Mấy suy nghĩ về lý luận phê bình văn học nghệ thuật từ 1975 đến nay

Thứ Ba, 28/04/2015, 08:39
Bốn thập niên đã trôi qua kể từ sau ngày 30-4 năm 1975 ấy. Biết bao nhiêu biến đổi của cuộc sống. Đất nước từ chia cắt thành thống nhất, từ chiến tranh thành hòa bình. Con người từ lo ăn lo mặc, thành phong trào làm giàu, từ làm ăn nhỏ đến làm ăn lớn... Văn học nghệ thuật là tấm gương phản chiếu thời đại, theo quy luật biện chứng khách quan tất phải biến đổi theo đa dạng về phương pháp sáng tác, đa dạng về phong cách nghệ thuật. 

Đã có nhiều mùa gặt văn học nghệ thuật, tuy chưa có mùa nào hoàn toàn thất bát, nhưng cũng chưa có mùa gặt nào thật bội thu. Với lý luận phê bình văn học nghệ thuật phát triển trên một đời sống sáng tác như thế tất nó có nhiều khó khăn. Đánh giá thành tựu của lý luận phê bình văn học nghệ thuật 40 năm qua cần phải có những công trình công phu không chỉ của cá nhân mà cần có nhiều người. Tôi chỉ có một vài suy nghĩ nhỏ ban đầu, rất mong được chia sẻ.

1.Rất nhiều ý kiến của các nhà sáng tác cho rằng lý luận phê bình văn học nghệ thuật mấy chục năm qua là yếu kém so với sự phát triển phong phú và đa dạng, mạnh mẽ của sáng tác. Cho rằng lý luận phê bình luôn tụt hậu, đi sau sáng tác. Những ý kiến đánh giá này thoạt nghe thì cũng thấy đúng, nhưng đi sâu tìm hiểu thì thấy có thể đấy là một cách nhìn theo tư duy cũ, quen cho rằng lý luận phê bình phải đi trước dẫn dắt, chỉ đường để sáng tác phát triển.

Thực tế là đời sống của sáng tác văn học nghệ thuật  thường tự nó phát triển chứ rất ít khi nghe theo sự chỉ dẫn của lý luận phê bình. Nhà thơ, nhà triết học Đức Goethe đã nói: "Mọi lý thuyết đều màu xám, mà cây đời mãi mãi xanh tươi".

Có thể có sự phát triển mạnh mẽ mà không có thành tựu. Đó là sự phát triển lung tung không đúng bản chất của văn học nghệ thuật. Vì vậy, tôi cho rằng lý luận phê bình văn học nghệ thuật bốn thập niên vừa qua phát triển bình thường cùng sáng tác, chưa có thành tựu nổi bật, nhưng cũng không quá yếu kém. Việc lý luận phê bình đi sau sáng tác là bình thường. Từ thực tiễn đời sống sáng tác mới có thể rút ra những vấn đề về lý luận. Những lý luận từ thực tiễn sáng tác sẽ không khô khan kinh viện, có thể chỉ là một ý kiến nhỏ mà có tầm bao quát lớn.

Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương trao giải cho các tác giả đoạt giải A của Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương (tháng 1/2015).

Thành tựu nổi bật của lý luận phê bình văn chương nói riêng và của văn học nghệ thuật nói chung trong thế kỷ XX của Việt Nam là tác phẩm "Thi nhân Việt Nam" cũng phải từ phong trào sáng tác Thơ Mới đã ở giai đoạn phát triển đỉnh cao rực rỡ. Đi sau hay đi trước không quan trọng, vấn đề là chất lượng và thành tựu. Đi sau mà đánh giá đúng, chỉ ra được bản chất của phong trào sáng tác, từ đó mà có những ý kiến thỏa đáng giúp cho phong trào sáng tác phát triển thì cũng là tiên phong, đi trước.

2. Bên cạnh dòng chảy bình thường của lý luận phê bình là tiếp tục khẳng định thành tựu của văn học nghệ thuật kháng chiến và cách mạng đã có một xu hướng phê bình có quan điểm ngược lại khi đánh giá văn học nghệ thuật của hai cuộc kháng chiến, phủ nhận sạch trơn phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Chúng ta luôn tôn trọng sự đa dạng của các ý kiến, những nhận định và đánh giá khác nhau trên cơ sở khoa học vì sự phát triển của đất nước, của văn hóa văn học nghệ thuật dân tộc, nhưng chúng ta không chấp nhận những quan điểm thù địch với mục đích chính trị chống lại sự phát triển của đất nước, phát triển của văn học nghệ thuật dân tộc. Chúng ta tiến hành hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ là đúng đắn. Văn học nghệ thuật phục vụ cho hai cuộc kháng chiến ấy đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử trước dân tộc và thời đại, vậy phải được đánh giá, phải được khẳng định, phải được vinh danh cùng dân tộc.

