Một diện mạo không thành diện mạo

Thứ Bảy, 07/01/2017, 08:05
Sách “Diện mạo văn học Việt Nam Pháp ngữ (Từ cuối thế kỷ XIX đến 1975)” do hai tác giả Nguyễn Công Lý – Phạm Văn Quang biên soạn, NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh ấn hành.


Tuy là đề cập đến diện mạo văn học Pháp ngữ ở Việt Nam với khoảng thời gian khá dài - gần một thế kỷ (từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1975), nhưng có thể nói cuốn sách với dung lượng quá khiêm tốn, độ dày của sách tính luôn lời tựa và lời dẫn nhập ở phần đầu gồm 22 trang, phần danh mục tác giả và tác phẩm văn học Việt Nam viết bằng Pháp ngữ và phần tài liệu tham khảo chính ở phần cuối gồm 20 trang thì phần cốt lõi cuốn sách tổng cộng có tất cả vỏn vẹn 200 trang. Vì vậy, tham vọng của tác giả là dựng nên một “diện mạo văn học” đầy đủ, tầm vóc, nhưng có lẽ do “lực bất tòng tâm” nên diện mạo này còn nhiều khiếm khuyết.

Sách gồm có 5 chương: Chương 1- Cơ sở xã hội và nguyên nhân hình thành bộ phận văn học Việt Nam Pháp ngữ; Chương 2 - Chân dung nhà văn; Chương 3- Hệ thống xuất bản – lưu hành và thừa nhận tác phẩm; Chương 4 - Thể loại tác phẩm và Chương 5 - Những chủ đề nổi bật. Trong đó có 3 chương mà chúng tôi cho là chứa đựng nhiều khiếm khuyết là chương 1, 2 và 5.

Ở Chương 1, tựa đề thì có vẻ to tát, hoành tráng nhưng nội dung thì vắn tắt, sơ lược về quá trình thực dân và hệ thống giáo dục của người Pháp ở Việt Nam là cơ sở xã hội để hình thành bộ phận văn học Pháp ngữ ở Việt Nam.

Trong phần 1.1 (Chương 1): Quá trình thực dân Pháp và lịch sử của một ngôn ngữ văn học mới - chỉ vỏn vẹn có 3 trang in, ngoài phần lý luận loanh quanh, rối rắm giống như “tung hỏa mù” thì xen vào giữa những dòng “lý luận” đó, tác giả đề cập sơ sài về quá trình thực dân, sự xâm nhập của chữ Pháp, một số trí thức sử dụng Pháp ngữ (Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của…), vài tờ báo Pháp ngữ hoặc có phần Pháp ngữ (Đông Nam tạp chí, Nam Phong…) v.v… 

Lẽ ra, ở phần này tác giả phải khái quát được theo chiều dài lịch sử quá trình người Pháp xâm lược và thống trị, quá trình xâm nhập của Pháp ngữ và những nhà văn, nhà báo, học giả và những tờ báo, tạp chí Pháp ngữ đi tiên phong một cách chi tiết, cụ thể, chứ không phải là một mớ bùng nhùng, rối rắm sau trước lẫn lộn. Vì vậy, “Quá trình thực dân Pháp” nhưng chẳng thấy “quá trình” nào cả, mà chỉ là những dòng vắn tắt, sơ lược và “Lịch sử của một ngôn ngữ văn học mới” nhưng rất tiếc là “lịch sử” chỉ có vài nét sơ sài, còn sự hình thành một “ngôn ngữ văn học mới” thì quá mờ nhạt.

Phần 2.2 cùng Chương 1: Hệ thống giáo dục và tác động của nó đến sự ra đời của văn học Pháp ngữ - khoảng 12 trang, nội dung đề cập đến sự hình thành nền giáo dục của người Pháp xây dựng ở Việt Nam để thay thế cho nền giáo dục Hán học trước kia, mục đích phổ biến ảnh hưởng nền văn hoá Pháp và đào tạo ra tầng lớp viên chức, công chức người bản xứ trong hệ thống cai trị ở thuộc địa. 

Và hệ thống giáo dục đó đã cho ra đời một tầng lớp trí thức người Việt thông thạo tiếng Pháp, điều kiện để ra đời của văn học Pháp ngữ. Ở phần này, tác giả lại tiếp tục lý luận loanh quanh, không khái quát được theo trình tự lịch sử quá trình hình thành nền giáo dục Pháp – Việt, hệ thống trường lớp, chương trình đào tạo… một cách đầy đủ.

 Đáng nói, tác giả viết theo lối “nhảy cóc”, đang đề cập vấn đề này chưa ngã ngũ thì nhảy thoắt qua một vấn đề khác, việc diễn biến trước nói ở sau, việc xảy ra sau nói ở trước, thật lộn xộn.

Một số trang viết còn sai sót những kiến thức rất sơ đẳng. Khi viết về chính chủ trương giáo dục “mở rộng chiều ngang, hạn chế chiều cao”, tác giả phóng bút “…thực dân Pháp lại rất hạn chế cho người dân bản địa được học cao hơn, bằng cách thời gian đầu chỉ mở tại các nước thuộc địa các trường học từ cấp trung học trở xuống… sự ra đời của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, do toàn quyền Martial Henri Merlin ký quyết định thành lập ngày 27 tháng 10 năm 1924. Trước đó, vào năm 1917, cũng đã xuất hiện Trường Cao đẳng Thú y” (tr. 28). 

