Lạm bàn về văn hóa ứng xử trong nền hành chính công

Thứ Năm, 07/01/2016, 09:42
Cha ông xưa có đúc kết thật thâm thúy về một trong những tình trạng trớ trêu nhất của cuộc đời, ấy là khi ta lại tự đặt ta vào trong khung cảnh "khóc thì hổ ngươi, cười thì ra nước mắt"... Cái điều đáng buồn ấy, đã và đang "sinh sôi, nảy nở" như nấm sau mưa trong bộ máy hành chính công hiện nay...


Tất cả những chuyện bi hài sẽ nêu ra dưới đây (người đọc cần có dẫn chứng, chỉ xin dẫn một vài), đều xoay quanh lời nhắn nhủ của Tổ tiên khi các cụ dạy rằng (đấng quân tử) cần phải "học ăn, học nói, học gói, học mở".

Có phải vì thấm thía triết lí 4 giai đoạn trong một đời người của đạo Bà la môn - Phật giáo hay không mà tiên tổ nói thế thì không rõ nhưng rõ ràng, cái khúc uẩn, minh triết của bốn chữ học trên thì sắc sâu vô cùng. Sinh, lão, bệnh, tử trong xã hội hay thành, trụ hoại, không trong tự nhiên, gắn liền với hiểu biết, lập nghiệp, hưởng thụ, dâng hiến; là định đề, nguyên tắc của sống. Chính vì thế nên Di sản Angkor bất tử với những pho tượng bốn mặt người cười.

Cải cách hành chính đang được chú trọng trong thời gian qua.

Vậy mà, bàn về chuyện "ăn", có địa phương ra hẳn công văn, chỉ thị bắt mọi người chỉ được uống một loại bia duy nhất, bất kể cái lệnh đó vi phạm thô bạo, can thiệp lộ liễu nhằm phá vỡ quy tắc cạnh tranh công bằng. Cái "ăn" (uống) xa xa ấy càng đáng rùng mình hơn khi Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan phải thốt lên rằng, bây giờ, "người ta ăn không từ một thứ gì" (Dân Trí, 6.11.2015)! Nên nhớ, cái chữ "ăn" trong tiếng Việt, chẳng ngôn ngữ nào sánh được với cái đa nghĩa, vô chừng: làm ăn, ăn chơi, ăn nói, ăn học, ăn ở, ăn thua, ăn ngủ, ăn thua, ăn tiêu, ăn dày, ăn mỏng; ăn nên làm ra, ăn mặn khát nước, ăn tục nói phét, miệng ăn núi lở, ăn xổi ở thì, ăn chung ở chạ, ăn trên ngồi trốc, miếng ăn miếng nhục; ăn con đó (khi đánh bài), ăn ba trận, ăn 2-0 (khi cá độ)...

Chữ ăn biến hóa khôn lường ấy càng trở nên... hung dữ hơn, mai mỉa hơn khi "nó" dính như keo với quan trường - quan nào mà chả ăn! Chính vì cái gì cũng ăn nên các "quan" mới "biến" công sở thành nơi để bán mua, trao đổi. Một nhà hiền triết có nói rằng, bất cứ thứ gì mua được cũng đều rẻ cả. Nói như thế là đã ngầm định là không ít quan ngày nay chẳng biết cái nghĩa đau đớn của chữ "ăn" vì khi ăn phàm, ăn tục, họ đã tự bán rẻ chính mình...

"Ăn" đã thế, đến "nói" thì có cả một rừng... sai phạm. Trên mạng đang truyền nhanh đến chóng mặt bức ảnh khánh thành công trình... nhà vệ sinh! Chẳng lẽ không còn cái gì khác để khánh thành khi nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh mẽ.

Cũng tương tự là những tấm bảng, băng roll phản cảm, tối nghĩa bày dán khắp nơi như Toàn thành phố ra sức xây dựng nông thôn mới; Mỗi gia đình có hai con vợ (xuống hàng như thay dấu chấm) chồng hạnh phúc; Bệnh viện tâm thần quyết tâm học tập… Nếu tính cộng nhiều phát ngôn của quan chức đương nhiệm thì đôi khi, dư luận phải bàng hoàng.