Xu hướng phê bình phủ định văn học nghệ thuật kháng chiến và cách mạng sao không đặt mình trong tâm thế của mỗi người dân Việt Nam khi ấy? Đến một cậu bé mười tuổi Trần Đăng Khoa cổ quàng khăn đỏ cũng có suy nghĩ: "Cao hơn trang thơ hơn cả cuộc đời/ Là Tổ quốc đang một còn một mất". Vậy còn đòi hỏi gì với văn học nghệ thuật lúc này! Bên cạnh những bài thơ đánh giặc của Tố Hữu, Chế Lan Viên, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa... chúng ta vẫn có những bản "Tình ca" của Hoàng Việt, "Xa khơi" của Nguyễn Tài Tuệ; "Mẹ yêu con" của Nguyễn Văn Tý... Tất cả là một giàn đồng ca tuy nhiều giọng nhiều bè, cả anh hùng ca và tình ca, động viên toàn dân đánh giặc, và đã hoàn thành nhiệm vụ đánh giặc cùng toàn dân. Tất cả những tác phẩm ấy đã trở thành "Những bài ca đi cùng năm tháng", những bài ca bất tử cùng dân tộc. Đó là một thực tế khách quan, không thể có một xu hướng phê bình nào có thể bẻ cong, đảo ngược.

Những năm gần đây xuất hiện xu hướng hạ bệ thần tượng, giải thiêng trong văn học nghệ thuật nói chung và trong lý luận phê bình nói riêng. Chúng ta biết những người này là ai, làm việc với mục đích gì! Đứng sau họ là ai, và ai tài trợ tiền bạc cho họ. Gần đây nhất, một số người làm lý luận phê bình ủng hộ luận văn của Nhã Thuyên đã bị dư luận giới văn học nghệ thuật và những người yêu văn chương phê phán. Nếu chỉ vậy thôi thì cũng là sự bình thường trong học thuật. Nhưng có một lực lượng đứng đằng sau từ bên ngoài đã đẩy vấn đề đi xa làm rùm beng lên với mục đích ngoài văn học nghệ thuật, chúng ta cần cảnh giác.

3. Lý luận phê bình văn học nghệ thuật để làm sáng tỏ vấn đề, đi đến thống nhất ý kiến, thường đi liền với trao đổi, tranh luận, đôi khi là luận chiến. Lịch sử lý luận phê bình của văn học nghệ thuật Việt Nam đầu thế kỷ XX đã có cuộc tranh luận "Nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh" giữa nhà lý luận Hải Triều và nhà phê bình Hoài Thanh - cùng các đồng nghiệp của ông. Năm 1979-1980 có cuộc tranh luận giữa nhà lý luận phê bình Hoàng Ngọc Hiến và nhà thơ Chế Lan Viên về khái niệm "Văn học phải đạo" do nhà lý luận Hoàng Ngọc Hiến đưa ra... Và một số cuộc tranh luận khác. Kết quả các cuộc tranh luận này thì chúng ta đã rõ. Nhưng tất cả dù ai đúng ai sai, chúng ta vẫn ghi nhận những thái độ tranh luận với một văn hóa tranh luận cao, đàng hoàng, thẳng thắn vì học thuật.

Từ thời kỳ Đổi mới 1986 đến nay, cũng có mấy cuộc tranh luận văn học nghệ thuật được ghi nhận, như: Đổi mới thơ, chương trình văn học sách giáo khoa, nghệ thuật hậu hiện đại... Nội dung các cuộc tranh luận thì tất cả chúng ta đều đã biết. Kết quả các cuộc tranh luận thì không mấy rõ ràng, thường thì không ai chịu ai, do không có các nhà phê bình uy tín có tiếng nói thuyết phục... Nhưng điều mà quần chúng yêu văn học nghệ thuật chú ý nhất là thái độ tranh luận của những người tham gia phê bình. Bên cạnh một số nhà phê bình vẫn giữ được thái độ tranh luận từ tốn khoa học, thì thái độ thiếu văn hóa trong tranh luận đã xuất hiện. Có người với thái độ áp đặt. Có người lại mang tính học phiệt. Người thì kẻ cả, im lặng... Có người kéo theo cả một nhóm đàn em đánh hội đồng. Thôi thì, sư nói sư phải, vãi nói vãi hay. Cứ rối tinh rồi mù lên, buộc những người có trách nhiệm phải yêu cầu dừng tranh luận. Có thể nói là văn hóa tranh luận đã xuống cấp.

