Làm tuyển tập, nghĩa là… chọn kỹ

Thứ Năm, 20/03/2008, 16:00
Ra tuyển tập khi đã bước vào tuổi 80, lại tự mình lụi cụi viết "Lời mở sách", lụi cụi viết "đề dẫn" cho từng chương mục, rõ ràng đối với lão nhà thơ Tạ Hữu Yên, đây là một việc làm thuần túy mang yếu tố kỷ niệm (hơn là nhắm tới một sự tôn vinh). Nhưng có lẽ vì thế mà nó cũng có những cái hay riêng.

Chúng ta đều biết: Cho đến thời điểm hiện tại, Tạ Hữu Yên đang dẫn đầu các nhà thơ cả nước bởi số lượng thơ được phổ nhạc (khi cuốn tuyển tập này in ra, số thơ được phổ nhạc của ông đã lên tới 144 bài).

Không chỉ là con số, nhiều bài trong đó thực sự là những ca khúc hay, được phổ biến rộng rãi (mà chỉ cần nhắc đến tên bài hoặc vài ba câu mở đầu là ai cũng nhớ), như ca khúc "Đất nước": Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu/ Nghe dịu nỗi đau của mẹ/ Ba lần tiễn con đi/ Hai lần khóc thầm lặng lẽ…; ca khúc "Đôi dép Bác Hồ"; ca khúc "Đường lên hạnh phúc": Nào bên nhau cầm tay/ Đi lên đường hạnh phúc/ Ta ca lên tương lai/ Trong tiếng chim gọi bầy; ca khúc "Cảm xúc tháng Mười": Không thể nói trời không trong hơn/ Và mắt em xanh khác ngày thường/ Khi đoàn quân kéo về mùa thu ấy/ Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường; ca khúc "Nhớ giọng hát bác Hồ": Một ngày vui/ Theo tay Bác/ Cháu hát vang/ Bài "Kết đoàn"… Tất cả những bài này đã được tác giả đưa vào tuyển tập, ở phần "Thơ phổ nhạc", dày trên 40 trang.

Mặc dù trong lĩnh vực sáng tác, Tạ Hữu Yên đã và đang "tung hoành" trên nhiều thể loại (thơ trữ tình, thơ trào phúng, thơ thiếu nhi, ca dao, câu đối…), nhưng nhắc tới ông, người ta nhắc tới trước nhất một nhà thơ trữ tình. Thơ trữ tình của Tạ Hữu Yên trong trẻo, bình dị. Cảm xúc của ông khoáng hoạt, luôn mở ra với cỏ cây sông núi, với cộng đồng và thời cuộc.

Rất hiếm gặp trong thơ ông những bài chỉ thuần túy ghi lại một nét suy tư, hoặc rặt một sắc màu tâm trạng cá nhân riêng biệt mà không có cảnh, có người từ đời sống bên ngoài vọng lại. Cũng hiếm tìm thấy trong thơ ông những cách sử dụng vần điệu lắt léo, kỳ khu. Tạ Hữu Yên từng trả lời phỏng vấn: "Những bài thơ đúng niêm luật, có vần điệu, nhạc sĩ người ta dễ tìm thấy sự đồng cảm ở đó, và giai điệu được cất thành lời".

Tất nhiên, nhà thơ nói vậy không có nghĩa là ông chỉ "chăm chăm" sáng tác với mục đích chờ người ta…phổ nhạc và để các nhạc sĩ dễ phổ nhạc (mặc dù ông từng hồn nhiên tâm sự với báo giới rằng ông đặt "chỉ tiêu" cho đời mình là phải có 150 bài thơ được phổ nhạc và đến nay ông đã thực hiện được ).

Bằng chứng là ở phần "thơ trữ tình", ông có tới 13/60 bài là thơ lục bát - một thể thơ có cấu trúc nhạc điệu đặc biệt, rất khó chuyển hóa thành những ca khúc thành công nếu người nhạc sĩ vẫn "giữ nguyên hiện trạng". Ngoài ra, trong phần thơ đó, Tạ Hữu Yên còn có nhiều bài tứ tuyệt - cũng là một thể thơ không hiếm khi được các nhạc sĩ mặn mà "đoái trông".

Công bằng mà nói, trong làng thơ Việt Nam, ngoài cái "duyên âm nhạc", Tạ Hữu Yên chưa phải là tác giả có vị trí thật nổi trội. Ông có cách nhìn đời ấm áp, đôn hậu mà thiếu những quan sát sắc cạnh, có thể nâng lên thành những triết lý độc đáo, có tầm khái quát. Giọng thơ ông nghiêng về thủ thỉ, tâm tình nên cũng ít tạo nên những cuốn lốc bất ngờ gây náo nức tâm hồn người đọc.

