Linh vật
Cổng vào đền Kim Sơn có tượng voi chầu hai bên đã hơn một trăm năm vẫn trung thành vị trí.
Một rừng cây ôm quanh khu đền. Buổi hoàng hôn từ cánh đồng từng đàn cò trắng bay về trú ngụ. Cửa đền quanh năm đóng kín. Không có ông từ giữ đền. Chống mê tín dị đoan, con người thống soái duy ý chí. Đền thờ dần dần cách biệt với dân. Cỏ cây rậm rạp che lấp cả đường vào.
Mẹ tôi nhớ một thuở dân làng đến tế lễ rất tôn nghiêm. Nơi tinh thần người dân được nương tựa, được chở che. Cố nội tôi cùng các vị khoa bảng trong làng cũng đã để tâm tôn tạo di tích và dâng lên câu đối. Trước cổng đền, hai bên cột nanh còn lưu lại những dòng ẩn chứa tâm nguyện của bậc tiền bối:
Kê Sơn ngật lập cương thường trụ / Lý đại trường lưu đái lệ thư.
Nhà nghiên cứu sử học Minh Thiên dịch nghĩa: Núi Mồng Gà tự đứng cao (duy trì) đạo lý trụ vững / Đời nhà Lý được ghi chép trong sử sách lưu truyền.
Ngôi đền theo kiến trúc thời Lý. Hoa văn chạm trổ cũng mang tư tưởng và quy định của một thời thể hiện nét tài hoa của nghệ nhân. Các linh vật được thờ trong đền, tôi còn nhớ có cả hạt lúa to bằng chiếc trống. Phải chăng, con người tỏ lòng biết ơn ngọc thực cũng như thế giới tự nhiên luôn ở quanh mình.
Biết bao thế hệ đã sinh ra. Ngôi đền cũng được sinh ra từ lòng dân, lòng biết ơn người anh hùng dân tộc. Và ngôi đền được nhiều đời trùng tu, tôn tạo vững chãi trên nền đất cũ.
Thế kỷ 21 là thế kỷ tâm linh. Giáo sư Hoàng Phương trong công trình về tích hợp văn hóa Đông Tây đã viết như thế vào những năm cuối thế kỷ 20.
Từ lâu con người đã nhìn và nghe ở ngoài thế giới. Giáo lý đạo Phật lại dạy ta nhìn và nghe trong bản thể mình để tìm lại cái tâm nguyên sơ, trong trẻo, rộng lớn, bản chất người đã bị che khuất trong quá trình cuộc sống.
Ngôi đền cũng là nơi con người tìm cái tâm che khuất của mình.
Từ xưa, ý tưởng lập đền chắc phải là người có học, các vị Nho học đề xướng. Họ là tinh hoa của mọi thời đại, biết lập nên các giá trị văn hóa tâm linh.
Đền Kim Sơn vẫn còn đó hai tượng voi chầu hơn một trăm năm được truyền là cố nội tôi cung tiến. Trong tâm thức tôi, thời gian như một dòng chảy không ngừng, mỗi thế hệ là một sự nhô lên vượt thoát như trong truyện cổ tích Cá vượt Vũ Môn.
Tôi nhìn lên ngôi mộ cố nội trên núi Kê Quan, bỗng nhớ người đã từng làm Huấn đạo bốn huyện tỉnh nhà dưới triều vua Tự Đức. Đã trên một thế kỷ trôi qua, ngờ đâu tôi từ Bắc lại trở về quê hương đi trên con đường cố nội đã đi qua.
Từ mái Kê Quan nhìn sang, anh linh cố nội tôi vẫn hướng về hai tượng voi chầu trước đền Kim Sơn, di vật để lại phụng sự vị anh hùng dân tộc, tương truyền nơi giọt máu của Người nhỏ xuống khi trên mình ngựa đuổi giặc ngoại xâm.
Rồi một đêm trời đổ giông sấm sét. Những tiếng nổ dữ dội trên những ngọn cây cao trong khu đền. Ánh chớp nhoáng nhoàng soi rõ từng lá cây ngọn cỏ cũng là lúc đột nhiên hai tượng voi từ từ đứng dậy bước ra khỏi bệ đá. Rừng cây rạp xuống lại đứng lên vật lộn dưới trời đêm. Từ đâu những binh sĩ mang theo khí giới cưỡi ngựa tía, ngựa bạch, ngựa huyền ào ào phi về bên chân voi chờ lệnh. Hai con voi bỗng lớn cao trong chốc lát từ màu đen chuyển sang óng ánh vàng. Tất cả vây quanh hai con voi chủ soái thành một rừng người-voi-ngựa chuyển động ra khỏi sân đền. Tôi nhìn theo đoàn quân cho đến khi khuất sau dãy núi phía Tây Bắc bỗng nghe tiếng pháo hiệu rất lớn đánh thức tôi tỉnh dậy.
Từ bên mái Kê Quan, anh linh cố nội tôi cũng đang hướng về đền Kim Sơn, hướng về hai tượng voi chầu và đọc lại những câu đối ngày xưa.