Lê Cảnh Nhạc - nhà thơ của những nhạc phẩm

Thứ Tư, 04/02/2015, 08:00
Nhân dịp nhà thơ Lê Cảnh Nhạc được tặng thưởng giải A, Giải thưởng 5 năm Văn học nghệ thuật và báo chí của Bộ Quốc phòng, phóng viên Văn nghệ Công an đã có cuộc trò chuyện cùng nhà thơ Lê Cảnh Nhạc.

 -  Thưa nhà thơ Lê Cảnh Nhạc, có thể nói ông là một trong số ít nhà thơ có số lượng thơ phổ nhạc và đoạt giải thưởng nhiều nhất hiện nay, ông có thể cho biết những bài thơ đó tự các nhạc sĩ đọc, đồng cảm rồi phổ nhạc hay các nhạc sĩ đặt hàng cho ông viết phần lời cho các ca khúc.

+ Nói "đặt hàng" nghe có vẻ thương mại và to tát quá. Mà nghệ thuật thì phải được thăng hoa từ cảm xúc thực sự. Tôi may mắn có được sự gắn bó với các nhạc sĩ trong phối hợp sáng tác các ca khúc. Có thể nói, đây là những giao cảm đầy duyên nợ. Nhiều nhạc sĩ đọc thơ và cảm nhận sự đồng điệu đã phổ nhạc, nhưng cũng có những bài hát rất thành công khi nhạc sĩ đề nghị tôi viết lời cho các ca khúc và cùng phối hợp ngay từ đầu để cho ra đời những ca khúc hoặc hợp xướng có chất lượng.

Cách đây gần 20 năm, Bộ trưởng Trần Thị Thanh Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam khi đó có gặp nhạc sĩ Phạm Tuyên, nhạc sĩ Lê Mây, nhà thơ Phùng Ngọc Hùng và tôi đề nghị các nhạc sĩ và các nhà thơ cùng phối hợp sáng tác ca khúc về đề tài bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Sáng hôm sau trên đường đưa con đi học, những ý thơ cứ lởn vởn trong đầu, tôi dừng xe dọc đường ghi lại, sau đó đến cơ quan viết nốt những câu cuối cùng của bài thơ "Xin làm hạt phù sa". Tôi đọc cho nhạc sĩ Lê Mây nghe qua điện thoại. Ông nói, cầm bài thơ đến cho ông ngay. Suốt đêm qua, ông thao thức với những giai điệu mà vẫn chưa ra được ngôn từ cho ca khúc mới. Tôi đến, ông kéo tôi ra quán bia gần nhà. Hai cốc bia rót ra, ông hầu như không để ý mà cứ bị cuốn vào khuông nhạc kẻ tay trên trang giấy chép bài thơ tôi vừa viết. Tôi ngồi lặng yên để ông viết. Sau khi tôi một mình nhâm nhi cạn hai cốc bia, ông chợt ngẩng lên nhìn tôi đầy mãn nguyện, buông hai tiếng: "xong rồi". Bài hát "Xin làm hạt phù sa" của tôi và nhạc sĩ Lê Mây ra đời từ đó, được lấy làm nhạc phim và trở thành một trong những ca khúc rất được quan tâm về trách nhiệm của xã hội đối với bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Sau này, nhạc sĩ Lê Mây và tôi có thêm nhiều "đứa con chung" khá thành công nữa như: "Đêm Phiêng Lơi", "Bão giông lòng mẹ", "Sắc xuân Long Biên"... Và kỷ niệm đầu tiên thật khó quên.

Các nhạc sĩ Thuận Yến, Văn Dung, Quốc Nam, Trương Ngọc Ninh, Đỗ Bảo, Nguyễn Thụy Kha, Huy Cường, Đặng An Nguyên, Doãn Nguyên, Xuân Tiến, Vũ Văn Viết, Tuấn Phương, Hồ Hữu Thới, Phạm Minh Thuận... là những nhạc sĩ mà tôi đã có nhiều duyên nợ trong phổ thơ tôi hoặc phối hợp với tôi sáng tác các ca khúc. Nhạc sĩ Quốc Nam là người viết rất thành công nhiều ca khúc mang âm hưởng dân ca. Một lần ông gọi điện đề nghị tôi email gửi cho ông một số bài thơ tâm đắc viết về quê hương để ông phổ nhạc. Tôi email một chùm. Trong thời gian ngắn, 3 ca khúc mới đã ra đời: "Tượng đài mẫu tử", "Thảng thốt", "Non nước Thiên Cầm", rồi tiếp đó là "Con đường châm cứu Việt" và mới đây nhất là "Đôi bờ ví giặm", nhân sự kiện UNESCO chính thức công nhận dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh, Hiệu trưởng Trường Đại học VHNT Quân đội là nhạc sĩ gắn bó nhất với tôi trong việc phối hợp sáng tác các ca khúc, các hợp xướng. Hầu hết các ca khúc, hợp xướng mà tôi và nhạc sĩ Đức Trịnh phối hợp sáng tác đều có sự thống nhất từ đầu về nội dung, chủ đề và phân công người viết lời, người viết nhạc. Chúng tôi có sự bắt gặp hết sức đồng điệu, ăn ý và hiệu quả. 

