Lê Bá Thự - Cười

Thứ Hai, 22/02/2016, 08:01
Dịch giả - nhà thơ Lê Bá Thự là một người hiền lành, chân chỉ và tình cảm. Cách đây hơn chục năm, anh nhờ tôi vẽ bìa cho tập thơ đầu tay có tên là "Hoa giẻ". Tôi cảm nhận thơ anh cũng mộc mạc chân thành như con người anh vậy: "Quê mình nhiều hoa giẻ/ Nên chúng mình thương nhau". Rồi thấy anh dịch sách từ tiếng Ba Lan. Năm nào anh cũng có mấy cuốn sách dịch văn học Ba Lan được xuất bản. 


Dịch sách văn học không chỉ thông ngoại ngữ mà thành. Dịch văn học, trước hết phải có khả năng thẩm định tác phẩm như một nhà phê bình giỏi, biết chọn tác phẩm hay, tác phẩm hợp thời, tác phẩm mà mình có thể dịch được. Dịch văn đã khó, dịch thơ còn khó hơn, vì ngôn ngữ thơ là loại ngôn ngữ hình tượng chứa nhiều ẩn dụ, đa nghĩa và ma quái. Và anh phải hiểu ngôn ngữ trong ngữ cảnh và văn hóa của ngôn ngữ gốc. Vậy mà Lê Bá Thự đã có nhiều thành công trong cái nghề mà anh tự nhận là "phu chữ" đó. Và anh đã đoạt được nhiều giải thưởng về dịch.

Nhưng tôi nghĩ là dịch truyện cười mới là điều khó. Ngay cả kể chuyện tiếu lâm, không phải ai kể cũng làm người ta cười được. Kể truyện cười mà không cười được thì thật là vô duyên. Có lần tôi và nhà thơ Trần Quang Quý đi dự Liên hoan Thơ quốc tế ở Indonesia, trong cuộc giao lưu với mấy trăm độc giả nói tiếng Anh, tôi kể một câu chuyện cười về nhà thơ.

Dịch giả - nhà thơ Lê Bá Thự.

Kể xong quay sang Trần Quang Quý với vẻ lo lắng, vì anh đang là người "dịch cabin" cho tôi. Không ngờ, sau lời dịch của Quý, cả khán trường cười ồ lên. Khi về nước, nhà thơ Hữu Thỉnh hỏi tôi: Quý dịch tốt không? Tôi nói: Tôi kể truyện cười mà Quý dịch làm người ta cười ồ lên, bác thấy thế nào? Hữu Thỉnh ngạc nhiên: Giỏi! Giỏi! Tuyệt vời… 

Vậy mà trong chồng sách dịch của Lê Bá Thự có đến 4 tập truyện cười: "Cười quanh năm", "Năm châu cùng cười"," Hành tinh cười" và "600 truyện cười". Quả là Lê Bá Thự đưa tôi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Anh tặng tôi cả 4 tập sách này, tôi đọc, con tôi đọc, rồi bạn của con tôi mượn về đọc… Cuối cùng thì cả 4 cuốn đều ra đi mà không trở lại. Điều đó chứng tỏ Lê Bá Thự dịch truyện cười có duyên.

Thực ra truyện cười bắt nguồn từ dân gian được truyền miệng, rồi được người ta chọn lọc ghi chép lại. Nhưng dần dà, có nhiều người viết truyện cười. Và nó thành một dòng trong văn học. Cho dù ngắn hay dài thì nó vẫn có yếu tố truyện bao gồm nhân vật và hoàn cảnh. Nó thường được kể bằng lời dẫn chuyện và lời đối thoại. Ngôn ngữ truyện cười khá bình dân, nhưng lại hay dùng lối chơi chữ rất thông minh.

Tất nhiên tất cả những điều đó, dù dài hay ngắn đều có tác dụng gây cười khi câu chuyện kết thúc. Có truyện kết thúc là gây cười ngay, có truyện phải ngẫm nghĩ rồi mới bật cười. Lại có cười ồ, cười nắc nẻ, cười mỉm, cười thầm, cười khinh bỉ, cười phẫn nộ… dù nó được sinh ra từ cái buồn cười.

