Mẹ là đất nước, tháng ngày của con...

Thứ Năm, 20/08/2020, 11:02
Trong các bộ môn nghệ thuật nói chung, thi ca nói riêng, có những đề tài không bao giờ cũ, luôn trở thành cảm hứng muôn đời cho các thi sĩ, ở mọi dân tộc và mọi thời đại. Một trong những đề tài như thế chính là người mẹ.


Nhắc đến mẹ là nhắc tới một nỗi niềm, một tình cảm vừa thiêng liêng, vừa sâu sắc vừa khiến mỗi chúng ta không nguôi niềm thương nhớ, lòng biết ơn với biết bao xúc động khôn nguôi. Nhìn lại lịch sử thơ Việt từ trung đại cho tới hiện đại, có thể thấy ở thời kỳ nào cũng có không ít những câu thơ, bài thơ thật hay về hình bóng mẹ hiền.

1. Có lẽ chúng ta nên bắt đầu từ những câu ca dao không biết có tự thuở nào. Chỉ biết rằng, những câu ca quen thuộc ấy đã nằm trong những lời ru từ thuở ấu thơ, đã in vào tâm trí mỗi đứa trẻ ngay từ khi mới cắp sách đến trường. Những câu ca ấy cũng là lời nhắc nhở mỗi con người luôn luôn phải nhớ tới công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. 

Tình mẹ được ví như nước trong nguồn, luôn trong vắt mát lành, vô điều kiện và không bao giờ cạn. Và mỗi đứa trẻ sẽ thật may mắn nếu trong hành trình cuộc đời luôn có mẹ theo cùng cho tới khi khôn lớn, trưởng thành. 

Trong gia đình người Việt truyền thống, thông thường, người mẹ sẽ chăm lo việc nuôi con, còn việc dạy con chữ nghĩa sẽ thuộc về trách nhiệm của người cha, bởi người phụ nữ Việt trong xã hội xưa thường không được đến trường. Thế nhưng cũng có nhiều khi không những việc nuôi con mà cả việc dạy con đèn sách cũng do người mẹ một tay lo liệu. 

Những câu thơ trong Chinh phụ ngâm khúc đã nói với ta điều ấy: “Lòng mẫu thân buồn khi tựa cửa/ Miệng hài nhi tới bữa mớm cơm/ Ngọt bùi thiếp đã hiếu nam/ Dạy con đèn sách thiếp làm phụ thân”. 

Người mẹ của thời chiến vất vả gian lao đủ trăm đường. Và mỗi thi sĩ khi tả về người mẹ trong thời kháng chiến cũng có những điểm nhìn và cảm nhận thật riêng biệt. 

Trong bài "Bên kia sông Đuống" của Hoàng Cầm, ta thấy hiện lên hình ảnh một người mẹ thật nhọc nhằn, cô đơn, phảng phất chút gì như buồn tủi: “Mẹ già nua còm cõi gánh hàng rong/ Bước cao thấp trên bờ đê hun hút/ Có con cò trắng bay vùn vụt/ Lướt ngang dòng sông Đuống về đâu/ Mẹ ta lòng đói dạ sầu/ Đường trơn mưa lạnh mái đầu bạc phơ

”.
Hình ảnh người mẹ Việt Nam.

Còn trong thơ Tố Hữu, ta bắt gặp thật nhiều hình ảnh những người mẹ anh hùng. Xuyên suốt một hành trình thơ Tố Hữu từ kháng chiến chống Pháp sang chống Mỹ, luôn xuất hiện những bài thơ về mẹ, từ "Bà má Hậu Giang", "Bà Bủ" cho tới "Mẹ Suốt", "Mẹ Tơm". Những người mẹ đã trở thành huyền thoại lịch sử. 

Có những người mẹ đã ngã xuống trước gươm súng của kẻ thù: “Thân tao chết dạ chẳng sờn”/Thương ôi lời má lưỡi gươm cắt rồi/ Một dòng máu đỏ lên trời/ Má ơi con đã nghe lời má kêu/ Nước non muôn quý ngàn yêu/ Còn in bóng má sớm chiều Hậu Giang” (Bà má Hậu Giang). 