 - Với một nhà thơ thì điều gì là thuận lợi nhất, điều gì khó khăn nhất khi viết phần lời cho các ca khúc, thưa ông? Và ông có hoàn toàn hài lòng với những bài hát được phổ từ thơ của mình.

+ Với những bài thơ sau khi ra đời được lọt vào mắt xanh của các nhạc sĩ để phổ nhạc, thì đó là kết quả của xúc cảm, ngẫu hứng hay tiếng lòng nhà thơ bật lên trong bối cảnh nào đó mà bản thân nhà thơ cảm nhận, chiêm nghiệm, trải lòng với cuộc sống. Còn khi viết lời cho một ca khúc được xác định trước về nội dung, chủ đề thì phải có giao cảm giữa nhà thơ và nhạc sĩ. Hai tác giả phải rất hiểu nhau, đồng điệu với nhau để ngay khi viết ca từ, nhà thơ có ý thức xây dựng cấu tứ, tiết tấu thơ, làm sao để nhạc sĩ bắt được hồn cốt của thơ, đưa ca từ vào giai điệu, cung bậc chủ đạo, vừa toát lên được nội dung chủ đề vừa đáp ứng định hướng âm hưởng hào sảng hay trữ tình, hùng hồn hay lãng mạn, trầm lắng, xúc động hay dư vang, thiết tha…

Quả thật là không phải ca khúc nào phổ thơ cũng hoàn hảo để tác giả thơ thực sự hài lòng. Điều này còn tùy thuộc vào tài năng của nhạc sĩ nữa. Một ca khúc phổ thơ thành công thì nhạc sẽ nâng cánh cho thơ và ngược lại, thơ trở thành hồn cốt của nhạc, là con thuyền chở giai điệu âm nhạc đến với người nghe. Ca khúc phổ nhạc không thành công thì chỉ là "hát thơ", dìm thơ xuống chứ không phải đẩy thơ lên. Các nhạc sĩ có tài năng thì sự phối hợp giữa thơ và nhạc là điều tuyệt vời. Riêng đối với nhạc sĩ Đức Trịnh, chưa bao giờ tôi cảm thấy bị hẫng hụt khi nghe các ca khúc phối hợp với mình sáng tác.

Tôi rất cảm ơn nhạc sĩ Đức Trịnh đã luôn đồng điệu, giao cảm và tin tưởng khi chọn tôi làm người viết lời cho nhiều ca khúc có ý nghĩa quan trọng. Chính ông đã kích hoạt những tứ thơ và giúp tôi thăng hoa. Mỗi khi ông gọi điện đề nghị tôi viết lời cho một ca khúc nào đó, niềm hứng khởi đến với tôi rất nhanh và hình như tiềm thức trong tôi được đánh thức với cảm xúc và trách nhiệm cao độ. Tôi viết rất nhanh. Chưa có lần nào tôi "nợ" ông phần ca từ quá hai ngày. Và ông cũng viết rất nhanh. Quả đúng là phản xạ của tài năng âm nhạc khi nắm bắt được "hồn vía" của thơ…

Bao giờ cũng vậy, bản thu thử đầu tiên ông gửi email cho tôi nghe, và khi cần thêm bớt một vài từ nào đó cho hợp với cung bậc hay cao trào âm nhạc, ông trao đổi với tôi để chọn từ phù hợp. Nhiều lần nghe bản thu de-mo tôi thực sự xúc động vì cảm nhận được âm nhạc đã nâng cánh cho thơ bay lên. Tôi thực sự hài lòng về các ca khúc được đóng góp phần lời cùng nhạc sĩ Đức Trịnh.