Người ta định nghĩa về cái cười khá rắc rối như sau: "Cái cười là hành động cười nảy sinh khi tự ta phát hiện ra thực chất trái tự nhiên, trái (hoặc khác hẳn) lẽ thường dưới bề ngoài có vẻ hợp tự nhiên, hợp lẽ thường, đã khiến ta thoạt tiên tưởng lầm của một hiện tượng".

Nhưng nhìn chung thì người ta cười khi phát hiện ra cái ngớ ngẩn hay cái đểu giả trong câu chuyện mà mình được nghe/đọc. Vì vậy khi dịch/chuyển ngữ truyện cười, người dịch không chỉ bật cười khi đọc từ ngôn ngữ gốc, mà sau khi dịch ra ngôn ngữ khác cũng phải khiến người đọc bật cười như mình đã bật cười. Vậy thì người dịch cũng phải thông minh và có sẵn tính hu-mua (gây cười) như người đã sáng tác truyện cười. Đọc những bản dịch truyện cười của Lê Bá Thự ta thấy rõ điều đó. Thử đọc vài truyện dịch của anh:

Tại đồn cảnh sát

Một cô gái mặt tái mét, nước mắt đầm đìa, đến báo cảnh sát:

 - Thưa ngài cảnh sát, em vừa đi xe buýt, kẻ cắp lấy hết sạch tiền của em rồi ạ, một số tiền rất lớn, em mang đi mua xe ôtô.

- Chị để tiền chỗ nào mà mất?

- Thưa ngài cảnh sát, em giắt gói tiền trong cạp quần của em ạ.

- Thế lúc hắn lần tay vào trong quần, chị không cảm thấy gì hay sao?

- Dạ thưa ngài cảnh sát, có, em có "cảm thấy", nhưng em tưởng hắn có ý đồ tốt...

Chúa sống ở đâu?

Trong giờ học tôn giáo, linh mục hỏi học trò:

- Ađam, em hãy trả lời thầy, Chúa sống ở đâu?

- Thưa thầy, Chúa sống trong nhà tắm nhà em ạ.

- Ađam, em nói gì kì lạ vậy, tại sao?

- Thưa thầy, vì sáng nào mẹ em cũng đấm mạnh vào cửa và hô to: Ôi, lạy Chúa tôi, ngài vẫn còn đang ở trong nhà tắm hay sao?

Cái thật thà đến ngớ ngẩn của nhân vật cô gái và đứa trẻ trong hai câu chuyện trên đã được tác giả thể hiện với một thái độ khách quan, lạnh lùng, và đã được Lê Bá Thự dịch ra tiếng Việt đến mức như chính người dịch đã "sáng tác" ra nó vậy. 

Thực ra trong đời sống, tiếp xúc với Lê Bá Thự, tôi ít thấy anh nghịch ngợm hay tếu táo. Nhưng đọc hàng trăm truyện cười anh dịch, tôi mới thấy con người này cũng "không phải đùa đâu"! Có thể anh có tính nghịch ngầm, đáo để chẳng kém ai. Đó là cái khả năng không "phát tiết ra ngoài" mà chỉ bộc lộ trong công việc dịch thuật, nghĩa là anh thuộc loại người "duyên lặn vào trong", âm thầm và lặng lẽ. Điều này khiến tôi nhớ về nhà văn Vũ Trọng Phụng, khi đọc những cuốn sách của ông như "Lục Xì","Làm đĩ", "Số đỏ" hay "Giông tố"… thấy bày ra bao điều trần tục kinh khủng của hiện thực đời sống, nhưng ngoài đời ông lại là một người nhút nhát, đạo đức, sống nghèo túng và thanh bạch.

Với sự cố gắng làm người "phu chữ" không mệt mỏi, Lê Bá Thự luôn cống hiến cho độc giả những trang dịch nghiêm túc bằng cả tình yêu của mình với văn học, trong đó có một "Lê Bá Thự cười" Việt hóa tiếng Ba Lan.

Hà Nội, Tết Bính Thân 2016

Nguyễn Trọng Tạo
.
.