Mạnh hơn lý thuyết

Thứ Bảy, 23/06/2007, 14:00

Nguyễn Đăng Mạnh rất tâm đắc với một ý của Hoài Thanh, rằng mỗi người có một cái “tạng” riêng và “chỉ nên sống và viết theo cái “tạng” của mình”. Phải chăng, đi vào phân tích, thẩm thấu từng câu thơ cụ thể chưa hẳn là thế mạnh của nhà nghiên cứu, phê bình Nguyễn Đăng Mạnh?

Như tác giả tâm sự ở bìa cuối của sách: “Làm nghiên cứu, phê bình văn học, tôi thích “húc” vào những hiện tượng phức tạp và chỉ đánh giá cao những nhà văn thật sự có tư tưởng, thật sự có cá tính và phong cách”, trong cuốn sách dày dặn này (NXB Văn học ấn hành năm 2006), Nguyễn Đăng Mạnh đã chọn đối tượng nghiên cứu là 22 nhà văn có thực tài, tác phẩm đã được thời gian khẳng định, trong đó có những nhân vật ông trở đi trở lại nhiều lần như Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng…

Cuốn sách không một dòng đề tên thể loại, song thực chất có bài là phê bình tác phẩm; có bài là bút ký dựng chân dung; có bài tác giả trình bày lớp lang trình tự “một là, hai là…” theo kiểu ông giáo soạn bài, ngược lại, có những bài tác giả tỏ ra rất hoạt bút, tài hoa và dí dỏm.

Cách dựng chân dung văn học của Nguyễn Đăng Mạnh là từ những cuộc gặp gỡ, đối thoại với tác giả, ông rút ra một số nét đặc trưng cơ bản trong tính cách của họ, từ đó ông rọi chiếu trở lại những trang viết và có những phát hiện thú vị.

Với Chế Lan Viên, ông nhận định “trong khi biện luận Chế Lan Viên hay dùng hình ảnh ví von so sánh để minh họa lý lẽ của mình. Hình ảnh để nói lý, để diễn ý, chứ không phải hình ảnh để biểu cảm, để nói tình” và “Văn hay thơ Chế Lan Viên cũng vậy, từ trang này đến trang khác, như ném ra liên tiếp những lý lẽ sắc sảo. Phải lấy lý mà át đối phương…”. Đặc điểm này của Chế Lan Viên gần như đối lập với Hoài Thanh: “Sống và làm việc bằng tình cảm, nên Hoài Thanh ít nói lý, không thích nói lý. Chẳng hạn, hỏi về kinh nghiệm thẩm thơ, bình thơ, ông nói: Muốn phân biệt thơ hay thơ dở, chỉ có đọc nhiều. Ăn phở mãi thì biết thế nào là phở ngon. Cứ phân chất, định nghĩa phở ngon là gì chỉ vô ích”.

Nguyễn Đăng Mạnh không chỉ đọc nhiều, ông rất chịu khó quan sát những chi tiết trong cuộc sống đời thường của các nhà văn. Cách nhìn của ông vừa hóm hỉnh, vừa đôn hậu nên ông đã vẽ ra cái “thần” rất đáng yêu, rất nghệ sĩ của họ. Hãy xem ông “vẽ” chân dung Nguyên Hồng khi “bị” ông phỏng vấn: “Ông ngồi thu mình lại, đầu hơi ngả về một bên, hai bàn tay úp lên nhau đặt vào lòng, y như là người bị thẩm vấn về chuyện gì đó, sau khi trả lời trót lọt được một câu, lại lo lắng ngồi đợi một câu hỏi khác”.

Và đây là nét ký họa của ông về Nguyễn Đình Thi “ở hai tư thế khác nhau”: “Một là ngồi một mình, im lặng, đầu cúi thấp để cho mái tóc vẫn còn dày và đen rủ xuống trán, vẻ sầu muộn, dường như nhẫn nhục, chịu đựng một cái gì. Nhẫn nhục mà kiêu hãnh: Đời nó thế, biết làm sao được, đành phải chấp nhận nó vậy. Hai là xuất hiện trên diễn đàn. ở vị trí này là một Nguyễn Đình Thi khác hẳn: Sôi nổi, hùng biện, tâm sự thống thiết như muốn phơi bày tất cả gan ruột”.

