Đọc “Trong cơn lốc xoáy”, tiểu thuyết 2 tập của Trầm Hương, NXB Phụ nữ, 2016

Một cách nhìn đa chiều đối với con người và lịch sử

Thứ Hai, 31/07/2017, 08:03
Với một đất nước trải qua nhiều biến cố như Việt Nam, có biết bao con người trở thành nhân chứng của lịch sử, là một phần lịch sử. Bạn đọc từng biết loại nhân vật như thế qua nhiều tiểu thuyết lịch sử mà phần lớn họ là những tên tuổi từng được ghi “bảng vàng”…


“Trong cơn lốc xoáy” (TCLX) thì khác, vì nhân vật chính là một phụ nữ hầu như chưa ai biết đến - bà Jeanne Anna Villarialle (JAV). Thậm chí, bà còn ở dưới mức “phó thường dân” - một người Việt lai Philippines, mang quốc tịch Pháp, rồi sau là Mỹ (cả hai một thời đều bị xem là kẻ thù của Việt Nam), trừ giai đoạn bà hoạt động trong “Chi đội Tình báo số 12”, còn thì bà bị cả những người thân gọi là “con đĩ”, bị khinh rẻ và ghê tởm. Vậy thì vì sao bà lại có thể trở thành nhân vật chính của một bộ tiểu thuyết trường thiên dày gần ngàn trang khổ lớn và đặc biệt hơn, tác phẩm này đã đoạt giải A trong cuộc vận động sáng tác tiểu thuyết về đề tài Cách mạng và Kháng chiến (giai đoạn 1930-1975) do Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trao tặng năm 2015?

Đạt được thành quả này, theo tôi, trước hết nhờ tác giả không tự “đóng khung” tác phẩm vào một chiến dịch, một binh chủng hay một sự kiện nào trong thời đoạn ngắn như không ít tiểu thuyết trước đây, cũng không lấy nguyên mẫu là cuộc đời một anh hùng hay nhân vật tên tuổi nào mà “thiên hạ” đã quen và ngưỡng mộ chọn làm nhân vật chính, để rồi khó phóng bút theo trí tưởng tượng của mình.

Để bạn đọc dễ hình dung, xin dẫn một đoạn đời của bà JAV: Vào thời điểm “tranh tối tranh sáng” khi đội quân Nhật tiến vào Đông Dương và ở Nam Bộ xuất hiện nhiều “nhóm vũ trang”, đội quân Cao Đài của Hoàng Huy xông đến chiếm nhà của JAV, bắt cả gia đình cô và ép cô làm vợ. Để cứu gia đình và bản thân, cô phải chấp nhận lấy Nagamoto - một tình báo cỡ bự của Nhật Bản với vỏ bọc là một doanh nhân.

Giữa phút JAV lâm nguy, Nagamoto buộc phải trút “vỏ bọc”, buộc Hoàng Huy buông tha cô. Nhưng rồi đến lượt Nagamoto bị quân Pháp bắt, chàng sinh viên y khoa Việt Minh đã thành bờ vai vững chắc cho JAV nương tựa, và tình yêu giữa hai người ngày một sâu đậm.

Lúc này, Vạn mang “vỏ bọc” thân Nhật thâm nhập vào đội quân Hòa Hảo có cả ngàn tay súng của bà Năm Sương Thu, dạy con bà, để chuyển hóa lực lượng vốn chủ trương chống Pháp, thân Nhật, nhưng không chịu sự lãnh đạo của Việt Minh…

Sự đời trớ trêu đến mức đến lượt cả JAV và Vạn cùng bị cảnh sát Pháp bắt khi JAV tham gia hoạt động trong “Chi đội 12” biệt động Sài Gòn. Chỉ trong 48 giờ tạm giam, JAV đã bị hai tên lính lai hiếp… Hành vi bỉ ổi của hai tên lính đánh thuê thực dân đã được miêu tả trong không ít tác phẩm. Nhưng hành vi của dược sĩ Cao thì quả là “khó hiểu”.

Là chủ một nhà thuốc hạng nhất của thành phố, quen biết với bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, ông mang thuốc vào “cứ” tiếp viện cho đội quân kháng chiến rồi “giả vờ” là bị Việt Minh bắt. Được một người quen cho biết hoàn cảnh của Vạn và JAV, ông đã đưa cho JAV một khoản tiền lớn để có thể cứu Vạn khỏi nhà tù. Vậy mà ông đã chiếm đoạt cô, nhưng vẫn mong muốn cứu Vạn, muốn vun vén cho hạnh phúc hai người, ngay cả khi ông biết JAV đã mang thai với ông! Ông từ chối cưới JAV với “lý do” lạ kỳ: “… Em không nghĩ đến một ngày cậu Sáu Vạn trở về sao?! Người đó mới xứng với em, mới thực sự mang lại hạnh phúc cho em…”.

“Nữ tướng” Năm Sương Thu cũng là một nhân vật “lạ thường”. Khi biết Vạn là Việt Minh “thứ thiệt”, bà chấp nhận yêu cầu “giải giáp”, ngoài món tiền “đền bù” là 50 hạt hột xoàn 4 ly trở lên, còn một điều kiện đặc biệt: “Thầy giáo phải rời xa con đầm lai JAV” với lý do “con đầm lai anh là vợ của Nagamoto, ân nhân của tôi. Dù thời cuộc thay đổi, tôi vẫn không quên những người đã chia sẻ cùng tôi những ngày khởi đầu khó khăn… Tôi không thể cúi đầu khuất phục một người vô đạo…”.

Cũng như dược sĩ Cao, bà Năm còn cho chúng ta biết thêm một mẫu nhân vật khá đặc biệt tham gia chống thực dân Pháp trong buổi đầu cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, đồng thời thể hiện sự phức tạp vô cùng của con người, chứ không chỉ đơn giản có “địch-ta”, “xấu-tốt” như không ít cây bút đã miêu tả một thời chưa xa.

Trên đây chỉ là “trích yếu” một đoạn đời ngắn của JAV và Vạn. Dung lượng có hạn của một bài viết không cho phép, mà có lẽ chẳng nên “kể” tiếp cuộc đời vô vàn khúc ngoặt đến “lạ lùng” của 2 nhân vật này, cũng như tình yêu chung thủy đến “khó hiểu” của họ để các bạn… còn tìm sách đọc. Tất nhiên là không phải 152 chương sách đều hay; có những đoạn và một số nhân vật nên lược bớt hoặc rút gọn lại… Nhưng biết đâu tác giả muốn tái hiện cả một “tấn trò đời”? 

Nguyễn Khắc Phê
.
.