh...

Bốn câu thơ trên viết ra như từ tiềm thức. Tôi vừa hiểu thấu bốn câu thơ này vừa không hiểu gì. Nhưng sự ám ảnh của cái cây kia, của cơn mưa vàng kia là một vẻ đẹp. Bốn câu thơ như một khoảnh khắc của một cơn mộng mị vừa thực lại vừa hư và vừa hư lại vừa thực. Và trong khoảnh khắc mộng mị đó lại gửi đi một thông điệp về tình yêu mà người đọc thực sự không nhận được bằng một văn bản có đóng dấu mà bằng một trực giác và những cảm nhận mơ hồ nhưng không thể nào tan biến trong mọi điều kiện.

Rồi tất cả sẽ tan vào mây khói
Trách chi tình lạc lối giữa nhân gian
Nếu lỡ hẹn ta đổ thành duyên phận
Mai tìm nhau trong đỉnh gió mây ngàn...

Niềm hy vọng tột cùng vào những gì tốt đẹp là một sự thật, là một điều kỳ diệu trong tình yêu. Cho dù bao đôi lứa không thể ở bên nhau đời đời, cho dù tình yêu họ bị ngăn cách bởi một lý do nào đó, cho dù họ phải ly biệt trong ngập tràn nước mắt đớn đau thì họ vẫn mong một ngày nào đó họ sẽ ở bên nhau trọn vẹn. Người đời thường nói kiếp này không được ở bên nhau thì hẹn nhau ở kiếp sau. Khát khao ấy trong tình yêu của con người từ cổ chí kim đều như vậy. Nhưng khi viết về điều đó thì nhà thơ phải tìm một cách nói sáng tạo để cái điều muôn thuở trong bản chất kia phải hiện ra như một khám phá. Và câu cuối của khổ thơ “Mai tìm nhau trong đỉnh gió mây ngàn...” đã hoàn thành sứ mệnh của văn chương nghệ thuật viết về tình yêu.

Sẽ có ngày hối tiếc
Tình như nước qua cầu
Em trôi về xưa cũ
Để mình anh thương đau...

Những câu thơ giản dị, bàng bạc như một lời ly biệt. Những câu thơ thực sự làm tôi rơi vào không gian buồn bã như tôi là một trong hai người kia. “Nước”, “trôi”, “xưa cũ”... tất nhiên là những từ vựng quen thuộc nhưng trong sự gắn kết của những câu thơ trên trong một không gian như vô định làm nên cảm giác khó quên. Nó dựng lên hiệu quả cảnh ly biệt lứa đôi. Thơ ca có nghĩa vụ dựng lại cái không gian và thời gian ấy của một sự kiện của đời người.

Em khờ khạo trước những lời đường mật
Lãng quên chàng trong phút chốc tình say
Rồi ngờ đâu con kỳ nhông cảm xúc
Bỗng hiện hình trong chiếc áo em thay

Hai câu thơ đầu là những câu thơ...cũ, mòn. Nhưng đến hai câu thơ sau và đặc biệt là câu thơ cuối thì toàn bộ khổ thơ hay bài thơ đã đổi thay. Một trong những đặc tính cuả thơ là làm cho người đọc bị ám ảnh, cho dù không hiểu nó một cách rành mạch. Cái không rành mạch ấy luôn làm ta liên tưởng, gợi mở và hòa vào cái không gian, trôi cùng cái thời gian mà những câu thơ đã dựng lên. Tôi không muốn bình tán hai câu thơ đó. Tôi chỉ muốn được lặng im và chìm đắm vào cảm giác và suy tưởng mà hai câu thơ mang lại.

Em bừng tỉnh giữa vườn hồng mê đắm
Chàng trồng cho em dẫu mưa nắng dập vùi
Lỡ mai kia hoa tàn vào xa thẳm
Xin nồng hương theo em suốt cuộc đời...