Là nhà phê bình có uy tín, Nguyễn Đăng Mạnh có điều kiện tiếp xúc với nhiều nhà văn, nhà thơ lớn, trong đó một số người đến nay đã mất. Những bài viết của ông, vì thế đã lưu được những góc khuất trong đời thực nhà văn mà bạn đọc ít được biết (và chắc hẳn cũng không ngờ tới). Đây, nỗi khao khát trao đổi văn chương của nhà phê bình Hoài Thanh những ngày ông ốm nằm viện: “Hồi tôi (đây là lời kể của Hoài Thanh) nằm ở Bệnh viện Thống Nhất thèm nói chuyện văn chương mà không biết nói với ai. Dò trong danh sách bệnh nhân, tôi thấy có một giáo viên có bằng cử nhân văn chương hẳn hoi. Mừng quá, bèn tìm đến nói chuyện. Nói một lúc, thấy anh ta lơ đãng, không muốn bắt chuyện. Buồn quá, đành trở về giường nằm”.

Đây, sự nghiêm khắc với nghề của Nguyễn Tuân: “Nhiều nhà văn, khi làm tuyển tập, có tâm lý càng được tuyển nhiều càng tốt. Nguyễn Tuân không thế. Ông không hề ép phải tuyển cho ông nhiều, trái lại, có những trường hợp, cứ nhất định đòi phải bỏ bớt đi”. Và Nguyễn Đăng Mạnh lấy ví dụ: Bài Nguyễn Tuân viết về Đốtxtôiépxki “tuy là bài được nhiều người thích, ông đòi bỏ đi với lý do viết chưa thật nghiêm túc, vì lúc viết, ông chưa đọc được nhiều bài nghiên cứu về Đốt mà ông biết là phong phú”. Đó quả là những chi tiết “đắt”, cho ta thấy cốt cách của một nhà văn lớn. Nói chung, đọc chân dung văn học của Nguyễn Đăng Mạnh, ta thấy yêu hơn các đối tượng mà ông nghiên cứu, tìm hiểu. Đó cũng chính là một đóng góp đáng quý của ông.

Nguyễn Đăng Mạnh tỏ ra chắc chắn, thuyết phục khi đi vào phân tích các tác giả văn xuôi. Với thơ, ông cũng có những nhận định mang tính phát hiện, song đi vào một số câu chữ cụ thể, có chỗ ông cảm nhận chưa đúng, từ đó dẫn tới những khái quát chưa thuyết phục. Như khi ông trích dẫn mấy câu thơ của Chế lan Viên: “Lũ chúng tôi ngủ trong giường chiếu hẹp (đúng ra là Lũ chúng ta - NV)/ Giấc mơ con đè nát cuộc đời con/ Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp/ Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn”. Với những câu thơ đầy ngậm ngùi, ân hận này mà Nguyễn Đăng Mạnh lại đọc ra là “Giọng thơ đay nghiến, chì chiết, thậm chí ngoa ngoắt” thì chưa chính xác.

Nguyễn Đăng Mạnh rất tâm đắc với một ý của Hoài Thanh, rằng mỗi người có một cái “tạng” riêng và “chỉ nên sống và viết theo cái “tạng” của mình”. Phải chăng, đi vào phân tích, thẩm thấu từng câu thơ cụ thể chưa hẳn là thế mạnh của nhà nghiên cứu, phê bình Nguyễn Đăng Mạnh?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa (Trưởng ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam): “Nguyễn Đăng Mạnh bàn về văn xuôi khá hơn thơ”

Ở ta, trước nay đã xuất hiện những cuốn sách tác giả đề ngoài là “chân dung văn học”. Gọi là chân dung văn học cũng được, nhưng đó chủ yếu vẫn là những mẩu chuyện về các nhà văn mà kỷ niệm là chính.

Theo tôi, chân dung văn học là một thể loại đặc biệt, nó phải vừa là ký, phỏng vấn, phải vừa là phê bình nhận định. Phê bình nhận định không phải ai cũng làm được. Nguyễn Đăng Mạnh là người có “chất” này. Ông có khả năng thẩm văn học, mà như Xuân Diệu nói “đấy là người có con mắt xanh”. Ông hiểu văn. Ông có cách nhìn khá sắc sảo.

Thêm cái thứ ba: Ông có tài để tải ý tưởng ra chữ. Trong giới nghiên cứu phê bình Việt Nam, có người nói lý luận chung chung thì nghe được, chạm vào tác phẩm cụ thể thì mới thấy anh chẳng hiểu gì. Đây là tình trạng phổ biến. Nó khiến các nhà văn không phục. Cá nhân tôi, tôi thích cách phê bình của các nhà văn, vì họ hiểu văn, dù trong lập luận của họ đây đó còn sơ hở.

