Làm sao có thể quen..."ăn sạn"?

Thứ Năm, 17/10/2019, 08:54
Trước vụ Mã Pì Lèng chừng hơn 1 tuần, ở Hà Nội, kết luận của Thanh tra TP Hà Nội cho biết hiện có tới hàng ngàn công trình xây dựng vi phạm trên đất rừng Sóc Sơn. Nếu chỉ tính riêng 2 xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng thôi thì cũng đã có tới 797 công trình vi phạm...


"Từ trước đến nay, các phòng, ban của huyện chưa ai báo cáo về công trình sai phạm này nên chúng tôi không nắm được. Hơn nữa, trước đó có đoàn của sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng đoàn của Ban quản lý Công viên Địa chất đi khảo sát qua đây, họ cũng nhìn thấy công trình này nhưng không có ý kiến gì nên chúng tôi nghĩ là không vi phạm". Đó là nguyên văn ý kiến của ông Ma Văn Trưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang về câu chuyện tổ hợp nhà hàng khách sạn Panorama ở Mã Pì Lèng và được đăng tải trên báo Tiền phong cách đây vài hôm.

Trước vụ Mã Pì Lèng chừng hơn 1 tuần, ở Hà Nội, kết luận của Thanh tra TP Hà Nội cho biết hiện có tới hàng ngàn công trình xây dựng vi phạm trên đất rừng Sóc Sơn. Nếu chỉ tính riêng 2 xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng thôi thì cũng đã có tới 797 công trình vi phạm. Chúng ta hẳn ai cũng phải lắc đầu. Nếu nó chỉ có 1 công trình vi phạm thôi thì có thể do sơ sót của người làm quản lý cấp địa phương. Còn khi đã lên đến con số trăm, con số nghìn, câu hỏi được đặt ra là rất phức tạp.

Hiện nay, những chuyện kiểu như Mã Pì Lèng hay Sóc Sơn đang rất phổ biến và dám chắc rằng địa phương nào cũng có. Nhưng rất lạ lùng, có khá nhiều sai phạm cuối cùng chỉ được phanh phui ra khi có quá đông ý kiến phản ảnh từ quần chúng trên các phương tiện mạng xã hội (chứ không phải qua đơn thư khiếu nại, tố cáo). Và sau đó các cơ quan quản lý cấp Trung ương phải vào cuộc và xử lý. Điều đó khiến chúng ta nghi ngờ thực sự năng lực và cả đạo đức của cấp quản lý địa phương hôm nay.

Một toà nhà bám lưng đèo, cao 7 tầng có phải là một công trình nhỏ tới mức không ai nhận ra? Một loạt các sai phạm lên tới con số ngàn như ở Sóc Sơn có phải là ít ỏi tới mức không ai để ý? Quy mô và tầm vóc của chúng thật ra như những hạt sạn lớn và kỳ lạ thay, những người "dùng cơm" lại thản nhiên bỏ qua những hạt sạn như thế, như thể họ đã quá quen?

Có mấy lý do mà những công trình vi phạm, đặc biệt là các công trình vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh, có thể tồn tại nhởn nhơ như hiện nay. Tất cả đều đến từ chất lượng của con người quản lý ở cấp địa phương trước hết chứ không phải từ nguyên nhân khách quan nào khác. Đơn giản, nếu người dân chỉ cần xây sửa nhà trái phép thôi, lập tức họ sẽ bị xử lý nghiêm bởi cán bộ phường/xã, quận/huyện. Vậy thì sự vi phạm thản nhiên, và chình ình như hạt sạn lớn nghênh ngang trong bát cơm, chắc chắn phải có sự góp phần rất lớn của chính chất lượng cán bộ.

Thứ nhất, có thể cán bộ kém năng lực, nhìn thấy một công trình được xây dựng mà không hề có ý thức và kiến thức để xác định nó có vi phạm hay không để lập tức xử lý chứ không chờ đến lúc nó đã hoàn thành. Cái yếu kém này thực tế là cực hiếm, nếu như không nói là không thể tồn tại vì vô lý quá. Nhưng cứ giả sử như có những cán bộ quản lý kém đến thế đi chăng nữa thì phải đặt ra câu hỏi "Ai đã đặt họ vào vị trí mà họ không có khả năng đảm đương?". Trả lời được câu hỏi này, có khi còn vạch ra được những cái sai còn lớn hơn, và nguy hại hơn.

Thứ hai, có thể là cán bộ kém đạo đức, thoái hoá biến chất và nhận tiền lót tay để làm ngơ cho công trình được thi công rồi sau đó đưa vào khai thác. Nguyên nhân này có thể nói là phổ biến. Nạn tham nhũng vặt vẫn là vấn đề nhức nhối bấy lâu nay, nói địa phương nào cũng có là không hề ngoa. Người ta chỉ có thể làm lơ với những hạt sạn "nghễu nghện" như vậy nếu người ta được đổi lại bằng quyền lợi cá nhân tương xứng. Thói tham nhũng vặt ấy đã tạo nên một văn hoá "có tiền là lo được tất" trong xã hội Việt Nam hiện đại. Nó tồn tại thản nhiên đến mức nếu ta nhờ vả một người thân nào đó móc nối cho chúng ta một phi vụ nào đó, rất có thể câu đầu tiên mà người thân của mình nói ra sẽ là "thế vụ này ông định chuẩn bị bao nhiêu?".

Thứ ba là một nguyên nhân đáng ngại hơn, và có khả năng xuất hiện ở những sai phạm tầm cỡ. Đó chính là cán bộ quản lý ở cấp địa phương biết sai đấy, cũng muốn xử lý lắm đấy nhưng vì một sức ép ở một cấp cao hơn nữa mà họ buộc phải lùi bước. Cái tham nhũng quyền lực này mới là đáng ngại nhất, bởi nó rất dễ dính dáng đến nhóm lợi ích. Như chúng ta cũng đã thấy, có quá nhiều sai phạm cỡ lớn gần đây được phanh phui ra toàn dính dáng đến cán bộ cấp cao.

Một khi cái sai bắt nguồn từ cấp cao như thế, một ông cán bộ xã/phường hay quận/huyện chẳng thấm vào đâu để đủ sức xử lý vài giải quyết, cũng buộc phải tham gia vào cái guồng máy tham nhũng kia mà tồn tại, mà an phận thủ thường. Vừa có thêm chút lợi, vừa đẹp lòng cấp trên, vẹn cả đôi đường.

Nếu chúng ta gõ cụm từ khoá "ngang nhiên xâm hại di tích" lên google, lập tức chúng ta sẽ nhận được hơn 7 triệu kết quả trong chưa đầy 1 giây. Tất nhiên, hơn 7 triệu kết quả đó không đồng nghĩa với có hơn 7 triệu vụ nhưng số lượng kết quả chắc chắn cũng tỷ lệ thuận với số lượng vụ vi phạm. Đó mới chỉ là bề nổi, được công khai trên báo chí, mạng xã hội.

Còn những phần chìm, chưa bị phanh phui, có lẽ sẽ là một con số khủng khiếp hơn nhiều. Điều đó khiến chúng ta lo ngại thực sự về chất lượng cán bộ hôm nay. Phải chăng, đang tồn tại một số đông cán bộ quản lý đã quen rồi với việc "ăn cơm trộn sạn" như thế? Họ quen với việc cứ kệ các sai phạm công khai tồn tại là vì lý do nào? Vì tham, vì dốt hay vì sợ?

Hà Quang Minh
.
.