Nguyễn Thị Hạnh Loan thường xuyên có những câu thơ cuối rất quan trọng của khổ thơ hay của bài thơ. Nói như nhiều nhà phê bình là những câu thơ trước những câu thơ đó là dây cháy còn câu cuối là thuốc nổ. Nếu không có những câu thơ “cuối” như thế, thì những bài thơ của tác giả sẽ đi về đâu. Nếu diễn nôm về tình yêu, người ta sẽ nói: Đến một ngày nào đó chúng ta không còn ở bên nhau, nhưng những gì chúng ta mang lại cho nhau trong những ngày yêu nhau sẽ theo em mãi mãi đến hết đời. Và tôi vẫn phải nói lại một ý ở trên rằng: Nếu không tìm ra một lối đi riêng thì thi ca sẽ chết vì mọi thứ có trong vũ trụ này đã quen thuộc tưởng như không còn gì nói thêm nữa.

Quệt lên mắt tháng Ba
Một vết màu xoan tím
Xức lên tóc tháng Ba
Hương hoa xoan lìm lịm
Em đi trong mùa chin
Nhớ tháng ba năm sau
Anh còn bên em nữa
Hay lạc bước nơi nào?

Thể thơ năm chữ thường mang đến cho người đọc sự dịu dàng, man mác. Cách nói của những câu thơ trên là cách nói của những người con gái đang yêu: trong sáng, chân thực, làm dáng và thường đầy nước mắt. Thế mà những câu thơ giản dị và thương cảm ấy lại vang lên đẹp và buồn bã. Lý giải thế nào về điều này. Có lẽ cần phải suy nghĩ kỹ lưỡng và có thời gian.

Hoa đã thuộc về mùa cũng như em mãi thuộc về anh
Quy luật của tự nhiên, quy luật của trái tim không thể nào khác được
Chẳng thể bắt hoa nở trái mùa và tình yêu lạc bước
Chẳng thể gọi tên mùa nếu thiếu những màu hoa...

“Em đã thuộc về anh” là câu nói của rất nhiều và rất nhiều người con gái khi yêu. Chính trong đời tôi đã từng đôi ba lần nghe câu nói ấy. Nếu chỉ để nói như vậy thì chúng ta không cần nhà thơ. Và nếu không có nhà thơ thì câu nói kia hay cảnh giới kia sẽ không đi theo ai đó trong một thời gian dài và có thể hết đời. Nhưng khi viết “hoa đã thuộc về mùa” thì câu chuyện tình yêu muôn thuở đã chứa đựng triết lý về cuộc đời này chứ không chỉ trong tình yêu. Nhà thơ là người xuất hiện đúng lúc và cần thiết khi một vẻ đẹp cuộc sống hiện ra để gọi tên nó và lưu giữ nó lại với thời gian.

Ta đã sai
Khi cố tìm lại giấc mơ
Cố vẽ cho mình chiếc cầu vồng bảy sắc
Nhưng sự thật
Lẽ ra chúng ta nên hiểu điều đơn giản nhất
Một tình yêu chỉ một lần đánh mất
Là mãi mãi phù vân
Một con đường không có hai lối rẽ
Một dòng sông không ai tắm hai lần...

Mọi thứ đánh mất có thể tìm lại được, nhưng có lẽ đánh mất tình yêu với một người cụ thể sẽ chẳng bao giờ tìm lại được. Những câu thơ trên đầy tính triết lý nhưng lại đau đớn vô cùng. Trong đó có đôi mắt mở to bình thản trong giã từ, có sự ngạt thở của nhớ thương, có rã rời của mệt mỏi, có kiệt sức của tuyệt vọng.

Nhưng trong tình yêu, một chân lý là: Càng đau đớn thì tình yêu vẫn còn như câu thơ viết về hương thơm vẫn theo người con gái mãi mãi cho dù những bông hồng tình yêu đã hết mùa, rã cánh. Tác giả Nguyễn Thị Hạnh Loan đã hiểu được điều này và đã làm điều đó hiển lộ trong những câu thơ của chị. Chính vì thế mà tôi gọi tập thơ của chị là“MỘT LỐI ĐI CỦA HOA HỒNG”.

Hà Đông, tháng 8/2018

Nguyễn Quang Thiều
.
.