Lạm phát sử dụng cụm từ "Thương hiệu"

Thứ Bảy, 04/03/2017, 08:00
"THƯƠNG HIỆU" là từ gốc Hán - Việt vốn được dùng nhiều trong kinh tế, hoạt động thương mại hay quản lý nhà nước về thương mại - dịch vụ, và ngày trước dùng nhiều hơn hiện nay trong trào lưu từ ngữ Hán - Việt có chỗ đứng tốt, nhất là ở miền Nam.


Mạo muội "chiết tự":  "THƯƠNG"  có trường nghĩa thương mại, thương nghiệp, thương nhân, thương hồ... Thương chỉ bán mua (khác THƯƠNG THUYẾT). "HIỆU" có trường nghĩa: danh hiệu, huy hiệu, hàng hiệu... chỉ "DANH".

"THƯƠNG HIỆU" chỉ pháp nhân thương mại hợp pháp về pháp luật và có chỗ đứng trên thị trường, nôm na rằng có chữ tín và làm ăn được. Sản phẩm hay dịch vụ mang thương hiệu nhất định có chất lượng và chất lượng cao, tầm phủ thương mại lớn, xét dưới góc nhìn kinh tế học, thương hiệu ấy có giá trị kinh tế. Tất nhiên những nhà ngôn ngữ học, luật, kinh tế... sẽ có định nghĩa hàm súc và xác đúng hơn, hay hơn.

Các thương hiệu Mỹ đưa Việt Nam vào bản đồ cạnh tranh (ảnh chỉ mang tính chất minh họa).

Gần đây, khi kinh tế thị trường hoạt động nhộn nhịp (trở lại), từ "THƯƠNG HIỆU" được sử dụng dày trong văn bản, truyền thông, và ngôn ngữ đời sống với cách hiểu của người phát ngôn, tác giả viết hay người nói có khi khiến người tiếp nhận băn khoăn.

Tại một cửa hàng của Thế giới di động ở miền Tây, tôi được nhân viên bật mí: "Các sản phẩm điện thoại có tính năng kỹ thuật, chất lượng nói chung ngang nhau, nhưng giá rất khác nhau vì được xây dựng trên giá trị thương hiệu, nói cách khác, người ta bán thương hiệu". Tôi cho rằng cách nói này đúng. Phân tích kinh tế học dễ dàng cung cấp thông tin giá trị thương hiệu khác nhau giữa Apple khác hẳn với Nokia với những người anh em cùng sản phẩm di động: Samsung, Philip, Q.mobel... Thế mới có chuyện thị trường mua bán thương hiệu rất rôm rả và có những thương hiệu được bán với tỷ đô la.

Các thương hiệu cũng được xác lập hợp pháp với sự cầu chứng, được luật pháp thừa nhận và bảo hộ, xâm phạm quyền chủ thương hiệu là tội không hề đơn giản.

Gần đây áy náy khi nghe những cơ quan truyền thông lớn trong nước sử dụng từ thương hiệu: Chính quyền TP Hồ Chí Minh tái lập lực lượng săn bắt cướp huyền thoại, phục hồi THƯƠNG HIỆU SBC. Sự lan truyền "thương hiệu" theo cách hiểu trên nhiều dễ gây ngộ nhận tai hại vì tâm lý bắt chước nhân rộng khi xuất xứ từ cơ quan truyền thông cỡ VTV.

"SBC" không phải là một thương hiệu, nó không thể bán mua trong nước hay xuất cảng, không phải hàng hóa kinh doanh và không thuộc về một công ty. "SBC" là đơn vị chống tội phạm hình sự của Công an TP Hồ Chí Minh, hành pháp trong trị an, có nhiều thành tích, được nhân dân tin yêu và chỗ dựa của công lý, một tiếng thơm của Công an TP Hồ Chí Minh và cả nước.

"SBC" là một LỰC LƯỢNG, nội hàm chữ nghĩa diễn giải nó biểu diễn hình học hoàn toàn không giao cắt hay tiệm cận gì với nội hàm "THƯƠNG HIỆU" vốn và chỉ có thể thuộc - như đã nói - thương trường. Ngộ nhận này tai hại ở chỗ người tiếp nhận nghĩ vụng: "SBC" cũng như hàng hóa - dịch vụ, có thể bán mua, hàng hóa dịch vụ này có giá trị và đáng tin?!

Và SBC nên gọi là gì nếu không phải thương hiệu? Theo tôi, đấy là "DANH HIỆU" và chỉ có thể như thế.

Nguyễn Thành Công
.
.