Ví dụ rõ nhất là có quan chức nói chặt cho… quang, cho "thoáng" một lúc hàng ngàn cây xanh ở thủ đô mà ngang nhiên phán không cần hỏi ý kiến dân thì chỉ có trời mới biết của dân, do dân nằm ở góc nào…

Gói và mở trong cách nhắn nhủ của cha ông là cả một biển nghĩa mênh mông của ngữ ẩn dụ, hàm chỉ thật tinh tế và sắc sâu. Biểu hiện rõ nhất của nó là cung cách đối xử với dân ở "cửa quan" cũng như ứng xử, giao tiếp trong xã hội. Đã có không ít lời phàn nàn về chuyện thiếu "kính trọng, lễ phép" đối với dân. Căn nguyên của vấn đề nằm từ trong thẳm xa của… vô thức.

"Thói quen" của quan chức xưa - nay đã ăn thâm trong máu thịt là, đa số quan chức luôn cho rằng họ có địa vị ấy, tư thế ấy là vì giỏi hơn, tài hơn dân. Vì thế, mặc nhiên ai cũng tự cho mình cái thế "cha mẹ dân" mà "quên" ngay từ khi ra khỏi nhà là chính người dân nạp thuế nuôi sống họ và, họ chỉ là những người được ủy quyền để cai trị. Thay đổi điều này thật khó: "Biến" một người lâu nay cứ nghĩ mình có quyền đang ban ơn thành kẻ chịu ơn, dễ như lên trời.

Một điều đáng phải day dứt là hình như đa số các quan chức thời nay mắc bệnh về… tai? Báo chí cứ đăng tải, dư luận cứ nổi sóng, họ vẫn cứ ngang nhiên hết gói rồi mở phong bao, phong bì, hà lạm của công. Lấy xe công đi ăn giỗ, đi đền chùa, cho cả trường nghỉ học để lấy chỗ làm… đám cưới cho con, bổ nhiệm lái xe thành… chánh văn phòng, dự định đi tham quan để học hỏi người Trung Đông về cách tổ chức… xổ số kiến thiết, cho dù các quốc gia Hồi giáo ấy cấm tiệt chuyện cờ bạc, rượu chè?…

Khi bàn về tất cả những điều sai thè lè như cá mè lên cạn, đáng trách là hầu như ai cũng cho rằng đó là chuyện "nhỏ"? Cái gọi là nhỏ trong các sai phạm trên thực chất là thói quen không tôn trọng lẽ dân, phép nước. Đã là thiếu tôn trọng với những điều thiêng liêng nhất, thử hỏi sao lại không tiếp tục phạm phải những lỗi sai triền miên trong ứng xử mỗi ngày? Kể ra bao nhiêu chuyện đáng buồn trên sẽ làm người đọc muộn phiền nếu như không bàn về giải pháp.

Trước khi nói cái lẽ khó nhất của mọi sự khó là thay đổi, xin nhấn mạnh rằng tại sao ngày xưa không thế? Không lẽ cứ cái gì hư lại đổ cho… kinh tế thị trường? Kinh tế thị trường là kẻ bị hàm oan, vu khống nhiều nhất trong cái thời lắm nỗi nhiễu nhương. Cái gốc của vấn đề nằm ở chỗ cái nền tạo nên xuất phát điểm thành… quan! Nếu quan chức được tuyển chọn kĩ càng, học chán học chê cho mòn ghế rách sách vở rồi mới thành quan thì chắc chắn sẽ bớt đi nhiều lắm những nỗi buồn. Đằng này, cứ đào tạo qua loa, gửi gắm nặng kí, cơ cấu bền vững thì chất lượng quan chức không giảm mới là chuyện lạ.

Điều tiếp theo, dù muốn hay không vẫn buộc phải thừa nhận rằng các chế tài của ta cũng là đầu mối góp phần đẩy đưa nhiều hệ lụy. Nếu phạt nặng, nghiêm, chính xác các lỗi ứng xử thì ai cũng phải thay đổi, ít hoặc nhiều.

Trong rất nhiều những biến chuyển mà 90 triệu người dân kì vọng, luôn có sự trông chờ vào sự thay đổi của bộ máy hành chính công. Bởi, các quan chức xã, phường, cảnh sát…, đích thực là bộ mặt của Nhà nước,  đó là cái "nhà nước" cụ thể nhất, thấy nhiều nhất, gần gũi và ảnh hưởng nhiều nhất đến cuộc sống của người dân.

Thật là hành phúc khi cả bộ máy đó đều chuyển động đến cái đích đổi mới để đất nước phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn…

Huế, 30.12.2015

Hà Văn Thịnh
.
.