Với các nhà phê bình thuần túy, tôi đặc biệt quý Hoài Thanh, Nguyễn Đăng Mạnh và Lê Ngọc Trà. Có những nhà phê bình lập thuyết thì giỏi, nhưng triển khai kém. Ông Mạnh triển khai, diễn giải rất giỏi.

Tuy nhiên, đằng thẳng mà nói, Nguyễn Đăng Mạnh bàn về văn xuôi khá hơn thơ. Những bài về thơ ít có sức thuyết phục, kể cả bài viết về Hoàng Cầm. Có nhiều người nghiên cứu về Nguyễn Tuân, nhưng những trang viết của Nguyễn Đăng Mạnh vẫn trội hơn cả. Khi ông nhìn nhà văn bằng con mắt ngang bằng thì ý kiến của ông đáng chú ý. Tuy nhiên, ông nói “Nguyễn Tuân là một hiện tượng phức tạp”, tôi thì tôi lại cho rằng, Nguyễn Tuân chẳng bao giờ là một hiện tượng phức tạp cả.

Còn bài Nguyễn Đăng Mạnh viết về Vũ Trọng Phụng thì tôi không thích. Tôi để bài này “ra ngoài”. Trước đây, trong tập “Nhà văn, tư tưởng và phong cách” được giải thưởng, ông “đánh” Vũ Trọng Phụng, bây giờ ông lại khen. Tôi xin phép không bình luận về những bài như thế.

Nhà nghiên cứu, phê bình văn học Trần Đình Sử (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội): “Ông Mạnh có cách cảm nhận theo lối nhà văn

Tôi rất phục ông Mạnh ở chỗ ông dám đi vào những hiện tượng hóc búa, khó giải thích, như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân. Công phu tìm kiếm tư liệu của ông thật đáng nể trọng. Có thể nói, đó là con người “mài đũng quần” ở trong thư viện, lục hết các loại báo chí để phục vụ công tác khảo cứu.

Tuy nhiên, cuốn “Nhà văn Việt Nam hiện đại- chân dung và phong cách” là chân dung văn học hơn là phê bình. Từ xưa, ông Mạnh đã có những bài đại luận về các tác giả lớn. Tập chân dung này đa phần là những nét chấm phá. Ông Mạnh có cách cảm nhận theo lối nhà văn, có cách diễn đạt hóm hỉnh, gần với nhà văn. Chỉ cần vài chữ là ông ấy có thể “gảy” ra một nét tính cách của ai đó. Chúng tôi tôn trọng cách làm này, mặc dù chúng tôi phê bình thiên nhiều về khoa học. Với một tác giả, bọn tôi phải bày đặt mâm bát, nghiên cứu kỹ lưỡng.

Đối tượng nghiên cứu, phê bình của Nguyễn Đăng Mạnh bao gồm các nhà văn và nhà thơ. Nhưng ông viết về văn xuôi mạnh hơn. Mặc dù Xuân Diệu có khen ông là “có con mắt xanh”, song viết về thơ, ông không sắc sảo lắm đâu. Như đi vào Xuân Diệu là “kẹt”. Âu đó cũng là chuyện bình thường. Nhân vô thập toàn mà.

Nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa (Báo Nhân dân): “Ông kết hợp được trong mình trực giác mạnh và tư duy lý tính”.

Theo tôi, để đến với một tác phẩm cụ thể, nhà nghiên cứu, phê bình văn học đích thực cần đi 2 bước: Bước thứ nhất là phải thâm nhập vào tác phẩm một cách cảm tính. Bước thứ hai: Phân tích tác phẩm một cách lý tính. Chị Thiếu Mai có một cái tên sách tôi cho là rất hay: “Hái giữa đôi bờ”, một bờ là khoa học, một bờ là nghệ thuật.

Nguyễn Đăng Mạnh là người làm được điều này. Ông kết hợp được trong mình trực giác mạnh và tư duy lý tính. Ông nhập thân được vào tác phẩm và khảo sát như một nhà khoa học. Có người chỉ khảo sát tác giả trên văn bản, còn ông Mạnh lại thích đi tìm những yếu tố khách quan dẫn đến sự hình thành phong cách nhà văn.

Nói vậy để hiểu tại sao ông năng đi sâu nghiên cứu đời tư của các tác giả. Và các nhà văn được ông viết đều thích ông. Khác với nhiều nhà nghiên cứu, ông Mạnh không “nhai lại” những luận điểm quen thuộc mà hay có những suy ngẫm, phát hiện riêng. Trong giới khoa học xã hội và nhân văn, những người như ông- tự xác lập nên những khái niệm cho mình- rất ít

Phạm Khải
.
.