Màu áo giai nhân

Thứ Bảy, 21/09/2019, 08:07
Một triết gia đã nói, “cái đẹp không ở trên má hồng người thiếu nữ mà nằm trong đáy mắt kẻ si tình”, toàn bộ những biểu hiện hình thức của người phụ nữ có thể nằm lại trong ký ức hay cảm nhận của người đàn ông. Tôi đã từng có những tiểu luận về các bộ phận trên cơ thể, về mùi hương của người phụ nữ...; nên lần này, xin được bàn về màu áo của các giai nhân.


1. Nhắc đến màu áo của giai nhân là nói đến sự chiêm ngưỡng, ngắm nhìn. Trong sự xúc động của người đàn ông, đôi khi chàng trai chưa định hình nổi về màu áo ấy bởi sự xuất hiện của người mình yêu đã làm choáng ngợp tất cả không gian. Và chàng chỉ kịp gọi tên đó là “màu áo mới”: “Mùa xuân vừa đến, hoa về trên những bàn tay. Và em vừa đến, thay màu áo mới vì anh. Nguyện cho ngày tháng, êm đềm hơn những sớm mai. Những nhọc nhằn chóng quên, nơi cuối đường có em, riêng chờ đợi anh” (Chân tình - Nhạc và lời: Trần Lê Quỳnh).

Khi người đàn ông bình tĩnh hơn trong cảm xúc, có sự quan sát từ xa tới gần hoặc khi đang là một nỗi nhớ nhung, tưởng tượng, màu áo ấy sẽ hiện rõ hình hài với muôn vàn cung bậc. Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn là người đã viết nên rất nhiều tình khúc về mùa thu, trong đó, màu áo xanh trở đi trở lại trong các bài hát của ông như một ám ảnh đặc biệt: “Với bao tà áo xanh đây mùa thu/ Hoa lá tàn, hàng cây đứng hững hờ” (Gửi gió cho mây ngàn bay), “Em còn nhớ anh nói rằng/ Khi nào em đến với anh/ Xin đừng quên chiếc áo xanh/ Em ơi, có đâu ngờ đến rằng/ Có màu nào không phai/ Như màu xanh ái ân” (Tà áo xanh).

Màu xanh ấy, từ chỗ là màu áo của thiên nhiên, màu áo của con người, rồi đến màu xanh của ân ái tàn phai, dường như đã đi hết một hành trình - tâm trạng - cảm xúc của người nghệ sĩ. Màu áo xanh còn xuất hiện trong những nhạc phẩm nổi tiếng, và nó được gọi tên theo một cách khác: “Màu áo thiên thanh thơ ngây ngày nào/ Chìm khuất trong mưa, mưa bay dạt dào/ Đọc lá thư xưa một trời luyến tiếc/ Nhớ môi em và màu mắc biếc...” (Lệ đá - Nhạc: Trần Trịnh, thơ: Hà Huyền Chi).

Gần gũi với màu áo xanh là màu áo tím. Tà áo tím ở người con gái thường gợi lên sự thơ ngây, tươi trẻ, nhưng hơn thế nữa là một cảm giác về lòng chung thủy. Đi vào thi ca, nổi tiếng nhất phải kể đến thi phẩm “Hoa trắng thôi cài trên áo tím” của nhà thơ Kiên Giang, viết từ năm 1958, về sau được nhạc sĩ Huỳnh Anh phổ nhạc thành ca khúc cùng tên, góp phần chắp cánh và tạo thêm một đời sống nữa cho thi phẩm. Màu áo tím trong bài thơ của Kiên Giang cũng đi trong một hành trình của nó, từ thuở còn là một nữ sinh e ấp, cho đến lúc nàng lên xe hoa, rồi đến khi nàng từ giã cuộc đời.

Tà áo trắng nữ sinh gợi biết bao cảm hứng trong sáng tạo văn chương và hội họa.

Trái tim người trai cũng theo đó mà trải qua bao cung bậc, từ hồi hộp nhớ nhung, rồi buồn bã xót xa và cuối cùng là đớn đau tan nát: “Hoa trắng cài duyên trên áo tím/ Em còn nguyên vẹn tuổi băng trinh (...) Rộn rã từng hồi chuông xóm đạo/ Khi nàng áo tím bước vu quy (...) Hoa trắng thôi cài trên áo tím/ Mà cài trên nắp áo quan tài... Xe tang đã khuất nẻo đời/ Chuông nhà thờ khóc đưa người ngàn thu...”.