Ông nhạy cảm tinh tế trong phát hiện về sự chuyển đổi tâm lý, cảm xúc của mình trước những sự kiện lớn lao của dân tộc nhưng lại không nhiều những giây phút lắng nghe cảm xúc của mình khi đối mặt với biến chuyển đời thường (hay là những gì cần nói ông đã đưa vào… thơ châm, là phần ông xếp đứng thứ tư trong tập sách và dành gần ba chục trang cho nó).

Nói chung, khuynh hướng cảm xúc của Tạ Hữu Yên là nhất quán. Nó xuyên suốt từ những ngày đầu ông cầm bút cho tới hôm nay. Đó là khuynh hướng gắn với cộng đồng, quan tâm tới số đông và được thể hiện, chuyển tải qua những hình thức quen thuộc.

Tạ Hữu Yên là một nhà thơ đi nhiều, viết khỏe. Trên 40 năm cầm bút, ông đã cho ra mắt bạn đọc gần 50 đầu sách và hàng nghìn bài báo. Ông cũng là người cho "xuất xưởng” nhiều châm ngôn, câu đối vào các dịp lễ, tết.

Với quan điểm những gì đã viết, dù lớn dù nhỏ thì cũng là một phần máu thịt của mình, là "quà văn học, báo chí" để tặng người thân, tặng quê hương… nên trong cuốn "Tuyển tập Tạ Hữu Yên" nhắc tới đây, bạn đọc có thể bắt gặp cả những bài, những câu ở các thể loại nói trên.

Tuy nhiên, phải nói ngay là, mặc dù sức viết như vậy song Tạ Hữu Yên lại là người rất nghiêm túc, rất "kỷ luật” với chính mình. Viết báo hàng ngày song ông đưa vào tập tuyển chưa đến hai chục bài. Phần câu đối chỉ có chục trang và phần châm ngôn chỉ trích dẫn đưa vào tập 18 câu, chiếm dung lượng chưa đầy 5 trang.

Ta có thể bắt gặp ở đây những câu tác giả khiêm tốn gọi chung là "suy ngẫm" mà ý nghĩa của nó chính là sức động viên: Động viên mình, động viên đồng đội, bạn bè và những người thân phải sống sao cho trọn đời giữ được "nhân cách sáng trong": Mũ còn sao, lòng thêm sáng/ Tay chống nạng, chí vẫn bền; và Tếu như thời Vệ trẻ/ Khỏe như thời Điện Biên/ Hiền như thời lính cựu

Ở đây, tôi thấy cần phải nói một chút tới cách tuyển chọn bài vở của Tạ Hữu Yên. Dân gian ta từng có câu "văn mình vợ người". Là một người viết mà tự chọn tác phẩm của mình, nhất là để làm tuyển tập thì rất khó có được sự… khách quan. Cái tâm lý bỏ cái gì cũng tiếc là tâm lý đã xảy đến với nhiều nhà văn.

Trước đây, tôi từng nghe kể lại câu chuyện khi NXB Văn học làm "Tuyển tập" của một nhà thơ lớn nọ, biên tập viên của NXB này đã bị ông nhà thơ tìm mọi cách thuyết phục nhằm đưa thêm một số bài thơ hạng… xoàng của mình vào tập tuyển, với lý do: "Như nhà đang cháy, có thứ chổi cùn rế rách gì ta cứ quăng ra ngoài cái đã, biết đâu có lúc lại phải dùng tới".

Trở lại với trường hợp Tạ Hữu Yên. Điều rất đáng để ta thêm nể trọng ông chính là việc ông mạnh tay loại bỏ nhiều bài viết mà ông chưa thật ưng ý ra khỏi tập tuyển. Tới nay, Tạ Hữu Yên đã cho xuất bản 3 trường ca và 7 tập thơ trữ tình, nhưng khi chọn đưa vào cuốn tuyển tập này, ông chỉ chọn có…60 bài. Đã thế, ông còn tâm sự với bạn đọc ở "lời dẫn" rằng, nếu ông "có một bài thơ nào đó, một hai câu thơ nào đó mà bạn đọc nhớ, bạn đọc khen "đọc được", thế đã là điều hạnh phúc với tác giả rồi".