Có những hình tượng người mẹ được ngợi ca như những tượng đài lộng lẫy, đã trở thành huyền thoại: “Ôi bóng người xưa đã khuất rồi/ Tròn đôi nắm đất trắng chân đồi/ Sống trong cát chết vùi trong cát/ Những trái tim như ngọc sáng ngời” (Mẹ Tơm), “Ngẩng đầu mái tóc mẹ rung/ Gió lay như sóng biển tung trắng bờ” (Mẹ Suốt). 

Cũng chính hình ảnh mẹ Suốt tóc bay trong gió che một khoảng trời đã khiến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vô cùng xúc động, đã viết nên tuyệt phẩm "Huyền thoại mẹ" vào năm 1984 khi về thăm nhà bảo tàng ở Quảng Bình. 

Ca từ của ca khúc có thể nói cũng chính là một thi phẩm thực sự, cùng hòa quyện với giai điệu ngọt ngào sâu lắng để tâm sự với mỗi người đọc người nghe về hình ảnh một người mẹ thật bình dị mà cao cả lớn lao, người mẹ với biết bao những hy sinh thầm lặng không nói hết thành lời: “Mẹ về đứng dưới mưa/ Che từng căn hầm nhỏ/ Xóa sạch vết con về/ Mẹ ngồi dưới cơn mưa/ Mẹ là gió uốn quanh/ Trên đời con thầm lặng/ Trong câu hát thanh bình/ Mẹ làm gió mong manh”. 

Những nỗi đau của người mẹ cũng lớn lao và lặng thầm như chính mẹ, những nỗi đau như nuốt vào bên trong: “Nước mắt mẹ không còn vì khóc những đứa con. Lần lượt ra đi, đi mãi mãi. Thời gian trôi qua, vết thương trên thịt da đã lành theo năm tháng. Nhưng vết thương lòng, mẹ vẫn còn nặng mang” (Người mẹ của tôi – Nhạc và lời: Xuân Hồng). 

Với những đứa con đang cầm súng nơi chiến trường, lòng lúc nào cũng không nguôi nhớ về mẹ. Mẹ như một điểm tựa, là nguồn động viên sức mạnh tinh thần lớn lao cho mỗi người lính: “Dọc đường hành quân, nhớ mẹ bao lần/ Rạo rực lòng con, tình làng nghĩa xóm/ Dọc đường hành quân, con đi mang hình bóng quê hương, mang bóng dáng mẹ già yêu thương. Thấy đôi bàn chân vững mạnh đường dài, đường chiến đấu thêm bền lòng tin” (Về thăm mẹ - Nhạc và lời: Trần Chung). 

Còn với thi sĩ Hoàng Trần Cương, một người cũng từng cầm súng chiến đấu trực tiếp ở chiến trường thì mẹ với quê hương cũng chính là một, cùng hòa với nhau trong một nỗi niềm vừa thương nhớ vừa tin yêu: “Mẹ là trầm tích của bạt ngàn thương mến/Xanh mát bầu trời đượm ấm hương quê/ Đưa ngọn gió trở về xóm nhỏ/ Đưa cơn mưa xuống mạch giếng làng/ Đưa mây trắng về trời khêu lại nắng/ Đưa nỗi buồn ra khỏi thôn trang” (Những viên đá lẻ)

2. Sau năm 1975, thơ Việt tiếp tục có rất nhiều tác phẩm hay về mẹ, đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng. Sự hòa quyện giữa mẹ và quê hương tiếp tục trở lại trong bài thơ nổi tiếng "Quê hương" của thi sĩ Đỗ Trung Quân, được nhạc sĩ Giáp Văn Thạch phổ thành ca khúc cùng tên. 

Bài hát đã lập kỷ lục là ca khúc châu Á có đời sống lâu dài nhất khi sử dụng trên Đài truyền hình quốc gia NHK của Nhật Bản trong suốt 10 năm (1986-1996): “Quê hương là cầu tre nhỏ/ Mẹ về nón lá nghiêng che/ Quê hương là đêm trăng tỏ/ Hoa cau rụng trắng ngoài thềm/ Quê hương mỗi người chỉ một/ Như là chỉ một mẹ thôi”. 

