Làm gì trong những ngày giãn cách xã hội?

Thứ Năm, 16/04/2020, 08:49
Nửa đầu tháng Tư, như ai cũng biết, là cao điểm quan trọng trong việc phòng chống dịch COVID-19. 15 ngày giãn cách xã hội, hạn chế đến mức tối thiểu mọi tiếp xúc, cố gắng tối đa sinh hoạt tại nhà là những việc nên làm và nó cũng đã khiến rất nhiều người bắt đầu có những biến chuyển tâm lý dẫn đến những hành vi có thể nói là khác lạ. Đó là tình trạng chung không chỉ ở Việt Nam.


Con người, cũng như bất kỳ sinh vật nào, khi phải thay đổi môi trường sống một cách đột ngột, sẽ có những phản ứng tức thì đối với thay đổi ấy.

Một ví dụ lý thú là trường hợp của nhóm facebook có tên "Ghét bếp, không nghiện nhà". Ra mắt ngày 9-4, chỉ sau một buổi sáng, nhóm này đã có tới 66 ngàn thành viên. Tính cho đến thời điểm ngày 12-4, số thành viên đã lên tới con số hơn 500 ngàn.

Và trong nhóm sinh hoạt mạng xã hội này, các thành viên thường xuyên đăng tải những hình ảnh, bài viết xoay quanh sự chán nản với việc bếp núc, việc dọn dẹp nhà cửa… bằng cách trào lộng tự giễu nhại bản thân mình. Các bài được đăng tải ấy có thể cho chúng ta cảm giác thư giãn, những nụ cười sảng khoái trong những ngày giãn cách xã hội. Song nó cũng cho thấy một thực trạng. Đó chính là một hiện tượng xã hội thể hiện bằng sự thay đổi hành vi của con người.

Trước kia, con người ta chỉ có thể khoe ra những món ăn ngon, đẹp mà mình tự nấu. Còn bây giờ, họ sẵn sàng khoe ra những cái xấu xa chỉ để giải toả sự bức bối khi không còn được thoải mái tiếp xúc xã hội như những ngày thường.

Song song với nhóm kể trên, đã bắt đầu có rất nhiều nhóm khác với lối thể hiện tương tự. Điều đó cho thấy nhu cầu giải tỏa khi phải thay đổi thói quen là có thật. Và quan trọng hơn, nó cũng cho thấy mức độ quan tâm, thái độ mong muốn tìm hiểu, phương thức sử dụng khoảng thời gian rảnh rỗi của một số người Việt hiện nay đang rất có vấn đề.

Chưa có một thống kê cụ thể nào để có thể biết được trong 15 ngày giãn cách xã hội, người Việt có thói quen giải trí bằng những nội dung gì, trên nền tảng nào, với tỷ lệ phần trăm ra sao. Nhưng nếu nhìn vào những chia sẻ trên mạng xã hội, có thể thấy những cá nhân xung quanh chúng ta có thiên hướng đang sử dụng những nền tảng xem phim trực tuyến nhiều hơn. Và những nội dung được nhắc đến rất nhiều vẫn là những phim nước ngoài, cả phim truyện lẫn phim truyền hình dài tập.

Cực hiếm người chia sẻ lại những nội dung mang tính thường thức hoặc cao cấp hơn là phổ biến kiến thức. Có hai khả năng ở đây. Thứ nhất, những người xem các nội dung ấy không thích chia sẻ trên mạng xã hội. Thứ hai, gần như không ai muốn tìm hiểu các nội dung thiếu tính giải trí như vậy.

Vấn đề đã bắt đầu lộ rõ dần hơn. Có thể dám khẳng định, con người ít quan tâm đến các nội dung quan trọng đối với đời sống mà thay vào đó, họ có xu hướng thích giải trí đơn thuần. Và như vậy, rõ ràng chúng ta đã và đang bỏ phí một khoảng thời gian quý báu để mở mang kiến thức cho mình. Đồng thời, chúng ta cũng bỏ lỡ một sự chuẩn bị rất quan trọng để có thể làm mới mình khi đại dịch đi qua.

Vẫn biết, giam mình trong bốn bức tường trong một khoảng thời gian là bức bối vô cùng. Nhưng trong hoàn cảnh việc tự hạn chế mình là một đóng góp cho công tác phòng chống dịch, việc tự chống nhàm chán một cách hiệu quả đòi hỏi một ý thức cầu thị và ý chí vượt qua những cám dỗ của giải trí đơn thuần.

Không phải không có những người đang tận dụng chính thời gian giãn cách xã hội này để trau dồi thêm bản thân, học hỏi thêm những kinh nghiệm và kiến thức mới. Những người ấy chắc chắn sẽ có một bước chạy đà tốt hơn ở thời gian phục hồi sau đại dịch, thời gian mà Thủ tướng Chính phủ nhận định rằng sẽ "có nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, xã hội, đời sống của người dân".

Vậy thì chúng ta cần phải phản ứng lại với sự nhàm chán bằng một tâm thức đó là thời gian tích lũy năng lượng mới chứ không phải là thời gian dừng lại để nghỉ ngơi và thư giãn tại gia. Sa vào lối mòn của hiện tượng xã hội chung rất dễ khiến chúng ta sa lầy. Tập một thói quen không mất nhiều thời gian và nhiều khi, 15 ngày giãn cách xã hội đủ để chúng ta hình thành một thói quen biếng lười và hưởng thụ.
Văn Đoàn
.
.