Trong khi thực tế, đọc thơ Tạ Hữu Yên, ta không chỉ gặp một câu, một bài "đọc được" như ông mong ước…

Nhà thơ Tạ Hữu Yên: "Khiêm tốn bao nhiêu cũng thiếu…"

- Thưa nhà thơ Tạ Hữu Yên, ông có thể cho biết cuốn tuyển tập của ông được xuất bản theo phương thức nào? Và ông có quá nghiêm khắc với mình khi chọn ít bài đến vậy không?

+ Cuốn này được in từ tiền tài trợ của Hội Nhà văn trong 3 đợt. Khoảng 5 triệu đồng. Tôi phải bỏ ra 9 triệu nữa để thêm vào. Sách in ra, chỗ cô Lam Luyến (nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến) lấy về vài ba trăm cuốn bán hộ. Hiện tôi vẫn để đấy, chưa đến lấy tiền. Chắc cũng có rồi. Số còn lại tôi để dành tặng bạn bè. Về cách chọn, vì trong tập sách có nhiều mục, nên nếu chọn nhiều thơ nữa sợ nó bị loãng. Những bài chưa đưa vào, nếu thích, thì sau này tôi sẽ in thành một tập thơ trữ tình riêng. Và thơ phổ nhạc cũng sẽ làm một tập riêng.

- Trong cuốn sách, có nhiều chỗ ông phát biểu hết sức nhún nhường. Ông đã nhận được phản hồi gì từ bạn bè, công chúng xung quanh những lời "tự nhận xét" ấy?

+ Cũng có nhiều người viết thư gửi đến tôi, nói, đọc cuốn sách càng thấy bác nhân hậu, khiêm tốn. Nói chung là anh em đều tán thành. Tôi từng tự răn mình: "Khiêm tốn bao nhiêu cũng thiếu/ Tự kiêu biết mấy cho vừa".

- Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn nhận xét: Thơ ông thường để chừa ra "phần đất" cho các nhạc sĩ khai thác. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào? Các nhạc sĩ đã bao giờ nói như vậy với ông chưa?

+ Về điều này, nhạc sĩ Văn An đã phát biểu: "Thơ Tạ Hữu Yên giàu âm điệu, có thể gõ ngón tay trên bàn mà hát được". Cố nhạc sĩ Nguyễn Thành cũng nói: "Thơ anh Yên rất dễ phổ vì thơ rất đúng niêm luật. Mà thơ đúng niêm luật thì gần ca từ".

- Ở mảng bài bạn bè, đồng nghiệp viết về ông, hầu hết các ý kiến đưa ra đều xoay quanh những bài thơ được phổ nhạc... Liệu đó có phải là những bài thơ hay nhất của Tạ Hữu Yên? Biết đâu vì họ mải chú mục vào những bài ấy mà để thiệt thòi cho những bài thơ đáng chú ý khác của ông?

+ Nếu đứng riêng ra, thì có những bài thơ được phổ thành ca khúc hay chưa hẳn đã là những bài thơ hay. Nhưng theo tôi thì những bài như "Cảm xúc tháng Mười", "Đất nước" là những bài "đứng" được. Nếu chọn những bài thơ hay nhất của mình, tôi sẽ chọn các bài "Bác về thăm quê", bài "Chim lạc". Bài "Nhân văn Hồ Chí Minh" đăng trên Văn nghệ Công an cũng là một bài thơ tôi rất thích. Nhưng bài này thì đã được phổ nhạc rồi.

- Trong những bản nhạc phổ thơ ông in kèm trong sách, tỉ lệ thơ "nguyên bản" của ông được giữ bao nhiêu phần trăm ?

+ 99% đến 100% là lời thơ của tôi, không có thay đổi gì. Như các bài "Cảm xúc tháng Mười", "Đôi dép Bác Hồ", "Nhớ giọng hát Bác Hồ" đều được giữ nguyên cả đấy. Chỉ có bài "Đất nước", phần lời hai, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn thêm vào. Còn lời một hoàn toàn là lời của tôi.

- Ở mảng thơ trữ tình, ông chọn nhiều bài viết trong khoảng mươi, mười lăm năm trở lại đây. Phải chăng, những bài ông viết trước đó đã trở nên "khó đọc"?

+ Những bài viết trước đây là theo yêu cầu thời sự. Thời ấy, tôi làm Trưởng phòng Phát thanh binh vận của Cục Địch vận (Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam), bởi vậy tôi làm thơ binh vận nhiều. Những bài đó in lại bây giờ, thiết nghĩ cũng không phù hợp với giọng điệu chung của cả tập.

- Xin cảm ơn nhà thơ Tạ Hữu Yên

Phạm Tuấn Đạt (thực hiện)
.
.