2. Sự trong trắng thơ ngây của người con gái còn gắn với màu áo trắng, và gam màu này có lẽ mang tính điển mẫu cao nhất của một thời thiếu nữ. Bắt đầu là những màu áo trắng của nữ sinh thuở học trò: “Thướt tha áo trắng nói cười/ Để ta thương nhớ một thời áo nâu/ Tóc hoe hoe chát trên đầu/ Ta cùng bạn gái cưỡi trâu học bài/ Áo trắng là áo trắng ai/ Buồn phơ phất buổi ban mai đến trường/ Long lanh ngọn cỏ hạt sương/ Song song chân đất con đường xa xa” (Áo trắng má hồng - Nguyễn Duy). Rồi đến lúc bước vào tình yêu, màu áo trắng ấy có thể là một đắm chìm mênh mang: “Anh về giữa một dòng sông trắng/ Là áo sương mù hay áo em” (Nguyên Sa), lại có thể là một hạnh phúc nhạt nhòa, ngoài tầm tay với: “Mơ khách đường xa, khách đường xa/ Áo em trắng quá nhìn không ra/ Ở đây sương khói mờ nhân ảnh/ Ai biết tình ai có đậm đà” (Đây thôn Vỹ Dạ - Hàn Mặc Tử).

Khi người con gái bước chân lên xe hoa, màu áo trắng thơ ngây ngày nào rất có thể được thay bằng màu áo hồng. Màu áo hồng ấy có khi là một sự giả định: “Anh ngủ thêm đi anh/ Em phải dậy lấy chồng/ Mùa thu vừa rụng lá/ Lòng em đã sang đông (...)Nhưng anh đã không thể/ Mạnh mẽ để làm chồng/ Cởi áo mà không dám/ Mặc cho em váy hồng” (Nồng Nàn Phố). Và màu áo hồng ấy cũng có lúc là một hiện thực đầy ly biệt: “Buồn vương màu áo hồng/ Nước mắt theo em đi về với chồng/ Giá băng cơn mộng/ Một mình anh bước đi âm thầm” (Buồn vương màu áo - Nhạc và lời: Ngọc Trọng).

3. Màu áo của người con gái có khi mang những gam nóng, thật rực rỡ mãnh liệt như thiêu đốt hết bao ánh nhìn: “Áo đỏ em đi giữa phố đông/ Cây xanh như cũng ánh theo hồng/ Em đi lửa cháy trong bao mắt/ Anh đứng thành tro em biết không?” (Áo đỏ - Vũ Quần Phương). Cũng rực rỡ nhưng theo một cách khác là màu áo vàng: “Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc” (Nguyên Sa), “Thì thôi chào em biết làm sao được/ Áo vàng ráng mây tím chiều biển biếc/ Đuôi mắt em dài đâu để cầm tay/ Tiễn bạn qua đèo khúc hát dễ mê say” (Đà Nẵng - Nguyễn Hùng Vỹ).

Và cũng có lúc, trong thi ca, tôi bắt gặp một màu áo ảm đạm, bi ai, buồn thương của người con gái. Đó là màu áo đen người thiếu phụ trong bài thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ: “Nàng choàng chi màu đêm/ Bộ áo đen như chiếc quan tài/ Khâm liệm bao lỗi lầm vương vãi/ Chẳng thể chôn những ảnh hình tan hiện...”. Phần cuối bài thơ, tác giả cố gắng đưa nhân vật của mình thoát ra khỏi vũng lầy bi kịch ấy: “Nhưng nàng ơi, cuộc đời không phải thế/ Mình tự chôn mình, ngu ngốc làm sao/ Hãy ngước nhìn trời cao sẽ thấy/ Xuân còn đầy, run rẩy, nôn nao...” (Người đàn bà).