Tri ân mẹ Việt Nam anh hùng - ảnh nguồn Internet. 

Tình thương yêu sâu nặng mà mẹ đã dành cho những đứa con là điều không bao giờ nói hết được bằng lời. Trong mắt những người mẹ, mỗi đứa con lúc nào cũng vẫn luôn nhỏ bé, cần được mẹ quan tâm, lo lắng, chở che. Nhà thơ Nguyễn Duy chỉ với một câu lục bát đã nói giùm được cho chúng ta thật nhiều về tình mẹ: “Ta đi trọn kiếp con người/ Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru” (Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, 1986). 

Thực ra trước Nguyễn Duy, thơ Việt cũng đã có những câu thật hay về tình mẹ bao la: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con” (Con cò – Chế Lan Viên, 1967), “Những ngôi sao thức ngoài kia/ Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con/ Đêm nay con ngủ giấc tròn/ Mẹ là ngọn gió của con suốt đời” (Mẹ - Trần Quốc Minh, 1972).

Mỗi con người trong những giây phút sinh tử của cuộc đời, dường như lại nhớ về mẹ, nghĩ về mẹ nhiều nhất. Có phải vì thế mà bài thơ cuối cùng của thi sĩ Đồng Đức Bốn khi lâm trọng bệnh chính là một bài thơ viết về mẹ, gây xúc động cho biết bao người đọc: “Bây giờ con chẳng có gì/ Cúi đầu lạy mẹ con đi về trời/ Chỉ xin mẹ một tiếng cười/ Và câu hát thuở mẹ ngồi ru con/ Chỉ mong trái đất vẫn tròn/ Biết đâu mẹ lại gặp con có ngày…Bây giờ trời đổ cơn mưa/ Xa xa đã tiếng chuông chùa gọi con” (Mẹ ơi). 

Từ một góc nhìn khác, nhà thơ Hồng Thanh Quang lại có một tứ thơ độc đáo khi ngộ ra mẹ là người đàn bà đầu tiên và sau cuối, duy nhất trong cuộc đời không bao giờ phản bội: “Mẹ/Người đàn bà đầu tiên/ Người đàn bà sau cuối/ Không bao giờ phản bội/ Ngay cả khi ta/ Ngu dại một đời”. 

Không phải ngẫu nhiên mà có nhiều chàng trai khi đem lòng yêu một người con gái, thường so sánh liên tưởng tới mẹ mình. Vậy là trong ái tình, hình bóng mẹ hiền cũng vẫn luôn là một điều thường trực trong nhiều thi sĩ: “Anh lớn khôn dưới bầu vú mẹ/ Và dại khờ trước vòm ngực của em” (Romance 1 – Thế Hùng).

Không chỉ có những thi sĩ “người lớn” viết nên những bản tụng ca về tình mẹ, nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa khi mới 12 tuổi (1970) đã có một bài thơ tuyệt hay về người mẹ của mình. Tác phẩm được viết ra từ một câu chuyện có thật, trong một lần mẹ ốm. 

Cặp lục bát cuối cùng khép lại tác phẩm đã khiến cho bài thơ thực sự mang một tầm vóc ý tưởng, đầy chiều sâu, truyền tới mỗi người đọc không chỉ niềm xúc động mà còn là những suy tư không dứt về tình mẹ bình dị mà lớn lao. 

Và khi ấy với mỗi đứa trẻ, mẹ luôn luôn là cả thế giới: “Vì con mẹ khổ đủ điều/ Quanh đôi mắt mẹ đã nhiều nếp nhăn/ Con mong mẹ khỏe dần dần/ Ngày ăn ngon miệng đêm nằm ngủ say/ Rồi ra đọc sách, cấy cày/Mẹ là đất nước, tháng ngay của con…” (Mẹ ốm).

Đỗ Anh Vũ
.
.