Hạn chế của phê bình văn học nghệ thuật mấy chục năm qua là không có được những nhà phê bình lớn, những Hoài Thanh của nền văn học nghệ thuật. Do vậy, sự chuyên nghiệp của lý luận phê bình xem chừng giảm sút. Nhiều nhà phê bình có kinh nghiệm lại lặng lẽ rút lui. Một số người không có tố chất phê bình hoặc không có khả năng phê bình lại xuất hiện tràn lan trên các mặt báo. Sáng tạo nghệ thuật đã khó, phê bình nghệ thuật lại càng khó hơn. Quản lý và lãnh đạo công tác lý luận phê bình văn học nghệ thuật lại càng khó hơn nữa. Đây là điều những người có trách nhiệm trước nền văn học nghệ thuật nước nhà cần thấu hiểu.

4. Từ khi đất nước mở cửa hội nhập kinh tế với thế giới, việc giao lưu văn hóa, văn học nghệ thuật cũng từng bước phát triển. Việc quảng bá văn học nghệ thuật Việt Nam ra nước ngoài của từng chuyên ngành nghệ thuật đều có sự tiến bộ rõ rệt. Nhưng riêng về lý luận phê bình văn học nghệ thuật thì có thể thấy tính thụ động khá rõ. Chúng ta chỉ có nhập mà không có xuất. Có thể thấy là "thua ngay trên sân nhà". Các nhà lý luận phê bình văn học nghệ thuật của chúng ta chấp nhận rất nhanh mọi lý thuyết, lý luận văn học nghệ thuật của Mỹ và phương Tây và áp dụng rất nhanh vào phê bình văn học nghệ thuật Việt Nam. Theo tôi, đấy là một thái độ thái quá bất ổn.

Cách đây hơn ba chục năm, nhà thơ lớn Xuân Diệu trao cho nhà thơ Phạm Tiến Duật tập tiểu thuyết của văn học cổ điển Trung Quốc "Mái Tây" (tức Tây sương ký) của Vương Thực Phủ, có lời bình của Kim Thánh Thán, do Nhượng Tống dịch, và nói rằng: "Tất cả chìa khóa của nghệ thuật phê bình đều ở đây". Điều đó chứng tỏ nhà thơ Xuân Diệu, cũng là một nhà phê bình lớn, một nhà thơ chịu ảnh hưởng rất nhiều của văn học Pháp và phương Tây, nhưng đối với lý luận phê bình văn học nghệ thuật thì ông vẫn hướng về phương Đông. Ông trăn trở tìm ra lý luận và phương pháp phê bình phương Đông, của Việt Nam và trên thực tế, những bài viết lý luận phê bình của Xuân Diệu đậm chất phê bình cổ điển của Việt Nam và phương Đông. Đó là những kiệt tác khi ông viết về "Ba thi hào dân tộc": Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, "Công việc làm thơ" viết về các nhà thơ giai đoạn chống Mỹ. Phương pháp lý luận phê bình Việt Nam và phương Đông đã cho Xuân Diệu thành công, cũng như nó đã làm nên thành công của Hoài Thanh và Hoài Chân trong "Thi nhân Việt Nam".

Còn mấy chục năm qua, bao nhiêu nhà phê bình áp dụng mọi lý thuyết, phương pháp phê bình phương Tây vận dụng vào phân tích, đánh giá phê bình văn học nghệ thuật Việt Nam, nhưng không thấy mấy kết quả. Có điều gì bất cập chăng khi áp dụng lý thuyết phê bình văn học nghệ thuật phương Tây vào lý giải đánh giá văn học nghệ thuật Việt Nam. Phải chăng đó là dùng chìa khóa khoa học tinh vi của phương Tây để mổ xẻ những tác phẩm văn học nghệ thuật tâm linh của Việt Nam, của phương Đông, có khi lại làm nát tác phẩm. Theo tôi, các nhà lý luận phê bình cần đầu tư vào việc tìm ra phương pháp lý luận phê bình mang đặc thù Việt Nam mới là điều cần thiết khi hội nhập với thế giới.

10/4/2015

Đinh Quang Tốn
.
.