4. Tuy tiểu luận này chú trọng về màu áo, nhưng tôi thấy sẽ thật thiếu sót nếu bỏ qua thi phẩm hết sức độc đáo của Bùi Giáng mang tên “Người con gái mặc quần”. Ở trong bài thơ, ta sẽ bắt gặp đủ các sắc màu thuộc xiêm y người phụ nữ, từ đỏ đến đen, từ trắng đến hồng, từ vàng đến tím. Nhưng cao hơn hết, tất cả các màu sắc ấy phải nhường chỗ cho sắc màu thanh cao, tinh khiết trong tâm hồn người con gái. Tâm hồn ấy, nhất định không một gam màu nào so sánh nổi: “Người con gái hôm nay mặc quần đỏ/ Vì hôm qua đã mặc chiếc quần đen/ Đen và đỏ là hai màu rồi đó/ Cũng như đời, đường hai nẻo xuống lên/ Người con gái hôm nay mặc quần trắng/ Vì hôm qua đã mặc chiếc quần hồng/ Hồng và trắng là hai màu bẽn lẽn/ Cũng như núi và rừng đều rất mực chênh vênh/ Người con gái hôm nay mặc quần tím/ Vì hôm qua đã mặc chiếc quần vàng/ Vàng và tím là hai màu mỉm miệng/ Mím môi cười và chúm chím nhe răng/ Người con gái hôm nay mặc quần rách/ Vì hôm qua đã mặc chiếc quần lành/ Lành và rách đều vô cùng trong sạch/ Bởi vì là lành rách cũng long lanh”.

5. Từ ý thơ của Bùi Giáng tiên sinh, tôi chợt ngộ ra rằng, xiêm y suy cho cùng chỉ là vật ngoại thân, góp phần tô điểm cho vẻ đẹp người phụ nữ. Bản thân cơ thể người phụ nữ đã là kiệt tác mà Tạo hóa ban tặng. Chính là khi thoát khỏi xiêm y, kiệt tác ấy mới bừng nở hết độ rực rỡ, tràn đầy và viên mãn của nó. Thế nên không phải ngẫu nhiên mà thi ca kim cổ từ Đông sang Tây đã có biết bao danh tác miêu tả và ngợi ca vẻ đẹp của người phụ nữ khi không cần xiêm áo. Trong văn học của ta, ngay từ nửa cuối thế kỷ 18, nửa đầu thế kỷ 19, đại thi hào Nguyễn Du trong "Truyện Kiều" đã không hề ngần ngại khi hạ hai câu lục bát thần sầu: “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”.

Thi ca lãng mạn của người Việt từ nửa đầu thế kỷ XX trở đi có thêm vô vàn những câu ca ngợi thân thể của người phụ nữ nữa, nhưng lúc này tôi lại muốn dẫn ra đây những câu văn xuôi trong tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh. Vẻ đẹp của người phụ nữ ở đây đã vượt lên trên bom đạn chiến tranh, vượt lên cả cái chết, vượt lên mọi hiểm nguy và đe dọa: “Bên trái lùm cây, cách chỗ Kiên không đầy chục bước, trên mỏm đá đen bóng như sơn mài, nổi nhô lên mặt nước sát ngay bờ, Phương của anh hoàn toàn khỏa thân, đang tắm.

Và mặc dù đang quỳ, vóc dáng trắng muốt của Phương vẫn lồ lộ, bởi vì đằng trước thì thông thống mặt đầm trải rộng, còn sau lưng chỉ là một bờ cỏ thâm thấp với vài lùm cây thưa thớt mọc làm vì. Phương ngước nhìn máy bay, nhìn trận mưa bom những cột lửa và những cồn khói sánh đặc, bốc dựng lên, song hầu như chẳng mảy may hoảng sợ...”.

Đã có một thời, không chỉ ở phương Đông mà ngay cả phương Tây, người ta cấm đoán việc miêu tả vẻ đẹp khỏa thân của người phụ nữ. Người ta coi đó là việc làm chống lại Thượng đế, chống lại con người, là  phạm trọng tội. Nhưng như những câu bất hủ mà văn tài Samuel Edwards đã viết trong kiệt tác “Bức họa Maja khỏa thân”, vẻ đẹp cơ thể của người phụ nữ mãi mãi là một tượng đài để nhân loại tôn vinh đến muôn đời. Nhân vật chính của thiên tiểu thuyết, họa sĩ thiên tài Goya, đã dõng dạc trả lời trước tòa án giáo hội Tây Ban Nha: “Thân thể trần truồng của đàn bà là tác phẩm tuyệt mỹ của Tạo hóa, còn ý thức về sự tà dâm, trần truồng ấy là sản phẩm của bản chất gian manh”.

Đỗ Anh Vũ
.
.