Có vẻ như tác giả chưa bao giờ tìm hiểu lịch sử giáo dục nước ta ở những thập niên đầu thế kỷ XX. Từ năm 1917 đến năm 1924 chính quyền thực dân không chỉ mở 2 trường cao đẳng thú y và mỹ thuật. Khoảng năm 1918-1919, ở Hà Nội – thủ phủ của xứ Đông Dương bấy giờ -  đã có 7 trường cao đẳng là Y dược, Pháp chính (về sau đổi là Cao đẳng Luật), Sư phạm, Thú y, Công chánh, Canh nông, Thương mại. Đến thập niên 30, một số trường cao đẳng được nâng cấp lên bậc đại học (Y khoa, Luật, Khoa học) thuộc Đại học Đông Dương.

Tác giả viết về thực dân Pháp hạn chế việc học tập của nhân dân ta và đưa ra ví dụ là số lượng sinh viên ít ỏi ở Trường Cao đẳng Thú y: “Dù ở ta lúc này đã có trường cao đẳng nhưng số lượng người được vào học cũng rất ít. Ví dụ Trường Cao đẳng Thú y được thành lập năm 1917, sau 26 năm hoạt động, tức vào năm 1943, vậy mà tổng số sinh viên đang theo học tại đây chỉ có 27 người, trong đó năm thứ nhất là 14 người, năm thứ hai có 8 người và năm thứ ba chỉ có 05 người!” (tr. 29)… 

Thực dân Pháp hạn chế việc học của dân ta, điều đó là hiển nhiên, nhưng đưa con số sinh viên ở trường thú y để minh hoạ thì không ổn, dễ gây ra ngộ nhận. Vì thời bấy giờ, người dân ta còn mang nặng ảnh hưởng tính chất phong kiến nên hầu hết phụ huynh đều mong muốn con em của họ chọn học các trường Cao đẳng như: Luật, Y khoa, Sư phạm để sau này ra làm quan, đốc-tờ, giáo sư là những nghề theo quan niệm truyền thống là “sang trọng, danh giá”, chứ ít có học sinh nào chọn trường thú y vì nghề đó kém sang trọng. 

Trường Cao đẳng Thú y có thời gian phải tuyển cả những học sinh chưa có bằng Thành chung. Trường có sinh viên theo học đông nhất là Cao đẳng Luật khoa, tốt nghiệp có thể gia nhập ngay vào quan trường, trở thành tri phủ, tri huyện…

Ở Chương 2, có tất cả 14 nhà văn viết bằng tiếng Pháp được “chọn” để giới thiệu, gồm: Nguyễn Ái Quốc, Ngô Văn, Phan Văn Trường, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Phan Long, Pierre Đỗ Đình, Hoàng Xuân Nhị, Phạm Duy Khiêm, Nguyễn Tiến Lãng, Trần Văn Tùng, Cung Giũ Nguyên, Phạm Văn Ký, Trịnh Thục Oanh và Lý Thu Hồ. Phần “chân dung” này thật phiến diện, “thiếu đầu, thiếu đuôi” nên chẳng ra diện mạo chân dung nhà văn. Chưa kể, tác giả đã bỏ sót một số tác giả người Việt viết sách, báo bằng Pháp văn nổi tiếng ở cuối thế kỷ XIX, nửa đầu thế kỷ XX như Trương Vĩnh Ký, Bùi Quang Chiêu, Nguyễn An Ninh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Vỹ…

Ở Chương 3: Những chủ đề nổi bật, tác giả đã có những nhận định nhầm lẫn hoặc mắc nhiều sai sót về kiến thức. Ở trang 199, tác giả viết: “Vì phần lớn những trí thức trẻ Việt Nam ở miền Nam trong giai đoạn 1920-1940 bị ru ngủ trong sự hão huyền giả tạo của những thứ hạnh phúc, tự do và công bằng được tạo ra bởi chính quyền thuộc địa”. Tác giả đã tỏ ra thiếu hiểu biết về lịch sử. 

Thời bấy giờ Nam Kỳ là đất “trực trị” của người Pháp, còn Trung Kỳ và Bắc Kỳ là đất thuộc chủ quyền của Nam triều, Pháp chỉ “bảo hộ” trên danh nghĩa. Triều đình Huế chỉ là bù nhìn mà thôi. Vì vậy, không thể nói chỉ riêng trí thức trẻ ở Nam Kỳ là vùng đất “trực trị” nên bị ru ngủ, đầu độc bởi chính sách văn hoá mị dân của chính quyền thực dân, mà thanh niên 3 kỳ đều chịu chung hoàn cảnh, số phận như vậy.

Trong quá trình biên soạn, tác giả cũng chỉ đề cập đến văn học Pháp ngữ ở giai đoạn từ cuối thế kỷ XIX cho đến năm 1945, còn giai đoạn 1945-1954 tức là thời xảy ra cuộc chiến tranh Pháp – Việt trên toàn quốc, rồi ở miền Nam từ năm 1954-1975, tác giả chưa nói rõ dòng văn học Pháp ngữ ở giai đoạn này như thế nào, không nêu được đầy đủ các nhà viết Pháp văn nổi bật ở miền Nam, không lý giải nguyên do văn học Pháp ngữ giai đoạn này không phát triển như thời trước 1945.

Sách “Diện mạo văn học Việt Nam Pháp ngữ (Từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1975)” vì vậy không thể trở thành một diện mạo văn học hoàn chỉnh như các tác giả mong muốn.

Hoàn Nguyễn
.
.