Một cuốn sách gán ghép tùy tiện

Thứ Bảy, 03/12/2016, 08:24
Sách "Anh hùng Võ Duy Dương chống Pháp ở Đồng Tháp Mười (Người con của Quảng Ngãi trên đất Tháp Mười)" của tác giả Thượng Hồng viết về nhân vật lịch sử Võ Duy Dương ở thế kỷ XIX, do NXB Thanh Niên ấn hành. Cuốn sách dày gần 400 trang là một sự pha tạp giữa nghiên cứu lịch sử và sáng tác tiểu thuyết, thật giả lẫn lộn. Hơn nữa, đó là một sự bịa đặt và gán ghép tuỳ tiện, bất chấp sự thật lịch sử.


Nổi bật trong cuốn sách này là sự khẳng định của tác giả: Võ Duy Dương - anh hùng chống Pháp ở Đồng Tháp Mười - là con trai của Tổng đốc Võ Duy Ninh. Xin tóm lược tiểu sử Võ Duy Ninh: Ông sinh năm 1804 tại làng Đại An, xã Hành Phong (nay là xã Hành Thuận), huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi, đỗ cử nhân tại trường thi Thừa Thiên năm 1834 rồi ra làm quan, trải qua nhiều chức vụ: Hành tẩu Bộ Lễ, Bố chánh Phú Yên, Tham tri Bộ Lại…

Tháng 11- 1858 được bổ nhiệm chức Hộ đốc thành Gia Định, đầu năm 1859 được thăng chức Tổng đốc Định - Biên (Gia Định và Biên Hoà). Tháng 2 - 1859, quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định, Võ Duy Ninh đã tổ chức chống trả quyết liệt nhưng không địch nổi với hoả lực của giặc, ông bị trọng thương, phải rút lui về làng Phước Lý (ngoại thành Gia Định), sau đó ông tự vẫn.

Võ Duy Ninh có hai người vợ và sinh được 4 người con (2 trai, 2 gái). Khi nghe tin Võ Duy Ninh qua đời, bà vợ thứ nhất của ông cùng với một trong 2 người con trai là Võ Duy Lập lúc đó 16 tuổi đã từ Quảng Ngãi lặn lội vào Gia Định hơn 1 năm trời mới tìm được hài cốt của ông, đưa về quê an táng. Tại Gia Định, Võ Duy Lập bị quân Pháp bắt giam vì bị tình nghi theo nghĩa quân chống Pháp. Sau đó ông Võ Duy Lập trốn thoát được và gia nhập nghĩa quân Trương Định, được thăng đến Suất đội.

Ở trong sách, tác giả Thượng Hồng không biết vì mục đích hoặc động cơ nào đó đã cố ý gán ghép một cách khiên cưỡng rằng Võ Duy Lập là Võ Duy Dương: "Theo gia phả họ Võ Duy thì ngài Võ Duy Ninh có hai con trai, một tên là Ngọc, một tên là Lập. Võ Duy Lập theo cha vào Gia Định và sau biến cố 6-3-1859 (Pháp phá thành Gia Định) đã thất lạc với cha mình, rồi bị Pháp truy nã, phải lẩn tránh và sau Gia Nhập lực lượng nghĩa quân Trương Định.

Để tránh sự truy tìm của kẻ thù, Võ Duy Lập đã cải tên mình thành Võ Duy Dương"(tr.24). Theo gia phả thì Võ Duy Lập là con trai Võ Duy Ninh là chính xác, nhưng Võ Duy Lập là Võ Duy Dương thì tác giả sử dụng nguồn tài liệu rất mơ hồ là dựa vào lời kể của một lão nông ở Lý Nhơn (huyện Cần Giờ, TP.Hồ Chí Minh) sống ở đầu thế kỷ XXI, không có một bằng chứng cụ thể nào cả về văn bản, sách vở, nhưng lại khẳng định một cách cẩu thả: "Không nghe sách vở nào nhắc, nhưng tôi dám chắc rằng ngài Võ Duy Dương là con của quan Tổng đốc Định Biên (Gia Định - Biên Hoà)"…

Không có một bằng chứng cụ thể, nhưng dám khẳng định chắc chắn, có lẽ đây là phương pháp nghiên cứu lịch sử "độc nhất vô nhị" của nhà nghiên cứu Thượng Hồng chăng (?)

Tóm lược tiểu sử Võ Duy Dương: Võ Duy Dương sinh năm 1827 tại thôn Cù Lâm Nam, huyện Tuy Viễn, trấn Bình Định (nay là xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định) trong một gia đình nông dân. Năm 1857, ông vào Nam Bộ lập nghiệp; hưởng ứng chính sách khai hoang của Nguyễn Tri Phương, ông đã chiêu mộ người khai hoang lập ấp ở đất Ba Giồng (ngày nay thuộc huyện Cai Lậy và Cái Bè, tỉnh Tiền Giang).

Tháng 2-1859, quân Pháp đánh thành Gia Định, ông chiêu mộ dân dõng kéo đi ứng cứu, được phong chức Chánh quản đạo. Thành Gia Định bị Pháp chiếm, ông đi đường biển ra kinh đô hiến kế chống giặc. Vào khoảng thời gian đó, ông tham gia đánh dẹp giặc cướp Tàu Ô và loạn Đá Vách (Thạch Bích), lập được chiến công nên được triều đình phong phẩm hàm Chánh Bát phẩm Thiên hộ, vì vậy người đời thường gọi ông là Thiên hộ Dương.