- Cho đến nay ông có nhớ là mình đã có bao nhiêu bài thơ được phổ nhạc và bao nhiêu ca khúc do ông viết phần lời? Và hình như trong số những ca khúc, không ít ca khúc đã được trao những giải thưởng cao quý.

+ Đến nay có 54 ca khúc là "con chung" của tôi và 17 nhạc sĩ. Trong đó có 15 ca khúc tôi được đề nghị viết phần lời, các nhạc sĩ viết phần nhạc và 39 ca khúc là những bài thơ được các nhạc sĩ phổ nhạc sau khi in báo. Các ca khúc được giải thưởng trước hết phải kể đến là 4 ca khúc được trao Huy chương Vàng và một ca khúc được trao Huy chương Bạc tại Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quân tháng 12/2014 vừa rồi của Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng với sự tham gia của 14 đoàn nghệ thuật quân đội. Trong đó có hai hợp xướng của nhạc sĩ Đức Trịnh và tôi là "Những đoàn quân như sóng" (Đoàn văn công Quân khu 4 trình diễn) và "Lời thề lính biển" (Đoàn văn công Hải quân trình diễn); hai ca khúc, hợp xướng của nhạc sĩ Xuân Phương và tôi là: "Non nước đàn trời" (NSƯT Thanh Thúy và Đoàn văn công Quân khu 7 thể hiện) và tổ khúc ba bài "Dưới cờ quyết thắng" (Nhà hát Ca Múa Nhạc Quân đội trình diễn); ca khúc được trao Huy chương Bạc là "Hào khí miền Đông", nhạc sĩ Đỗ Bảo phổ thơ, Đoàn văn công Quân khu 7 trình diễn.

Trước đó, năm 2012 và 2013, ca khúc "Tượng đài mẫu tử" nhạc sĩ Quốc Nam phổ thơ của tôi đã đoạt giải A tại Liên hoan ca múa nhạc Bắc miền Trung; ca khúc "Miền Trung-Tường thành Tổ quốc" của nhạc sĩ Đức Trịnh và tôi được trao Huy chương Vàng tại Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức năm 2013 và ca khúc "Chào công dân kỷ nguyên vàng" cũng của nhạc sĩ Đức Trịnh và tôi đã đoạt giải A Cuộc Vận động sáng tác ca khúc "Kỷ nguyên vàng vì hạnh phúc cuộc sống" do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức. Mới đây, thêm một tin vui nữa, tổ khúc "Dưới cờ quyết thắng" của nhạc sĩ Xuân Phương và tôi được tặng thưởng giải A, Giải thưởng 5 năm Văn học nghệ thuật và báo chí của Bộ Quốc phòng.

- Ông là nhà thơ, đồng thời là một nhà quản lý, vậy cái "ông" quản lý có thường lấn lướt, chèn ép và chiếm mất quá nhiều thời gian của "ông" nghệ sĩ? Trong cuộc sống đời thường và… đời văn, ông thấy cái gì là dễ nhất và khó nhất.

+ Tôi không thấy có sự lấn lướt hay chèn ép nào cả  khi có sự phân thân rạch ròi trong tư duy và cảm xúc. Khi điều hành công việc quản lý nhà nước thì đừng "làm thơ" và khi làm thơ thì đừng tự trói mình vào "chiếc ghế quản lý". Cái nào trả về đúng vị trí cái đó. Lúc họp thì đừng "mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây", còn họp xong, ngồi trên xe một mình là khi thơ lại tự do tung tẩy. 

Còn hỗ trợ nhau thì có đấy. "Tư duy thơ" giúp ta xử lý nhiều công việc nhân văn hơn, nhuần nhuyễn hơn, bớt cái ham hố, vụ lợi, đố kỵ đi. Nhiều khi cứ nghĩ theo kiểu AQ: không còn gì thì ta còn thơ, vẫn giàu chán. Ngược lại, "tư duy quản lý" giúp ta tỉnh táo hơn trong lao động nghệ thuật. Những vốn sống, bài học, kinh nghiệm đối nhân xử thế qua công tác quản lý cho ta độ chín và chiêm nghiệm nhiều hơn trong sáng tác.

Cái khó nhất trong đời thường là chiến thắng lòng ham muốn của chính mình, còn cái khó nhất trong đời văn là tạo dựng gương mặt của riêng mình và viết cho hay bằng người khác.

- Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn thú vị này.
Nguyễn Thế Hùng (thực hiện)
.
.