Năm 1861, ông vào Nam Bộ chiêu mộ nghĩa quân chống Pháp. Ông lập căn cứ kháng chiến ở Đồng Tháp Mười. Tháng 4 - 1866, quân Pháp mở cuộc tấn công đại quy mô vào căn cứ, nghĩa quân chống trả quyết liệt nhưng do vũ khí thô sơ nên phải rút lui khỏi căn cứ; tháng 10 cùng năm, ông trở ra Bình Thuận bằng đường biển nhưng bị nạn mất tại cửa biển Cần Giờ.

Từ trước đến nay rất nhiều công trình sử học với đầy đủ các chứng cứ, văn bản có giá trị đã khẳng định Võ Duy Dương quê ở thôn Cù Lâm, xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn, Bình Định, như: Định Tường Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân tiểu truyện (không đề tên tác giả, do Trần Văn Thông là cháu ruột Võ Duy Dương chép lại, in Văn hoá nguyệt san Sài Gòn, 1960), Võ Duy Dương với cuộc kháng chiến Đồng Tháp Mười (Nguyễn Hữu Hiếu chủ biên, NXB Tổng hợp Đồng Tháp, 1992), tờ cam kết lập năm Thành Thái thứ 12 do con trai Võ Duy Dương là Lý trưởng Võ Hữu Dũng ấn ký (hiện lưu giữ tại đền thờ Võ Duy Dương ở xã Nhơn Tân)…

Như vậy, qua những đối chứng, so sánh căn cứ trên tư liệu, có thể thấy giữa ông Võ Duy Ninh ở Nghĩa Hành, Quảng Ngãi và ông Võ Duy Dương ở An Nhơn, Bình Định là hai người hoàn toàn không có mối quan hệ cha con nào như tác giả Thượng Hồng đã, gán ghép tuỳ tiện.

Bên cạnh sự gán ghép khiên cưỡng vừa nêu trên thì trong sách còn chứa nhiều sai sót, nhầm lẫn về kiến thức lịch sử, đôi chỗ tác giả còn bịa đặt ra những chi tiết hoang đường chưa hề có trong các tài liệu lịch sử từ trước đến nay. Xin đơn cử một vài trong hàng chục trường hợp sai sót, nhầm lẫn hoặc bịa đặt.

Khi viết về việc quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định, tác giả đã nhầm lẫn: "Tháng 2-1859, gần một vạn quân Pháp với nhiều chuyến thuyền và nhiều súng ống tối tân kéo từ Đà Nẵng vào, đã bất thần tấn công thành Gia Định từ cửa Cần Giờ.

Ngày 6-3-1859, quân Pháp phá được thành sau gần một tháng kháng cự…" (tr.23). Sự thật được ghi chép trong sử sách từ trước đến nay: Từ ngày 2 đến ngày 9-2-1859, quân Pháp tập trung ở Vũng Tàu; ngày 11- 2-1859, hai chục tàu chiến của Pháp kéo vào cửa sông Cần Giờ; ngày 16- 2-1859 tàu chiến của giặc dàn trận trước thành Gia Định và buổi sáng ngày hôm sau (17-2-1859), chúng nổ súng đánh chiếm thành sau mấy giờ tấn công.

Như vậy, từ thời điểm tàu chiến Pháp bắt đầu đến cửa biển Vũng Tàu cho đến khi chúng đánh chiếm thành Gia Định chỉ mất khoảng nửa tháng mà thôi. Riêng về quân số "gần một vạn quân Pháp", chúng tôi chắc chắn chỉ là sự tưởng tượng!

Viết lịch sử ở thế kỷ XIX, nhưng tác giả lại tô vẽ những chi tiết của thế kỷ XX: "… đêm hôm đó nghĩa quân đã lặn xuống xác tàu, mò lên hầu hết vũ khí bị chìm: Thu 2 trọng pháo với đầy đủ đạn, gần 60 súng máy các loại, hơn 200 khẩu súng trường cùng đạn đến vài ngàn viên" (tr.99), "… họ biết sử dụng súng phóng lựu, trọng pháo…"(tr. 258)…

Ở thế kỷ XIX, quân Pháp và kể cả quân đội các nước tiên tiến ở phương Tây với vũ khí tối tân nhất thời bấy giờ là súng trường cá nhân (bắn và nạp đạn từng phát một) và đại bác, chứ làm gì thời đó đã chế tạo được súng máy và súng phóng lựu; những loại vũ khí này phải đến thập niên 20 của thế kỷ XX mới được chế tạo. Hay là tác giả Thượng Hồng ở thế kỷ XXI đã chế tạo giúp các loại vũ khí này (súng máy, súng phóng lựu) cho quân Pháp ở thế kỷ XIX (?)

Bên cạnh những sai sót là những chi tiết rất hoang đường, vô lý: "… để chuẩn bị cho cuộc sống lâu dài, ông Trương Định đã tổ chức cho nghĩa binh tự túc gieo trồng đủ loại lương thực ở vùng mà trước đó chưa một ai trồng, vì sợ nó không mọc được. Có lẽ trời thương những người yêu nước, nên lúa đã nảy mầm trên vùng đất ngập mặn và phát triển tốt!" (tr.98), hoặc những đoạn bịa đặt như đánh giặc bằng rắn thần (tr.248-254), ong vò vẽ (tr.239-247)…mà chẳng có sử sách nào ghi chép từ trước đến nay.

Tóm lại, sách "Anh hùng Võ Duy Dương chống Pháp ở Đồng Tháp Mười (Người con của Quảng Ngãi trên đất Tháp Mười)" của tác giả Thượng Hồng là một tác phẩm gán ghép một cách tuỳ tiện, phi sự thật lịch sử. 

Lương Sơn
.
.